Phụ lục của phần B:
B.1 Kinh hạt muối:
Phật nói:
– Ví như này, hỡi các Tỳ Kheo có người bỏ một nhúm muối vào một chén nước nhỏ, này các Tỳ Kheo, các người nghĩ thế nào, nước trong chén nhỏ có vì nhúm muối nhỏ này mà trở thành mặn và không uống được hay không?
– Thưa có vậy, Bạch Thế Tôn!
– Vì cớ sao?
– Bạch Thế Tôn, vì nước trong chén quá ít, nhúm muối làm cho nó trở thành mặn, không uống được.
– Này các Tỳ Kheo, ví như có một người bỏ một nhúm muối như vậy vào sông Hằng, hỡi các Tỳ Kheo, các người nghĩ thế nào? Nước sông Hằng có vì nhúm muối đó mà trở thành không uống được hay không?
– Thưa không, Bạch Thế Tôn.
– Vì cớ sao?
– Bạch Thế Tôn vì lượng nước sông Hằng lớn, cho nên không bị mặn và vẫn có thể uống được.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo! Ở đây có người làm việc ác nhỏ mọn, khiến người ấy chịu khổ não. Lại này nữa các Tỳ Kheo, có người cũng làm một việc nhỏ như vậy, nhưng ngay trong đời sống hiện tại, cũng đền bù hết rồi, ngay một ít quả báo nhỏ cũng không còn lại ở đời sau, hà huống là quả báo lớn…
Như vậy, này các Tỳ Kheo! Có người không tu tập thân, không giữ giới luật, không tu tập tâm, không tu tập huệ, ít thiện, ít đức, hằng ngày sống khổ, người như thế, dù phạm một tội ác nhỏ cũng làm nó khổ sở vô cùng.
Như vậy, này các Tỳ Kheo! Lại như có người có tu tập thân, giữ gìn giới luật, có tu tập tâm, tu tập tuệ, làm nhiều điều thiện, sinh hoạt thoải mái, người ấy dù có phạm một tội ác nhỏ, thì ngay trong cuộc sống hiện tại, cũng đủ đền bù hết, dù một quả báo nhỏ cũng không phải chịu trong đời sống sau, huống hồ là quả báo lớn.
Này các Tỳ Kheo! Ví như có người vì bị phạt nửa đồng tiền, một đồng tiền, 100 đồng tiền mà phải vào tù. Lại có một người cũng bị phạt nửa đồng tiền, một đồng tiền, hay 100 đồng tiền nhưng không phải vào tù.
Này các Tỳ Kheo! Bị phạt nửa đồng tiền, một đồng tiền, 100 đồng tiền mà phải vào tù là ai đó?
Này các Tỳ Kheo! Người nào bần cùng, người đó không đủ sống, cho nên chỉ vì bị phạt nửa đồng tiền, một đồng tiền, 100 đồng tiền mà phải vào tù.
Này các Tỳ Kheo! Bị phạt nửa đồng tiền, một đồng tiền, 100 đồng tiền mà không phải vào tù, là ai vậy? Này các Tỳ Kheo! Người giàu có, tiền của dư dật, thì dù bị phạt nửa đồng tiền, một đồng đến 100 đồng tiền (anh ta nộp phạt dễ dàng), cũng không phải vào tù.
Như vậy, này các Tỳ Kheo, có một người phạm một chút ác nhỏ mà khỗ não. Lại nữa, này các Tỳ Kheo, có một người cũng phạm một chút ác nhỏ như vậy, nhưng trong cuộc sống hiện tại cũng đủ đền bù rồi, không còn chịu quả báo ở đời sau, dù là nhỏ, chứ đừng nói gì một quả báo lớn.
(Tăng Nhứt A Hàm–bản Hán)
(Tham khảo thêm bản dịch từ Pàli trong Tăng Chi I, Kinh Pàli, trang 284-290)
B.2 Hoặc duyên với nghiệp mà tạo ra sanh tử, sầu, bi khổ não
DUYÊN KHỞI
Từ Pàli là Pratiya-samutpada, từ Sanskrit là paticca-samuppada. Nghĩa là y duyên mà sanh khởi lên. Duyên là nhân duyên, cũng như hiện nay nói điều kiện. Theo đạo Phật, tất cả mọi hiện tượng, sự vật ở thế gian này sở dĩ tồn tại như vậy diễn biến như vậy là do có những điều kiện nhứt định.
