Trong tháng bảy âm lịch, nhiều quốc gia ở Châu Á dù là Đạo Phật , đạo Nho hay Đạo Lão cũng có phong tục cúng Rằm ngày 15/7.
Nước Việt Nam, tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang – Chức Nữ.
Ngày nay Rằm tháng 7 Âm lịch (15 tháng 7 Âm lịch) là một trong những ngày lễ để con cháu tri ân, báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ với mục đích giáo dục con người về lòng biết hơn và đã trở thành truyền thống.
Nên ngày rằm tháng bảy còn gọi là ngày lễ Vu Lan báo hiếu và cũng là Tết Trung nguyên (theo văn hóa của người Hoa) và là ngày xá tội vong nhân. Chính vì thế, ngày rằm này có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người Việt. Vì sao vậy ? Đạo Phật là Đạo Hiếu vì thế người tu học Phật lại thường được nhắc nhở mình về hạnh hiếu. Rằm tháng 7 cũng nhắc nhở đến 4 trọng ân: ơn cha mẹ khai sinh sự sống; ơn thầy cô giáo, thầy tinh thần trao tri thức đạo đức để chúng ta sống tốt, sống hữu ích; ơn Tổ quốc, các chiến sĩ quê mình để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và ơn đồng loại.
Tuy nhiên, dân gian gọi tắt là Mùa Vu Lan dịp để người dân báo hiếu bậc sinh thành và tưởng nhớ những người thân đã qua đời… nhiều hơn
Thế nhưng… việc cúng rằm tháng 7 hiện đang bị nhiều người nhầm tưởng là ngày cúng cô hồn. Thực tế, lễ cúng cô hồn và lễ Vu Lan là khác nhau. Có thể là do 2 lễ này đều được làm vào rằm tháng 7 nên mới gây ra sự hiểu lầm.
Tục cúng rằm tháng 7 sẽ có sự khác biệt tùy theo văn hóa vùng miền khác nhau. Cụ thể: Miền Bắc thường gọi là ngày “xá tội vong nhân”, ngày cúng các chúng sinh không nhà không cửa hay còn gọi là cúng cô hồn.
Miền Nam gọi là là lễ Vu Lan, ngày để con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ.
Thật ra …Rằm tháng 7 âm lịch là ngày có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau được lan rộng ra các nước khác ở châu Á. còn có tên dân gian là “tháng cô hồn”. Và đối với người Trung Hoa là ngày người sống làm phúc cho những linh hồn lang thang này, là ngày mà những cô hồn được an ủi.
Được biết vào thời cổ đại, việc cúng Rằm tháng 7 là ngày lễ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, có nguồn gốc từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Quan niệm của đạo này cho rằng tiết Trung Nguyên bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 Âm lịch (ngày “mở cửa quỷ môn”) cho đến ngày 30 tháng 7 (ngày “đóng cửa quỷ môn”). Đầu tháng này, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng,.. sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng. Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày Rằm tháng 7 họ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.
Tại Việt Nam, mọi người thường cúng Rằm tháng 7 ở chùa trước rồi mới đến cúng tại gia. Lễ cúng này thường được tổ chức vào ban ngày, tránh tổ chức vào chiều tối hoặc ban đêm, khi mặt trời lặn.
Đại văn hào Nguyễn Du Trong áng văn bất hủ của mình, Nguyễn Du đã mô tả 10 loại cô hồn bao gồm những người có nhiều tham vọng công danh phú quí và quyền lực, thúc đẩy những cuộc viễn chinh, cho đến binh lính vì hoàn cảnh xô đẩy mà tham gia vào việc binh lửa phải bỏ mình trận mạc. Cả những phụ nữ khuê các nhưng thời cuộc đổi thay khiến thân phận như bèo hoa trôi dạt, cho đến những cô gái lỡ thì bán hoa, giang hồ không cố quận khi số kiếp hết chết vùi dập bên đường. Những người đi thi cử, đèn sách với mộng công danh phú quí chưa thỏa ước mơ quan trạng đã bỏ mình nơi kinh kỳ xa lạ, cho đến những trẻ thơ yểu mệnh sơ sảy hay bị bỏ đi vì cuộc sống khốn khó đó đây. Bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm của cảnh tử biệt sinh ly, bấy nhiêu nỗi xót xa của những linh hồn bơ vơ vất vưởng… Thương thay:
“Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sinh”…
Và Ngài đã mở đầu như sau cho bài văn tế :
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen
Còn chi ai quí ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền, ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương….”
