Vậy thế nào là nhiếp trọn sáu căn?
Đại Thế Chí Bồ Tát “nhiếp trọn sáu căn” là Ngài làm chủ sáu căn của mình không cho nó chạy theo khách trần phiền não. Sáu căn, sáu trần tự chúng là bản nhiên thanh tịnh phát xuất từ Như Lai Tạng bản thể thì làm gì có tội lỗi, xấu xa. Nhưng nếu con người không biết tự chủ mà để cho sáu căn dính mắc nơi sáu trần thì vọng tưởng mê lầm chắc chắn sẽ xảy ra. Đức Phật và các đại đệ tử của Ngài cũng còn nguyên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý như tất cả mọi người, nhưng vì biết tự chủ sáu căn nên các Ngài luôn có Bồ Đề và tâm thường trụ Niết bàn. Các vị Tổ của Tịnh độ phát minh ra sâu chuỗi có 18 hột là biểu tượng cho sáu căn, sáu trần và sáu thức. Khi niệm Phật, hành giả nắm chắc từng hột một nghĩa là thu nhiếp từng căn không cho nó chạy tán loạn trong trần cảnh. Cái khó khăn nhất của pháp môn này là khi không niệm Phật, không thu nhiếp được sáu căn thì vọng tưởng sẽ nổi dậy trở lại vì “Định” chỉ có thể kềm chế chớ không tiêu diệt được “vọng tưởng”. Chỉ khi nào từ Định sang Tuệ thì vọng thức mới bị tiêu trừ. Vì vậy Ngài Đại Thế Chí dạy chúng sinh phải thực hành tịnh niệm tương tục.
Tịnh là không còn tạp niệm, không còn vọng tưởng. Vậy “tịnh niệm tương tục” có nghĩa là niệm Phật liên tục, không gián đoạn, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, đời đời kiếp kiếp không lúc nào ngừng nghỉ cho đến khi đạt được nhất tâm. Có được nhất tâm bất loạn tức là tâm đã định và khi tâm định thì trí tuệ sáng suốt sẽ phát sinh nghĩa là chứng đắc Tam-ma-đề tức là định-tuệ
viên dung hay là định-tuệ không “hai”.
Người tu Tịnh độ nói rằng pháp môn niệm Phật rất dễ, trăm người tu trăm người chứng, ngàn người tu ngàn người chứng. Thực tế có dễ như vậy chăng? Pháp môn niệm Phật được xếp hạng thứ 24, chỉ đứng sau Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông, thì tầm mức của nó dĩ nhiên rất là quan trọng, nhiệm mầu. Nếu người niệm Phật chỉ trong một sát na để tâm chạy theo ngũ dục lạc của thế gian là sắc, tài, danh lợi, ăn ngon, ngủ nghỉ thì làm sao còn là tịnh niệm được? Dựa theo Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát thì nhiếp trọn sáu căn nghĩa là mắt không thấy tướng xấu đẹp, tai không nghe tiếng khen chê, mũi không ngửi mùi thơm thúi, lưỡi không nếm mùi ngon dở, thân không tiếp xúc nóng lạnh ấm êm và ý không phân biệt buồn vui, thương ghét cho đến khi đạt được công phu nhất tâm bất loạn. Nếu nói dễ thì quý vị đã nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tương tục được chưa? Hay dễ hơn là có nhiếp được căn nào không? Tịnh niệm còn không có tức là hằng ngày chỉ nghĩ nhớ ngũ dục lạc của thế gian thì là sao có được niệm trong sạch mà nói dễ hay khó?
Vậy khó, dễ là do tâm mình tạo chứ không phải các pháp khó dễ. Không giống như các viên thông ở đoạn kinh trước, chỉ lựa chọn từng căn để hạ thủ công phu, ở đây Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử nhiếp phục cả sáu căn, quy cả sáu căn đều thâu về nơi nhất niệm niệm Phật, không để tán loạn dong ruổi theo ngoại duyên. Tịnh niệm thường nối đuôi, không xen tạp một niệm nào khác mà chứng được niệm Phật tam muội tức là có được chánh định mà đạt đến cứu cánh nhất tâm bất loạn, giải thoát viên thông tự tại.
Thế nào là Cực Lạc?
