CHUYỆN THỨ NHẤT: NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG HƯ KHÔNG
Một hôm, Tôn giả Lặc Xoa Na sáng sớm đến mời Tôn giả Mục Kiền Liên vào thành Vương Xá cùng đi khất thực. Trong khi đi đường, Tôn giả Mục Kiền Liên miệng mỉm cười, Tôn giả Lặc Xoa Na trông thấy liền hỏi:
– Mỗi khi Thế Tôn (Đức Phật) và các đại đệ tử của Ngài mỉm cười, thì thường có duyên cớ, vừa rồi tôi thấy thầy mỉm cười, vậy thầy mỉm cười là do nhân duyên gì?
Tôn giả Mục Kiền Liên đáp:
– Câu hỏi chưa đúng lúc, chờ khất thực xong trở về chỗ Thế Tôn, thầy hãy hỏi tôi sẽ trả lời.
Hai Tôn giả vào thành khất thực, họ ăn xong, rồi cùng đến chỗ Phật, vái lễ, và ngồi vào chỗ, Tôn giả Lặc Xoa Na đến trước Đức Phật thưa:
– Sáng nay, con cùng Tôn giả Mục Kiền Liên ra khỏi núi Kỳ xà Quật để đến thành Vương Xá khất thực. Đang đi đến chỗ nọ, Tôn giả lại mỉm cười, con biết Thế Tôn và các đại đệ tử không bao giờ mỉm cười vô duyên cớ nên con hỏi Tôn giả: “Thầy mỉm cười là do nhân duyên gì?” Khi đó Tôn giả bảo con: “Thầy hỏi chưa đúng lúc, chờ khất thực xong trở về chỗ Thế Tôn, thầy hãy hỏi tôi sẽ trả lời”, bây giờ trước mặt Đức Thế Tôn con xin hỏi lại Tôn giả:
– Vì nhân duyên gì lúc đó thầy lại mỉm cười?
Tôn giả Mục Kiền Liên đáp:
– Giữa đường tôi thấy một chúng-sinh, thân to như cái nhà lầu đi trên hư không khóc lóc, đau đớn, kêu gào, buồn khổ; tôi đã khởi nghĩ là chúng sinh này mang cái thân to lớn như thế mà còn khóc than buồn khổ thì thật là kỳ lạ, nên tôi mỉm cười.
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
– Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thực nhãn, thực trí, thực nghĩa, thực pháp, quyết định thông suốt, thấy chúng sinh này. Ta thấy chúng sinh này mà không nói ra, e người hoang mang không tin, vì sao? Như Lai đã nói: “Những kẻ không tin lời Như Lai nói là những kẻ ngu si, mãi mãi thọ khổ”.
Rồi Ngài nói tiếp:
– Thời quá khứ, chúng sinh to lớn kia làm người đồ tể giết trâu bò. Do tội giết trâu bò, nên sau khi chết đi, người ấy bị đọa vào Địa ngục, và chịu cực hình hàng trăm nghìn năm. Khi ra khỏi Địa ngục, tội báo còn dư, nên phải chịu cái thân to lớn như thế, phải thọ sự đau đớn buồn khổ như vậy.
Tôn giả Mục Kiền Liên lại nói tiếp:
– Thưa Thế Tôn, có một lần khác, con thấy một chúng sinh cũng to lớn khắp mình có lông nhọn tua tủa như gươm đao; các lông ấy tự nhiên phát cháy đốt thân thể, nên chúng sanh ấy đau đớn vừa chạy vừa kêu la thảm thiết, thật là tội nghiệp.
Đức Phật bảo:
– Chúng sinh ấy, thời quá khứ làm nghề đồ tể giết lợn (heo), do tội ấy nên trăm nghìn năm đọa Địa ngục chịu vô lượng khổ; tội báo còn sót lại, nên người ấy phải mang cái thân như thế và tiếp tục chịu khổ.
Đức Phật nói tiếp:
– Tội về giết hại chúng sinh thì vô kể, nói sao cho hết. Các tội khác cũng thế, nhiều vô kể, và bị qủa báo vô cùng khổ sở, nói sao cho hết được!