Kính mời các bạn cùng sưu tầm trên Internet để đi vòng quanh châu Á với những tục lệ vào ngày chính Rằm tháng 7 âm lịch và cùng tham khảo cao điểm của các hoạt động nghi lễ này ở nhiều nơi khắp Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Indonesia… nhé và sau đó trở về miền cao nguyên của VN với các dân tộc thiểu số
Trung Quốc
Lễ cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt nguồn gốc từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Quan niệm của đạo này cho rằng, tiết Trung Nguyên bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7 Âm lịch (ngày “mở cửa quỷ môn”) cho đến ngày 30 tháng 7 (ngày “đóng cửa quỷ môn”).
Đầu tháng này, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng… sẽ được lên dương thế để thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng.
Người trần gian muốn tránh các cô hồn phá rối hay làm hại tính mạng của mình nên vào ngày Rằm tháng 7 họ làm lễ ngoài trời. Họ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.
Ở Trung Quốc, lễ cúng cô hồn được gọi là Tiết Trung Nguyên, người Việt đọc thành Tết Trung Nguyên. Tết Trung Nguyên được các Phật tử người Hoa tổ chức từ ngày đầu tháng 7 cho đến hết ngày 30/7 (Âm lịch). Ngày cúng có thể được lựa chọn sao cho hợp lý. Có nơi người dân cho rằng, ban đêm sau khi đã đón được linh hồn tổ tiên về nhà thì ban ngày phải dâng lễ cúng ba bữa, từ mùng 1 tới hết tháng, mỗi lần dâng lễ đều phải đốt tiền vàng quần áo.
Lễ này thường được tổ chức vào buổi chiều hoặc ban đêm, vì người ta tin rằng các linh hồn lang thang sẽ thoát khỏi địa ngục lúc mặt trời lặn. Các nhà sư và thầy cúng thường ném gạo hoặc những thức ăn nhỏ khác vào không khí theo mọi hướng để phân phát cho các linh hồn.
Vào ngày 15/7 (Âm lịch), cõi thiên đàng và địa ngục và cõi người sống mở cửa và cả tín đồ Đạo giáo và Phật giáo sẽ thực hiện các nghi lễ để chuyển hóa và giải oan khổ của người quá cố. Họ chuẩn bị đồ cúng ba lần một ngày dâng lên ban thờ gia tiên, trước khi bày đồ cúng ra ngoài cửa cho những linh hồn lang thang nơi trần thế.
Trên mâm cúng của người Hoa ngày nay, nhất định không thể thiếu món dưa, cùng hoạt động đặc sắc nhất là thả đèn lồng hoa sen giúp dẫn đường cho cô hồn ngạ quỷ. Trong ngày Tết Trung Nguyên, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người quá cố.
Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát giày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành.
Ở Bắc Kinh, đến mùa Vu Lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và đốt giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất với niềm tin rằng linh hồn người mất sẽ nhận được. Nhờ vậy mà các vong linh ấy sẽ đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống và phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra. Ở Thượng Hải có tục thả đèn lồng hoa sen nhưng phía đuôi thuyền sẽ đốt đèn giấy có màu xanh đỏ. Nghi lễ thả hoa đăng xuống sông hồ để cầu an, dẫn đường cho các linh hồn trở về cõi âm.
Tại các địa phương khác, có những tập tục hay và lạ như: Thả bốn chiếc thuyền trên sông, một thuyền chứa Kinh Phật, một thuyền chở những đĩnh tiền làm bằng giấy thiếc, một thuyền đặt đèn lồng và thuyền còn lại chứa đồ ăn cúng lễ cho cô hồn tại Giang Tô
Ở Phúc Kiến, vào ngày lễ Vu Lan, tất cả những người con gái đã thành gia thất dù ở nơi nào cũng phải về tặng quà cho cha mẹ, món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão.
Riêng ở Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt “cõng” mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian. Người Hoa tại đây hành lễ Vu Lan từ mùng 7 âm đến tối 14 âm (hoặc 13 âm), để đón tiếp và tống tiễn tổ tiên. Sau khi làm lễ tống tiễn có đồ ăn mặn, người nhà sẽ phải đốt bao lì xì có ghi tên húy của tổ tiên.
Đài Loan
Tại Đài Loan, theo truyền thống vào dịp Rằm tháng 7, mỗi hộ gia đình Đài Loan sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi và các thứ khác để cúng cho những bóng ma đói tại một ngôi miếu hoặc trên một bàn thờ tạm phía trước nhà. Ngoài ra, họ cũng mời các nhà sư để cầu nguyện cho người thân qua đời cũng như linh hồn những người không có con cháu.
