Chú tiểu kể chuyện
Lần đầu, tiểu nhìn thấy thí chủ họ Khúc, khi đó ông đang ở trong nhóm khách hành hương, mà đoàn khách này rất đặc biệt, nhiều người trong số họ cầm dụng cụ nhiếp ảnh trong tay. Họ là đoàn làm phim, quay ở gần chùa, đang gặp chút sự cố, chỉ còn cách dừng lại vài ngày, rảnh rỗi không có gì làm, nên họ đến chùa du ngoạn.
Sự buông bỏ của ông chủ họ Khúc
Lần đầu, tiểu nhìn thấy thí chủ họ Khúc, khi đó ông đang ở trong nhóm khách hành hương, mà đoàn khách này rất đặc biệt, nhiều người trong số họ cầm dụng cụ nhiếp ảnh trong tay. Họ là đoàn làm phim, quay ở gần chùa, đang gặp chút sự cố, chỉ còn cách dừng lại vài ngày, rảnh rỗi không có gì làm, nên họ đến chùa du ngoạn.
Khi lạy Phật, ông Khúc trông rất thành khẩn, tư thế và động tác đều nghiêm trang, có thể thấy ông thông hiểu Phật pháp, ngoài ra còn cạo đầu trọc giống như các tiểu nữa. Sư phụ Trí Hằng nhân dịp này giáo huấn mấy chú chóp sợ việc cạo đầu hàng tháng rằng: Mấy đứa là hàng xuất gia lại không thành khẩn như hàng Phật tử tại gia, ngày thường tìm mấy đứa cạo đầu cứ trốn tới trốn lui, còn lạy Phật thì nghiêng bên này ngả bên nọ.
Chúng tôi biết trong nhóm nghệ sĩ có không ít người quy y Tam Bảo, lòng rất cảm khái, có lẽ vì họ đóng quá nhiều vai diễn nên cảm nhận được luật vô thường, nhân quả của Phật giáo.
Buổi chiều, sư phụ Trí Hằng nghe mấy đồng nghiệp ông Khúc nói, vì ông Khúc bị đầu hói nên cạo đầu cho dễ coi! Do việc này, Giới Sân có ấn tượng sâu sắc với ông Khúc.
Lần thứ hai ông Khúc đến chùa là vào mùa xuân năm ngoái. Lần này Giới Sân thấy ông ta sao lặng lẽ quá, hình như có tâm sự gì đó.
Ông ngồi trước mặt sư phụ Trí Duyên, sư phụ bảo ông hãy giãi bày tâm sự của mình. Ông nói, ông là một đạo diễn, nhưng không nổi danh lắm, nên luôn muốn đạo diễn một bộ phim hay. Năm trước, cơ hội chợt đến dồn dập, một lúc có đến hai hãng phim cùng muốn hợp tác, ông phải nhận lời một phía. Đối tác của ông là một nữ tiến sĩ, xem ra cũng không đến nỗi nào.
Tuy từ chối đạo diễn cho bộ phim kia, nhưng ông nghĩ là mình chọn lựa chính xác. Trên cuộc đời tuy có nhiều người thấy lợi quên ân nhưng ông vẫn giữ vững nguyên tắc của mình.
Có điều, sự tình lại thay đổi. Hôm ký hợp đồng, nữ tiến sĩ bảo quên đem cái mộc, yêu cầu được đem văn kiện về để đóng dấu. Qua vài ngày, ông Khúc thúc hối đối tác ký ước, nữ tiến sĩ không tiếp điện thoại. Ông Khúc sai người hỏi thăm, hóa ra cô ta đã ký hợp đồng với người khác.
Những đợi chờ chỉ là con số không, cơ hội hiếm có cũng đã lỡ dịp. Thời gian đó, ông Khúc tâm tình trống rỗng, có lúc uống rượu để tìm quên, uống say lại gọi điện mắng chửi nữ tiến sĩ. Đầu dây bên kia có khi không tiếp, có khi nghe mà không nói.
Ông Khúc muốn hỏi sư phụ Trí Duyên rằng, chúng ta có nên giữ nguyên tắc? Và liệu người sống tốt có chắc là sẽ có quả báo tốt hay không?
Sư phụ Trí Duyên trả lời: Có vài việc, nếu như không thể thay đổi thì nên buông bỏ!
Ông Khúc nói: Con đã thử buông bỏ, nhưng cuối cùng lại không thể làm được!
Sư phụ Trí Duyên dẫn ông ra ngoài phòng, chỉ lên đỉnh núi Mao Sơn, nói: Chú hãy leo lên đỉnh núi này, những nghi ngờ của chú sẽ được giãi bày.
