Lời giới thiệu
Quán cháo trắng của Giới Sân là tập sách thuộc vào hàng bestseller tại Trung Quốc hiện nay. Tác giả của nó là một “tiểu tăng” tên “Giới Sân”, mà cho đến nay, qua nhiều nỗ lực liên lạc và tìm hiểu, vẫn không ai biết đích thực chú là ai, và tên thực của chú là gì?
Nguyên vào ngày 27-4-2007, trên trang tianya.com.cn, có một thành viên nickname “Thích Giới Sân” xin đăng nhập, tự xưng rằng: “Tôi là một chú tiểu trên núi, đến để kể chuyện cho mọi người nghe”. Không đầy 10 ngày sau, lượt người vào trang blog của chú đã lên đến con số 30.000, với 6.000 câu trả lời. Tháng 6-2007, trang qq.com đã mở ra diễn đàn “Quán cháo trắng của Giới Sân”. Đến tháng 12-2007, số lượng thành viên đăng ký lên đến 40.000 người. Tính đến nay, số lượt người truy cập để đọc những bài viết này là 200.000.000 lượt – một con số kỷ lục! Hơn 100 nhà xuất bản đã đề nghị tập hợp những mẩu chuyện của chú để in thành sách, kết quả, tập sách ra đời với tiêu đề: Quán cháo trắng của Giới Sân – chú tiểu kể chuyện, tác giả Thích Giới Sân, do Nhà Xuất bản Văn nghệ Hà Nam ấn hành lần đầu vào tháng 1-2008.
Quý độc giả có thể truy cập địa chỉ: http://787129669.qzone.qq.com/ để xem nguyên văn những bài viết bằng tiếng Hoa của tác giả cùng với rất nhiều những lời bình luận của các thành viên tham gia diễn đàn. Theo đánh giá của cư dân trên mạng thì trang web này chuyển tải những câu chuyện thiền tinh tế, ý nhị bằng tiếng Bạch thoại được nhiều người ca ngợi và truy cập nhất.
Một thành viên nhận xét: “Vị tiểu hòa thượng tên Giới Sân dùng đôi mắt và tấm lòng trong sáng của mình để quan sát thế giới, để xem các việc vặt đủ loại của các thí chủ trên khắp thế gian. Hóa ra, cái mà Giới Sân giảng về thế gian này không chỉ là hai bàn tay hợp lại thành mười ngón, mà là sự khai mở, sự buông bỏ, ý thiền bât tận, Phật tâm miên man không cùng. Giới Sân đã nói: ‘nếu như muốn được ánh mặt trời chiếu rọi, thì chỉ có đứng ngay giữa đình viện mà thôi, còn cứ trốn trong góc kẹt nào đó, thì Phật cũng không còn cách nào khác’. Bình luận câu Blast Quán cháo của Giới Sân, thành viên này bình luận: “Hôm qua thì rực rỡ, hôm nay đã bị nhét vào đáy tủ áo quần, bộ y phục Tăng sĩ không hợp nhãn đó đã trải qua hàng ngàn năm cũng vẫn không thay đổi. Cũng vậy, duy chỉ có cháo gạo trắng vừa nhạt vừa không mùi vị là vật vĩnh hằng nhất trên thế gian này”.
Xin giới thiệu đến độc giả loạt bài sống đạo của “Tiểu Tăng” Thích Giới Sân – mà hiện nay “chú” đã thọ Tỳ kheo giới – do Sư cô TN. Thánh Tâm, du học sinh tại Trung Quốc chuyển ngữ.
Giác Ngộ Online
Lời phi lộ
Từng có nữ thí chủ đến chùa nói đùa với Giới Sân rằng: Tiểu sư phụ Giới Sân ơi, tại sao chú cứ mặc kiểu áo cũ kỹ này hoài vậy, có khi nào chú muốn may một kiểu áo mới hay không?
Giới Sân cười, không đáp.
