Cổ Phật Giang Nam- Thiền Sư Trung Phong Minh Bổn (1263-1323)

Luận bàn lý, đạo/ Trung Phong Quảng Lục.

Lời nói đầu:

Pháp Ngữ của Thiền Sư Trung Phong Minh Bổn gồm có: 4 dễ và 4 khó.

Thế nào là 4 dễ: 1- Chính mình là Phật, 2- Vô Vi là Phật, 3- Vô trước không chấp, vô trú là Phật, 4- Vô cầu là Phật.

Thế nào là 4 khó: 1- Tín được là điều khó nhất, 2- Niêm được là điều khó thứ hai, 3- Ngộ được là điều khó thứ ba và 4- Tu được là điều khó thứ tư.

Ngài Trung Phong Minh Bổn (1263-1323) thiền sư Trung Quốc đời thứ 19, thuộc Dương Kỳ phái, Lâm Tế. Sư là đệ tử nối pháp vượt trội nhất của TS. Cao và có các đệ tử nối pháp như Thiên Như Duy Tắc, Thiên Nham Nguyên Trường Cuộc đời hoằng hóa của sư đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Tông Lâm Tế tại Trung Quốc và truyền bá sang Nhật, Sư cũng là người đã phát triển và hệ thống phương pháp tu tập Thiền thoại đầu.

Hành trạng

Sư họ Tôn quê ở Tiền Đường, Hàng Châu tỉnh Triết Giang Lúc còn nhỏ đã có chí hướng tu Phật , vào năm 9 tuổi thì mẹ mất.

Năm 15 tuổi, sư có ý muốn xuất gia. Một hôm sư xem quyển Truyền Đăng Lục đến công án Am-ma-la nữ hỏi Bồ Tát Văn Thù: ” Đã biết rõ sinh là lý bất sinh, tại sao lại bị sinh tử lưu chuyển? “ bèn khởi nghi tình rất sâu.

Sau, sư đến tham học với TS Cao Phong Nguyên Diệu nơi ngọn Sư Tử Nham trên núi Tây Thiên Mục. Thiền sư Cao Phong bình thường rất nghiêm khắc, khi nói chuyện, Ngài thường không để lộ biểu cảm nhưng khi thấy Sư, Ngài Cao Phong tỏ vẻ rất vui và cho sư xuống tóc xuất gia liền.

Một hôm sư đọc Kinh Kim Cang đến câu “Gánh vác việc Như-lai” liền có chổ thâm nhập. Sau đó, lúc đi dạo nhân nhìn thấy suối nước đang chảy mà tỏ ngộ, liền đến gặp ngài Cao Phong cầu ấn chứng, nhưng bị Cao Phong đánh một gậy, đuổi ra ngoài. Về sau, triều đình tuyển mộ thanh niên nam nữ, Sư hỏi Thiền sư Cao Phong: “Nếu có người đến hỏi hòa thượng bắt thanh niên nam nữ thì thầy sẽ chọn ai?” Ngài đáp: ” Ta cứ đưa cây trúc bề (thiền bản) cho họ “. Sư nghe câu này xong liền triệt ngộ và được Thiền sư Cao Phong ấn khả.

TS Cao Phong Nguyên Diệu trao cho Sư bức họa chân dung của mình và nói kệ phó chúc truyền pháp:

“Ngã tướng bất tư nghì
Phật, Tổ chẳng thể biết
Chỉ hứa thằng du côn
Được thấy nửa bên mũi”

Có người hỏi Thiền sư Cao Phong: “Trong các đệ tử của Ngài, ai hơn, ai kém?” Ngài đáp: “Thủ-tọa Nghĩa giống như là cây trúc già, nhưng vẫn còn bảy tám đốt cong. Chỉ Duy-na Bản(Minh Bản) mới thật là cây tre xuất sắc trong rừng tre. Sau này thành đạt không thể đếm được”.

