Tôi vừa nói về ý nghĩa đặc biệt của chú Niệm. Giờ đây chúng ta hãy bàn qua phương pháp đặc biệt để thực hiện Niệm. Trước hết ta nên nói rằng phương pháp đặc biệt ấy nhắm vào sự thực hành đối tượng thứ nhất của Niệm, là Niệm thân, và đặc biệt nhắm vào cách Niệm đặc biệt về thân và Niệm hơi thở “ànàpàna-sati”. Thực hành loại Niệm này cần chọn một giờ nhất định là một cách ngồi riêng biệt. Các loại Niệm kia có thể thực hành bất kỳ chỗ nào, bất cứ giờ nào, tùy theo cơ hội thuận tiện.
Vậy thực hành Niệm về hơi thở cần phải ở nơi nào? Trong Kinh có chép: “arannagato và rukkhamùlagato và sunnàgàragato “. “Trong một khu rừng, dưới một cội cây, hoặc trong một ngôi nhà trống”. Ba chốn được kể ra đây bao hàm ý nghĩa phải chọn một chỗ yên tĩnh, một nơi mà ta có thể lui về để tránh sự ồn ào, sự náo nhiệt, sự xôn xao của nếp sống bận rộn hàng ngày. Ðây là một điều mà thế giới hiện đại rất cần có. Nhưng, rừng rú thì càng ngày càng bớt đi, ở thành thị thì rất hiếm có vườn tược với những cổ thụ có bóng mát. Ở thôn quê thì có vườn tược và cây cối, nhưng thôn quê mau trở thành đô thị và nơi đó hết phải là những nơi vắng vẻ, yên lặng và tĩnh mịch như hồi xưa. Những người sống ở thành phố rộn rịp hoặc ở thôn quê rộn rịp chỉ còn có giải pháp thứ ba là ngôi nhà trống (sunnàgàra). Ngay đến ngôi nhà trống cũng không dễ gì tìm ra, vậy ta phải tìm một căn phòng trống. Trong đời sống hiện đại vấn đề chỗ ở khó khăn đến đỗi một căn phòng trống cũng không bao nhiêu người có đặng. Lối sống chen chúc và cách sống ở các nhà cao tầng, khu tập thể ngày nay làm cho ta càng khó có riêng một căn phòng trống. Ðiều cần thiết đó là chọn một góc yên tĩnh trong căn phòng, hoặc hơn nữa quý vị nên niệm hơi thở trên giường buổi tối hay sáng sớm, khi đâu đó đều thật yên lặng.
Khi chọn được một chỗ rồi, quý vị phải cố giữ chỗ ấy luôn luôn, đừng thay đổi, nếu không sẽ bất lợi nhiều. Thế rồi quý vị lại phải chọn một giờ nhất định và phải cương quyết giữ đúng giờ đó. Quý vị nên nhớ rằng thực hành niệm số tức quan (ànàpànasati), tức là hành thiền, phải hành cho đều đặn, và một khi quý vị ý thức tầm quan trọng của điều này thì quý vị không nên để bất cứ việc gì cản trở nó. Phải cứ chỗ mình đã chọn, mỗi ngày và mỗi ngày phải đúng giờ đã định. Ðó là những yếu tố tâm lý quan trọng đem đến kết quả và thành công. Cơ thể con người được cấu tạo như thế nào nên nó có thể đáp ứng dễ dàng với nhịp đều đặn trong sự hành thiền. Nếu quý vị tập cho quen việc hành thiền đúng nơi và đúng giờ, và nếu quý vị thành tâm hành thiền cho đều đặn thì chắc chắn mỗi khi đến giờ hành thiền, quý vị không còn muốn làm một việc nào khác cả. Nếu có một việc gì xảy đến làm trở ngại việc hành thiền của quý vị mà quý vị không sao tránh được, thì quý vị thấy thất vọng nhiều. Hơn nữa, khi đến giờ hành thiền, quý vị cảm thấy trong lòng thỏa thích vì lúc ấy tâm trạng của quý vị đã sẵn sàng chờ đón cuộc hành thiền. Quý vị sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy tất cả những tư tưởng xấu đều dừng lại không vào được Tâm của quý vị trong giờ phút thiêng liêng này. Ngay khi quý vị đến chỗ hành thiền quen thuộc – chỗ ấy phải là thiêng liêng đối với quý vị – quý vị cũng sẽ ngạc nhiên mà cảm thấy Tâm mình đáp ứng dễ dàng với kỷ luật mà quý vị đã áp dụng. Quý vị cũng sẽ ngạc nhiên mà nhận thấy tư tưởng xấu không vào được Tâm mình. Nếu có đi nữa, những tư tưởng ấy cũng sẽ nhường chỗ dễ dàng cho những tư tưởng tốt. Vì thế nên quý vị cần dành riêng một giờ nhất định và chọn một nơi riêng biệt để hành thiền.
