Nét vẽ trên đá
Mấy hôm nay, mỗi khi đi ngang qua núi Hiện Sơn, tiểu luôn nhìn thấy một ông lão ngồi trên hòn đá, mặt hướng về ngọn núi, lưng quay về phía tiểu; không rõ ông đang nhìn gì, chỉ thấy ông cứ cúi đầu như chăm chú nhìn một vật gì đó đang cầm trong tay.
Không ngăn được tò mò, Giới Ngạo nói: Mình đi xem ông lão đang làm gì đi huynh.
Giới Sân do dự: Sợ làm như thế thì phiền ổng quá, không tốt đâu.
Giới Ngạo bảo: Vậy tụi mình đi nhẹ một chút, không làm động ổng là được rồi.
Cả hai rón rén đến sau lưng ông lão. Ông lão vẫn chú tâm vào công việc, không biết hai tiểu đang đứng ở phía sau. Một tay cầm cây bút lông, tay kia cầm viên đá, ông đang vẽ cái gì lên đó. Giới Ngạo thò đầu đến gần ông một chút để nhìn rõ xem ông đang vẽ cái gì.
Ông lão cảm giác có ai đó đến gần mình, liền nghiêng người lại, bất chợt nhìn thấy một cái đầu sáng loáng, nhẵn thín. Ông giựt mình buông tay làm rơi viên đá xuống đất!
Đã không muốn làm phiền ông lão, giờ lại khiến cho ông giựt mình, Giới Ngạo cảm thấy có lỗi, bèn khom người xuống nhặt cây bút lông và viên đá lên đưa cho ông; tiểu ta còn kịp nhìn thấy ông lão vẽ rất nhiều thứ lên những viên đá trước mặt.
Tiểu đặt bút và viên đá vào tay ông lão. Ông lão cười, nói: Thì ra là hai chú tiểu, đầu trọc sáng quá!
Giới Sân mắc cỡ rờ đầu, vì sáng sớm nay được sư phụ Trí Hằng cạo cho nên đầu mới sáng bóng như vậy.
Cả hai xin phép ông lão cho xem tác phẩm ông vẽ trên viên đá. Ông lão cười, gật đầu. Giới Sân và Giới Ngạo liền ngồi chồm hổm trên đất, cầm các viên đá lên xem.
Đá núi Hiện Sơn rất đặc biệt, nhiều viên có những tầng đặc thù ở giữa với nhiều lớp màu hoa văn kỳ lạ. Có chuyên viên nghiên cứu địa chất nói, những hòn đá trên các tầng thạch nham, sau khi bị nước đánh vào, đã hình thành nên như vậy.
Nét vẽ của ông lão trên các hòn đá đều không có hình tượng cụ thể, chỉ thuận theo hoa văn mà phác họa thêm vài nét. Tuy không biết ý nghĩa của nó thế nào, tiểu vẫn cảm thấy ông lão khéo điều phối nét bút và màu sắc, khiến cho các viên đá trở nên rất đẹp.
Hai tiểu không ngớt khen ngợi tác phẩm của ông lão. Ông đắc ý cười to, nói: Tôi đang làm việc trên thành thị, gần đây đến trấn Diểu ở chơi vài bữa, nhìn thấy các viên đá ở đây rất đặc biệt, liền mê nên mới vẽ vời. Ngày mai tôi trở lại thành, hai chú nếu thích, tôi xin tặng vài viên làm kỷ niệm.
Giới Sân và Giới Ngạo vui mừng không thể tả, lựa chọn lâu lắm, và cảm thấy viên đá nào cũng đẹp, phải hạ quyết tâm để chọn vài viên, bỏ vào vạt áo túm lại đem về, sợ mồ hôi trong tay làm nhòa đi nét vẽ vẫn còn chưa khô.
Rồi hai tiểu vui vẻ tạm biệt ông lão, về chùa, đem các tác phẩm chưng trong chánh điện.
Sau này, đi qua Hiện Sơn, tiểu luôn nghĩ đến ông lão, nhưng không còn gặp lại ông nữa.
