Thế nào là Niệm Phật tam muội?
Tam muội có nghĩa là chánh định hay chánh thọ. Vì thế niệm Phật khi có được chánh định thì gọi là niệm Phật tam muội. Chánh thọ nghĩa là khi tâm đã thanh tịnh thì chánh thọ sẽ thành bất thọ tức là không còn thọ cái gì cả. Hằng ngày, con người thọ biết bao thứ trên cõi đời, nào là thọ vui, thọ buồn, thọ khổ, thọ mừng, thọ ghét, thọ yêu, thọ giận… Càng thọ thì chúng sinh càng khổ, tâm càng bất tịnh. Vậy thọ chính là biểu tượng của vô minh, là nhân của đau khổ cho nên nếu không thọ tức thì vô minh mất, khổ đau tan biến. Không thọ thì không đặt niềm hy vọng mà không hy vọng thì không sợ bị thất vọng nên không còn khổ. Khi những ma chướng như tham-sân-si dấy khởi làm cho con người sống trong chập chồng đau khổ, bây giờ biết quay về niệm Phật. Niệm cho đến khi vọng tưởng tan biến, tâm không còn giận, còn hờn, còn tham đắm si mê thì con người đã dùng lửa tam muội đốt sạch vô phiền não rồi. Vậy lửa tam muội không gì khác hơn là năng lực niệm Phật hay tham thiền để xoay tâm trở về với tự tánh bản nhiên thanh tịnh mà có an lạc Niết bàn.
Người niệm Phật khi đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng khiến tâm rất định thì cái định thể này là Niệm Phật tam muội. Hành giả sẽ cảm nhận cảnh hư linh sáng lặng, vọng giác tiêu tan và tâm chỉ còn trụ nơi tướng hảo hoặc hồng danh của Phật. Tuy nói là trụ, nhưng thật ra là vô trụ vì âm thanh sắc tướng đưởng thể như huyễn tức là không. Khi chúng sinh chuyên nhất niệm Phật, luôn giữ chánh niệm, quên hết thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian đến khi sức cực công thuần thì nơi đương niệm trần vọng bỗng thoạt tiêu tan, tâm thể bừng sáng, chứng vào cảnh giới vô niệm vô bất niệm tức là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm nghĩa là không thấy biết mới là sự thấy biết chân thật còn có thấy biết tức lạc theo ngoại trần. Đến đây thì tâm thể hoàn toàn sáng suốt rỗng rang, tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, đều còn đều mất, tuyệt đãi viên dung.
Kinh dạy Phật nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con và nếu con cũng nhớ mẹ thì đời đời không ngăn cách nghĩa là tuy Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh còn lặn hụp trong sông mê bể khổ, muốn đem giáo pháp nhiệm mầu để cứu vớt họ đến bờ giải thoát, nhưng nếu chúng sinh không hồi đầu thị ngạn quay về nương tựa nơi Phật pháp thì Phật cũng chẳng độ được tức là mẹ con vẫn xa cách nghìn trùng. Trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tâm, Phật tánh như nhau, nhưng vì sống trong điên đảo, chạy theo vô minh phiền não nên mới xa dần chơn tánh của mình. Do đó nếu bây giờ biết thức tỉnh quay thuyền trở lại bến xưa, nương tựa nơi chánh pháp thì Phật tánh hiện tiền tức là Phật và chúng sinh là một nghĩa là mẹ con tương ngộ tương phùng.
Kinh lại dạy tiếp rằng : “Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật thì tâm ấy là tâm Phật, nhất định sẽ thấy Phật”. Nhưng thấy Phật bằng cách nào? Thấy Phật bằng tướng hay bằng định? Thấy tướng là còn thấy sinh diệt, còn thấy trong định là tâm chẳng còn tán loạn. Ngày nay người niệm Phật thì nhiều, nhưng thành công thì ít, nguyên nhân là do miệng niệm Phật nhưng tâm không niệm, niệm thứ nhất vừa mới tinh thuần thì niệm thứ hai bèn xen tạp nên không có định, vọng tưởng vẫn còn dấy khởi nên không có kết quả.
