Thuyết Bốn Ðế – Phần II

9. TỔNG KẾT BÀI NGHIỆP–TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHIỆP VÀ BÀI HỌC NGHIỆP

Nghiệp chính là nguyên động lực khiến cho chúng sanh luân hồi trong ba cõi. Vì vậy mà trong kinh nói: “Thế gian dựa vào nghiệp mà chuyển, chúng sanh dựa vào nghiệp mà chuyển, chúngsanh bị nghiệp ràng buộc, giống như bánh xe dựa vào trục mà quay” (chuyển dẫn từ cuốn “Câu xá luân tụng giảng ký” tr. 215: Thế gian y nghiệp nhi chuyển, hữu tình y nghiệp nhi chuyển, hữu tình vi nghiệp sở triền, như xa y trục nhi hành.)

Cũng về tầm quan trọng của nghiệp, Kinh “Tiểu nghiệp phân biệt” (Trung bộ Kinh III.) viết như sau:

“Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu”.

Đoạn trên của bản Hán dịch viết như sau:

“Hữu tình dĩ nghiệp vi tự thể, vi nghiệp chi sở tương tục giả, dĩ nghiệp vi mẫu thai, dĩ nghiệp vi quyến thuộc, dĩ nghiệp vi sở vi giả. Phàm thử thượng hạ chi khu biệt, quân vi nghiệp sở chi phối”.

(Chuyển dẫn từ cuốn “Câu xá luân giảng ký” quyển trung tr. 125)

Tuy nội dung hai bản có khác nhau đôi chút, nhưng đều nhất trí về tầm quan trọng của nghiệp. Cái gọi là sinh mạng của chúng ta, kể cả chúng ta là loài người, chủ thể của nó chính là nghiệp. Nghiệp mới là cái bào thai đích thực sinh ra loài hữu tình. Tinh trùng của người cha, trứng của người mẹ bất quá chỉ là cái môi vật chất của nghiệp. Chính cái thần thức mang theo nghiệp (vì vậy mà cũng gọi là nghiệp thức hay kiết sanh thức) đã đi vào bụng người mẹ. Loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, vì chính mình đã tạo ra nghiệp, nhưng cũng là kẻ thừa tự, chịu kết quả của nghiệp nhân đã tạo ra. Nghiệp không bao giờ tách rời chúng sanh, cho nên gọi là quyến thuộc. Chính do nghiệp tạo ra có thiện có ác, mà chúng sanh cũng có sự phân biệt kẻ sung sướng, kẻ đau khổ, người bần tiện, người giàu sang.

Chính sự khác biệt về nghiệp giữa các loài hữu tình, cũng như giữa loài người với nhau tạo ra sự khác biệt về thân phận cũng như cảnh ngộ trên thế gian này. Luận Câu Xá viết:

“Thế biệt do nghiệp sanh”
(Thế gian có sự khác biệt là do nghiệp)

Sự khác biệt đó không phải là do số phận, cũng không phải là do Thần hay Thượng Đế định đoạt, càng không phải do ngẫu nhiên, mà chính là do nghiệp nhân của mỗi chúng sanh tạo ra từ trong các đời trước có khác nhau.

Trong Kinh có câu: “nghiệp hữu thiện ác, quả phân tịnh uế”
Nghĩa: nghiệp có thiện ác, thì quả báo có chia ra thanh tịnh hay là nhơ bẩn khác biệt nhau.

Điều nên chú ý là, mọi nghiệp đều phải qua một thời gian nhất định, có đủ nhân đủ duyên thì nghiệp mới chín mùi: Có người đời trước tạo nghiệp nhân ác, đời này tuy tu tỉnh tạo nhiều nghiệp thiện, nhưng cảnh ngộ vẫn bất hạnh, nhưng vì hiện tại biết tu tỉnh, thường xuyên làm thiện cho nên nội tâm vẫn an lạc. Trường hợp trái ngược với trường hợp trên là có người, do đời trước tạo nghiệp thiện cho nên đời này gặp cảnh ngộ sung sướng, nhưng lại không biết tu tập, hiện tại chuyên tạo nghiệp ác, thì nội tâm anh ta vẫn đau khổ, không an lạc. Chính hai trường hợp trái ngược nhau trên khiến cho người bình thường không hiểu, cho nên không tin ở thuyết nghiệp. Còn tất nhiên, có người đời trước tạo nghiệp ác, đời này có cuộc sống bất hạnh, lại không tu tỉnh, cứ tiếp tục theo đà tạo nghiệp ác, cho nên cả cảnh ngộ bên ngoài và nội tâm bên trong đều đau khổ. Lại có người, đời trước tạo nghiệp thiện, đời này tiếp tục tạo nghiệp thiện, cho nên cả cảnh ngộ bên ngoài và đời sống nội tâm bên trong đều an lạc, sung sướng.