Ông Khúc bước về phía trước, chực leo lên đỉnh núi, chợt sư phụ Trí Duyên cản lại, chỉ vào lư hương trong chùa, bảo: Chú hãy vác cái lư hương này lên luôn!
Chiếc lư hương đó rất to, lại được chế tạo bằng đồng, không thể nào dời đi được. Ông Khúc ngơ ngác, đứng trước lư hương, dùng hết sức để dời nó, song lư hương vẫn không động đậy, muốn đem nó lên núi là việc không thể.
Sư phụ cười, nói với ông Khúc: Thật ra, mục tiêu của chú là leo lên núi, không mang theo chiếc lư hương cũng được!
Chiều đó, ông Khúc đứng trước lư hương rất lâu, cuối cùng ông thở dài và cười, cầm chiếc điện thoại gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, rồi tạm biệt chùa xuống núi.
Có dạo, Giới Sân lại gặp ông Khúc. Lần này ông đội cái mũ, Giới Sân không biết tóc ông đã mọc ra nhiều chưa, nhưng nhìn ra tâm tình của ông đã tốt hơn lúc trước. Đồng nghiệp của ông nói, không lâu trước đó ông đã lãnh được tiền thưởng.
Ông Khúc nhìn Giới Sân cười một cách đắc ý. Giới Sân hỏi xem chuyện lần trước diễn ra như thế nào? Ông Khúc bảo, lúc đó ông gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, nói: “Tôi không ghét cô nữa, vì mục tiêu của tôi là leo lên đỉnh núi!”. Sau đó, ông bỏ số điện thoại của cô ta.
Chúng ta còn nhiều việc quan trọng để làm hơn là thù hận.
Tâm tùy duyên
Hai tiểu sư đệ Giới Trần và Giới Si rất ham chơi. Mấy chú hay đến Bình Hồ vui đùa, có khi còn kéo cả tiểu Giới Sân đi cùng, nhưng Giới Sân chỉ ngồi nhìn hai chú chơi chứ không tham dự.
Bên bờ Bình Hồ, hai chú đùa rất vui, lúc thì lội xuống chỗ nước cạn để té nước, lúc thì lượm đá trên bờ để ném lia thia, xem viên đá của ai lượn trên mặt nước bao nhiêu lần để tranh hơn thua, (người xuất gia mà còn tâm hơn thua thật là không nên chút nào!).
Nước hồ rất trong. Hồ có nhiều cá, nên có người còn thích ngồi trên bờ câu cá. Hai tiểu thấy họ câu cá, liền hướng mấy viên đá về phía đó, khiến cá sợ không dám cắn câu. Họ thấy vậy liền thở dài, vác cần câu về nhà.
Gần đây, ông Vương dọn nhà đến ở bên bờ Bình Hồ; gia đình ông gồm có ba thành viên, hai vợ chồng và một đứa con trai nhỏ. Chỗ chúng tôi chơi đùa tính ra cũng gần nhà ông, nên họ thường mở cửa sổ ra xem.
Cái kiểu vui vẻ của hai tiểu đã thu hút họ, khiến họ từ trong biệt thự đi ra. Người chồng nhìn chúng tôi rất lâu; vì ông nhìn thấy hai tiểu đùa giỡn nhiều ngày vẫn vui mà không biết chán, lấy làm lạ lùng, nên hỏi Giới Sân: Trò chơi đó có thật là vui hay không? Giới Sân gật đầu bảo, Bình Hồ thật là vui!
Không lâu sau, cạnh chỗ hai chú tiểu chơi đùa, chúng tôi nhìn thấy đứa nhỏ cũng bắt chước chơi trò ném đá, nhưng ném được vài viên, nó liền chán, không muốn ném nữa. Hai vợ chồng tìm đủ mọi cách để kiếm ra trò chơi mới cho đứa con trai nhỏ, nhưng cũng chỉ được vài lần, nó liền không thích. Vài ngày sau, gia đình đó không ra Bình Hồ chơi nữa.
Giới Sân hỏi sư phụ: Tại sao gia đình đó không tìm ra niềm vui bên Bình Hồ?
Sư phụ nói: Cách tìm niềm vui và tìm vật chất vốn không giống nhau. Nếu không có cái tâm tùy duyên, tùy hỷ mà bằng nhiều cách để đạt được niềm vui, thì niềm vui cũng không bền được. Người cố ý tìm kiếm lại cách niềm vui xa hơn. Người vô ý, thuận theo tự nhiên, ngược lại càng tiếp cận được nhiều niềm vui!
