Dấu Chân “NGƯỜI”

Dấu chân “người” trên bước đường quen thuộc,
Làm sao gom hết dấu cát sau lưng
Ơn người nhiều tựa như lá cây rừng
Tình quá nặng như trần gian sỏi đá

Thu đã qua, mùa đông chôn xác lá
Bao lần “người” gánh nặng những niềm đau
Vu Lan về lòng hoài cảm dâng cao
Ta im lặng nhớ bao lời ru hát

Đông sắp tàn rồi, đọng sương lạnh mát
Dấu chân”người” còn lẽo đẽo lầm than
Nhớ đến “người” sợ nhạt nắng hanh vàng,
Ngại gió lá vàng lung lay xào xạt

Bao lần chịu lầm than, đời trôi giạt,
Một “người” đi một phải sống cô đơn
Ta luôn nhớ về biển rộng, Thái sơn
Ghi tạc ơn cao trong lòng mãi mãi

Bước chân “người” từ ngày xưa dầu dãi
Để cho ta được khôn lớn bây giờ
Ân tình “người” viết muôn vạn lời thơ
Không diển tả hết non cao bể rộng.
Melbourne 18/08/2015
Minh Quang


Hồi ký

Giảng đường mùa đông.

Mùa đông ở Melbourne năm nay rất lạnh. Hôm nay buổi chiều cuối tháng 6 sau giờ thọ thực tại quá đường Quán Tự Tại tất cả các liên viên đạo tràng Quang Minh để họp chúng kiểm công cứ. Những tà áo tràng của các liên viên cao niên còn bay trong mưa bụi, chưa đến 1 giờ rưỡi thầy giáo thọ phó ban đã ngồi trong giảng đường rồi. Sau hơn 1 giờ họp thầy bắt đầu giảng tiếng bộ kinh niệm Phật Ba La Mật.
Trong trang nhật ký của tôi có ghi: Ngày 19 tháng 4 năm 2015 thầy giáo thọ bắt đầu khai giảng bộ kinh niệm Phật Ba La Mật. Nhưng bây giờ đã 4 tháng trôi qua mà chưa xong phẩm thứ nhất tức là phẩm Duyên Khởi. Vì thầy muốn cho mọi người hiểu niệm Phật đến chỗ rốt ráo, đến chỗ thành Phật thì làm sao vội vã được, vả lại thầy còn bận nhiều Phật sự khác như phải đi để giúp các đạo tràng khác ở Tân Đảo, Sydney v v.

Sau phần niệm Phật cầu gia bị thầy bắt đầu đọc tiếp phần kinh văn:

Lại có tám muôn vị đại Bồ tát khắp mười phương cùng đến tham dự. Đó là các Ngài: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Đại Cường Tinh Tấn Dõng Mãnh Bồ Tát, Đà La Ni Tự Tại Công Đức Lâm Bồ Tát, Trang Nghiêm Vương Bồ Tát… tất cả đều có năng lực thâm nhập vô lượng tam muội môn, tổng trì môn, giải thoát môn, đã chứng pháp thân, đắc ngũ nhãn, biện tài vô ngại, thần thông du hý, biến hiện đủ loại thân tướng khắp các quốc độ để cứu vớt chúng sanh.

Thầy bắt đầu giải thích:

Trước kia chúng ta đã tìm hiểu chúng Thanh Văn trong pháp hội, tiếp theo là chúng Bồ Tát. Chẳng những hàng Thanh Văn dự hội đông đảo mà ngay cả các bậc đại Bồ tát cũng dự hội rất đông để nghe Phật thuyết pháp nói về: “pháp môn Niệm Phật Ba La Mật”.