Thuyết nghiệp của Phật giáo không phải là thuyết định mệnh:

Khi khẳng định nghiệp không phải là định mệnh, Phật giáo mặc nhiên chủ trương, người tuy tạo ra nghiệp, là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nhưng quyết không phải là nô lệ của nghiệp. Đối với nghiệp quá khứ đã tạo ra, con người quyết không có thái độ tiêu cực như Kiều, trong truyện thơ của Nguyễn Du:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

Nhờ hiểu rõ nghiệp là gì, cơ chế vận hành của nghiệp ra sao, con người có thể chuyển nghiệp quá khứ, hạn chế nó, thậm chí triệt tiêu nó.

Phật nói:

“Này các Tỳ Kheo, nếu có người nào đó nói một người phải chịu quả báo theo đúng hành vi của anh ta, thì trong trường hợp đó, này các Tỳ Kheo, sẽ không có đời sống tôn giáo, sẽ không có cơ may để đoạn trừ toàn bộ khổ não. Nhưng này các Tỳ Kheo, nếu có người nào đó nói rằng quả báo mà một người chịu, thích ứng với hành vi của anh ta làm thì trong trường hợp đó, này các Tỳ Kheo, có đời sống tôn giáo, có cơ may để đoạn trừ toàn bộ khổ não”.

(Tăng chi I, 284-290)

Nói giản đơn một cách khác, một người tạo ra các nghiệp ác. Nếu anh ta biết thực thà hối lỗi, cãi tà quy chánh, tích cực làm các điều thiện, điều lành, thì dần dần những nghiệp thiện mới được anh ta làm có khả năng đối trị, hạn chế, thậm chí triệt tiêu những nghiệp ác cũ đã làm trước đây.

Trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, đã từng có trường hợp của Angulimala, một tướng cướp đã giết nhiều người, về sau được Phật giác ngộ, cho phép xuất gia và trở thành A La Hán. Trường hợp của Ambapali, một dâm nữ tài sắc và giàu có ở thành Vaisali cũng được Phật giác ngộ, về sau cũng xuất gia làm Tỳ Kheo ni, và trở thành A La Hán.

Chồng chất tội ác nặng nề như Angulimala, quá nửa đời đam mê dục lạc vật chất và xác thịt như Ambapali, nghiệp bất thiện của họ thực là cao hơn núi, sâu hơn biển, thế mà họ vẫn hối cãi được xuất gia tu hành và trở thành bậc thánh.

Subhata là tu sĩ ngoại đạo ở Kusinagra, nơi Phật nhập Niết Bàn, khi ông đã 120 tuổi, thì được duyên lành gặp Phật, nghe Phật thuyết pháp, được Phật cho thọ đại giới, và ngay đêm hôm đó chứng quả A La Hán và nhập Niết Bàn trước Phật.

Tu sĩ ngoại đạo thường có nhiều tà kiến lại hay cố chấp, thế mà sau khi thành tâm quy y Phật, được xuất gia làm tăng, tinh tấn tu hành chỉ trong vài giờ là chứng được quả Thánh.

Những ví dụ sinh động nói trên à bằng chứng cho thấy con người chỉ thụ động chịu quả báo của nghiệp, khi chưa được giác ngộ, chưa hiểu nghiệp là gì, chưa nắm được cơ chế vận hành của nghiệp. Còn đối với người có kiến thức đúng đắn về nghiệp, nắm vững cơ chế vận hành của nghiệp, thì sẽ thực sự là chủ nhân của nghiệp, chứ không phải là nô lệ của nghiệp.

Thể của nghiệp là tư tâm sở là chỗ dụng tâm của người trước khi hành động ở nơi thân, lời nói hay ý nghĩ. Với dụng tâm cao cả, thuần thiện, thì mọi hành động của chúng ta dù bề ngoài có vẻ tầm thường, đều trở thành cao cả, thuần thiện và có tác dụng to lớn đối với bản thân chúng ta cũng như đối với người khác. Trái lại, với một dụng tâm nhỏ hẹp, vị kỷ, xuất phát từ tham, sân, si thì mọi hành vi của chúng ta dù bề ngoài có cao thượng đến đâu cũng thực sự chỉ là rất tầm thường, không có giá trị hay chỉ có giá trị ít ỏi mà thôi.

