Những Học Sinh Nhỏ Đọc Cuốn Đời Phi Công

Nhận được email của anh Ngô Đức Cửu phi đoàn 524 Thiên Lôi cho biết văn sĩ Toàn Phong là Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, là cựu đại tá Tư lệnh không quân Việt Nam Cộng Hòa, đã ra đi lúc 2.39 pm Thứ Bảy, ngày 23 Tháng 7, tại tư gia ở Costa Mesa, California, hưởng đại thọ 92 tuổi.

Ngày nào tôi cũng đọc kinh, hồi hướng công đức cho chồng tôi và những người bạn. Hôm nay tôi dành các thời kinh hồi hướng công đức đến Giáo Sư, vì ông là thần tượng của nhóm học sinh chúng tôi.

Là nam nữ học chung trường bán công Lê Quí Đôn Nha Trang từ đệ thất nên chúng tôi rất thân nhau. Chứ không được hân hạnh làm học sinh trường trung học danh tiếng Võ Tánh. Những nữ sinh của lớp tôi đều mê đọc quyển truyện Đời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh nên trong cặp ai cũng có một quyển.

Chúng tôi chưa một lần được nhìn thấy Giáo sư dù biết Giáo Sư dạy bên trường Võ Tánh, ban đêm dạy toán cho lớp văn hóa quân đội, lấy trường Nam tiểu học làm trụ sở.

Từ khi đọc quyển Đời Phi Công, tôi mơ mình trở thành nữ Phi công dù biết là giấc mơ không bao giờ thành sự thật, nên tôi thường tặng các bạn học cùng lớp quyển Đời Phi Công .
Trong một dịp nghỉ lễ về thăm quê, nhà tôi ở Hòn Khói,
nhà Đinh Quang Cứ ở Ninh Hòa, chúng tôi tình cờ ngồi gần nhau vì cùng một tuyến đường từ Nha Trang về Ninh Hòa, tôi đã tặng Cứ quyển Đời Phi Công. Sau này Đinh Quang Cứ vào không quân bay A-1 Skyraider phi đoàn 524. Cứ đã đền nợ nước năm 1967 trong phi vụ cuối cùng để cứu quân bạn đang bị bủa vây và một tiền đồn quan trọng thoát vòng nguy hiểm. Song song với phi đạo Nha Trang, có một con đường mang tên Đinh Quang Cứ.

Võ Thi quê ở Vạn Giả học cùng lớp, đến nhà cho tôi ít trái cây của vườn nhà, tôi cũng tặng Võ Thi quyển Đời Phi Công. Thi cũng thành dân Không Quân bay L19, tôi không nhớ tên phi đoàn Thi.

Nguyễn văn Nhị người quê trên Thành cách Nha Trang mấy chục cây số cũng là phi công bay A-1 Skyraider, bay A 37 phi đoàn 524 Thiên Lôi. Anh Nhị ra tù 1985 và sau đi HO qua Mỹ.

Chồng tôi cũng phi công bay A-1 Skyraider và A 37 phi đoàn 524 Thiên Lôi. Dọng ra tù 2 ngày sau đó vượt biên đến Mã Lai và đến Úc đầu năm 1983. Tôi đến Úc tháng 11 năm 1983.

-Em hãy chuẩn bị ngày nay có một người bạn anh đến thăm chúng ta.

Tôi than thầm, mới đến Úc ngày hôm qua, hôm nay nhà lại có khách. Những năm dài sống dưới chế độ mới, chồng tù, mẹ con quá cực khố. Đi vượt biên bị bão cấp 7, tưởng không còn sống. Ở trại tị nạn Thailand toàn ăn cơm với hột vịt, không nước nắm hay muối gì cả. Vừa ngồi chuyến bay dài, đầu óc tôi còn lâng lâng chưa tỉnh.

Người khách đến, tay ôm bó hoa, hai vợ chồng tôi cùng đứng gần, khách trao bó hoa cho chồng tôi cầm, hai tay ôm tôi thật chặt.

-Báu ơi,Thi Vạn giả đây.

Lúc nhỏ học cùng nhau nhưng ít khi để ngày giờ nhìn nhau cho rõ, nay anh xưng tên nhưng tôi vẫn mơ màng, xa nhau quá lâu, nếu gặp bên ngoài thì chắc không biết.

Nhưng chúng tôi vẫn chụp hình chung và viết thư gởi về thầy Võ Hồng, người thầy giáo cũ mà học trò đều thương. Thư hồi âm có thêm tấm ảnh học sinh lớp đệ thất ngày xưa, thầy đến trường Lê Quí Đôn copy lại.

Tôi và Thi nhìn hình mà cả thời thơ ấu trở về. Tất cả đều ở cùng trại tù miền Bắc, Thi về năm 1981 và một mình đi vượt biên định cư ở Úc.

Một dịp Giáo sư cũng là cựu Tư lệnh không quân Nguyễn Xuân Vinh đến Úc và ghé thăm hội Không quân Úc Châu ở Melbourne.