Đài Loan thường tổ chức những lễ hội rước ma với quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước với hai phần chính là: rước ma với các xe chở hình nộm, hoa quả và múa lân.
Lễ cô hồn của Đài Loan có một phong tục lâu đời đó là thả đèn hoa đăng. Với ý nghĩa rằng đèn sẽ soi sáng đường cho những linh hồn chết trong nước, gọi các linh hồn lên mặt đất để hưởng đồ cúng và cầu nguyện cho các linh hồn được đầu thai sang kiếp khác. Người Đài Loan quan niệm rằng, đèn càng trôi xa thì càng được nhiều tài lộc.
Người dân thành phố Cơ Long, phía bắc đảo Đài Loan có một lễ hội dân gian quan trọng vào tháng 7 (Âm lịch) là lễ cầu siêu Trung Nguyên. Từ chiều 14/7, có nhiều hoạt động diễu hành trên các xe hoa, đi cùng là các nhóm nghệ thuật đường phố, nhóm múa lân… Các trường học, đoàn biểu diễn cũng tham gia vào đoàn diễu hành.
Cướp quà cũng là một hoạt động dân gian quan trọng vào tết Trung Nguyên ngày 15/7 Âm lịch. Sau lễ cúng bái, đồ lễ sẽ được mang ra cho mọi người “cướp”. Màn cướp quà ở thị trấn Đầu Thành, huyện Nghi Lan (Yilan) có quy mô lớn nhất hòn đảo.
Trên cây quà treo đầy đồ ăn như mực, bánh ú nhân thịt, mỳ gạo, thịt, cá… Các đội tham gia bắt buộc phải dùng cách leo chồng lên nhau mới có thể trèo lên các cột trụ và cây quà phết đầy bơ. Khi leo lên, họ sẽ lấy quà ném xuống cho khán giả. Đội nào lấy được cờ buộc trên ngọn cây quà sẽ giành chiến thắng.
Hồng Kông
Hồng Kông là một trong những nơi tổ chức ngày Rằm tháng 7 lớn nhất châu Á. Đối với các gia đình, lễ cúng cô hồn được tổ chức theo cách riêng của họ và kéo dài cả tháng 7 Âm lịch. Còn lễ lớn, chính thức được người dân Hong Kong tổ chức tại các miếu và chùa trên khắp cả nước trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 7 Âm lịch. Sự kiện này đã được tổ chức trong hơn 100 năm và nó được xem như môt loại di sản văn hóa phi vật thể của Hồng Kông.
Trong khoảng thời gian này, trên khắp Hồng Kông, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân ở mọi nơi như công viện, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên và những bóng ma lang thang trên đường. Họ cúng thức ăn và đốt vàng hương, các giấy tiền vàng mã, thậm chí có người còn đốt nhà cửa, điện thoại đời mới nhất, tivi, tủ lạnh… với ý niệm “trần sao âm vậy”.
Với những người già ở Hong Kong, đây là dịp để họ dâng đồ ăn, thức uống rất thịnh soạn tới người thân đã qua đời của mình với mong muốn người thân được ăn uống no đủ, phù hộ cho gia đình, con cháu. Tuy nhiên, trong lần cúng này, ngoài việc cúng cho người thân đã mất, người Hồng Kông còn dành hẳn một bàn với quan niệm “càng bày nhiều đồ ăn trên đó càng tốt” để có thể cho nhiều linh hồn, bóng ma lang thang trên đường có thể được ăn uống no đủ với ý niệm “làm họ ấm no để không quấy phá dương gian”.
Singapore
Cộng đồng người Hoa tại đảo quốc sư tử coi rằm tháng 7 là lễ hội để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Người Singapore đốt hình một vị thần bảo trợ các hồn ma bằng giấy cao hơn 8 mét trong lễ hội tháng 7. Họ nhìn cách vị thần cháy như thế nào để đoán vận của tương lai của mình.
Nét đặc sắc của mùa Vu Lan ở Singapore là màn biểu diễn “getai” dành cho những linh hồn lang thang nơi trần thế.