Trong sách Phật, thường có những câu hay đoạn câu: mọi pháp đều nhơn duyên sanh, đều có tính duyên khởi, đều là y tha khởi; ý nói, mọi pháp (tức mọi sự vật, mọi hiện tượng và quá trình) trong thế gian này không thể tự mình tồn tại được mà dựa vào nhiều nhơn, nhiều duyên để tồn tại. Từ y tha nghĩa là dựa vào y vào nhân duyên.
Mọi sự vật ở thế gian này đều biến động vô thường, nhưng sự biến động vô thường ấy không phải là tự nhiên, hay ngẫu nhiên mà theo quy luật, tức là quy luật nhơn duyên sinh. Đó là một sự biến động có điều kiện (nhơn duyên).
Bậc Thánh giác ngộ là giác ngộ về những điều kiện diễn biến của sự vật, hiện tượng và quá trình trên thế gian này. Bậc Thánh chỉ bày cho chúng ta thấy rõ những điều kiện ấy, để chúng ta có thể chủ động đối với chúng, chi phối chúng, thay vì để chúng chi phối ta, sai sử chúng ta.
Ý nghĩa cơ bản của duyên khởi:
Ý nghĩa cơ bản của duyên khởi ở trong câu:
“Cái này có cho nên cái kia có,
Cái nàysinh, cho nên cái kia sinh,
Cái này không có cho nên cái kia không có,
Cái này diệt cho nên cái kia diệt”.
Hay là trong câu:
“Các pháp do nhơn duyên sinh mà sinh, cũng do nhơn duyên diệt mà diệt”.
Thuyết duyên khởi có tầm quan trọng hàng đầu đối với Phật Pháp cho nên có đoạn kinh đồng nhứt thuyết duyên khởi với Phật Pháp:
“Thấy Phật Pháp tức là thấy duyên khởi, thấy duyên khởi tức là thấy Phật Pháp”.
Thuyết duyên khởi dù là Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Ấn Độ hay Phật Giáo Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, được xem như tư tưởng cơ bản của Phật giáo, là chủ thuyết khu biệt Phật giáo với các tín ngưỡng khác, hệ tư tưởng khác.
Thuyết duyên khởi nói chung và thuyết duyên khởi giá trị:
Quan hệ duyên khởi là quan hệ thời gian, không gian và quan hệ logic của mọi hiện tượng, sự vật trong thế giới, vũ trụ. Phật giáo, khi khảo sát những mối quan hệ đó, không ở ngoài mục đích tìm hiểu ý nghĩa cứu kính của nhơn sinh, nhằm trả lời câu hỏi: “Vì sao con người lại tồn tại trên thế gian này, vì sao con người phải già, bịnh và chết, chịu nhiều đau khổ? Khi nói thuyết duyên khởi giá trị là nói thuyết Duyên khởi nhằm tìm hiểu giá trị của nhân sanh, cũng gọi là thuyết Nội duyên khởi.
Còn thuyết Duyên khởi nói chung có tính chất bao trùm hơn, phổ quát hơn. Nó không những áp dụngcho vấn đề nhân sinh, mà cả cho toàn bộ hiện tượng, sự vật và quá trình xảy ra trên thế gian và trong vũ trụ này. Định đề cơ bản của nó, như đã nói trên là:
Cái này có thì cái kia có,
Cái này sinh thì cái kia sinh,
Cái này không có thì cái kia không có,
Cái này diệt thì cái kia diệt…
Tính phức tạp của thuyết duyên khởi (giá trị)
Quan hệ duyên khởi vô cùng phức tạp. Theo quan điểm Phật giáo, mỗi con người, ngay sau khi lọt lòng mẹ, đã là một tổng hòa của toàn bộ kinh nghiệm quá khứ mà con người đã trải qua trong nhiều cuộc sống trước. Những kinh nghiệm đó không có mất đi với thời gian, mà lưu lại dấu vết trong thức A lại gia của con người đó, từ đời này sang đời khác. Rồi sau khi lọt lòng mẹ, con người chịu sự tác động của gia đình, trường học, xã hội… Tất cả những kinh nghiệm tiếp xúc đó cũng không mất đi, mà vẫn tích lủy tiếp tục trong thức A lại gia của con người đó, tạo ra cái gọi là nhân cách của con người đó.