Giới Si, Giới Trần không ngừng chạy nhảy tứ tung, trò chơi nào cũng có thể cười vui sảng khoái, vì trong tâm hai chú đã có tâm tùy hỷ, tùy duyên.
Giới Sân ngồi bất động bên bờ hồ, xem mặt hồ nước dợn, đơn giản vậy thôi nhưng vẫn cứ cảm nhận được niềm vui, vì bên trong tiểu đã tiềm tàng tâm thanh tịnh.
Nhiều và ít, giàu và nghèo, động và tịnh… không có liên hệ gì với hạnh phúc, niềm vui. Nếu có được tâm tùy duyên, hài lòng, bất luận chúng ta ở đâu cũng đều có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc.
Chiếc quần Jean bị rách
Còn nhớ lần nọ có hai nữ thí chủ đến chùa, gương mặt họ trông khá giống nhau, đoán tuổi tác chắc họ là mẹ con, nhưng nhìn thần thái hai người lại có vẻ không tự nhiên cho lắm; cả hai không nói gì nhiều, lại tránh ánh mắt của nhau, cứ thế lặng lẽ vào chánh điện lạy Phật.
Người mẹ quen với sư phụ Trí Huệ, nên sau khi lễ Phật xong, bà để con gái đi vòng vãn cảnh chùa, một mình vào thỉnh giáo chuyện học Phật, chuyện gia đình với sư phụ.
Sư phụ hình như hiểu được tâm sự của bà mẹ, liền dò hỏi, thì ra hai mẹ con vừa cãi cọ xong, nguyên nhân là do chiếc quần của cô con gái!
Cô con gái năm nay công việc vừa ổn định, có đồng ra đồng vào, liền mua cho mẹ chút ít đồ dùng, lại tự mua cho mình một cái quần jean.
Thời trang của giới trẻ dưới núi thật lạ. Ngày thường Giới Si mặc áo rách chạy chơi trong chùa, khách hành hương cảm thấy chú tiểu thật tội nghiệp, đến y phục cũng không được lành lặn, nhưng mấy năm nay thường thấy các cô cậu trẻ tuổi cố ý mặc chiếc quần jean rách toẹt.
Bà mẹ thấy quần mới của con bị rách, cho là con gái không cẩn thận, nên khéo léo chọn miếng vải phù hợp với màu quần mà khâu vá lại.
Sáng hôm sau, bà mẹ đem chiếc quần vá xong đưa cho con gái. Vì việc này, hai mẹ con tranh cãi dữ dội. Con gái trách mẹ chưa hỏi mình mà đem chiếc quần đi vá, người mẹ bị tổn thương khi tấm lòng thương con của mình bị chính con gái phủ nhận.
Sau khi người mẹ đi ra ngoài, sư phụ Trí Huệ bảo Giới Sân kêu người con gái vào cho sư phụ nói chuyện. Giới Sân đang lau kiếng gần đó, nhìn thấy cô con gái cúi đầu nghe sư phụ. Sư phụ từ tốn cười nói, cô lẳng lặng ngồi nghe, sau đó rất lâu, cô nhè nhẹ gật đầu.
Một lát sau, Giới Sân nhìn thấy hai mẹ con ngồi ở băng đá sau chùa, hình như là vừa khóc xong.
Cái hiểu biết của chính mình, không phải cũng là cái hiểu biết của người khác; đúng sai phải trái, thường không rõ ràng, không có ranh giới hay tiêu chuẩn nào.
Khi trách móc người khác, cũng nên nghĩ đến cái sai của người là do đâu? Nếu như không phải từ ý xấu, không gây nên hậu quả, thì có nên trách mắng người không?
Khi gây gổ nên chăng nghĩ rằng, có mẹ trên đời là để cho con thương yêu và ngược lại, vì còn biết bao nhiêu người trên thế gian đến thiên chức làm mẹ, làm con cũng còn không có được.
Chiều hôm đó, hai mẹ con thân thiết tay nắm tay xuống núi, như chưa từng xảy ra việc cãi cọ.
Người con gái chợt quay lại vẫy tay tạm biệt mấy tiểu. Giới Sân cũng chắp tay đáp trả, liền phát hiện cái quần jean của cô con gái – thì ra người mẹ không khéo lắm, từ xa đã có thể nhìn ra màu quần và màu vải vá không giống nhau. Nhưng chỗ vá hình như có hình trái tim…
Điện thoại của Giám đốc Vương
Một buổi chiều gần tối, trong khi quét chùa, Giới Sân nhặt được một chiếc điện thoại di động màu đen. Quý sư huynh biết chuyện, đoán là của một vị Phật tử nào đó bỏ quên.