Tôi cũng xin nhắc quý vị rằng mỗi ngày, trong lúc rảnh rang, quý vị nên nhớ lại số tức quan mà mình đã hành buổi tối hoặc hồi sáng sớm. Mỗi ngày trong lúc rảnh rỗi, quý vị phải biết đem Tâm mình trở về với sự yên lặng, phải biết giữ cho yên tĩnh trong cảnh náo nhiệt hàng ngày. Quý vị nên nhớ đến hơi thở, dầu trong vài phút cũng được. Trong trường hợp đó tất nhiên ta không nên câu nệ nào là giờ khắc nhất định, nào là chỗ ngồi riêng biệt, nào là cách ngồi đặc biệt.
Có lẽ quý vị cũng muốn hỏi: “Trong thế giới bận rộn ngày nay làm thế nào mà tìm được thì giờ để hành thiền chút ít?” Tôi sẽ nói rằng: “Dầu thế nào đi nữa, quý vị cũng có thể có thì giờ”. Ðành rằng thời đại này là một thời đại luôn luôn bận rộn tạo nên bởi sự quay cuồng khủng khiếp và sự căng thẳng triền miên của mọi vật. Chẳng hạn như quý vị định đi đến một nơi nào đó mà không đi suốt được phải sang xe. Dầu chuyến xe đầu có chạy thật mau đi nữa, quý vị cũng phải chờ đôi chút trước khi bước sang xe thứ nhì. Trong lúc chờ đợi, quý vị lấy làm nóng nảy. Tâm trạng của quý vị rất căng thẳng. Ðó là dịp mà quý vị có thể niệm một chút về số tức quan (ànàpànasati). Hoặc giả quý vị đến nhà ga mua vé xe lửa. Trong lúc đó đã có rất đông người đang đứng nối đuôi nhau chờ. Quý vị bực bội không biết đến chừng nào mới đến phiên mình mua được vé. Ðây cũng là một cơ hội nữa mà quý vị có thể thực hành ànàpànasati. Quý vị đáp xe lửa trên một đường phải đổi xe. Khi xuống xe để đổi sang chiếc khác, quý vị đi bách bộ trên thềm ga; quý vị cũng bực mình nóng nảy chờ được đổi xe. Ðây cũng là một dịp nữa để quý vị thực hành ànàpànasati. Xe hơi của quý vị đang chạy rất nhanh, vừa đến ngã tư thì đèn xanh lại cũng vừa tắt đi và đèn vàng thay thế. Quý vị bực mình nhưng phải ngừng lại. Tâm trạng quý vị rất căng thẳng vì dường như quý vị phải chờ đợi không biết mấy kiếp đèn vàng mới chịu tắt, rồi đèn đỏ mới chịu cháy, rồi bao nhiêu kiếp nữa đèn đỏ mới chịu nhường chỗ cho đèn xanh trở lại. Trong khoảng thời gian “vô tận” đó, quý vị có thể thực hành chút ít về ànàpànasati. Ðược vậy sự căng thẳng trong người của quý vị sẽ biến đi, quý vị sẽ bình tĩnh hơn và sẵn sàng đối phó với bất cứ vấn đề nào cần đến sự lưu ý của quý vị. Trong phòng đợi ở nhà ga, trong phòng khách của bác sĩ hay của nha y sĩ, trên xe lửa, trong lúc đi xe nhà hoặc đi xe đò, quý vị lại không thể thực hành được một chút về ànàpànasati sao? Ðấy, quý vị sẽ thấy rằng trong đời sống hàng ngày ở thế giới bận rộn ngày nay cũng còn có cơ hội cho quý vị trở về với sự yên lặng của Tâm và hành “Niệm” đôi chút.