Con người sống trong một hoàn cảnh, một môi trường nhứt định, con người chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, đồng thời cũng ảnh hưởng trở lại hoàn cảnh. Điều này đúng không những đối với mặt đạo đức, mà cả về các mặt như thức ăn, đồ uống, đồ mặc, nơi ở… Qua phân tích kinh tế, chúng ta thấy rất rõ, cuộc sống dù là rất bình thường của một cá nhân chỉ có thể tồn tại và tiếp tục, với sự hỗ trợ của biết bao điều kiện, nào nguyên liệu, nhiên liệu, công lao động, vận tải, không những trong nước mà cả ngoài nước nữa. Để có một gói mì ăn liền, phải có nguyên liệu bột mì nhập, có cả một nhà máy kéo mì sợi, bột gia vị, giấy bao bì, phương tiện vận tải để chuyển những gói mì thành phẩm đến người tiêu thụ, thông qua một mạng lưới cửa hàng bán buôn, bán lẻ rải rác khắp cả nước, không kể chi phí quảng cáo và một loạt các chi phí khác có liên quan. Đó là nói chuyện một gói mì ăn buổi sáng, giá bán không tới một nghìn. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta còn cần bao nhiêu thứ khác còn phức tạp hơn.
Trong lãnh vực văn hóa giáo dục, các mối quan hệ chằng chịt, đan chen lại càng phức tạp hơn: quan hệ truyền thống văn hóa quá khứ ở trong nước và quốc tế, quan hệ với các ngành giáo dục, in ấn, tuyên truyền, xuất bản…
Có thể nói sự tồn tại và phát triển của bản thân chúng ta có liên quan mật thiết và phức tạp với quá khứ , với xã hội và thế giới. Đó chính là chủ thuyết pháp giới trùng trùng duyên khởi của Tôn Hoa Nghiêm nổi tiếng. Nó cụ thể hóa quan điểm Phật giáo: “Một là tất cả, tất cả là một” (nhứt túc nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt).
Biểu minh họa thuyết duyên khởi nói chung và thuyết duyên khởi giá trị
Thuyết duyên khởi nói chung:
Cái này sinh thì cái kia sinh: quan hệ thời gian
Cái này diệt thì cái kia diệt (các hạnh vô thường)
Cái này có thì cái kia có: quan hệ không gian logic
Cái này không có thì cái kia không có
Thuyết duyên khởi giá trị: Cũng gọi là nội duyên khởi.
(12 nhơn duyên và bốn đế)
Duyên vô minh, có hành (khổ quả)
Duyên hành có thức lưu chuyển (tất cả các hành là khổ (nhân) tập)
Duyên sanh có già chết… với tất cả mọi khổ não kèm theo.
Vô minh diệt cho nên hành diệt
Hành diệt nên thức diệt (Diệt (quả) Niết bàn vắng lặng)
Sanh bị diệt cho nên già chết cũng diệt: (Đạo (nhân))
Qua biểu trên, thấy: Vế “cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”… nói lên quan hệ thời gian trước sau. Còn, vế : “cái này có thì cái kia có, cái này khỏng có thì cái kia không có”, nói lên quan hệ không gian và quan hệ logic.
“Các hành đều là khổ” nói lên mặt trái của giá trị, mặt mê vọng luân hồi. “Niết bàn vắng lặng”, nói lên mặt phải, mặt chính diện của giá trị, mặt giác ngộ và an lạc.
Các câu duyên vô minh có hành, duyên hành có thức… duyên sanh, có già chết… đó là chuỗi duyên khởi của mê vọng luân hồi.
Các câu vô minh diệt cho nên hành diệt, hành diệt cho nên thức diệt… là chuỗi duyên khởi của giác ngộ và giải thoát.
Trong bốn đế thì hai đế khổ và tập là quan hệ nhơn quả dẫn tới lưu chuyển trong vòng mê vọng luân hồi. Hai đế diệt và đạo là quan hệ nhơn quả dẫn tới giác ngộ và giải thoát. Do dó, bốn đế eũng thuộc phạm vi thuyết duyên khởi: lưu chuyển duyên khởi và giải thoát duyên khởi.