Con người vì chẳng thể đoạn tham cầu ái dục, các thứ hưởng thụ trong cuộc sống nên lòng lưu luyến khó buông xả. Sợi dây ràng buộc càng to, càng rắn chắc thì càng khó đứt. Nó chính là căn nguyên cội rễ phát sinh ra Kiến hoặc, Tư hoặc tạo ra biết bao phiền não để cột chặt con người vào những hệ lụy của phiền não khổ đau, vào vòng sinh tử trầm luân. Vì thế trong pháp “Như huyễn Tam-ma-đề” giúp chúng sinh nhận thấu vạn pháp giai không, như huyển, không bền không chắc nên dễ tháo gút mở dây.
Tất cả phương cách niệm Phật trên thực tế chỉ là “Sự Niệm” vì tâm còn dựa theo sắc tướng âm thanh tức là còn lấy thức tâm sinh diệt làm nhân địa tu hành thì không bao giờ thành giác. Nhưng sự diệu dụng nhiệm mầu của Phật pháp là ban đầu hành giả tuy có nương theo âm thanh sắc tướng, nhưng dần theo thời gian âm thanh sắc tướng cũng tiêu tan, biến mất và sau cùng đạt được mục đích tối hậu là niệm Phật đến chỗ vô niệm thì thấy được Pháp thân thanh tịnh của mình. Nhưng thế nào là vô niệm? Niệm là ý niệm, là ý nghĩ. Vô là không. Dựa theo lời giải thích của Lục Tổ Huệ Năng thì Vô là không vọng niệm, còn Niệm là thường niệm chơn như bổn tánh. Nói thế “chơn như bổn tánh là thể và niệm là dụng”. Do đó nếu chơn như tự tánh không khởi niệm thì sáu căn cho dù có thấy nghe cũng không vì thế mà đắm nhiễm với ngoại trần. Được như thế là vô niệm. Nói cách khác niệm Phật đến một công phu nhất định, lúc ấy vọng thức không còn, tâm hằng thanh tịnh thì sẽ nhập vào “Lý Niệm” tức là có thể thấy được Pháp thân thường trụ của mình, thấy Phật nơi tự tánh, Phật tâm bình đẳng thanh tịnh.
Vì thế Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy rằng : ”Kẻ mê thì niệm Phật hy vọng vãng sinh Tây phương, người ngộ cũng niệm Phật nhưng chỉ cần thanh tịnh tâm mình”. Tại sao? Người mê thì thấy mình và Phật là hai thực thể khác nhau, cách biệt ngàn trùng nên mới cầu đến phương Tây để gặp Phật, ngược lại kẻ thức tỉnh giác ngộ biết rằng tâm mình chính là tâm Phật nên chỉ sống với tâm thanh tịnh an lạc thanh nhàn mà không cần cầu Phật ở đâu xa.
Đối với người sơ cơ thì Phật Thích Ca dạy có Phật A Di Đà ở cõi Tây phương cách xa trái đất mười vạn ức cõi Phật, nhưng đây chỉ là phương tiện, là Phật nói quyền giúp chúng sinh tin theo đó mà niệm Phật để giải trừ vô minh, vọng chấp. Cũng ví như câu chuyện tham tiền niệm Phật vậy. Ban đầu vì tham tiền mà niệm Phật, càng niệm thì càng có nhiều tiền. Nhưng niệm đến khi vô niệm vô biệt niệm tức là có được nhất tâm thì tiền cũng không tham, thấy tiền như thấy rác. Do đó khi đã hiểu đạo rồi và một khi tâm mình được thanh tịnh thì ở nơi đó và ngay trong thời điểm đó Phật A Di Đà hiển hiện trong tâm của ta rồi. Lúc ấy lầu vàng gác tía cũng chẳng ham, vãng sinh cũng chẳng mong cầu vì sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh là có Cực lạc, là được vãng sanh rồi. Vì thế mà kinh Duy Ma Cật nói rằng “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” nghĩa là một khi tâm mình thật thanh tịnh thì nơi ấy chính là cõi Phật A Di Đà. Vì thế mà Đức Phật Thích Ca và biết bao đệ tử của Ngài ở đâu và bất cứ lúc nào tâm cũng hằng thanh tịnh, tự tại Niết bàn. Ngược lại chúng sinh phàm phu tâm bất tịnh, phiền não vô minh lúc nào cũng nổi dậy, lòng còn tham đắm dục tình nên tu hành là phải xả bỏ mà lại muốn hưởng cao sang phú quý và an dưỡng nơi giàu sang Cực lạc.