Y phục đời Đường hoa lệ sặc sỡ, sắc phục đời Tống trang trọng điển nhã, đã trở thành chứng tích cho lịch sử. Những sắc phục hiện đại theo trào lưu, theo mùa của hôm qua và hôm nay đã được xếp cất vào trong đáy tủ. Chiếc áo Tăng hoại sắc, ngàn năm qua vẫn chưa thay đổi bao giờ!
Những ca khúc lưu hành năm nay, biết đến năm sau còn có ai hát nữa hay không? Dưới ráng chiều, câu hò đối đáp của ông bà vẫn mãi vang vọng cho đến bây giờ và mai sau.
Chiếc bánh đậu xanh ngòn ngọt, bánh trung thu hợp khẩu vị; ly cà phê, chai nước ngọt, mãi là cái điểm xuyết cho cuộc đời.
Cái mãi mãi, vĩnh hằng của thế gian, chỉ có cái không mùi không vị của bát cháo trắng, của ly nước lã…
Sen và ốc sên
Chùa Thiên Minh chúng tôi tọa lạc trên núi Mao Sơn, bên trấn Diểu. Dưới núi không xa có cái ao sen. Khi mới vào chùa, Giới Sân thường cùng sư huynh sư đệ đến đó chơi. Trong chùa, Giới Sân thân với Giới Ngạo, hầu hết quý sư huynh cũng không lớn hơn Giới Sân bao nhiêu. Vài năm nay lại có thêm hai tiểu sư đệ Giới Si, Giới Trần. Giới Ngạo nhỏ hơn Giới Sân một tuổi nên là sư đệ của Giới Sân, nhưng hắn vào chùa từ nhỏ xíu. Sư phụ Trí Hằng phụ trách chăm sóc hắn từ bé.
Chúng tôi có ba vị sư phụ, sư phụ Trí Duyên, Trí Hằng, Trí Huệ. Huynh đệ chúng tôi: tôi – Giới Sân, Giới Ngạo, Giới Si, Giới Trần…
Mỗi năm vào lúc trời nóng, hoa sen lại vươn lên, mọc đầy trong ao, ở đó có tiếng kêu của ếch nhái, của ve, vì trên vùng núi, nên thời tiết có vào hạ, ban đêm không khí vẫn mát mẻ.
Nước trong ao tuy có nhiều khe núi chảy xuống, vẫn phải nhờ vào nước mưa. Lúc thời tiết nắng nóng, nước trong ao khô cạn, nhưng khi trời mưa nước lại tích đầy. Nước dưới ao không sạch lắm, sanh trưởng rất nhiều sinh vật. Đến mùa, lá sen phủ đầy mặt ao, từng đóa hoa thanh nhã điểm hồng trên nền nước, mùi hương thoang thoảng theo gió của núi rừng phảng phất bay, khiến người đứng hóng mát bên ao khó quên. Dưới tán lá sen, nhiều chú cá nhỏ vẫy bơi, nhiều chú chuồn chuồn chập chờn trên lá, khi gió thổi qua, chúng nó cũng dập dờn động đậy. Đợi cọng sen lớn, tôi và Giới Ngạo đến bên ao, bỏ dép, tuột xuống lớp bùn nhão nhoẹt khiến người dễ hụt chân, nhổ cọng sen lên đem về chùa.
Sau khi thấy cọng sen nhiều, tôi và Giới Ngạo đem cọng sen đến khe suối rửa. Dù nước ao có vẩn đục đến đâu, dù cọng sen có nhiều bùn đến đâu, những cọng sen này để bên khe suối rửa một chút là có thể dùng. Lấy cái dao nhỏ cạo đi lớp da mỏng màu đục la sẽ thấy màu trắng bên trong.
Dưới ao không chỉ có thực vật, mà còn có nhiều Ốc Sên sinh sống, lặng lẽ bám vào đáy ao. Ốc Sên có cái vỏ cứng bao bên ngoài và có cả cái nắp nhỏ che trước thân. So với cọng sen, xem ra Ốc Sên dễ chống lại sự xâm phạm của nước đục từ bên ngoài hơn. Nhưng có vài thí chủ bảo với chúng tôi rằng khi họ vớt Ốc Sên về, bỏ vào nước trong, chế ít dầu ăn vào nước, lúc sau, nước trong trở nên đục ngầu, vì Ốc Sên đã nhả bùn từ trong thân mình ra.
