Khi nói các pháp là vô thường, là nói các pháp luôn luôn trong từng giây phút một, từng sátna một biến đổi, không bao giờ đứng yên, không bao giờ trú, dù chỉ trong giây tấc, vì vậy mà ngài Huệ Năng đưa ra khái niệm vô tướng, vô trú, vô niệm là thực tướng của tất cả các pháp dù là sắc pháp hay tâm pháp. Ðã là vô trú thì các pháp sanh rồi diệt ngay rồi sanh trở lại để diệt ngay. Có thể nói đó là sanh diệt tức thời, mà sanh diệt tức thời chính đồng nghĩa với bất sanh bất diệt. Bởi vì sanh là bất diệt, diệt là bất sanh.
Chính vì lẽ đó mà trong kinh Duy Ma Cật, ngài Duy ma Cật nói với tôn giả Ca chiên Diên rằng : “Chớ lấy tâm sanh diệt mà bàn thực tướng của các pháp. Này Ca chiên Diên! Các pháp cứu kính là bất sanh bất diệt, đó là nghĩa của vô thường”.
(Chư pháp bất sanh bất diệt thị vô thường nghĩa)
Vì sao lại nói câu trái thường như vậy? Bởi vì các phép chỉ có thể biến đổi vô thưòng, nếu chúng là không có thực thể, không có tự tánh, tức là không, mà không là đồng nghĩa với bất sanh bất diệt.
Ngài Cưu Ma La Thập, khi sớ giải kinh Duy Ma Cật đã bình luận đoạn này như sau :
“Khi nói không, trước hết nói vô thường. Vô thường là sơ môn của không. Sô môn gọi là vô thưòng, cứu kính gọi là không. Vô thưòng với không là đồng nghĩa. Chỉ khác nhau ở chỗ tế và thô, sâu và cạn. Sao lại nói như vậy? Nói vô thưòng là niệm niệm bất trú. Tuy nói bất trú mà không rõ nghĩa vô trú. Ðó là nghĩa thô của vô thường. Là nói chưa hết lẽ, chưa cùng lý. Trú mà không trú, tức là diệt. Ðó là chân nghĩa của vô thưòng. Trú là hữu, vô trú là vô hữu, là tất cánh không, là bất sanh bất diệt là nghĩa sâu xa của vô thưòng cho nên nói tất cánh không (bất sanh bất diệt) là nghĩa vô thường” (Sớ kinh Duy Ma, quyển III).
Nói tóm lại :
1) Vô thường là biến động liên tục, không trú lại dừng lại, dù trong giây tấc.
2) Tướng vô trú đó là liên tục, nghĩa là luôn luôn vô trú.
3) Trú là tồn tại, không trú nghĩa là không tồn tại.
4) Các pháp đã là vô trú, tức là sanh diệt tức thời, có thể nói là sanh diệt đồng thời. Mà sanh diệt tức thời, cũng không khác gì bất sanh bất diệt. Bởi vì sanh là bất diệt, diệt là bất sanh. Cho nên sanh diệt tức thời đồng nghĩa với bất diệt bất sanh. Ðó chính là chân nghĩa của vô thường.
Chính dưới ánh sáng của sự giải thích của Ngài Cưu Ma la Thập chúng ta mới hiểu được câu trái thường của Duy ma Cật: “Các pháp cứu kính bất sanh bất diệt là nghĩa vô thường”, cũng như câu của Long Thọ “Sanh tử tức Niết Bàn”.
Quán vô thường như Long Thọ mới thực là sâu sắc triệt để, và có quán như vậy mới ly tham được, mới thực sự được giải thoát, không còn chấp thủ, vướng mắc.
Niết Bàn của Ðại Thừa giáo : (Niết Bàn của Tông Duy Thức)
Ðại Thừa tự cho là hơn Tiểu thừa ở chỗ, không phải chỉ cầu giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là xong mọi trách nhiệm, còn Ðại thừa thì cầu chứng quả Phật và nguyện độ cho tất cả chúng sanh cùng chứng quả Phật. Như vậy, Ðại Thừa cho rằng đứng về mặt tự độ và độ tha, hạnh nguyện của Ðại Thừa đều hơn Tiểu Thừa một bậc.