Bồ tát nói cho đủ là Bồ đề tát đỏa, tiếng Phạn là Bodhisatra. Trung Hoa dịch có 2 nghĩa: 1. Hữu tình giác. 2. Giác hữu tình. Hữu tình giác, có nghĩa là một con người giác ngộ. Vì Bồ tát cũng là một con người như bao nhiêu con người khác, nhưng chỉ khác hơn người thường là ở chỗ các Ngài đã giác ngộ. Sau khi giác ngộ, các Ngài đem chỗ sở ngộ của mình để giáo hóa chúng sanh, để mọi loài đều được giác ngộ như mình, thì gọi là Giác hữu tình. Bồ tát có 3 bực:

  1. Những người mới phát tâm tu hành cầu pháp Đại thừa, tu hạnh Bồ tát, là Bồ tát mới phát tâm, trong kinh thường gọi bực này là Sơ phát tâm Bồ tát.
  2. Những người học đạo Đại thừa đã lâu đời, chứng đặng bậc Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng cho đến Thập Địa, là bực Bồ tát tu lâu. Những người này được gọi “cựu Bồ tát”.
  3. Bồ tát chứng bậc Đẳng giác, đây là vị Bồ tát gọi là nhứt sanh bổ xứ kế Phật. Như Bồ tát Di Lặc gọi là Đẳng giác Bồ tát. Như vậy, bất luận người nào có đủ hai ý nghĩa: tự giác và giác tha, đều gọi chung là Bồ tát.

Trong hội chúng Thanh Văn ở trên, trước Phật kể ra Ngài Xá lợi phất, vì Ngài là bậc trí huệ đệ nhất trong hàng Thanh Văn. Trong hội chúng Bồ tát, trước nêu Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, vì Ngài là người có trí huệ đệ nhất trong hàng Bồ tát. Sở dĩ nêu hai bậc đại trí như thế, là vì đối với pháp môn niệm Phật thắng diệu hy hữu này, không phải dễ tin, dễ nhận, dễ hiểu. Nếu không phải là bậc đại trí, thì thử hỏi làm sao có thể thâm nhập thấu hiểu trọn vẹn cho được? Thế nên, cần phải nêu tên hai Ngài nầy ra trước vậy.

Phần giảng giải trước đã nêu ra chúng thanh văn tiếp theo là chúng bồ tát, như vậy thì chúng ta có thể làm Bồ tát được không? Chúng ta làm được nhưng không nên xưng mình là bồ tát, mình gọi mình là bồ tát thì không nên, nhưng mình học hạnh bồ tát để chở thành bồ tát.

Phần lớn chúng ta ở đây là sơ phát tâm bồ tát: Sơ là ban đầu, mình mới phát tâm thôi thành ra đôi khi mình phát tâm để mình thọ cái giới bồ tát, để mình tập tành mình làm theo những gì các vị bồ tát đã và đang làm. Vì vậy giới bồ tát là cái mực thước để mình neo theo đó, để mình tập tành. Ví dụ bồ tát không nói láo, thì mình phải làm sao để bỏ bớt cái nói láo đi, bồ tát không nói xấu người khác, mình thực tập làm sao bỏ đi những cái điều nói xấu người khác, thì đó là những cái hạnh bồ tát, vậy nên mình thọ giới bồ tát mà mình không thực tập mà tự xưng bồ tát thì mình sẽ đọa địa ngục. Đó là mình tự xưng là chứng thánh cho nên mình phải coi chừng. Vì vậy cho nên chư tổ các ngài tu tới đâu các ngài nói tới đó, các ngài không dám nói quá,

Đầu mồm nói suốt trăm phần diệu Dưới gót không ly một điểm trần 

Các ngài bồ tát rất cẩn thận khi các ngài nói. Vì vậy đứng về phương diện học Phật người ta tìm hiểu giáo lý của đạo Phật kỹ càng. Như vậy nhưng đứng về bậc tu chứng thì tùy theo mình đạt tới đâu thì nói tới đó, nói quá thì nó vượt qua tầm tay của mình. Cho nên trên con đường học Phật mình nhìn xa thì mình thấy như vậy, để mình chỉ cho người ta thấy cái con đường để đi, nhưng mà thực tế thì chưa đi tới đâu hết. Vì vậy trong đạo phật có các pháp tứ y. tứ y tức là 4 cái điều mà mình nương vào đó để thực tập.