CHUYÊN THỨ HAI: THU PHỤC VUA RỒNG:
Một hôm, khi Phật đang thuyết pháp cho năm trăm đệ tử trong đại giảng đường, thì tại cung Long Vương có hai Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn nghĩ:“Các Sa Môn hay bay trên ta, ta phải làm cho họ không bay được, không di chuyển được”. Rồi hai Long Vương to lớn ấy nổi giận phóng gió lớn khiến giông tố nổi lên, đất tung cát bay, trời đất mịt mù, sấm chớp giăng đầy khắp chốn. Tôn-giả A Nan thấy thế bạch Phật:
– Thưa Thế Tôn, không hiểu sao hôm nay trời đất sấm chớp gió cuốn mịt mù khác hẳn mọi khi?
Phật bảo:
– Đây là hai Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn nghĩ rằng các Sa Môn khống chế hư không vì thường bay trên đầu họ nên họ nổi giận phá không cho Sa Môn làm điều đó nữa.
Khi đó Tôn giả Đại Ca Diếp đứng dậy cúi đầu vái Phật và thưa:
– Con xin được đi đánh nhau với họ.
Phật bảo:
– Hai Long Vương này rất là hung ác, khó thể chịu giáo hóa, thầy ngồi xuống đi.
Tiếp theo là các Tôn giả A La Luật, Ly Việt, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, Ưu Đà Di, Ba Kiệt v.v…, mỗi người lần lượt đứng dậy xin đi hàng phục hai Rồng dữ, đều bị Phật từ khước không cho.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục Kiền Liên đứng dậy vái Phật và thưa:
– Con muốn đi hàng phục hai Rồng dữ, xin Thế Tôn cho phép con đi.
Phật bảo:
– Thầy đủ sức hàng phục Rồng dữ, nhưng thầy phải giữ tâm ý, chớ khởi loạn tưởng, vì hai Rồng kia hung dữ đủ sức xúc nhiễu thầy.
Khi được Phật chấp thuận, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên cúi đầu lễ Phật rồi ngồi xuống nhập định, chỉ trong khoảnh khắc liền biến mất khỏi đạo tràng; lúc ấy hai Rồng lớn có bảy đầu đang bay hung bạo quanh núi Tu Di khiến cho trời đất mịt mù như thế. Tôn giả Muc Kiền Liên hóa làm đại Long Vương có mười bốn đầu, to gấp hai lần hai Long Vương kia, lượn quanh núi Tu Di nhanh bằng hai lần và phun khói ầm ầm ngay phiá trên hai Rồng kia. Thấy thế, hai Rồng sinh lòng sợ hãi, nhưng chưa chịu khuất phục mà muốn thử tài xem thế nào; hai Rồng bèn lấy đuôi quậy trong biển lớn, lấy nước rảy lên khắp cõi Đao Lợi, nhưng không trúng đại Rồng. Khi ấy đại Rồng cũng lấy đuôi quẫy trong biển lớn, lấy nước rảy khắp và trúng vào hai Rồng.
Khi đó hai Rồng bực tức giận dữ tột cùng, nổi sấm sét vang rền, phun khói vũ bão, giông tố rung chuyển trời đất. Tôn giả nghĩ: “Nếu ta dùng sấm chớp giông tố chiến đấu với họ chỉ hại cho cõi Trời và Người, nay ta hóa hình cực nhỏ để chiến đấu”. Nghĩ vậy, Tôn giả liền hóa hình cực nhỏ chui vào miệng Rồng rồi chui ra một lỗ mũi, rồi lại chui vào lỗ mũi kia ra lỗ tai, chui trở lại lỗ tai ra lỗ mắt, chui trở lại lỗ mắt ấy rồi ra lỗ mắt kia. Đã ra khỏi lỗ mắt kia rồi đi trên lông mi của Rồng.