Các căn lều lớn được dựng ngoài trời và các buổi đấu giá tại các khu dân cư như Ang Mo Kio và Yishun. Ngoài ra còn có cả các màn biểu diễn, như kinh kịch và ‘getai’ (có nghĩa là ca đài trong tiếng Trung, tức là các chương trình biểu diễn trực tiếp trên sân khấu), với các câu chuyện về các vị thần và nữ thần, hài độc thoại, cũng như các bài hát và điệu nhảy đếm số. Điểm đến cho dịp rằm tháng 7 ở Singapore là khu Chinatown và miếu Lorong Koo Chye Sheng Hong thờ Đạo Lão. Ngày nay “getai” cũng có phong cách rất khác, với âm nhạc sôi động trên sân khấu chiếu đèn LED rực rỡ. Những nghệ sĩ trẻ tuổi sẽ không hát các bài ca truyền thống bằng tiếng địa phương mà biểu diễn các phiên bản techno của các ca khúc nhạc pop tiếng Anh và tiếng Phổ thông.
Malaysia
Tương tự như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, Malaysia cũng tổ chức đón Rằm tháng 7 nhưmột lễ hội quan trọng trong năm. Nó cũng có tên là Hungry Ghost Festival (Lễ hội ma đói), dođó người dân thường làm rất nhiều món ăn thịnh soạn để cùng bái tổ tiên.
Người dân Malaysia cũng đốt những hình nộm lớn, ăn mừng bằng tiệc ngoài trời, tổ chức các chương trình biểu diễn và cùng nhau cầu nguyện.
Đối với người Hoa ở ở Malaysia, trong suốt tháng 7 âm lịch, họ cũng biểu diễn những tiết mục nghệ thuật như nhạc kịch, ca hát, nhảy múa… để phục vụ những linh hồn lang thang nơi trần thế. Mỗi buổi trình diễn kéo dài từ 20h đến nửa đêm. Riêng hàng ghế đầu tiên dành cho các linh hồn.
Indonesia
Lễ hội Rằm tháng 7 ở Indonesia có tên là Chit Gwee Pua. Dip này người dân tập trung về các đền chùa và mang theo đồ cúng dành cho những linh hồn kém may mắn. Phần đồ cúng sau đó được tặng người nghèo. Cảnh tượng tranh giành đồ cúng là phần hội không thể thiếu của Chit Gwee Pua ở đảo Java. Tại những vùng Bắc Sumatra, Riau và đảo Riau, người dân tổ chức những sân khấu Getai như truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Malaysia hay Singapore.
Nhật Bản
Dịp rằm tháng 7, người Nhật Bản tổ chức lễ hội Phật giáo Obon để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, nguồn cội. Lễ hội kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ 13 đến 15/7 Âm lịch.
Ngày rằm tháng 7 còn có tên là Chugen, dịp người dân tặng quà cho cấp trên và người thân. Tục lệ này có nguồn gốc từ truyền thống dâng đồ cúng cho các linh hồn tổ tiên.
Vào ngày đầu tiên của Lễ hội Obon, người dân sẽ treo đèn lồng trước cửa để chỉ đường về nhà cho các linh hồn. Đến ngày cuối cùng là lễ thả đèn hoa đăng xuống những dòng sông để làm dấu dẫn đường cho những linh hồn trở về thế giới của mình. Có nơi tổ chức Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8.
Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ.
Các đám lửa được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán ở năm ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii (có nghĩa là Cổng lên trời).
Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút, trong thời gian đó mọi người sẽ gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên. Sau khi các đám lửa đã cháy hết, các điệu múa truyền thống là Daimoku và Sashi của Lễ hội Obon sẽ được tổ chức trong vòng một tiếng đồng hồ ở chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Lễ hội kết thúc với nghi thức thả thuyền giấy. Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.
Hàn Quốc
Theo phong tục Rằm tháng 7 Âm lịch, người Hàn Quốc gọi là Bách Trung hay Bách Chủng, tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn gọi ngày này là Lễ Trung Nguyên hoặc Vu Lan Bồn như người Hoa.
Theo đó lễ Vu Lan Báo hiếu, nên cũng là thời kỳ để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu sinh cực lạc quốc.
Trước kia, khi người Hàn Quốc chưa ấn định ngày mùng 8 tháng 5 là ngày Cha mẹ thì ngày rằm tháng 7 đã từng đóng vai trò là ngày báo hiếu với bậc sinh thành. Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Hàn Quốc, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu.
Ở nông thôn Hàn Quốc, vào ngày Bách chủng Rằm tháng 7 âm lịch, mọi công việc đồng áng, bón phân làm cỏ cũng đã hoàn thiện. Người nông dân bắt đầu có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên cũng không cần sử dụng đến cái liềm nữa. Chính vì thế mà ngày rằm tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “Ngày rửa liềm”.