Nên sư phụ nói, hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến sự vật, nhưng không phải là tuyệt đối. Như cọng sen trần giòn dễ gãy, ở trong bùn vẩn đục lại dễ dàng rửa sạch, còn Ốc Sên tuy có cái vỏ chắc chắn kiên cố, song bên trong dơ bẩn đến độ để trong nước sạch cũng khó tẩy rửa.
Sen mãi là sen, bất luận là nơi nào cũng như vậy, không thể biến thành Ốc Sên.
Ngôi nhà của chuột
Sư phụ Trí Huệ khi chưa xuất gia là một thầy giáo ngữ văn. Sau khi xuất gia, sư phụ mang đến chùa rất nhiều sách, đa số đều không phải kinh Phật. Những quyển sách đó chất đống dưới giường của tiểu. Sư phụ Trí Huệ sau khi vào chùa rất ít khi đụng đến sách này, lâu dần, quý sư phụ và các tiểu đều không nhớ sự tồn tại của nó.
Đống sách này không phải là không được chiếu cố; có một vài chú chuột hiếu học làm ổ trong đó, thường lật sách đọc.
Buổi sáng sớm thức dậy, chiếc vớ thêm một lỗ to tướng, có thể là do các chú chuột chưa học đến phẩm lễ nghi cắn mất rồi.
Có hôm, tiểu hỏi sư phụ Trí Huệ một câu. Sư phụ suy nghĩ rất lâu, chợt nhớ trong đống sách dưới gầm giường có đáp án.
Tiểu kéo miếng trải giường qua một bên, thò đầu xem dưới giường, đưa tay rờ vào đống sách, bụi đóng một lớp trên sách bay tứ tung khiến mọi người chung quanh đều hắc xì.
Bên tai nghe tiếng kêu sột soạt, có hai chú chuột gầy gò, nối đuôi nhau tẩu thoát khỏi phòng, chạy ra ngoài sân.
Giới Ngạo giật thót cả người, liền sau đó nói đùa: “Hai chú chuột này mà ở chùa Bảo Quang, thì không đến nỗi gầy gò như vậy”.
Đem từng đống sách dưới gầm giường ra phơi trước sân chùa, mấy huynh đệ chúng tôi bịt mũi, phủi bụi trần trên sách, lại bò trên đất, lật từng cuốn từng cuốn để tìm quyển sách mà sư phụ nói, cuối cùng tìm ra được, nhưng chỉ còn lại nửa quyển, nửa kia đã bị cắn nát, chắc chắn hai chú chuột gầy là thủ phạm.
Đem sách đưa cho sư phụ Trí Huệ, lật từng trang sách, đã không tìm thấy nội dung cần tìm. Giới Trần bất bình nói: “Mấy con chuột này thật quá đáng”. Rồi, chợt hắn nói một cách ngây thơ: “Nêu như sư phụ giảng kinh cho nó nghe, khiến nó sửa đổi tính nết là tốt rồi”.
Sư phụ Trí Huệ cười: “Giáo hóa những chú chuột này chỉ có Phật Tổ mới đầy đủ pháp lực, sư phụ không đủ khả năng đó. Nhưng xét cho cùng, hai chú chuột này cũng không có chỗ nào cần giáo hóa hết”.
Giới Trần không hiểu: “Chuột trốn dưới gầm giường, cắn hư hết sách, tại sao không cần giáo hóa nó chứ?”.
Sư phụ dạy: “Trên giường là nhà của con, nhưng dưới gầm giường lại là nhà của chuột”.
Loài người thường cho rằng mình là nhân vật trung tâm, có quyền phán đoán sai trái, thậm chí còn cho rằng tất cả sự vật đều thuộc quyền sở hữu của mình, chưa bao giờ nghĩ rằng, vạn vật đều bình đẳng sở hữu. Nếu ai còn suy nghĩ như vậy, hãy nhớ rằng, bạn không có chút gì là đúng.