Ngày xưa vua Trần Thái Tông rời cung điện nguy nga, leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu tìm lên núi Yên Tử để tìm Phật thì Quốc sư Trúc Lâm nói rằng : ”Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chơn tâm. Nay bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc cầu bên ngoài”.
Câu giảng rất nổi tiếng của Ngài Mã Tổ Đạo Nhất (đệ tử đời thứ hai của Lục Tổ Huệ Năng) là “Tức Tâm Tức Phật”. Ngài đã giảng nó như sau : “Phàm người cầu pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, không lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không nương cậy”. Ngài dạy thêm : ”Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có, có chẳng nhờ tu”. Ngài muốn nhắc nhở chúng sinh là ai ai cũng đều sẵn có Chơn tâm, Phật tánh chớ không phải vì tu tập đắc đạo mới có. Ngài nhấn mạnh rằng Tâm đó tức là Phật do đó nếu con người đi tìm Phật ở ngoài Tâm đó là làm một điều vô ích chẳng khác nào “mang Phật đi tìm Phật”. Sau cùng Mã Tổ còn dạy rằng:”Tâm bình thường là Đạo”. Theo Ngài thì thế nào là tâm bình thường? Đó là không tạo tác, không hơn thua phải trái, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh.
Vậy niệm Phật có những lợi ích gì?
1) Nếu nói về Sự thì niệm Phật sẽ trừ được các phiền não. Tâm của chúng sinh cũng như dòng nước luôn tuôn chảy, nếu pha những chất dơ bẩn thì nước trở thành vẫn đục, nhơ nhớp. Ngược lại nếu pha vào dòng nước những chất thơm tho thì nước sẽ trở thành thơm mát. Do đó nếu tâm chỉ nghĩ đến những cảnh tượng phiền não khổ đau thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Ngược lại niệm Phật một giờ thì có một giờ an lạc, một ngày thì có một ngày an lạc. Chúng sinh hằng ngày chuyên nghĩ đến những điều tội lỗi như tham-sân-si…và miệng thốt ra những lời tội ác, thân làm những việc xấu xa. Nay nếu biết niệm Phật thì bộ ba thân, khẩu, ý không có cơ hội thực hành những ác nghiệp, tâm trí sẽ sáng suốt, bệnh tật cũng vì thế mà thuyên giảm và cuộc đời sẽ vô cùng an vui tự tại.
2) Lợi ích về Lý : Khi hành giả niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn thì không còn các vọng tưởng và chơn tâm thanh tịnh hiện ra. Chơn tâm thường trú không sinh diệt hư hoại nên gọi là “Thường” và thể tánh tịnh minh sáng suốt là “Quang” và tâm thanh tịnh vắng lặng là “Tịch”. Do đó cảnh “Thường, Tịch, Quang” Tịnh độ chỉ ở nơi chơn tâm ta chớ không đâu khác.
Thêm nữa, chơn tâm không hoại diệt là “Phật Vô Lượng Thọ”, chơn tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô Lượng Quang” và đó tức là “Thanh tịnh diệu Pháp thân” của Phật A Di Đà.
Nói cho cùng, người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập chơn tâm rồi thì Phật A Di Đà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ nơi tâm mình hiện ra, chớ không phải ở đâu xa. Vì thế nên Kinh dạy rằng : ”Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.
Đến đây chắc có người sẽ thắc mắc về Phật A Di Đà và cảnh giới cõi Cực lạc, chúng tôi xin kể lại câu chuyện của một vị tăng hỏi Ngài Triệu Châu rằng :
– Con chó có Phật tánh không?
Ngài Triệu Châu đáp :
– Có.
Vị tăng khác lại hỏi :
– Con chó có Phật tánh không?