Xưa kia đây cũng là dịp để người ăn kẻ ở trong nhà được nghỉ ngơi, nên họ còn gọi ngày này là “Ngày sinh nhật của kẻ ăn người ở” hay “Tết của kẻ ăn người ở”. Người nông dân nghỉ việc đồng áng trong ngày rằm tháng 7 âm lịch. Họ làm cơm nấu rượu, ăn uống thỏa thuê và khua chiêng gõ trống thổi kèn cùng nhau vui ca hát nhảy múa. Các gia chủ thì sắm quần áo mới cho tôi tớ trong nhà mình.
Ở vùng Jeolla-do, người ta còn có tập tục là mời rượu người ở những nhà có sản lượng thu hoạch lớn nhất và bầu họ là một “Trạng nguyên nông nghiệp”. Người này sẽ được bôi mặt đen, khoác áo tơi dorongi, đội nón sậy satgat và cưỡi bò đi quanh làng. Nếu người ở đó là trai chưa vợ hay là gà trống nuôi con thì còn được gả cho các cô, các bà vừa lứa, và được tặng cả đồ gia dụng.
Trở về nước Việt Nam, tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang – Chức Nữ.
Dân tộc Giáy
Theo quan niệm của người Giáy ở tỉnh Lào Cai . Rằm tháng bảy là một lễ tết lớn. Trong tiếng Giáy, Rằm tháng Bảy có cách gọi “tết Xíp xỉ”. Tết này thường được tổ chức vào chiều 14/7 Âm lịch.
Theo tục lệ, người Giáy tổ chức lễ dâng cúng lên tổ tiên với ý nguyện cầu xin sức khỏe, an lành, thịnh vượng cho gia đình. Lễ vật cỗ cúng được sắm chu đáo như: Gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, canh… Đặc biệt là các gia đình đều tổ chức gói bánh rợm để dâng cúng tổ tiên.
Một điều tạo nên sự khác biệt trong lễ Rằm tháng Bảy của người Giáy nữa, là họ tự mua giấy màu về để cắt tiền vàng, quần áo, hàng mã theo đúng trang phục truyền thống dân tộc mình.
Bên cạnh đó, lễ cúng chúng sinh được đồng bào cúng vào thời điểm 21 – 22 giờ đêm. Thủ tục lễ cúng đơn giản là cắm 7 nén hương thành hàng trước ngõ, sau đó trộn xôi, cháo, thịt lợn, nước canh, rắc dọc theo chân hương rồi làm lễ.
Dân tộc người Dao
tháng Bảy của người Dao là 1 trong 3 tết lớn nhất trong năm, bên cạnh Tết thanh minh và Tết tạ ơn. Người Dao có quan niệm “vạn vật hữu linh”, do đó họ tin vào sự tồn tại của “cõi thiêng”, nơi mà ở đó các linh hồn tổ tiên, thần linh vẫn đang dõi theo cuộc sống của họ ở trần thế.
Lễ vật cúng bao gồm: 1 con heo, 1 con gà trống, bánh chưng của người Dao, rượu và 5 cái chén, 1 chén nước, 1 bát nhang, giấy bản của người Dao.
Cỗ Rằm tháng Bảy của người Dao sẽ được tổ chức theo quy mô từng gia đình. Tuy nhiên, nếu gia đình nào không tự làm lễ cúng được, thì sẽ mời thầy cúng về để làm lễ cúng cho gia đình mình. Đồng thời, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị từ 5 – 7 mâm cỗ để mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến cùng ăn tết.
Tết Rằm tháng Bảy của đồng bào Dao còn đặc biệt ở chỗ chỉ đến Rằm này các bà, các mẹ mới gói những chiếc bánh gù đen – một loại bánh đặc chưng của đồng bào Dao. Loại bánh này được làm từ gạo, giã với tro, thân cây vừng tạo thành bánh có màu đen, khi luộc chín có mùi vị rất lạ. Ngoài ra, còn bánh dày, bánh mật là những loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết và Rằm tháng Bảy.
Dân tộc người Tày Nùng ở Cao Bằng
Với người Tày – Nùng ở Cao Bằng, cứ vào dịp tháng Bảy âm lịch hằng năm, mọi người, mọi nhà lại rộn ràng đón Tết. Rằm tháng Bảy âm lịch còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết “Pây tái” hoặc “Pây chường tái”, có ý nghĩa là ngày lễ của con cái báo đáp công ơn đối với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Đây là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của bà con dân tộc Tày – Nùng tại Cao Bằng.