Khi ấy hai Long Vương hết sức sợ hãi và nghĩ: “Trước đây đại Long Vương này to lớn gấp mấy chúng ta, có số đầu gấp hai chúng ta, bay nhanh cũng gấp hai, lại rảy nước trúng thân chúng ta. Nay lại biến còn nhỏ tí chui vào miệng ra mũi, vào mũi ra tai, vào tai ra mắt, vào mắt này ra mắt kia, rồi lại đi trên lông mi ta; đại Long Vương này có đại oai lực, chúng ta chẳng thể bằng được. Loài Rồng chúng ta bốn loại: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, nhưng không Rồng nào vượt được chúng ta; nay chúng ta chắc chết mất, không biết đại Long Vương này ở đâu mà có uy lực như thế?”
Tôn giả Đại Mục Kiền Liên biết hai Long Vương suy nghĩ và sợ hãi, liền trở lại hình bình thường đi trên mi mắt Rồng. Hai Rồng trông thấy Tôn giả, tự nói với nhau: “Đây là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, chẳng phải đại Long Vương. Thật là kỳ lạ, vị này có thể thi tài với chúng ta!” Long Vương Nan Đà nói:
– Tôn giả, sao lại quấy nhiễu chúng tôi như thế? Muốn răn dạy chúng tôi điều gì?
Tôn giả Đại Mục Kiền Liên bảo:
– Các ông nghĩ rằng: “Làm sao mà Sa Môn trọc đầu lại bay trên đầu ta, chế ngự hư không của chúng ta, nay ta chế ngự Sa Môn”. Có phải thế không?
Long Vương trả lời:
– Đúng thế, Tôn giả.
– Các ông nên biết núi Tu Di này là đường đi của Chư Thiên chẳng phải chỗ riêng của các ông.
– Cúi mong Tôn giả tha thứ, từ nay về sau, chúng con sẽ không dám xúc nhiễu, không dám nổi loạn nghĩ ác nữa. Cúi mong Tôn giả nhận chúng con làm đệ tử.
– Các ông chớ có quy y ta, các ông quy y nơi ta đã quy y.
– Chúng con hôm nay xin quy y Như Lai.
– Các ông không thể quy y ở đây, các ông nên cùng ta đến thành Xá Vệ, chỗ Thế Tôn để quy y.
Tôn giả Đại Mục Kiền Liên dẫn hai Long Vương nhanh như co tay từ núi Tu Di đến Tịnh Xá Kỳ Hoàn, bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng nghe. Tôn giả bảo hai Long Vương:
– Các ông nên biết, các ông không thể để thân hình này mà đến chỗ Phật.
Long Vương nói:
– Đúng thế Tôn giả.
Hai Long Vương liền hóa hình người dung mạo đẹp đẽ. Tôn giả Đại Mục Kiên Liên đến chỗ Phật cúi đầu lễ Phật rồi bảo hai Long Vương:
– Nay đúng lúc, các ông tiến lên.
Hai Long Vương liền tiến lên, chắp tay thưa:
– Chúng con tên Long Vương Nan Đà và Ưu Bàn xin Thế Tôn chấp thuận cho chúng con được quy y, thọ trì năm giới trong giáo pháp của Như Lai.
Thế Tôn búng ngón tay chấp thuận. Hai Long Vương bèn vái lễ rồi ngồi xuống nghe pháp…
CHUYỆN THỨ BA: TÔN GIẢ ĐẠI MỤC KIỀN LIÊN VÀ MA VƯƠNG
Có một thời gian Tôn giả Đại Mục kiền Liên phụ trách trông coi việc dựng thiền thất tại vườn Lộc Dã. Một hôm trong lúc Tôn giả đang đi kinh hành trên khoảng đất trống, Ma Vương hóa hình nhỏ xíu chui vào trong bụng của Tôn giả. Lúc đó Tôn giả nghĩ rằng: “Quái lạ, hình như ta đã nuốt phải vật gì vào trong bụng? Ta nên nhập Như kỳ tưởng định để nhìn vào bụng xem là vật gì?” Nghĩ rồi, Tôn giả đi đến cuối đường kinh hành, bèn ngồi kiết già nhập định mà nhìn vào bụng mình thì thấy Ma Vương đang ở trong đó; Tôn giả bèn ra khỏi định, rồi nói rằng:
– Này Thiên Ma, ngươi hãy ra mau, đừng sống mãi trong sự không thiện lợi không thiện ích mà ngươi phải thác sinh vào cõi dữ chịu vô lượng khổ.