  • Y pháp bất y nhơn
  • Y nghĩa bất y ngữ
  • Y trí bất y thức
  • Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa
  1. Y pháp bất y nhơn: Tức là mình y cứ vào cái giáo pháp lời nói của đức Phật dạy để mình tu tập dù người nói đó họ có gì đi nữa mình cũng không nhìn qua cái khía cạnh người đó, cho nên trong kinh thường dụ như cái tay người đó bị bệnh cùi, bị hủi nhưng mà trên tay của họ cầm 1 cái đuốc thì cái người khôn khéo họ chỉ cần nương cái ánh sáng của ngọn đuốc đó để người ta đi và người ta không bị xập hầm, xập hố. Trong đêm tối tăm mình cần phải có cái ánh sáng để mình nương tựa, để đi thì dù cho trên tay người đó bị cùi, bị hủi thì ta cũng không nhìn vào cái tay người đó mà ta chỉ nương cái ánh sáng của người cầm đuốc đó, để ta đi thôi đó là ngừoi khôn khéo. Phật cũng nói vậy, mình đừng y cứ vào người, mà y cứ vào pháp những cái gì người ta nói đúng với chân lý, đúng với chánh đạo, chánh lý thì mình tin mình nghe, mình hiểu, mình hành theo được lợi ích cho bản thân mình đó là y pháp bất y nhơn.
  2. Y nghĩa bất y ngữ: là mình căn cứ vào cái nghĩa lý mà phật đã dạy đừng có cố chấp trên văn tự, ngôn ngữ, tuy nhiên nếu không có ngôn ngữ thì ta cũng không hiểu được nghĩa. Đừng chấp trên ngôn ngữ, nương văn tự bát nhã để ta có quán chiếu bát nhã. Văn tự ở đây nó rất là rộng, Tất cả những gì về tướng thì đều nằm trong văn tự hết, chứ không phải chữ viết mới nằm trong văn tự. Thí dụ như chuông, mõ, chùa, cũng đều trong văn tự hết, vì nó có hình tướng như vậy mình không nên chấp vào cái hình tướng đó, mà mình phải làm sao thấu hiểu được cái nội dung của cái hình thức đó nói nên điều gì đó mà mình nhắm tới cái đó, cho nên y nghĩa mà bất y ngữ. Có nhiều khi có những ẩn dụ mà mình không hiểu, vây nên mình y cứ vào nghĩa chứ không y cứ vào lời nói bởi vì ý tại ngôn ngoại. Nếu chúng ta chấp trên văn tự thì không hiểu được nghĩa lý, rồi cãi nhau trên văn tự, cũng như chúng ta biết được ngón tay mà không biết được mặt trăng. Chúng ta cần nương thôi chứ không nên cho ngón tay là mặt trăng, nếu chúng ta chấp chặt ngón tay vào mặt trăng thì muôn đời vạn kiếp chúng ta không thể thấy được mặt trăng, đó là y nghĩa bất y ngữ.
  3. Y trí bất y thức: Trí ở đây là trí tuệ, cái trí tuệ này là do chúng ta tu tập để mà phát sinh ra, trí tuệ thì nó có sẵn rồi. Trí tuệ dù nó sẵn nhưng nếu chúng ta không trải qua quá trình tu tập thì ta không có thể nào đạt được cái trí tuệ này. Đây là cái trí tuệ bát nhã, còn cái thức là do cái kinh nghiệm của sự từng trải qua. Những cái gì mà chúng ta tiếp xúc được đó là nó thuộc về trí, người ta gọi là trí thức, cái thức đó là do kinh nghiệm do sự phân biệt trong khi ta học hỏi, nó gọi là cái trí hữu sư, do ta học ở nhà trường, ở xã hội, ở tất cả mọi người, mà ta có được cái kinh nghiệm của cái thức, cái đó ta không cần nương mà ta chỉ cần nương cái trí mà bỏ cái thức đi, đây gọi là y trí bất y thức.
  4. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: có nghĩa là sau khi đức phật thành đạo ngài nói pháp tứ diệu đế ở vườn lôc uyển, nói chung lại những hệ thống Nicaya. Phần lớn kinh nguyên thủy nó thuộc về bất liễu nghĩa. Đến khi đức Phật nói những kinh như Pháp Hoa, Niết Bàn, hay là Hoa Nghiêm thì đó là liễu nghĩa. Liễu là trọn, nghĩa la rốt dáo, có nghĩa là đưa chúng sinh đến chỗ rốt ráo thành Phật, thì đó gọi là kinh liễu nghĩa. Còn những cái kinh trước gọi là một chặng đường, hay là hóa thành để tạm thời bày ra để cho chúng sinh nương vào đó để đi khỏi phải ngán ngẩm, cho nên nó có hai hệ thống kinh bât liễu nghĩa và kinh liễu nghĩa.