Tuy nhiên, theo tôi, nói hơn kém là còn chấp ngã. Như trong kinh Kim Cang nói, Bồ Tát còn thấy mình độ chúng sanh tức là còn chấp ngã tướng và chúng sanh tướng. Tiểu Thừa chứng quả A La Hán rồi thì không còn chấp ngã, không còn tư tưởng hơn thua. Theo tôi, trong đạo Phật, không nên bàn chuyện hơn thua, cũng không nên bàn chuyện lớn nhỏ. Vì căn cơ chúng sanh sai biệt nhiều, cho nên phép tu cũng lắm. Ðại thừa vẫn nói có vô lượng pháp môn. Pháp môn nào thích hợp với căn cơ, thì đó là pháp môn ưu việt nhứt, đối với trường hợp cụ thể đó.
Ðại Thừa không gọi Niết Bàn là chơn như, thực tướng với bốn đức là Thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu chúng ta hiểu lạc, ngã, tịnh, là tối thiện, thì định nghĩa Niết Bàn của Luận Bà Sa dẫn chứng trên đây có khác gì định nghĩa Niết Bàn của Ðại Thừa.
Ðại Thừa cũng gọi Niết Bàn là pháp thân, là Bát Nhã, là đệ nhất nghĩa đế, là Nhất Như…
Ðại Thừa lập bốn loại Niết Bàn: (Tông Duy Thức)
1) Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết Bàn: là thể tánh vốn vắng lặng, thanh tịnh của tất cả các pháp, tất cả mọi loài hữu tình.
2) Hữu dư y Niết Bàn : là cảnh giới Niết Bàn của các bậc Thánh, khi đang còn sống, khi vẫn còn thân năm uẩn.
3) Vô dư y Niết Bàn : là cảnh giới của bậc Thánh đã giác ngộ và giải thoát, sau khi họ qua đời, không còn mang cái thân năm uẩn này nữa.
4) Vô trụ xứ Niết Bàn : là cảnh giới Niết Bàn của Chư Phật, Bồ Tát, tuy đã ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi, nhưng vì lợi lạc chúng sanh, mà không trú ở Niết Bàn, vẫn ra vào cõi sanh tử, để độ thoát các loài hữu tình.
Tư tưởng Niết Bàn trong kinh Niết Bàn :
Kinh Niết Bàn (Nam Bổn – chữ Hán 36 quyển) có hai định nghĩa về Niết Bàn :
Theo dịnh nghĩa thứ nhứt, Niết Bàn của Phật giống như chữ Y, có ba đức cùng tồn tại là: giải thoát, pháp thân và Bát Nhã. Trước đây, nói Niết Bàn mà chỉ nói giải thoát mà thôi là chưa đầy đủ, viên mãn. Cả ba đức trên là cùng một thể. Nói một đức là đủ cả ba đức.
Theo dịnh nghĩa thứ hai, Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh.
“Chư Phật đoạn trừ hết phiền não cho nên gọi là Niết Bàn. Niết Bàn tức là thường, lạc, ngã, tịnh” (quyển 23, t.13).
Ðiều chúng ta suy nghĩ, tức là 4 đức của Niết Bàn trong kinh Niết Bàn của Ðại Thừa phải chăng là nhằm đối trị cái gọi là bốn pháp ấn trong Phật giáo Nguyên thủy: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh? Bốn pháp ấn này là đặc điểm nổi bật của nhân sinh, mà các bộ kinh A Hàm thường xuyên nói tới.
Trên đây là hai nghĩa chính của Niết Bàn Ðại Thừa, như có thể thấy trong kinh Niết Bàn.
(Chữ Y : biểu trưng cho Niết Bàn Ðại Thừa)
Minh Chi – Cư sĩ Mỹ Hồ sưu tầm và đánh máy
http://www.buddhismtoday