Khi ấy Ma Vương bèn nghĩ: “Sa môn này không thấy không biết, thế mà lại nói như vậy, đúng là nói mò; dù Tôn Sư ông có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau biết lẹ như vậy, huống chi là đệ tử mà thấy biết mau lẹ được sao?”
Tôn giả lại nói:
– Ta lại biết trong ý của ngươi nghĩ rằng: “Sa môn này không thấy không biết, thế mà lại nói như vậy, đúng là nói mò; dù Tôn Sư ông có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau biết lẹ như vậy, huống chi là đệ tử mà thấy biết mau lẹ được sao?”
Nghe Tôn giả nói như vậy, Ma Vương nghĩ: “Sa môn này đã thấy biết ta, nên mới nói những điều xảy ra, và còn biết cả ý nghĩ của ta nữa; ta không ra không được”</i<. Rồi từ trong bụng, Ma Vương chui lên miệng của Tôn giả, và vọt ra hiện hình người đứng trước mặt, Tôn giả bảo:
– Này Ma Ba Tuần, thuở xa xưa, vào thời Đức Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại. Lúc đó ta là đại Ma Vương tên Ác, ta có cô em tên là Hắc, ngươi chính là con trai của cô Hắc. Này Ma Ba Tuần, vì lẽ đó cho nên ngươi là cháu gọi ta bằng bác.
Ma Ba Tuần, thuở ấy Đức Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại có hai đại đệ tử tên là Âm và Tưởng.
Do ý nghĩa nào một người được gọi là Âm? Tôn giả Âm: kiếp trước đó sống ở cõi Phạm Thiên, có tiếng nói vang xa cả nghìn thế giới; lại không ai có âm thanh ngang bằng, cho nên Tôn giả ấy được đức Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại đặt tên là Âm.
Do ý nghĩa nào một người có tên là Tưởng? Vì Tôn giả Tưởng nương vào thôn ấp mà du hành, Tôn giả luôn luôn giữ thân, thu nhiếp các căn, giữ vững chính niệm; Ngài thường đến chỗ vắng hoặc dưới gốc cây trong rừng vắng, hoặc đến chỗ yên tĩnh ngồi kiết già nhập Tưởng tri diệt định. Lúc ấy có vài người đi ngang qua thấy Ngài ngồi ngay như khúc cây khô, thân thể không cử động, lá cây vướng mắc cả trên đầu cổ, họ bèn nghĩ: “Người này ngồi chết trong rừng vắng này, chúng ta nên làm phúc, nhặt cỏ và củi khô chất đống bao thân thể mà đốt thiêu”; họ bèn làm như vậy, xong bỏ đi.
Tôn giả Tưởng sau một đêm, sáng hôm sau đập tro mà ra, phủi bụi rồi du hành trở lại về thôn ấp như thường lệ. Những người trước kia đã gặp Tôn giả, khi thấy Tôn giả lại ngồi (nhập định) ở chỗ khác, họ bèn nghĩ: “Trước kia chúng ta đã hỏa thiêu người này rồi sao không chết mà lại ngồi tưởng ở chỗ khác này?” Vì lẽ đó cho nên mọi người gọi Ngài là Tưởng.
Lúc ấy ta là đại Ma Vương tên Ác nghĩ rằng: “Sa môn này bị trói chặt, bị tuyệt chủng, không gia đình con cái; Sa môn này ngồi (thiền) đắm đuối giống như con mèo ngồi rình bên hang chuột, mải miết say đắm; Sa môn này đắm đuối cái gì, mục đích gì, mong muốn điều gì, ta chẳng biết người này từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Ta hãy dạy bảo một số người đến phá không cho ngồi, biết đâu người này chẳng nổi tâm giận dữ để ta dễ lợi dụng”. Nghĩ như vậy: ta liền đi xúi giục một số người đến chửi rủa mắng nhiếc thậm tệ, phá không cho được ngồi yên; thậm chí một số người dùng đá ném, dùng cành cây đánh đập, làm rách áo, và gây thương tích cho Sa môn ấy.