Đó là bài học của kinh Hạt Muối (Tăng chi I, 284-85-86-87-88…). Trong kinh, Phật đã khéo dùng ảnh dụ hạt muối để so sánh hai trường hợp, một nhúm muối nhỏ bỏ vào chén nước nhỏ làm cho nước trong chén hóa mặn không uống được, nhưng cũng một nhúm muối như vậy, nếu bỏ vào sông Hằng thì nước sông Hằng vẫn không bị mặn, vẫn có thể uống được. Cũng như vậy, đối với một người có tâm địa nhỏ hẹp như chén nước nhỏ, không tu tập tâm, giới, đức, thì một nghiệp ác nhỏ cũng đủ làm cho người đó khổ sở đến mức không chịu được. Nhưng đối với một người có tu tập tâm, giới, đức, tâm địa rộng lớn như sông Hằng, thì một nghiệp nhân ác nhỏ tương tự tuy có ảnh hưởng, nhưng vẫn không làm anh ta đau khổ đến mức không chịu được. Cũng như một người chỉ nợ một đồng tiền, năm đồng cho tới một trăm đồng, mà phải ngồi tù, bởi vì quá nghèo không thể trả được. Một người khác cũng nợ một đồng tiền, năm đồng cho đến một trăm đồng, nhưng không ngồi tù vì anh ta giàu có nợ bao nhiêu cũng trả hết bấy nhiêu.

Có thể nói, kinh Hạt Muối cung cấp cho chúng ta cái bí quyết không những để hạn chế, triệt tiêu nghiệp ác quá khứ, mà còn làm cho mỗi hành động của chúng ta, ở nơi thân lời nói hay ý nghĩ, phát huy được hiệu lực tối đa và tốt đẹp nhứt đối với tương lai của bản thân và của xã hội. Tất cả vấn đề là ở chỗ chúng ta có hay không tu tập tâm, mở rộng tâm từ vị kỷ đến vị tha, từ nhỏ hẹp đến rộng lớn, nghĩa là như lời Phật dạy, phải tự tịnh kỳ ý, làm cho tâm mình trở thành thuần tịnh, trongsáng, cỡi mở thực sự, rộng lớn thực sự. Như trong các kinh Nguyên thủy, khuyến cáo tu tập bốn vô lượng tâm: từ bi, hỷ xả, hay như trong kinh Kim Cang, Phật khuyến cáo các vị Bồ Tát hãy lấy cái tâm không trú tướng để thực hành bố thí, vì bố thí như vậy, sẽ có công đức vô lượng.

Phật giáo đại thừa sở dĩ có sức hấp dẫn mạnh mẽ chính vì nó khuyến cáo mọi người phát tâm bồ đề rộng lớn, phát hạnh nguyện rộng lớn, độ cho tất cả chúng sanh cùng với mình trọn thành quả giác ngộ và giải thóat vô thượng tức là quả Phật. Với tâm bồ đề rộng lớn đó, với hạnh nguyện to tát vĩ đại đó, như các hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Phổ Hiền, thì sẽ không có sự nghiệp gì dù khó khăn đến đâu mà Bồ Tát không thành tựu được viên mãn. Chứ đừng nói gì những nghiệp thân ác đã làm từ trước, chúng cũng sẽ hòa tan vào cái tâm vô lượng đó, như nhúm muối bị hòa tan vào nước sông Hằng.

Nghiệp không phải là định mệnh nếu hiểu biết cơ chế của nghiệp, và với tâm được tu tập, trở thành cao cả rộng lớn, con người hoàn toàn có thể hạn chế tiến tới triệt tiêu nghiệp quá khứ. Tôi nghĩ rằng, một số kinh luận đã quá nhấn mạnh tính bất khả kháng của nghiệp, với mục đích răn dạy chúng sanh đừng có tạo nghiệp ác, khiến cho một số người hiểu lầm, tưởng rằng đạo Phật chủ trương thuyết định nghiệp. Như câu trích dẫn sau đây, của cuốn “Đại trí độ luận”:

“ Nghiệp lực là lớn hơn cả, không gì so sánh được trong thế giới, như người chủ nợ, đeo đuổi người không tha, quả báo của các nghiệp, không có người nào chuyển biến được, cũng không nơi nào trốn tránh được”.