Người Tày – Nùng thường làm lễ “Pây tái” và ăn Rằm tháng Bảy trong 2 ngày là 14 và 15 âm lịch. Lễ “Pây tái” mang ý nghĩa riêng, đó là: Những người con gái sau khi đi lấy chồng, quanh năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm duy nhất chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy mới là dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên.
Người Tày – Nùng có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pất”, nghĩa là: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt. Chính vì vậy, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng Bảy. Thời điểm trước ngày lễ vài ngày, khi ghé thăm các phiên chợ huyện, hàng vịt là nơi được mua bán trao đổi nhộn nhịp và đông đúc nhất.
Người Mông xanh ở Lào Cai
Rằm tháng Bảy là dịp quan trọng với người Mông xanh ở thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn, Lào Cai). Các gia đình tổ chức ăn rằm từ ngày 11 đến ngày 15 tháng Bảy (âm lịch).
Mâm cỗ để ăn rằm của người Mông xanh không thể thiếu món xôi. Người dân thường làm xôi tím trộn lẫn với xôi trắng từ gạo nếp dẻo do người dân tự trồng. Sau khi chế biến xong các món ăn, chủ nhà cúng mời gia tiên về ăn rằm. Mỗi dòng họ sẽ chọn vị trí cúng gia tiên khác nhau. Đồ cúng thường là một con gà, quẻ, chén rượu… chủ hộ là người khấn. Sau khi cúng, người Mông xanh thắp hương và đốt vàng mã ở nhiều vị trí quan trọng trong gia đình như cửa, bếp… để mời các vị thần cùng về ăn rằm.
Trong ngày rằm, mọi người thường tồ chức các trò chơi dân gian như đu quay, chơi khèn Mông…
Lời kết:
Đây chỉ là những sưu tầm tổng hợp trên mạng Internet, người viết chỉ mong nhân ngày lễ rằm tháng bảy này đề cao đến tinh thần văn hoá Á Đông của chúng ta và nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội và truyền thống này, riêng những ai đã từng sâu hơn vào Kinh điển Phật giáo đều biết rằng Đức Phật với tâm đại bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian và thấy rằng các thân bằng quyến thuộc đã quá vãng thường đến nhà thân nhân. Họ đứng tựa vách hay ngoài cửa, đứng ở ngã ba đường hay ở cổng thành với mong mỏi người thân của họ nhận ra và làm phước nhân danh họ để họ có chút phước làm động lực vượt thoát khổ cảnh.
Cũng trong Nam Tông, Phật giáo Nguyên Thuỷ Phật giáo Nguyên thủy – Theravada, việc cúng dường chư tăng và hồi hướng phước báu đến thân nhân quá vãng xẩy ra thường xuyên trong năm, khi có duyên sự, không phải chỉ chờ đến Tháng Bảy Vu-lan mới làm lễ này.
Nếu thân nhân của họ có lòng từ bi, làm phước và do công đức bố thí đó hồi hướng đến cho họ, với câu chú nguyện: “Idam no nhātinaṁ hontu – sukhita hontu nhātayo” – “Mong cho phước thiện này được thọ hưởng bởi thân nhân của chúng tôi, nguyện cho họ được cát tường như ý”. Nếu các vong nhân đó vân tập ở các đạo tràng, phát sinh tâm hoan hỷ, cảm kích trước việc phước thiện mà thân nhân của họ đang làm, do thiện tâm đó, họ được giải thoát khỏi khổ cảnh. Kinh văn (Tirokuḍḍesu sutta, KN) viết:
Unnate udakaṁ vutthaṁ – “Như nước trên gò cao,
Yathā ninnaṁ pavattati – Chảy xuống vùng đất thấp,
Evameva ito dinnaṁ – Phước lành đã hồi hướng,
Petānaṁ upakappati – Có diệu năng cứu khổ,
Yathā vārivahā pura – Như trăm sông tuôn chảy,
Paripūrenti sāgaraṁ – Đều hướng về đại dương,
Evameva ito dinnaṁ – Nguyện công đức đã tạo,
Petānaṁ upakappati – Thấu đến chư hương linh”,
Kính trân trọng,
Nam Mô Đại Hiếu Mục kiền Liên Bồ Tát
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo tác đại chứng minh.
Huệ Hương