Tôn giả Tưởng, đệ tử của Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại mang đầu mặt thương tích, áo rách tả tơi đi đến chỗ Phật đang thuyết pháp; khi Ngài trông thấy học trò đi đến, Ngài bảo đại chúng: “Đại chúng có thấy chăng? Ác Ma đã xúi giục một số người đến phá Sa-môn tinh tấn tu hành để hòng mong lợi dụng. Này chư vị đệ tử, hãy để tâm tương ưng với Từ tỏa khắp một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn cho đến mười phương, không oán hận, không si mê não hại, rộng lớn bao la. Trải khắp tất cả thế gian, tất cả thời gian, thành tựu an trụ; tâm tương ưng với Bi, Hỷ, và Xả cũng như vậy, với tâm như thế khiến ác Ma không thể lợi dụng được”.
Vì vậy ta không thể lợi dụng được, ta lại nghĩ: “Bằng phương pháp ấy vô hiệu quả, ta phải dùng cách khác, làm cho tâng bốc tâm của các Sa môn, biết đâu họ chẳng nổi tà tâm để ta dễ dàng lợi dụng”. Nghĩ vậy, ta bèn đi xúi giục một số con gái đẹp đến lễ bái hầu hạ Sa môn.
Các Sa môn sau khi được các người con gái đẹp lễ bái cúng dường v.v.. rồi, họ đi đến chỗ Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại. Ngài bảo các đệ tử: “Đại chúng thấy chăng? Ác Ma xúi giục các người con gái đến lễ bái, hầu hạ và cúng dường, ác Ma lại còn xúi những người con gái đánh mắt đưa tình, nũng nịu, õng ẹo trước Sa môn, để mong Sa môn nổi dục tâm hòng dễ dàng lợi dụng. Này các đệ tử, hãy quán sát các hành là vô thường không bền, các pháp thịnh suy không chắc chắn như bọt nước, như cơn gió thoảng; hãy quán các pháp là không thật như ánh trăng đáy nước, như bóng trong gương. Hãy quán thân là ô uế dơ bẩn thối tha ghê tởm, quán vô dục, quán ly xả, quán đoạn diệt tất cả mọi thứ để cho ác Ma không thể lợi dụng”.
Này Ba Tuần, vì thế ta không thể làm gì được Tôn giả Tưởng, nên bấy giờ ta hóa hình làm một đứa trẻ, tay cầm cây gậy đứng bên đường. Khi Đức Phật Giác Lịch Câu Tuần Đại đi khất thực ngang qua, có Tôn giả Âm đi theo phiá sau. Ta thấy thế, bèn đánh Tôn giả Âm một gậy, làm vỡ đầu, và máu chảy ướt cả mặt. Tôn giả Âm bị đánh bể đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Phật, không rời xa, cũng không kêu than nói năng chi cả.
Sau một lúc, Đức Phật xoay nhìn về phiá sau bên phải như cái nhìn của một voi chúa không sợ hãi, không giận dữ, và quán sát. Ngài nhìn thấy đầu Tôn giả Âm bị chảy máu ướt đỏ cả mặt, bèn nói: “Ác Ma thật hung ác này có đại oai lực, ác Ma này không biết đủ”; Ngài vừa nói dứt, thì ngay lúc đó, như tên bắn, chớp nhoáng, ta liền bị đọa vào đại Địa ngục Vô Khuyết.
Trong Địa ngục Vô Khuyết có Qủy ngục đến chỗ ta và nói: “Ngươi nên biết đinh sắt 100 cái đóng vào thân thể phải mãn hạn một trăm năm”
Ma Ba Tuần nghe nói như vậy, trong lòng hết sức rúng động, sợ khủng khiếp, bèn biến mất.,.
Toàn Không