Chiếc điện thoại dáng dấp hiện đại, trông lớn hơn chiếc điện thoại của Giới Ngạo nhiều.
Sư phụ Trí Duyên nói, người nào làm mất điện thoại chắc chắn sẽ gọi điện đến hỏi, nên bảo tiểu giữ bên mình để người đó liên lạc lại. Thầy còn cẩn thận căn dặn là chẳng nên xem bất kỳ tin nhắn nào của Phật tử, bởi phép lịch sự không được tìm hiểu đời sống riêng tư của người ta.
Giới Sân đem điện thoại di động đặt trên bàn gần chiếc đơn. Suốt ngày không thấy động tịnh gì, tiểu bèn cầm lên xem, mới phát hiện vì máy hết pin nên đã tắt mất nguồn.
Tiểu vội chạy xuống trấn mua đồ sạc pin, về chùa cắm vào sạc. Mới có chút pin, điện thoại liền đổ liên hồi, hết cuộc này đến cuộc khác. Chủ máy có lẽ là người buôn bán lớn, nên mỗi lần nghe gọi, vừa nhấc máy lên a lô, Giới Sân đã giựt chắt cả mình, bởi họ cứ gọi tiểu là Giám đốc Vương, thái độ cũng rất khác nhau, có người lễ phép, có người giận dữ, có người nhẹ nhàng, từ tốn,… toàn là tìm Giám đốc Vương để giải quyết công việc, chỉ lạ một điều là ông chủ họ Vương nọ lại không hề gọi đến.
Tiếp điện thoại mấy ngày liền, Giới Sân đúng là bị việc này làm cho phiền phức, bởi người ta gọi đến quá nhiều. Tiểu đem việc trình lên quý sư phụ, quý sư phụ cũng cảm thấy rất lạ; xem ra chiếc di động này đối với chủ nó là hết sức quan trọng, nhưng tại sao chủ nó lại không chịu liên lạc?
Việc này trải qua mấy ngày liên tiếp, Giới Sân thật tình chịu hết xiết, bèn mở danh bạ liên lạc điện thoại ra xem. Thấy có số di động của vợ chủ nhân, tiểu bèn điện thoại cho người này.
Người phụ nữ tiếp điện thoại xong rất ngạc nhiên, cô nói, chủ máy di động là chồng cô, đang ngồi bên cạnh cô, hai người đang nghỉ mát mấy ngày, khoảng vài bữa sau thì đến chùa nhận điện thoại.
Giới Sân đã biết được tông tích nên khóa máy, đợi chủ nó đến nhận lại. Vài ngày sau, có người đàn ông đến xưng họ Vương, tiểu quan sát thấy ông này tướng tá phốp pháp, đúng là người làm ăn buôn bán. Hỏi dò thân phận xong, tiểu bèn trao di động lại cho ông ta.
Giới Sân đem thắc mắc của mình ra hỏi, rằng tại sao chiếc điện thoại quan trọng như vậy mà không liên lạc để nhận lại? Ông Vương tâm sự, nhà ông tự mở công ty thương mại, thường ngày vô cùng bận rộn, lần này ông đặc biệt xả hơi cùng vợ đi du lịch vài ngày, song vẫn có nhiều cú điện thoại liên lạc làm ăn. Bữa di động bị mất, thật cũng rất lo lắng, vì không biết làm sao mà khách hàng có thể liên lạc với mình. Ông cứ nghĩ là bị ăn trộm lấy mất, vì gọi vào số đó lần nào cũng nghe báo khóa máy, nên thôi không điện nữa!
Ngày đầu không có ai liên lạc, ông Vương cảm thấy khó chịu, lo lắng vì mất điện thoại là mất nhiều hợp đồng làm ăn quan trọng. Nhưng sau một ngày không bị bận rộn vì những cú điện thoại, ông chợt cảm thấy lòng thảnh thơi. Lâu lắm rồi ông chưa có điều kiện du lịch cùng vợ con mà không bị ai quấy nhiễu như thế. Trong lòng ông nghĩ, dù sao thì điện thoại cũng bị mất rồi, may là danh sách liên lạc trong điện thoại di động, ông cũng còn lưu lại, nên không lo gì lắm. Thôi thì nhân cơ hội này đi du lịch nghỉ mát với vợ con một cách thật trọn vẹn.
Ông Vương chắc chắn đã từng nghĩ rằng điện thoại di động đối với ông rất quan trọng, vì nó chính là công cụ để giúp ông phát triển con đường kinh doanh. Nhưng một khi nó mất đi, ông Vương lại tìm ra được điều quan trọng hơn, đó chính là ngoài chuyện chạy theo danh lợi ra, con người ta cần phải tìm thấy cuộc sống an nhàn, thảnh thơi.