(Nghiệp lực vi tối đại, thế giới trung vô tỉ, thí như trái vật chủ, truy trục nhân bất trí, thị chư nghiệp quả báo, vô hữu năng chuyển giả, diệc vô đào tỵ xứ).

Rõ ràng câu trích trên của “Đại trí độ luận” phần nào cường điệu tính bất khả kháng của thuyết nghiệp của đạo Phật. Rất có thể Bồ Tát Long Thọ đã nói như vậy nhằm mục đích răn dạy người đừng có tạo nghiệp ác mà thôi.

Bài học của nghiệp

Càng học hiểu thuyết nghiệp, chúng ta càng thấy rõ hơn nhiều vấn đề trong cuộc sống, xảy ra cho chúng ta, cho mọi người, cho đất nước, cho thế giới, mà trước kia vốn đã từng làm chúng ta phân vân, không lý giải được.

Vâng, tất cả đều do biệt nghiệp (đối với mình), hay cộng nghiệp (đối với xã hội, quốc gia và thế giới). Thế giới xã hội có muôn vàn sai biệt, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, sung sướng hay đau khổ, văn minh tiên tiến hay lạc hậu, tất cả đều do nghiệp, đúng như câu tụng mở đầu phẩm nghiệp của Luận câu Xá:

“Thế biệt do nghiệp sanh”
Nghĩa là thế giới có sai biệt là do nghiệp sanh ra.

Từ đó, bài học thứ nhứt mà thuyết nghiệp của đạo Phật dạy chúng ta là bài học nhẫn nại và bình thản. Một việc gì không may xảy ra cho mình đều chỉ là một sự trả giá công bằng cho một nghiệp nhân bất thiện mà chúng ta đã làm từ trước. Ta đã làm thì ta chịu. Trả xong thì hết nợ, cả thân và tâm đều thanh thản. Gặp việc may mắn, chúng ta cũng khhông vui mừng thái quá đến mất tỉnh táo. Bất quá, cũng như chúng ta tiêu xài một số tiền đã dành dụm được từ trước. Nếu chúng ta không siêng năng tiếp tục làm điều thiện, thì sẽ có ngày kết vốn, và sự đau khổ sẽ chờ đợi chúng ta. Gọi là vào cầu, vận đen hay đỏ, chỉ là sự vận hành của cơ chế nhân quả nghiệp báo mà thôi, một cơ chế tuyệt đối công bằng. Đúng như câu của Lão Tử:

“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”
Lưới trời mang mang, tuy thưa mà không bỏ sót
Bài học thứ hai là bài học của niềm tin và nỗ lực tối đa.

Tin chân chánh là gốc của mọi điều thiện, vì vậy mà sách Phật gọi là tín căn (gốc tin). Tin chân chánh là sức mạnh, giúp làm mọi điều thiện, vì vậy sách Phật nói tín lực (sức mạnh của tin). Niềm tin chân chính vào thuyết nghiệp của đạo Phật thúc đẩy chúng ta làm việc hết mình, sống hết mình vì lý tưởng cao cả độ mình, và độ người, và làm tất cả mọi việc có thể làm được vì lý tưởng cao cả đó. Một khi đã phát tâm bồ đề vô lượng, thì mọi việc làm của chúng ta đều có giá trị vô lượng, đối vi cả hai mặt biệt nghiệp và cộng nghiệp, đối với bản thân, cũng như đối với xã hội quốc gia dân tộc, và nhân loại thế giới.

Bài học thứ ba là bài học về tỉnh giác và tinh thần trách nhiệm.

Chỉ có người không hiểu thuyết nghiệp của đạo Phật mới sống buông thả, phóng dật, không tỉnh giác đối với mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, không biết rằng mỗi suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, đều có tác động đến bản thân, gia đình, xã hội hoặc là ngay trong hiện tại, hoặc là về sau này.

Người có hiểu biết về thuyết nghiệp của đạo Phật, sẽ luôn luôn tỉnh giác và có ý thức trách nhiệm cao đối với mọi hành vi của mình, đến ảnh hưởng lớn hay nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp, hiện nay hay về sau của những hànhvi đó, đối với bản thân và đối với xã hội.

Trên đây là bài học của thuyết nghiệp của đạo Phật. Đây không phải là lý thuyết, mà là bài học của cuộc sống, bài học có giá trị thiết thực hiện tại đối với cuộc sống của mỗi chúng ta.

Minh Chi – Cư sĩ Mỹ Hồ sưu tầm và đánh máy

http://www.buddhismtoday

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.