Ngài Triệu Châu bây giờ đáp :
– Không.
Tại sao Ngài có lúc nói có, có lúc nói không?
Ngài Triệu Châu chỉ dùng phương tiện mà phá cái chấp của chúng sinh. Đối với người chấp có Phật tánh (Phật A Di Đà) thì Ngài nói là không tức là dùng cái không để phá chấp có. Còn người chấp không thì nói có nghĩa là dùng cái có để phá chấp không. Phật tánh là chơn không, vô hình vô tướng thì làm sao diễn tả được mà nói là có hay không. Con người phải lìa văn tự, ngữ ngôn thì mới ngộ được chơn tâm, Phật tánh. Vì thế trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng : ”vô pháp khả thuyết gọi là thuyết pháp” nghĩa là không có pháp để cho Như Lai thuyết bởi vì cái mà nói được thì nằm trong vòng lẩn quẩn tương đối, sinh diệt còn chân lý là pháp tuyệt đối, vô hình vô tướng, bất sinh bất diệt thì làm sao nói được. Dó đó “có “ hay “không” chỉ là phương tiện để đối trị với bệnh chấp của chúng sinh.
Trong kinh Lăng Già có câu : ”lìa tứ cú, tuyệt bách phi”.
Vậy thế nào là tứ cú?
Có là cú thứ nhất, không là cú thứ nhì, cũng có cũng không là cú thứ ba, chẳng có chẳng không là cú thứ tư.
Con người chấp cái “có” thì Phật nói “không” để đối trị cái có. Chúng sinh chấp “không” thì Phật thấy bệnh chấp vẫn còn nên dùng “có” để phá. Chúng sinh thấy Phật phá có, phá không cho là “chẳng có, chẳng không” thì lại chấp chẳng có, chẳng không. Phật thấy chúng sinh bệnh chấp vẫn còn nên phải dùng “cũng có, cũng không” để phá. Phật dùng phương tiện để phá mà chúng sinh tưởng thật nên tin “cũng có, cũng không” là chân lý nên sau cùng Phật phải đối lại “chẳng có, chẳng không”. Vì vậy có cũng phá, không cũng phá, chẳng có chẳng không cũng phá, cũng có cũng không cũng phá nghĩa là tứ cú đều phá hết, không trụ nơi có, không trụ nơi không, không trụ nơi chẳng có chẳng không, không trụ nơi cũng có cũng không tức là vô sở trụ thì lúc ấy Phật tánh (A Di Đà) mới hiện tiền.
Kinh dạy tiếp : ”Đến đây thì như người ướp hương, thân có mùi thơm gọi là Hương Quang Trang Nghiêm”. Đứng về mặt bản thể chơn tâm mà nói, tâm Phật và tâm chúng sinh vốn nào có khác, cùng đồng một bản thể thanh tịnh. Trong thế gian, phàm nhân dùng tưởng tượng, dùng duy tư, dùng duy tưởng để nhận biết thì cái biết này là “thế trí biện thông” nghĩa là cái biết, cái trí thức thông thường còn sai lạc. Ngược lại, một người tâm đã định thì cái định này như tấm gương, tịnh như nước lặng mới có thể đưa hành giả thấy được chân tướng, thật tướng của nhân sinh vũ trụ, có thể thấy rõ ràng quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là định tuệ bình đẳng phát sinh tức là có định thì trước sau cũng phát sinh trí tuệ. Khi đã có Bồ-đề, có giác ngộ thì tham-sân-si, mạn, nghi biến mất. Những ô nhiễm trần thế không còn thì thân tâm bây giờ hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt rỗng rang nên tỏa mùi hương (Giới-Định-Tuệ) trang nghiêm khắp cùng thế giới. Vậy hương ở đây chính là Giới-Định-Tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến hương cho nên nếu đem hương này chia cho toàn thể thế giới thì cũng không bao giờ hết. Ngửi thấy mùi hương là thâm nhập giới, định, tuệ hương nên có giải thoát làm cho thân tâm được thanh thoát nhẹ nhàng.
Thế nào là ngộ vô sanh nhẫn?