Đến đây thầy giảng về Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Ngài tiêu biểu cho Đại Trí. Đại trí có nghĩa là trí lớn. chữ đại có nghĩa là maha, là tiếng phạn, người trung quốc dịch là đại, mà chữ đại ở đây nó mang 3 nghĩa lớn tức là, thể đại, tứ đại, và diệu đại, như vậy chữ đại là lớn lao thành ra cái đại trí còn có tên khác là Phật tính, Chơn Như, Niết Bàn. Như vậy thì trí này mỗi con người chúng ta đều có sẵn cái Đại Trí. Cho nên Văn Thù Bồ Tát tiêu biểu cho Đại Trí, Văn Thù Bồ Tát là một con người nhưng vì ngài đạt được cái trí tuệ siêu việt. Cái Trí tuệ đó gọi là căn bản trí. Cái trí sẵn có từ vô thỉ tới giờ. Bây giờ ta đi tìm cái trí đó tức là ta khám phá được cái trí đó.

Ví dụ như hai người cùng đi trong cơn mưa, nhưng một người bị ướt áo, một người không bị ướt áo. Vậy người không bị ướt áo đó là người gì? Câu hỏi này có nghĩa là: Trong mỗi con người chúng ta nó có hai con người. Một con người giả và một con người thật. Mà trong kinh gọi là người bất tử. Còn con người do ngũ uẩn kết hợp thành là con người nằm trong phạm trù sinh diệt. Lúc nó có, nó không đó là con người giả. Gọi là ngũ uẩn giai không. Còn con người thứ hai à con người bất tử. Con người này nó không hình không tướng, cho nên mưa không ướt. Mà con người này nó không phải ở ngoài mình, mà nó là mình, mà mình chưa thấy được con người của mình. Mình chỉ thấy con người bằng da bằng thịt bằng xương bằng máu. Vì vậy mình quên mất con người thật kia. Nhận giả mà cho là thật.

Văn Thù Trung Hoa dịch là Diệu Thủ, cũng dịch là Diệu Cát Tường cũng dịch là Diệu Đức. Tại sao lại dịch ra nhiều Diệu? Là bởi vì cái trí nó không lường được. Thí dụ như điện ta không lường được. Ta không thể nào thấy nó được, nhưng mà nó không thấy mà nó vẫn có tác dụng. Thí dụ khác như không khí ta không nắm bắt được nó, nhưng nó vẫn có tác dụng. Nếu không có không khí thì muôn vật không thể sống được. Nhưng nếu bảo ta chỉ không khí, nắm bắt không khí thì ta không làm gì được hết, vì nó không hình tướng mà nó có mặt khắp nơi, thì cái tâm ta cũng vậy. Cái Đại trí cũng vậy, nó có mặt sờ sờ không lúc nào vắng mặt.

Mỗi tên gọi đều có ý nghĩa khác nhau. Nói Diệu Thủ, là y cứ theo tôn Hoa Nghiêm có nêu ra ba pháp môn: Tín, Hạnh và Trí, mà Diệu Thủ là pháp môn Tín đứng đầu, vì tin là đầu muôn hạnh, muôn đức vậy. Còn nói Diệu Cát Tường là chuyên nói về pháp môn Hạnh. Luận Phật Địa nói: “Được tất cả thế gian thân cận cúng dường và tán thán nên gọi Ngài là Diệu Cát Tường. Diệu Đức là chuyên nói về pháp môn Trí”.