Tác phẩm của ông vẫn còn để trong chánh điện, khách hành hương đến chùa thường bình luận này nọ về các viên đá. Người thích thì nói: Các nét vẽ trên đá thật thần kỳ; người không ưa thì bảo: Mấy cục đá này chẳng biết là cái gì, nhìn không hiểu. Có Phật tử hỏi Giới Sân: Có phải đây là các đồ chơi bôi trét của tiểu hòa thượng hay không?
Giới Sân nghĩ, tại sao viên đá nhỏ như vậy mà lại có nhiều bình luận đến thế?
Cái gì là tốt, cái gì không tốt, có chắc là chúng ta giải thích rõ ràng được hay không?
Việc thiện ác, buồn vui, tốt xấu,… không hề có tiêu chuẩn nào nhất định, kết luận của chúng ta chỉ là sự lý giải không đồng mà thôi.
Chúng ta không nên dành đa phần thời gian để buộc mình bình luận việc tốt xấu – thiện ác, vì lý giải của chính mình cũng chưa chắc đã chính xác.
Cha không biết tắt đèn điện
Ngày nọ, có một vài vị thí chủ thân thể rất cường tráng đến chùa.
Giới Trần nói: Chắc họ đến chùa không phải vì việc tu hành, bởi xem ra họ không giống người ăn chay chút nào!
Giới Si phản bác: Chưa chắc. Giới Ngôn (con chó ở chùa) rất mập, nó cũng ăn chay; sư phụ Trí Hằng cũng mập, sư phụ cũng ăn chay!
Sau khi mấy vị thí chủ đó đi khỏi rồi, không biết Giới Ngạo lượm ở đâu được một quả tạ, nói là mấy vị thí chủ đó làm rớt lại. Giới Ngạo đem quả tạ vào sân chùa ném chơi; một vài sư huynh đi qua, bị quả tạ làm cho hết hồn.
Giới Si, Giới Trần cũng đến chơi đùa, muốn ném quả tạ, nhưng ném chưa được một mét đã rơi xuống đất, còn có nguy cơ tạ rớt vào chân.
Giới Sân nghe có tiếng cười, quay lại thấy sư phụ Trí Hằng đang đứng ở đằng sau. Sư phụ nói: Để thầy thử xem!
Sư phụ đưa tay lượm quả tạ, dùng hết sức để ném, quả tạ bay rất xa. Mấy tiểu chưa kịp vỗ tay, đã thấy quả tạ đã bay lên nóc tăng phòng, tiếp đó là tiếng ngói vỡ, sau đó là tiếng rớt của quả tạ. Quả tạ đã làm lủng một lỗ trên nóc nhà, rớt vào phòng mấy tiểu.
Giới Sân và Giới Ngạo không nhịn được cười. Thường ngày mấy tiểu phạm lỗi, sư phụ nghiêm nét mặt giáo hóa, bây giờ sư phụ làm lủng nóc phòng, không biết giải thích sao đây!?
Sư phụ Trí Hằng ngại ngùng nói: Thành thật xin lỗi, thầy lỡ làm nóc phòng của mấy con lủng một lỗ rồi!
Giới Sân và Giới Ngạo nhìn nhau. Sư phụ Trí Hằng đi mất dạng.
Vào phòng, hai tiểu nhìn thấy quả tạ đang nằm ở giữa giường, chỉ biết nhăn nhó nhìn lên cái lỗ to tướng trên nóc phòng. Bây giờ đã gần chiều, sáng mai mới có thể xuống trấn nhờ thợ lên sửa chữa.
Giới Ngạo đột nhiên cười lên, nói: Vậy cũng tốt, hôm nay là ngày rằm, ban đêm có thể ngắm trăng xuyên qua lỗ thủng này, chắc là thú vị lắm đây.
Giới Sân vỗ tay hưởng ứng. Trong nghịch cảnh, hắn vẫn giữ được tâm lạc quan, thật hết sức trân quý. Sư phụ Trí Hằng luôn cho rằng Giới Ngạo rất nông nổi, nếu như sư phụ nhìn thấy biểu hiện của hắn hôm nay chắc sẽ rất vui, có thể sẽ khen là hắn tu hành có tiến bộ.