Tôi dựa hơi hai cựu thiếu tá Không quân đi theo để nghe và nhìn thần tượng của mình ngày còn nhỏ.
Chúng tôi ngồi thật yên nghe những lời thân tình của một chỉ huy trưởng binh chuẩn hào hùng, mới biết Không quân có những lời thề không phản bội tổ quốc, hy sinh thân mình bảo vệ quê hương, không bỏ bạn bè.

Khi giáo sư nói xong, tất cả các cựu không quân đều ùa lên sân khấu, vây quanh người chỉ huy của mình một cách kính trọng, quý thương.

Dọng và Thi trước khi lên nhập cùng anh em.

-… Để anh lên chào vị chỉ huy và cảm ơn người. Nhờ đọc quyển Đời Phi Công mà anh vào Không Quân và cưới được người con gái Nha Trang, xinh đẹp, hiền lành, chung tình, dù khi là thằng tù mà tình vẫn đầy vơi.

Thi cũng vậy lên chào Người và sẽ xin phép vị chỉ huy, giới thiệu Báu, người bạn học lúc nhỏ đã chỉ đường Thi vào Không quân. Tôi không dám phản đối, chỉ chờ hai người bước đi, là tôi nhẹ nhàng rời khỏi phòng.

Giáo Sư quá danh tiếng, chỉ nhìn thấy từ xa, dù một lần là quá đủ rồi.

Hôm nay tôi xin ghi lại những gì về giáo sư mà tôi đọc được từ email các bạn gởi.
Giáo Sư Nguyễn xuân Vinh và trường Trung học Võ Tánh Nha Trang (Phạm Tín An Ninh viết)
……
Bỗng tôi khựng lại khi có một vị nêu câu hỏi.

-… Thầy đã trải qua nhiều công việc và sống ở nhiều nơi, vậy thời gian và nơi nào thầy cảm thấy thích thú và đáng ghi nhớ nhất?

…Thầy trả lời không do dự.

-… Thời tôi ở Nha Trang và dạy ở trường trung học Võ Tánh

Vốn là một người Nha Trang và cũng là một cựu học sinh Võ Tánh, câu trả lời khá bất ngờ của thầy dường như đã chạm vào trái tim tôi. Không ngờ ra Nha Trang với biển trời mênh mông, thơ mộng và thấy con người hiền hòa nên tôi lại thích thú. Sau đó, chỉ còn có hai thầy trò, thầy đã tâm tình thêm.

-Chỉ dạy toán hơn một năm ở mấy lớp đệ nhị trường Võ Tánh, nhưng tôi rất quí mến các thầy cô giáo và đặc biệt các em học sinh. Tất cả đều lễ độ, hiền hòa và hiếu học. Tôi đoán trong số họ sẽ có nhiều người thành công trong nhiều lĩnh vực và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, kể cả nền văn học. Điều đó bây giờ đã là sự thật. Sau này tôi đã có dịp quen biết hay gặp lại một số học sinh Võ Tánh thành đạt trong nhiều lãnh vực, chỉ tiếc Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta không còn tồn tại nữa.

Bắc Âu ngày 25 tháng 7 năm 2022 (Phạm Tín An Ninh)
_______________________

Ngô Thiện Tánh – Khóc Một Vì Sao
(Tiễn biệt giáo sư Nguyễn Xuân Vinh)

Người đã ra đi
Bỏ lại không gian trống vắng
Đời phi công vỗ cánh trời cao
Quỹ đạo phi thuyền còn nguyên nét mực
Tô đậm lịch sử
Lừng danh thế giới văn minh
Người đã sống
Như một con người ở đời
Chất đầy sự nghiệp
Khoa học văn chương võ kiếm
Uy danh sáng rực trời sao
Hào quang năm châu rạng rỡ
Với con tim nồng cháy
Người đã hóa thân làm thi sĩ
Theo Holderlin dệt những vần thơ
Cho Phượng
Người yêu bé nhỏ thời xuân sắc
Cho đời
Dẫu ngàn trùng dâu bể
Trên môi nở mãi nụ cười
Nửa đời bay trên đất mẹ
Nửa đời mài kiếm đất người
Tiếng khen chê ngoài tai gác bỏ
Mình ta ta biết
Mình ta ta hay
Nợ tang bồng năm tháng đầy vơi
Rượu Hồ Tường
Nghiêng bầu rót cạn
Chim trời rũ cánh
Thảnh thơi
Người ra đi?
Không!
Người đã tìm về
Nhà cha hiền bên kia ngõ vắng
Nước thánh tẩy rửa sạch bụi trần
Cuộc tái sinh chập chùng ánh nến
Đời phi công chấp cánh thiên thần…
Tiễn biệt người
Mười phương lòng quặn thắt
Mà nụ cười vẫn nở trên môi
Mừng người bẻ lái về bến đợi
Phi thuyền hạ cánh vào thiên thu
Anh tài cũng dễ mấy ai
Ra đi để lại u hoài nghìn năm
Tiếng tăm sáng tợ trăng rằm
Soi cho hậu thế khỏi nhầm bước đi
Toán, văn, kỷ thuật, đồ thi
Bàn tay chính trị, hành phi thiên tài
Sống đời oanh liệt chí trai
Xã thân giúp nước, xây đài không gian
Một vừng lửa đạn nát tan
Ra đi vào cõi thiên đàng viễn du
Đời trai một cánh hoa dù
Bay ra trời rộng vi vu bạt ngàn