Người ta thường có cái từ hạnh giải tương ưng, hạnh là công hạnh. Chữ Hạnh hoặc là chữ hành. Ví dụ như “Tôi đi kinh hành” thì gọi là thiền hành. Hay là ban hành đường. Hành đó là làm chứ không phải đi. Cho nên mỗi cái nghĩa nó khác nhau, cũng là một chữ nhưng nó khác nhau. Cái hạnh này mỗi người đều sẵn có mà phải tương ưng. Giải là nhận thức. Cho nên ta có phẩm tín giải, phẩm thứ tư trong kinh Pháp Hoa. Trong kinh, giải là một sự hiểu. Hiểu về mặt trí chứ không phải bằng thức. Cho nên gọi tín giải là người đầy đủ niềm tin. Nhận được, thấy được, hiểu rõ và nhận được. Nếu không có cái hạnh này, thì không có cái giải, nhờ có cái hạnh này ta mới hiểu, nhận thức được rằng cái hạnh ta phải làm, ta có từ bi, ta có hỷ xả này kia, thì cái hạnh này nó phát hiện ra bằng cách nhận thức rõ ràng. Thì cái hạnh này mới hiện ra hiểu biết và hành động tương ưng với nhau, gọi la hạnh giai tương ưng.

Kinh nói Trí là mẹ chư Phật, là thầy đức Thích Ca, đâu chẳng phải Diệu Đức (đức mầu nhiệm), đó tức là “Hạnh” mà “Giải”. Cái chỗ này mình hiểu là bởi vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay là mười phương chư Phật cũng đều căn cứ vào cái tâm, tức là cái Trí hay Phật tính để mà tu. Cũng như ta y cứ vào cái bột để ta làm bánh. Nhờ cái nhân bột mà ta mới làm ra bánh được. Thí dụ khác ta y cứ vào gạo để ta nấu thành cơm, nếu không có gạo thì không nấu thành cơm. Thành ra ta nấu bằng cái chất khác thì ta không gọi là cơm được. Tương tự như vậy y cứ vào cái nhân chủng cái tánh Phật, dựa vào đó ta tu thì ta đạt cái quả Phật. Còn nếu ta đi lệch qua cái nhân chủng, mà đi qua tà giáo, tà đạo thì kết quả ta rơi vào con đường tà, ta trở thành ma quỷ. Cho nên cái phần gọi là, cái nhân địa tu hành nó rất là quan trọng.

Đến đây thầy giảng về Phổ Hiền Bồ tát: tiếng Phạn là Sanantabhadra, còn gọi là Biến Cát Bồ tát. Ngài là tiêu biểu cho đại hạnh. Hình tượng Ngài được thiết trí cỡi con voi trắng hầu bên phải của Ðức Phật Thích Ca. Bên trái là Ðại Trí Văn Thù Bồ Tát. Ðã có đại trí cần phải có đại hạnh mới có thể phổ độ chúng sanh. Thế nên, Ðại Trí và Ðại Hạnh phải song hành với nhau, không thể tách rời ra được.

Nếu như có Đại trí mà không có đại hạnh thì không làm lợi ích cho ai cả. Trong kinh thường gọi là cái Trí khô. Là cái trí đó không có giúp cho ai, nếu tôi có nạn. Hạnh là một cái công hạnh để ta làm phổ độ chúng sanh. Chúng ta hằng ngày đều thể hiện công hạnh. Cái hạnh đó rất nhiều. Nó có ra từ cái đại trí. Ví dụ như một lời nói mà mình nói sao giúp cho người khác mình gây tín tâm cho người đó, mình tạo cho người đó có tín tâm vào tam bảo, vào nhân quả, vào đạo pháp. Tất nhiên là mình đã thể hiện được một cái công hạnh, Ngày hôm đó mình đã làm được lợi ích cho người khác, mình làm cho người ta bớt đi những nỗi khổ người ta đang gặp phải. Thì như vậy mình cũng đang thực hành hạnh bồ Tát. Hay người đó đang bị sợ hãi một vấn đề nào đó, họ đang lo âu sợ hãi thì làm sao mình nói những lời nói mà để trấn an người ta không còn sợ, lo lắng, ưu phiền. Tất nhiên là ta đang thể hiện được cái hạnh Bồ tát. Còn nếu ta dọa nạt, ta càng làm cho người đó sợ hãi hơn. Như vậy là ta đã gián tiếp đưa ta vào địa ngục rồi. Vì ta đã gây ra một cái nhân làm cho người đó phải lo âu sợ hãi. Thì tất nhiên là ta đã bị sa đọa trước người đó, tại vì lời nói của ta là nguy hiểm. Còn nếu chúng ta dùng lời nói mà đem lại lợi ích cho người và cho mình thì ta đã làm cái hạnh của phổ hiền bố Tát. Chữ Hiền ở đây có nghĩa lý cao siêu chứ không phải là hiền từ. Ví dụ như ta nhìn thấy một người hiền từ, thì không phải là nghĩa đó. Cái hiền đó là hiền thường của cái tầm thường ở đời. Còn cái hiền này gần bậc thánh vì vậy cho nên ta đi từng bước ta tập cái hiền. Cái hiền này không phải là ngu, mà cái hiền này bên cạnh đại trí, Phổ hiền đứng bên cạnh Đại trí văn thù. Cái Hiền mà ta có trí.