Giờ đây, sau khi xem xét về nơi và giờ hành thiền, chúng ta bàn đến cách ngồi cần thiết khi ta niệm hơi thở (ànàpànasati). Trong Kinh chép rằng: “Nisìdati pallankam àbhujitvà ujum kàyam panidhàya” – hành giả ngồi, hai chân tréo lại (kiết già), giữ thân mình cho ngay thẳng. Ðó là một cách ngồi mà ta có thể không nhúc nhích trong một thời gian quá lâu. Có người cho rằng ngồi yên, không động đậy tay chân đến cả nửa giờ, dù có ngồi trên một chiếc ghế êm đi nữa, cũng rất là khó. Nhưng ta cần tập ngồi kiết già và ngồi không nhúc nhích. Ðiều đó rất cần thiết cho thời đại này vì thời đại này là một thời đại mà sức động của mọi vật đang lên tột độ. Quý vị hãy nhìn chung quanh quý vị mà xem. Quý vị sẽ thấy toàn là sự động cả; và sự động sẽ đem ta đến náo động. Tất cả những cảm giác về yên tĩnh đều mất hết, và khi sự yên tĩnh mất đi rồi thì Tâm ta mất hẳn quân bình của nó. Sự yên tĩnh là bước đầu trên con đường đi đến tâm thần thanh tịnh và tráng kiện. Rõ ràng hiện nay con người thiếu hẳn sự yên tĩnh. Một bữa nào đó quý vị thử làm một lần xem: Quý vị bỏ chỗ náo nhiệt, đi tìm một nơi nào yên tĩnh đoạn ngồi lại đó. Trong lúc Tâm đang bị chao, ngồi yên như vậy quý vị sẽ cảm thấy nó được vô cùng thơ thới. Như thế không những làm cho thân quý vị được an mà Tâm quý vị cũng nhờ đó mà lắng xuống, yên tĩnh, vững vàng. Tịnh được như vậy không khác nào Tâm ta được một liều thuốc bổ và chỉ trong một phút yên tĩnh ngắn ngủi như vậy, quý vị cũng đủ cảm thấy phần nào như quý vị thức tỉnh trong tâm trạng an lành và vững chắc.
Ðời sống hiện tại làm cho ta hàng phút phải động luôn luôn, muôn nghìn hoạt động tấp nập xoay chuyển chúng ta, chúng ta sống trong hoàn cảnh lo âu bấn loạn, căng thẳng: Ðó là bao nhiêu lý do làm cho ta phí sức rất nhiều. Vậy thì, trong một dịp nào đó, quý vị thử ngồi yên, chỉ một chút thôi, quý vị sẽ thấy tâm lực của quý vị được bảo tồn nguyên vẹn. Cách ngồi kiết già như hoa sen (padmàsana) thích hợp nhất, vì như thế quý vị mới ngồi được lâu mà không nhúc nhích. Chính nhờ hai chân tréo lại và hai bàn tay chồng lên nhau mà khí lực của Tâm, còn nguyên vẹn nhờ sự tham thiền, không bị hao giảm. Ngồi kiết già thì thân mình vững vàng, vì sức nặng của xác thân được thản ra đồng đều. Ngồi như thế, quý vị sẽ thấy dễ ngồi lâu không động đậy hơn là ngồi một cách nào khác. Nhờ cách ngồi thẳng lưng, quý vị hoàn toàn kiểm soát được hơi thở của mình. Quý vị có thể thong thả hơn. Vả lại, có một sự liên quan mật thiết giữa dây tủy xương sống và những cảm kích của ta. Khi quý vị ngồi như thế, quý vị dễ kềm hãm những cảm kích hơn. Nếu người nào cho cách ngồi kiết già là khó, thì có thể ngồi trên ghế có dựa ngay thẳng, đặng giữ thân mình cho được ngay thẳng. Hai chân phải chấm đất.