Vô sanh nhẫn tức là vô sanh pháp nhẫn. Khi tư duy quán chiếu để nhìn vạn pháp vô sanh thì cũng có nghĩa là nhìn vạn pháp vô diệt. Thí dụ khi nhìn một nụ hoa thì làm sao biết được tánh vô sanh của nó? Khi nhìn đóa hoa mới nở thì chắc chắn là nụ hoa sanh và vài tuần sau, hoa tàn thì nói rằng nụ hoa diệt. Nhưng đây chỉ là cái nhìn thiển cận của phàm nhân, còn cái nhìn của Bồ-tát tu hành chứng đắc, ngộ được vô sanh là ngay trong lúc nụ hoa mới nở thì cái sinh đã có diệt trong đó rồi. Ngược lại trong lúc nó tàn úa thì các vị Bồ-tát lại nhìn cái diệt là bắt nguồn cho cái sinh khác. Đó là hiện tượng quy về bản thể và bản thể duyên khởi thành ra hiện tượng thành ra có cái gì là thật sinh hay cái gì là thật diệt đâu. Nói cách khác sinh để rồi diệt, diệt rồi lại sinh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận nên sinh diệt, sống chết là chuyện thường, chẳng có gì quan trọng nên không còn lo sợ, khổ đau. Chúng sinh khi thấy mình già yếu, bệnh tật thì đau khổ buồn phiền. Ngược lại, đối với Bồ-tát thì sống chết là chuyện bình thường, tử sanh là trò dâu biển nằm trong chu kỳ bất biến tùy duyên rồi tùy duyên bất biến thế thôi. Vì vậy với tuệ nhãn của Bồ-tát hay Phật nhãn của chư Phật thì nhìn vạn pháp sanh mà không thật sanh và diệt nhưng không phải là mất hẳn nghĩa là sinh để rồi diệt và diệt rồi để lại sanh, sinh sinh diệt diệt vô cùng vô tận. Đây là chứng ngộ chân lý vô sanh pháp nhẫn vậy.
Trên đây là lối lý luận dựa theo tinh thần Bát Nhã vì thế người chứng được vô sanh nhẫn là đã đạt đến trình độ Bát địa hay Cửu địa trong Thập địa nghĩa là họ dùng tịnh niệm chân chính để diệt trừ tà kiến, vọng tưởng và các thứ nhiễm ô tư tưởng. Nói cách khác, trước kia thấy đời là năm thứ ác trược, bây giờ tâm thanh tịnh rồi thì cũng cái thế giới đó mà thấy rất thanh tịnh. Vì thế kinh Duy Ma Cật cũng dạy rằng : ”Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” nghĩa là một khi tâm mình thanh tịnh thì thế giới chung quanh là cõi Phật thanh tịnh tức là tâm an thì thế giới an vậy.
Kinh lại dạy rằng : ”Phật chẳng độ chúng sinh” nghĩa là tâm Phật và tâm chúng sinh vốn đồng một thể, nhưng chúng sinh chạy theo tâm sinh diệt, tâm hư vọng nên thấy toàn tướng hư vọng. Đến khi tâm được hoàn toàn thanh tịnh, rỗng rang thì chơn tâm, Phật tánh hiển bày. Vì thế Phật chẳng độ là khả năng tự chứng được hay không là do công phu của chính mình tức là tự lực. Ngài Đại Thế Chí chỉ nhờ chuyên cần niệm Phật tức là hoàn toàn nhờ vào khả năng tự lực mà chứng được vô sanh pháp nhẫn, có được trí tuệ trong sáng, viên thông tự tại. Trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà có 31 điều mà hàng Bồ Tát, nhơn, thiên phải tự lực tu hành. Có 16 điều nói về những thù thắng của cõi Cực lạc. Chỉ có một điều, đó là điều thứ 18 liên hệ đến tha lực của Phật A Di Đà. Điều 18 đại ý nói rằng : ”Thập phương chúng sinh chí tâm tín mộ muốn sinh về cõi Cực lạc chỉ cần 10 niệm là được toại nguyện, trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”. Nhưng trong 31 điều tự lực, hành giả phải dùng Thiền định để đạt được “Niệm Phật Nhất Tâm bất loạn” mà chứng được Bát Nhã tam muội, Không tam muội và Vô Tranh tam muội…
Có một Thiền sư tu đắc đạo, đạt được minh tâm kiến tánh nên danh tiếng truyền tới kinh thành. Nhà vua rất ái mộ, sai quan lớn lên núi thỉnh Thiền sư về kinh thành để vua hỏi pháp. Thỉnh một lần cũng không đi, hai lần cũng không đi đến lần thứ ba vua nổi giận mà phán rằng :
– Nếu kỳ này thỉnh Thiền sư không đi thì đem cái đầu ông ấy về kinh thành.