Hiền Trí có nghĩa là ta không muốn ăn thua với ai hết vì ta có trí. Hiền phải dưới sự điều động của lý trí. Đó mới gọi là Hiền. Như vậy ta áp dụng Bồ Tát Phổ Hiền vào cuộc sống của ta. Chúng ta nên làm thế nào để cho hạnh của bồ tát Phổ Hiền đi vào trong trái tim cuả ta. Để rồi từ trái tim ta, toát ra một cái hành động để biểu hiện ra cái đức hiền của chúng ta. Và làm sao để cho những người khác có được niềm tin, mà họ có thể gần ta mà họ không lo âu sợ hãi gì hết.

Thầy giảng đến đây đại chúng trong giảng đường đang im lặng nghe thì tiếng kiểng vang lên báo giờ học pháp ở giảng đường chấm dứt. Thầy hướng dẩn hồi hướng và mọi người trở lại chánh điện để xả giới bát quan trai. Giảng đường mùa đông bây giờ im lặng, trống vắng, khói hương trên những bàn thơ hương linh vẫn lan tỏa về chốn xa xăm. Bây giờ mặc dù chưa 5 giờ chiều mà không gian mờ ảo, màn đêm sớm vội về.

Tôi ngồi ghi lại bài giảng mùa đông nầy, bổng tôi nhớ lại thiền sư Triệt Ngộ mà chúng của tôi hân hạnh được mang tên Ngài. Ngài tu thiền, đại triệt đại ngộ, lại quay về chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Ngài nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ đề tâm, vì tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Đây là thái độ thật đúng với tiêu chuẩn niệm Phật. Niệm như thế nào thì bốn câu này đã nói lên một cách rõ ràng. Một người thật sự biết sợ sanh tử, tâm đây là tâm Bồ Đề. Tu theo Phật để được giác ngộ, biết được sanh tử quá khổ, quá đáng sợ, biết ngán ngẫm sự luân hồi. Luân hồi là sau khi chết, không được mấy ngày lại đến đầu thai, đến rồi lại chết, chết rồi lại đến đầu thai, sanh sanh tử tử mãi không cùng tận. Vì vậy chỉ có niệm Phật cho đến khi thành Phật là con đường giải thoát ra khỏi sanh tử, luân hồi. Để chấm dứt bài viết này tôi xin ghi lại lời hay ý đẹp của Patricia Neal mà mới đây liên hữu Minh Quang gởi qua e-mail cho tôi:

 

“Avoid negative sources,
people, places, things and habits.
Believe in yourself
Consider things from every angle.
Don’t give up and don’t give in.
Enjoy life today,
Yesterday is gone,
Tomorrow may never come.
Family and friends are hidden treasures,
Seek them and enjoy their riches.
Give more than you planned to.”

Đoản văn nầy cũng được liên hữu Minh Quang diễn dịch dễ hiểu:

Chuyện xấu xin chớ vấn vương
Tránh người hung ác, noi gương người hiền
Tin vào tự tánh giác viên
Quán chiếu mọi thứ nghiên tầm chánh chơn
Đừng chịu lùi bước thì hơn
Hiện tại lạc trú, giận hờn làm chi?
Quá khứ tiếp nối ra đi
Ngày mai chưa tới có gì phải lo
Người thân bè bạn của kho
Tìm ra tận hưởng cho ta sang giàu
Cho đi cho nữa đi nào,
Cho là sẽ nhận ngọt ngào an vui . . .

Minh Thiệt

Chúng Triệt Ngộ/Đạo tràng Quang Minh

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.