Cực Lạc là cực kỳ an lạc, không còn khổ. Có thể hiểu đó là cõi tâm hoàn toàn thanh tịnh, an lạc. Con người vì có nhiều tham đắm với hình tướng nên Phật mới đưa ra phương tiện hình ảnh để dụ chúng sinh hồi đầu thị ngạn. Cũng như trong kinh Pháp Hoa, Phật dùng phương tiện dạy chúng sinh hiện đang ở trong căn nhà lửa. Nếu biết sự tai hại của lửa tham sân si, đốt cháy cả tâm linh thì nên hồi quy một lòng niệm Phật. Dần dần niệm Phật sẽ thay thế toàn bộ ác niệm khiến tâm tịnh dần và đi tới thuần tịnh thì có cõi Tịnh độ rồi. Khi ấy hành giả sống trong an lạc, trong cõi Cực Lạc ngay trong cõi đời này tức là “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” vậy.
Vì thế Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát nói rằng : “Nếu đứng trên cương vị của tôi, với kinh nghiệm tu hành và sở đắc của bản thân tôi từ vô lượng kiếp cho đến nay và nếu hỏi tôi pháp môn nào là thù thắng nhất thì tôi xin thưa rằng tôi không chú ý đến các pháp môn khác, chỉ pháp môn thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm luôn luôn tương tục, đắc tam-ma-đề, là đệ nhất”.
Sau cùng, cổ thi có câu :
“Ngày trước đầu đường còn ruỗi ngựa,
Hôm nay trong quách đã nằm yên”.
Hoặc là :
“Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật,
Đồng hoang mồ trẽ thấy đông người”.
Chúng sinh nếu muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bối rối, hốt hoảng tay chân như Tô Đông Pha.
Vô thường và bệnh chết nó đến với mọi người bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cho nên người học Phật đã biết nó như thế thì không sợ vô thường và coi thường bệnh chết. Vì thế cổ nhân cũng có câu :
”Mạc đãi lão lai phương niệm Phật,
Cô phần đa thị thiếu nguyên nhân”
Nghĩa là cái bệnh chết nó đến bất cứ lúc nào và bất cứ ai cho nên không phải già mới chết mà tuổi trẻ đầu xanh vẫn chết như thường vì thế chúng sinh cần tu tâm, niệm Phật ngay bây giờ chớ đừng đợi đến lúc già, lúc gần chết mới tu.
Tóm lại, dưới cái nhìn của phàm phu thì sanh tử là ưu bi khổ não, là buồn khổ đau thương vì phải xa lìa tất cả những gì mà con người yêu thương lưu luyến. Cũng vì có bản ngã và ngã sở nên chúng sinh thấy mình, người và vũ trụ là thật, là chắc chắn, là của mình nên khi phải lìa xa nó thì dĩ nhiên sẽ đau khổ vô cùng. Khi đã biết rõ những khổ đau, bất toàn như thế thì con người cố niệm Phật để lìa xa thế gian tội lỗi nầy mà có được sự an vui tịch diệt của Niết bàn. Nhưng dưới cái nhìn tuệ giác của Bồ Tát hay Phật nhãn của chư Phật thì “vạn pháp giai không” nghĩa là một khi con người lìa Tướng trạng mà thấy được thật Tánh của mình thì sinh tử là Không và ngay cả Niết bàn cũng là Không bởi vì cuộc đời là giả huyễn, là không thật nên sinh là không, tử là không và Niết bàn cũng là không. Không cột thì cần gì phải tháo gút, không ràng buộc thì cũng không cần giải thoát và không sanh thì không có diệt. Thêm nữa, vì quán biết sinh tử là không nên sinh không tham cầu và dĩ nhiên không sợ cái chết. Khi không còn chấp ngã thì không quan trọng cho cái thân giả huyển nầy, sống thì an vui tự tại, không chạy theo tham đắm dục tình và lúc ra đi cũng an nhiên tự tại không lo, không sợ, không buồn, không tiếc. Vì thế nếu chúng sinh quán “vạn pháp giai không” để biết “nhiếp trọn sáu căn” và “tịnh niệm tương tục” thì dễ đạt đến niệm Phật tam muội mà có được nhất tâm. Nhất tâm là có tâm tự tại, tâm thanh tịnh tức là có Niết bàn, cực lạc rồi cần gì phải tìm cầu ở đâu xa.
Lê Sỹ Minh Tùng