Giờ đây chúng tôi xin trình bày phương pháp thực hành “Niệm hơi thở” (ànàpànasati). Sau khi chọn một chỗ thích hợp, một giờ thích hợp và đã ngồi được kiết già, quý vị bắt đầu chú tâm về hơi thở. Thở cho nhẹ nhàng, êm dịu và khi thở phải hoàn toàn nhận thức hơi thở và không nên rán sức. Ðừng thở mạnh. Thở tự nhiên và êm dịu, luôn luôn chú tâm theo hơi thở của mình. “Dìgham và Passasanto dìgham assasàmi ti pajànàti; dìgham và passansanto dìgham passamì ti pajànàti” – Khi thở vô dài, hành giả biết mình thở vô dài. Khi thở ra dài, hành giả biết mình thở ra dài. Cũng thế, khi mình thở vô vắn, biết mình thở vô vắn, và khi thở ra vắn, biết mình thở ra vắn. Hành giả chớ nên đồng nhứt mình với hơi thở. Phải nhìn hơi thở một cách khách quan, chứ đừng chủ quan. Không nên nghĩ rằng chính mình đang thở đây. Phải lắng xem chỉ hơi thở mà thôi, chứ không nên biết gì khác. Phải giữ cho kỳ được sự nhận thức rõ rệt về hơi thở. Ðiều cần thiết là Tâm phải an trụ và biết được rõ ràng khi nào thở vô, khi nào thở ra.
Quý vị nên nhớ rằng đây không phải là sự luyện tập cách thở. Ðây là sự luyện tập “niệm hơi thở”. Không cần phải nín thở như trong quyển Yoga Sutra của Patangali hoặc trong các sách Ấn Ðộ Giáo dạy. Bền chí trong cách quan sát về hơi thở sẽ đem lại kết quả sau đây: Quý vị sẽ theo dõi được cho đến cùng hơi thở vô và hơi thở ra, và do đó quý vị sẽ cảm thấy càng ngày càng được bình tĩnh và yên trụ hơn. Sự thông khí trong phổi sẽ được dễ dàng hơn và sức khỏe sẽ được dồi dào hơn, nhưng đó là phụ thuộc. Thực hành Niệm về hơi thở (ànàpànasati) không gián đoạn đưa ta đến những tầng cao của Thiền Chỉ (Samatha Bhàvanà): ấy là nhập định, thường được gọi là đắc thiền (Jhàna). Nhưng thay vì theo đuổi các tầng Thiền (Jhàna), hành giả có thể chọn con đường của Thiền Minh Sát (Vipassanà Bhàvanà) và đắc Minh Sát Tuệ (Vipassanà).
Con người sống trong thế kỷ hiện nay khó mà hiểu được tại sao việc quan sát hơi thở lại đem đến cho ta những kết quả cao quý như vậy. Trong quyển “Chủ Yếu Của Pháp Tham Thiền Trong Phật Giáo”, Ðại Ðức Nyanaponika Thero cho rằng “cái thở của ta đứng giữa những tác dụng tự nhiên của cơ thể và những tác dụng do ý chí điều khiển. Vì thế nên hơi thở cho ta cơ hội thuận tiện để mở rộng quyền kiểm soát của ta trong cơ thể”; vậy chúng ta có thể đoán được biết bao nhiêu khả năng có thể khai thác một khi chúng ta thực hành Niệm về hơi thở đúng phương pháp. Ngài nói tiếp rằng bởi việc quan sát không gián đoạn về sự phồng lên và xọp xuống của cơ thể do hơi thở tạo ra, “ta có thể chứng ngộ được sự dâng lên và hạ xuống của Biển Vô Thường”. Hành giả sẽ nhận thức rõ rệt sự phát sinh và tiêu diệt của chúng sanh và vạn vật. Ðây không phải là một sự hiểu biết về lý trí, mà là một kinh nghiệm về tâm thức, vừa uyên thâm vừa cao siêu, mà ta nhận thức được một khi ta chứng ngộ sự phát sinh và tiêu diệt của hơi thở.
Thế rồi, về phương diện thân nghiệp, hành giả không còn hành động một cách dại dột nữa. Hành giả không còn nô lệ với cái xác thân nữa. Vượt lên khỏi tầng vật chất, hành giả sẽ thấy trong thân thể con người không có gì có thể làm nền tảng đúng lý cho quan niệm “Tôi” hoặc “Của Tôi”. Và cũng không thể nói “Tôi Thở”. Như vậy, hành giả sẽ thấy rằng trong thân này không có một thực thể trường tồn nào đáng cho ta bám níu hoặc có lợi cho ta bám níu, “Anissitc ca viharati na ca kinci loke upàdiyati” “Hành giả không tùy thuộc cái gì cả, cũng không bám níu cái gì cả trên thế gian này”. Khi chứng được sự vô thường của xác thân, hành giả cũng chứng được tính vô thường của vạn vật. Chừng ấy hành giả mới thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Lúc bấy giờ hành giả đã đạt đến tầng cao hơn. Niết Bàn nằm trên con đường ấy.