Sau khi được ấn khả, Sư không định cư, trụ trì tại bất kỳ một ngôi chùa nào nhất định mà lúc thì sống ở trên thuyền, có khi trong túp lều tranh đơn sơ và tự xưng là Huyễn Trú Lão Nhân, nơi am tranh đặt bảng là Huyễn Trụ am.

Từng có rất nhiều vị tăng đến tham vấn và ngưỡng mộ gọi sư là Cổ Phật Giang Nam..

Sư được rất nhiều người đương thời tôn kính vì phong cách đơn giản, tu tập thiền thuần tuý của mình. Vua Nguyên Nhân Tông , kính mến và mời sư vào cung thuyết pháp nhưng sư từ chối nên vua ban y ca sa tơ vàng và phong danh hiệu Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền sư. Đến đời vua Nguyên Anh Tông cũng quy y theo Sư.

Nhiều vị Thiền sư Nhật đã đến nơi Sư tham học và trong số này trội hơn hết là Cổ Tiên Ấn Nguyên (1295-1374) và Cô Phong Giác Minh (1271-1361). Và những vị này khi trở lại Nhật hoằng pháp cũng giữ phong cách giản dị như Sư, lập am tranh đơn sơ để ẩn cư và không trú trì nhất định tại bất kỳ ngôi chùa nào.

Vào ngày 14 tháng 8 năm thứ 3 niên hiệu Chí Trị, Sư nói kệ từ biệt đại chúng rồi an nhiên tọa Thiền thị tịch, hưởng thọ 61 tuổi, chúng đệ tử xây tháp thờ nhục thân ở núi Thiên Mục. Vua Nguyên Văn Tông sắc phong thụy hiệu là Trí Giác Thiền Sư, đến đời vua Nguyên Thuận Tông ban thêm thụy hiệu là Phổ Ứng Quốc Sư.

Bài kệ thị tịch của Sư:
“Ta có một câu
Phó chúc đại chúng
Lại hỏi thế nào
Vốn chẳng căn cứ”

Tác phẩm của Sư lưu truyền trong đời rất nhiều, ví dụ như Trung Phong Quảng Lục, 3 quyển; Huyễn Trú Am Thanh Quy 1 quyển; Nhất Hoa Ngũ Diệp, 5 quyển… Quyển Trung Phong Pháp Ngữ và Tín Tâm Minh Tịch Giải Nghĩa của Sư đã được HT Thích Duy Lực dịch Việt.

Lời kết :

Được biết Sư thường dạy chúng rằng: “Nay người tham-thiền không được linh nghiệm là vì:

1. Không có chí khí chân thực như người xưa.
2. Không lấy sinh tử vô thường cho là việc lớn.
3. Tập khí từ nhiều kiếp đã không buông xuống được, lại không giữ được quyết tâm bền vững, không lui sụt.

Bệnh đó tại sao có? Đó chỉ vì không nhận biết được căn bản của sinh tử.

Như vậy cho thấy:
“Lời khai thị thống thiết đầy nhiệt tình của Cổ Phật Giang Nam, đã khiến Đạo, Tục ai hữu duyên nếu được nghe sẽ phấn chí tu hành”

Người viết xin có lời thơ sau:
“60 năm tuổi đời trải qua 5 triều đại
Tức duyên 15 tuổi …Sư phụ cho xuất gia liền
Đọc Truyền Đăng Lục, sinh tử …nhân duyên
Kinh Kim Cang khởi nghi tình…sơ ngộ
Nhờ cây thiết bản …ấn khả, nối pháp Tổ
Huyền ký Duy Na Bổn …giáo hoá nơi am tranh
Bốn dễ, bốn khó …hành giả thành đạt tâm thân
Được thiền sư Nhật, vua Nguyên Anh Tông quy y giới tử” ( thơ HH )

Sau đây là những sưu tầm và được ghi chép lại từ trong ngữ lục của Ngài Trung Phong Minh Bổn.