Chúng ta thường nói có vài người, vài việc, khi mất đi mới phát hiện là quan trọng, tuy nhiên, bất cứ chuyện gì cũng có tính hai mặt, có vài sự vật, khi mất đi, chúng ta mới phát hiện nó không quan trọng gì, ngược lại hết sức phiền phức, rối rắm!
Hòn đá núi Hiện Sơn
Gần Mao Sơn có nhiều núi nhỏ, trong đó có núi Hiện Sơn. Hiện Sơn rất nhỏ, chỉ vài ngọn đồi hợp thành, nhưng lại rất đặc biệt. Nếu như đi dọc theo dốc núi, sẽ nhìn thấy một trũng đá vụn dài, người ta gọi là cốc đá, không có cây cối sanh trưởng, không có nước chảy, đá vụn nhỏ to trong cốc tích tụ thành đống, tạo hình trông rất lạ mắt.
Tiểu không biết địa mạo đặc thù đó hình thành như thế nào, chỉ là nghe sư phụ Trí Huệ nói, nơi này từng có giếng nước trong, nhưng không hiểu sao tự nhiên khô cạn, tạo thành địa hình đặc biệt như vậy.
Có khoảng thời gian không xuống trấn Diểu, trấn thay đổi rất nhiều, tiểu cùng Giới Ngạo đi ngang qua quãng trường của trấn, phát hiện nhiều cửa hiệu nhỏ bán hàng thủ công mỹ nghệ, họ trưng bày rất nhiều sản phẩm đá, gồm các loại đá dùng để bỏ vào trong bồn hoa nhỏ, loại đá đã được dựng thành hòn non bộ,… chất đống trước các cửa hiệu.
Tiểu quay sang hỏi Giới Ngạo: Lúc này làm gì mà các thí chủ rộ lên phong trào bán sản phẩm đá công nghệ vậy hè?
Giới Ngạo nói: Huynh không để ý thấy sao? Gần đây ở núi Hiện Sơn có nhiều người đến tìm đá lắm.
Tiểu nhớ lại, thấy quả thực là như vậy. Những khi tiểu lang thang trên dốc núi, thường nhìn thấy có vài thí chủ nhặt đá, giờ xem lại có liên quan đến cái vụ buôn bán này.
Khi chuẩn bị đi xuyên qua quãng trường, tiểu chợt nghe có ai đó chào hỏi bên tai, nhìn lại, hóa ra là người quen: ông chủ cửa tiệm đá họ Lý.
Đến gần ông Lý, nhìn thấy ông ta đang chọn lựa đá trong đống đá trước mặt, tiểu có chút ngạc nhiên, liền hỏi ông đang làm gì?
Ông Lý nói: Gần đây có nhiều khách muốn mua sản phẩm đá công nghệ, hôm qua nhờ mấy đứa lên núi vác về một ít, hôm nay phải chọn lại, rồi gia công, bán ra!
Tiểu nhìn kỹ lại, thấy đống đá bên trái ông Lý đã được chọn để gia công làm thành phẩm, đống bên phải là những hòn đá bị đào thải, dùng làm đá lót đường.
Nhìn đá được phân thành hai đống, tiểu thấy hình như cũng chẳng có gì khác biệt mấy, liền hỏi ông Lý: Ông dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn ra đống đá đó?
Ông Lý đáp: Dựa vào cảm giác!
Vận mệnh của mỗi viên đá tùy thuộc vào cảm giác của ông Lý – hoặc là sẽ được người đời chiêm ngưỡng, hoặc là sẽ bị người đời đạp bỏ dưới chân. Con người có thể cũng như vậy, cho dù có cùng phẩm chất, chỉ vì một biến cố nhỏ, có thể liền sinh ra cuộc sống khác nhau. Đại đa số người đời bị vận mệnh chi phối, không có cách nào kháng cự.
Vận mệnh có khi bất công, chúng ta không có sức thay đổi; chúng ta có thể oán hận nó, nhưng tốt hơn hết là cần phải mỉm cười để tiếp nhận cuộc sống của mình, cũng như các viên đá vui vẻ nằm dưới chân người, không được chọn làm sản phẩm công nghệ, dù bị người đạp lên, vẫn lắc cắc vui vẻ!
Dù bất cứ nơi nào, bất cứ thời khắc nào, kẻ ngăn cản chúng ta cười chỉ có thể là chính chúng ta.
Niềm vui hiện diện nơi chúng ta với tay đến, khi chúng ta muốn vui, chúng ta có thể có niềm vui!