Cũng có những cách niệm thân khác. Ðó là niệm về nhiều phần khác nhau trong cơ thể con người. Trong Kinh có kể đến 32 phần, thường được nghe những người giữ tám giới đọc khi họ xin giới: “Atthi imasmim kàye kesà lomà nakhà dantà taco mansam nahàru atthi v.v…” “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương v.v…”. Kinh chép tiếp rằng: “Hỡi các Tỳ Khưu, giá như trong một cái giỏ có hai miệng, trong đó có đủ các loại hạt, như lúa đất gò, lúa mạch, đậu xanh, đâu chim, mè, gạo; và có một người với đôi mắt thật sáng, đến dở nắp ra, rồi phân biệt như thế này: Ðây là lúa đất gò, đây là lúa mạch, đây là đậu xanh v.v…; cũng như thế, một người Tỳ Khưu phải suy nghĩ về bản thân mình, có da bọc ngoài, trong đầy nhơ bẩn; nghĩ từ gót chân trở lên, từ đỉnh đầu trở xuống như vầy: “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt v.v…”. Một cách niệm thân khác nữa là lấy mỗi phần trong thân thể ra mà xem xét, nhớ đến vị trí, màu sắc, hình dáng của nó và để ý rằng phần nào cũng thấy nhờm gớm và đáng ghét. Sự giải phẫu tỉ mỉ như vậy về xác thân sẽ giúp ta dứt bỏ cái ảo tưởng về “thân hình đẹp đẽ” và làm cho ta rõ tính nhơ bẩn của nó. Trong lời chú giải có thêm rằng: “Dù tìm kiếm thế nào đi nữa trong cả thân hình chỉ cao quá một thước này, bắt từ gót chân trở lên, từ đầu trở xuống và từ ngoài da trở vô, không ai thấy đặng một mảy may tinh khiết nào cả, dù nhỏ bằng nguyên tử; trái lại, người ta sẽ thấy toàn là đủ loại ô trược, rất hôi thối, rất có hại, trông rất chán, như là tóc, lông v.v…”.
Niệm thân cách này rất cần thiết cho thế giới hiện đại vì ngày nay người ta đã quá chú trọng đến xác thân. Con người rất quyến luyến thân thể mình, xem nó như một sở hữu vô cùng quý giá. Vì thế, phải có một phương pháp giải phẫu cứng rắn như trên đây mới mong gợi lên trong con người lòng ghê tởm xác thân, ngõ hầu đi đến sự vô tư đối với nó và cuối cùng chứng ngộ sinh diệt của vạn vật. Chừng ấy ta mới thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó. Hành giả lúc bấy giờ đạt đến một tầng cao hơn.
Có hai cách niệm thân nữa, là niệm Tứ Ðại và niệm xác thân tan rã. Niệm Tứ Ðại cũng là một giải phẫu xác thân, nhưng khác hơn lối giải phẫu vừa nói trên. Ở đây xác thân được chia làm Tứ Ðại, nghĩa là Ðất, Nước, Gió, Lửa. Những yếu tố này có thể trong thể xác con người cũng như trong bất cứ một vật chất vô tri nào. Ðôi khi những đặc tính căn bản ấy của vật chất cũng được gọi là tính Cứng Ðặc, tính Kết Hợp, tính Nóng Nhiệt và tính Di Ðộng. Cách giải phẫu này có kết quả là khiến ta nhận thức rằng xác thân này không khác gì một vật chất vô tri nào, nó cũng vô ngã và vô thường vậy. Ðiều này thời đại của chúng ta thường hay quên, vì ta quá chú trọng đến thân thể. Cuối cùng lối giải phẫu như thế dẫn ta đến sự chứng ngộ sự sinh diệt của vạn vật. Khi thấy được chân tướng của sự vật, hành giả đã đạt đến một tầng cao hơn.