Luận Bàn Lý, Đạo.

Người học Đạo không ai không nói SANH TỬ LÀ VIỆC LỚN, nhưng khi được hỏi đến “Cái gì là Sanh Tử” thì mờ mịt không biết trả lời

Luận về việc lớn Sanh Tử, nếu chẳng biết Lý của Sanh Tử thì gia công học Đạo chỉ là vô ích!!!!!
Một người chỉ biết tham học mà không biết manh mối của Sinh Tử thì có thể nói “KHÔNG BIẾT HỌC ĐỂ LÀM GÌ?”. Còn nữa, nếu họ có miễn cưỡng thốt ra như sau “SANH CHẲNG BIẾT TỪ ĐÂU ĐẾN-CHẾT CHẲNG BIẾT ĐI VỀ ĐÂU“ thì đó là những lời nói ngông cuồng. Vì sao vậy ?

Phải chăng nếu có người biết chỗ đi và chỗ đến thì ngay chỗ biết đó chính là Sinh Tử vậy. Há có lý nào lấy sanh tử mà thoát được sanh tử ?

Cho nên điều quan trọng để ghi nhớ là :

“ SANH TỬ NGUYÊN KHÔNG CÓ THỂ TÁNH “

1- Khi Tâm còn mê lầm chạy theo luân hồi thì có Sanh Tử.

Lấy một ví dụ về Nước, khi nước lạnh dưới 0 độ thì hoá thành băng, những khi được nấu sôi trên 100 độ thì sẽ bốc thành hơi và khi độ lạnh không còn nữa thì băng tan trở lại thể nước, hoặc hơi tụ thành mây và đổ mưa

Do đó ta có thể nói: khi chất chứa sự si mê nơi Tâm thì kết sanh tử là vậy.

2- Khi Mê đã được chuyển thành Ngộ rồi thì TÂM THỂ TRẠM NHIÊN (như nước yên lặng trong suốt) lúc ấy muốn tìm sanh tử cũng giống như một người vừa ngủ thức dậy tìm lại những việc trong giấc mộng mà thôi.

Từ đó chỉ khi nào có NGỘ mới biết được rằng : SINH TỬ VỐN KHÔNG – NIẾT BÀN VỐN CÓ

Và nếu muốn liễu thoát sinh tử chỉ cần phải NGỘ TÂM, mà muốn Ngộ Tâm không gì quan trọng hơn hết là phải Lập Chí ( như một vách thành dựng cao hơn ngàn thước, dõng mãnh phòng thủ thành trì không cho giặc có thể xâm phạm.

NGỘ rồi thì chẳng những SANH TỬ KHÔNG TỊCH mà NIẾT BÀN cũng không có chỗ để đạt đến

Tâm chẳng Mê chẳng đọa sinh tử
Nghiệp chẳng buộc chẳng thọ hình hài
Ái chẳng nặng .chảy vào cõi Ta Bà
Niệm chẳng khởi chẳng sanh nghiệp lụy

Theo đó Ngài Trung Phong Minh Bổn đã dạy: “Do nhân mê mới khởi Vọng —- Do Vọng mới sanh Chấp” mà thường thì phàm phu vọng theo cái chấp đó nên có thói quen giận, ghét bừng bừng nổi dậy.

Tính yêu, ghét một khi phát tác thì dấu vết Sanh Tử động chuyển, trôi chảy đổi mới chẳng dừng, niệm niệm nối nhau (phải biết trong một sát na có đến 800 niệm khởi sanh sanh diệt diệt).

Học Đạo cần đủ 5 Chánh Tín.

1- Phải tin rằng: Cái Ông Chủ mừng, giận, buồn, vui trong Tâm của mình hoàn toàn cùng một thể với Chư Phật chẳng khác một mảy may.