Viên đại quan lên núi thuật lại với Thiền sư và lời phán của vua và nói rằng :
– Tôi không dám lấy đầu của Ngài, nhưng tôi về không thì vua sẽ lấy đầu của tôi. Ngài hãy thương tôi mà đi.
Thiền sư đáp :
– Đi thì đi.
Rồi Thiền sư hỏi trong số đệ tử có ai muốn đi theo không?
Có một đệ tử ra nói :
– Con theo thầy đi.
Thiền sư hỏi :
– Một ngày con đi được mấy dặm?
– 5 0 dặm.
Thiền sư đáp :
– Không được.
Đệ tử khác nói :
– Con xin đi theo thầy?
– Một ngày con đi bao nhiêu dặm?
– 70 dặm.
– Không được
Một đệ tử khác cũng xin đi.
– Một ngày con có thể đi bao nhiêu đặm.
– 90 dặm.
– Không được.
Người nào cũng không được, sau cùng người thị giả nói :
– Con xin theo thầy.
Thiền sư lại hỏi :
– Một ngày con đi bao nhiêu dặm?
Thị giả đáp :
– Không biết, thầy đến đâu thì con đến đó.
Thiền sư hài long :
– Vậy là được.
Thiền sư ngồi ngay lại liền tịch diệt (nhập diệt) và người Thị giả cũng tịch theo luôn. Quan lớn thấy thế hoảng sợ, chứng tỏ oai quyền của vua chỉ áp chế cho người thường, chớ không thể áp dụng cho bậc chứng đắc được. Bởi vì Thiền sư đạt được minh tâm kiến tánh, chứng vô sanh pháp nhẫn nên sanh tử tự do, nói đi là đi liền.
Sau khi thành đạo, Đại Thế Chí Bồ Tát nguyện hướng dẫn người niệm Phật để có được tịnh độ. Vì thực hành ”Như huyển Tam-ma-đề” nên Bồ Tát thấy mình là huyển, vào huyển thế gian, độ cho huyển chúng sinh đắc thành huyển quả và có huyển tịnh độ. Đối với Bồ Tát thì trên đời này chẳng có cái gì là thật cả. Nếu thế gian là không thật thì tịnh độ làm sao thật được? Các Ngài vào thế gian để giáo hóa, hướng dẫn chúng sinh biết niệm Phật, biết nhiếp tâm vào câu niệm Phật để hóa giải hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà có được nhất tâm. Nhất tâm chính là chơn tâm, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên của tất cả mọi người. Nếu chúng sinh niệm danh hiệu Phật A Di Đà để dẹp trừ vọng tưởng, chấp trước thì mỗi câu niệm sẽ quét sạch vọng tưởng làm tâm thanh tịnh. Ví như ngọn đèn vốn sáng, nhưng vì gió lay động làm ánh sáng bị lu mờ. Nếu bây giờ chụp cái bóng che gió vào thì ngọn đèn sẽ bừng sáng. Do đó, nếu chúng sinh suốt ngày trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh nầy khi làm việc, lúc nghỉ ngơi cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ được chân lý nhiệm mầu ngay. Khi tâm đã hoàn toàn thanh tịnh thì cảnh Tịnh độ cũng chỉ nơi tâm mình hiện ra, chớ không phải đâu xa bởi vì cảnh giới cho dù là tận hư không cùng khắp pháp giới đều là do tâm tánh con người biến hiện.