Đi dưới trời xanh
Sư phụ của chúng tôi nhận vài vị đệ tử tại gia, trong đó có vị gọi là Giới Yên (có nghĩa là cấm hút thuốc); pháp danh này là do người đó yêu cầu, lý do đơn giản là vị này muốn chính mình ngăn ngừa việc hút thuốc.
Họ tên chỉ là để phân biệt người này với người kia, cùng một tên gọi chưa chắc chỉ một người, tên gọi không giống cũng chưa chắc là hai người.
Người gọi Giới Yên, vẫn có thể ngăn ngừa tham, sân, si.
Giới Yên buôn bán bất động sản ở Thượng Hải, mỗi năm anh đều đến chùa vài lần. Vài năm gần đây, mỗi lần anh ấy ghé chùa đều cười thiệt tươi.
Sư phụ Trí Duyên bảo chúng tôi, đó là hiệu quả của việc tu hành, sau khi tu hành lãnh ngộ, Phật pháp thâm nhập vào tâm linh, có thể khiến người tâm tình thư thái.
Ông chủ Tôn cho rằng anh Giới Yên vui như vậy vì giá đất gần đây tăng cao.
Hai tiểu sư đệ Giới Trần, Giới Si trong chùa rất thích anh Giới Yên. Mỗi lần anh ấy ghé thăm chùa đều mang rất nhiều thức ăn uống, cùng đồ chơi cho hai chú. Hai chú vừa nhìn thấy anh đến, liền tranh nhau đến lục cái túi xách. Sư phụ thường quở hai chú chẳng có lễ phép gì cả, nhưng anh không hề để ý, thường nhìn hai chú cười tươi, còn nói với hai chú đồ ăn để chỗ nào trong túi xách nữa.
Anh Giới Yên thích kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xảy ra trên thành thị, anh nói anh sống ở Thượng Hải, là thành phố rất lớn, lớn hơn Trấn Diểu gấp mười lần, huynh đệ chúng tôi không biết là thật hay giả. Con người thường phản ứng việc mình chưa biết bằng cảm giác mới lạ và nghi ngờ. Lúc đó, các sư đệ đều tập trung lại nghe anh kể, đều cảm thấy rất thích thú.
Tiểu cùng các sư đệ đi qua nơi xa nhất chỉ là vài thị trấn gần bên, nhưng vẫn cảm thấy anh Giới Yên nói hơi quá. Trong các thị trấn gần đây, Trấn Diểu là lớn nhất, ở thị trấn này mà đi hết một vòng, nhanh nhất cũng hết nửa giờ đồng hồ.
Thượng Hải có quá nhiều điều mới lạ, anh nói nếu có dịp sẽ dẫn chúng tôi đi, nhưng rất tiếc sư phụ chưa chắc là đã cho phép.
Anh còn rất thích phong cảnh gần chùa Thiên Minh, nói sơn thủy ở đây đặc biệt khiến người động tâm, không khí trong lành, dù rằng đến mùa hè tháng Sáu, trong núi cũng rất mát mẻ, bầu trời cũng xanh trong.
Lần đó, sư phụ cũng đứng một bên, nói với anh rằng, khi trở lại Thượng Hải nhớ ngẩng đầu lên nhìn, sau đó kể lại xem anh đã nhìn thấy được gì.
Trải qua một thời gian, anh từ Thượng Hải điện thoại kể với chúng tôi, sau khi anh đến Thượng Hai, vâng lời sư phụ dạy, ngẩng đầu lên nhìn, mới phát hiện bầu trời ở đó cũng xanh trong.
Sư phụ bảo: Mỗi người chúng ta thật ra đều đang sống dưới trời xanh, nếu bạn không cảm nhận được, là vì bạn chưa ngẩng đầu lên nhìn, chứ không phải là bầu trời không có màu xanh.