2- Phải tin rằng: Từ Vô lượng kiếp đến nay, ta đã bị sắc, thanh, hương vị yêu ghét làm ô nhiễm và kết thành tập khí, lưu trú kết thành một thứ Sanh Tử vô thường từ trong thân tứ đại niệm niệm trôi chảy đổi mới không ngừng.

3- Phải tin rằng: Người xưa chỉ dạy “ Một lời nửa câu” nhưng sắc bén, sâu xa trau chuốt như đoạn Ỷ THIÊN KIẾM luôn luôn bức bách đến chỗ tận cùng để cắt đứt mạng căn của người học.

4- Phải tin rằng: Nếu công phu hằng ngày niệm niệm không ngừng tinh chuyên thì sẽ chắc chắn có một ngày được thấu thoát….(trừ phi không làm, hoặc khi làm không nghĩ).

5- Phải tin rằng: Sinh tử vô thường chẳng phải là việc nhỏ. Nếu chẳng phấn chí quyết định để mong đọc thoát thì không có cách nào để tự mình thoát khỏi cái khổ của tam đồ (địa ngục, ngại quỷ, súc sanh).

Ba Pháp để tiến Đạo.

Đó là 1-MẮT HUỆ SÁNG, 2- LÝ TÁNH THÔNG, 3-CHÍ KIÊN CỐ .

** Thế nào là MẮT HUỆ SÁNG có nghĩa là phải chiếu phá được Cảnh Giới Hiện Lương, Thân Tâm Thế Gian (gồm tất cả thị phi, yêu, ghét, lấy, bỏ, được, mất, giàu,nghèo, thọ yểu, khổ vui) đều xem là huyễn mộng, trọn không thật nghĩa mà chẳng khởi phân biệt.

** LÝ TÁNH THÔNG nghĩa là đối với ngữ ngôn danh tướng của Phật Tổ từ thuở xa xưa nói ra cho đến pháp yếu sai biệt của Thánh Hiền trong Tam Giáo và Bách Gia chư tử đều hội quy về một nguồn chẳng sanh dị kiến.

** CHÍ KIÊN CỐ là thề quyết một lòng từ ngày hôm nay cho đến tận đời vị lai chẳng hỏi gần xa, nếu chẳng triệt chứng quyết định chẳng thối.

Ta sẽ nghe lời dạy của Ngài rất chí tình và thống thiết khi biết rằng: ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG ĐI XA NGÀN DẶM phải cần đầy đủ hết thảy ba pháp vì nếu thiếu một hoặc hai của Ba Pháp này ta sẽ ở vào ba trường hợp sau:

1- Nếu đủ pháp thứ nhất mà thiếu pháp thứ hai và thứ ba thì chỉ trở thành một Người Vô Sự ( chỉ đi được 900 dặm rồi ngừng ở đấy ).

2- Nếu đủ pháp thứ hai mà thiếu pháp thứ nhất và thứ ba chẳng phải khóc lóc vì lối rẽ vì có bản tính một người rất lạnh lợi .

3- Nếu đủ pháp thứ ba mà thiếu pháp thứ nhất và thứ hai thì người ấy chỉ là người vác bảng (gánh nặng hạ thủ công phu mà chẳng biết đường lối nào để đi) khi chạm vật thì bị vướng kẹt.

Kính xin mượn lời tán dương của Hoà Thượng Hư Vân về Ngài Trung Phong Minh Bổn qua Việt dịch của HT Thích Minh Cảnh:

“Hàng Châu đất Phật lắm tăng tài
Cửa pháp tượng long khắp chốn khai
Quán suối nước trong cầu ấn chứng
Nhìn non rừng thẳm hoá công bày
Tuổi thơ nhập đạo tâm luôn vững
Hào kiệt xuất gia tỉnh giác ngay
Thiên tử thỉnh cầu truyền giáo pháp
Lão tăng vun gậy đuổi ra ngoài”

Huệ Hương ( Sưu tầm trên mạng và từ tập sách của HT Thích Duy Lực )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.