Ngô Thiện Tánh ngày 25 tháng 7 năm 2022

_______________________

Bài của Quyên Di – Kính tiễn giáo sư Nguyễn Xuân Vinh
Thế là qua một đời người
Không còn tiếng khóc giọng cười phù sinh (Quyên Di)

Tôi đứng bên cạnh giường
Giáo sư Vinh bây giờ khép mắt
Hành trình cuối cùng đã xong, giáo sư tròn giấc
Bên ngoài vườn một tiếng chim hót lẻ loi
Nhưng tôi không tin phút cuối cùng giáo sư thấy đơn côi
Khi bên cạnh có những người thân yêu nhất
Tiếng thánh ca vang lên lẫn trong tiếng nấc
Xin gửi An-phong-sô Nguyễn Xuân Vinh
Vào vòng tay Đấng Chí ái chi nhân
Tôi không còn nhớ biết bao lần trong
Ngôi nhà chan chứa tình thân
Chúng ta đã ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự
Giữa chúng có điều gì nặng nợ
Khi đã một lần suýt hiểu lầm nhau
Rồi cởi mở lòng ra trong một phút, rất mau
Gạn đục khơi trong, chỉ nhìn thấy trong nhau những gì cao quý nhất
Tôi thích đọc những gì giáo sư viết trong đêm khuya thức giấc
Giáo sư thích nghe những lời tôi bàn chuyện văn chương
Căn phòng di vật quả là một chút vấn vương
Những thành tích lẫy lừng giáo sư thực hiện
Dẫn tôi vào xem, giáo sư trầm tư mặc tưởng
Buông hai tay khỏi những hiển hách huy hoàng
Cuộc đời bây giờ là những buổi chiều vàng
Giáo sư nguyện cầu Chúa đoái thương phù giúp
Sống như giáo sư, với người ta là tròn mộng ước
Khi đã từng là Tư Lệnh Không Quân
Là giáo sư những đại học lừng danh
Là tác giả phương trình vượt không gian vào vũ trụ
Là nhà văn với những tác phẩm vô cùng quyến rủ
Đời phi công làm đắm say bao hồn trẻ phiêu bồng
Nhà toán học đại tài làm rạng rỡ giống Tiên Rồng
Nhưng với giáo sư, hình như chưa phải là đích điểm
Có một điều gì giáo sư khát khao tìm kiếm
Bên ngoài những phương trình, quỹ tích, đạo hàm
Bên ngoài phẩm hàm, bên ngoài chức tước cao sang
Điều tìm kiếm – Đâu thật là chân lý?
Chân lý ấy không ở trong những lời hoa mỹ
Không ở trong một khối óc phi thường
Và bỗng một ngày giáo sư biết – đó chính tình thương
Của Đấng Trên Cao thương kiếp người yếu đuối
An-phong-sô, thôi hãy ngưng theo đuổi những phù hoa, hãy đến cùng Ta
Những năm tháng cuối đời, giáo sư đã nhận ra
Chân lý ấy là Đấng Toàn Năng (Đại Ngã)
Đời sống chúng ta đều như thế cả
Trong vòng quay của một kiếp trầm luân
Hạnh phúc, buồn đau, đoàn tụ, rẽ phân
Vinh quang, nhục nhằn, thành công, thất bại
Nhưng với khổ đau tiếc nuối hay thanh thản hân hoan?
Giáo sư đã tìm ra một định luật vàng
Dâng tất cả lên đôi tay rất Thánh
Lòng sẽ hân hoan vì yếu mềm chính là sức mạnh
Đưa giáo sư về gặp Đấng Sáng Tạo Toàn Năng
Kính tiễn Giáo sư như một cánh sao băng
Vượt vũ trụ bay vào lòng Đại Ngã.

Quyên Di ngày 23 tháng 7 năm 2022
Một buổi chiều vàng.

_______________________

Đời Phi Công – tác giả Lê Tín Hương

Anh là chim cánh rộng
Bay khắp bốn phương trời
Em như cành lan nhỏ
Trong vườn đời rong chơi

Anh nặng lòng đất nước
Nợ một đời nam nhi
Nghe non sông réo gọi
Giã biệt tình anh đi

Anh theo mây ngàn phương
Hun hút chốn sa trường
Đường bay dù muôn ngã
Vẫn nhớ về cố hương

Vẫn nhớ người anh thương
Nhớ người em gái nhỏ
Thầm đợi chờ phương xa
Dù tình chưa dám ngõ
Nhưng yêu thương đậm đà

Ngày quê hương an lạc
Cho hết nợ tang bồng
Chim ngừng bay vui hót
Khúc vui tình trăm năm

Ngày quê hương an lạc
Cho hết nợ tang bồng
Chim ngừng bay vui hót
Tình ca Đời  Phi Công

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.