Đêm, mưa rào không mời mà đến.
Giới Sân đem cái thau gỗ to hứng nước, mới chút đã đầy, chỉ còn cách gom đồ lặt vặt bày hết lên giường, ôm chăn màn chiếu gối đến phòng sư phụ Trí Duyên ngủ nhờ.
Giới Sân quay qua quay lại vẫn chưa ngủ được, chợt nhớ lại việc bữa nọ không biết sư phụ đã khuyên một cô Phật tử đang giận mẹ những gì mà sau đó cô không những hết giận mà còn nắm chặt tay mẹ, không chịu bỏ ra. Tiểu bèn quay sang hỏi sư phụ.
Sư phụ Trí Duyên trở mình, quay đầu bảo Giới Sân: Con đi tắt đèn điện đi, từ từ thầy kể con nghe.
Giới Sân tắt đèn xong. Trong bóng tối, tiểu nghe được giọng cười nhẹ nhàng của sư phụ.
Sư phụ nói: Con biết không? Trên đời này vẫn còn có người không biết cách tắt đèn điện.
… Mùa hè năm 16 tuổi, sư phụ nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường đại học. Lúc đó, được vào đại học là điều rất vinh dự, nên việc đó đã làm chấn động cả thôn nhỏ. Phụ thân dẫn sư phụ đi hết nhà này tới nhà khác, gặp ai cũng chìa giấy báo nhập học ra, nói con ông đã lập công danh, sau này có cơ hội làm quan rồi. Sư phụ đi đằng sau, rất nhiều lần muốn nói với cha, rằng cha đã cầm ngược giấy thông báo, nhưng cuối cùng vẫn không nói được. Người cầm giấy và người xem đều không biết chữ, ngược hay xuôi cũng không quan trọng.
Hôm sư phụ lên đường nhập học, bao hành lý nhỏ nhét đầy đồ ăn, đồ dùng và nhiều thứ lặt vặt khác. Sư phụ kể, những đồ vật đó phần nhiều không dùng tới. Đó là lần đầu sư phụ xa nhà lên thành thị. Trên con đường nhỏ trong núi, phụ thân cứ không ngớt dặn dò, đem việc nhỏ việc lớn mà ông đang nghĩ, nói hết một lượt.
Sư phụ giận dỗi nói: Con không phải là con nít, đừng nói tới nói lui hoài!
Có bao nhiêu người lúc 16 tuổi không muốn thừa nhận mình là con nít? Có bao nhiêu người lúc 16 tuổi phát hiện chính mình từng ấu trĩ như vậy?
Trong lớp, sư phụ tuổi nhỏ nhất, vì cách biệt tuổi tác, nên chẳng có bạn bè gì, chớp mắt đã ba năm.
Mùa hè năm đó, sư phụ không về nhà, nhờ người nhắn với gia đình muốn ở lại thư viện xem sách viết luận văn. Qua vài ngày, sư phụ nhìn thấy phụ thân mang hai túi to đứng giữa sân trường, nhìn quanh quất.
Sư phụ chạy xuống lầu đến trước phụ thân. Phụ thân nói: Chưa bao giờ cha lên thành phố nên muốn lên xem sao.
Sư phụ dẫn cha lên lầu, ông dò hỏi tình hình sức khỏe sư phụ.
Thì ra việc sư phụ đột nhiên không về dịp nghỉ hè, khiến phụ thân nghi ngờ sức khỏe của sư phụ, dù chưa bao giờ lên thành phố, ông cũng từ trong núi dò dẫm tìm đường đến nơi này.
Ký túc xá vào dịp hè nên phòng trống rất nhiều, để phụ thân trú lại, sư phụ đem chiếc đèn bàn mới mua đặt trên bàn.
Sáng hôm sau, thấy bóng đèn bể vụn, sư phụ nghĩ có thể là do cha vô ý làm bể. Sư phụ thôi không hỏi, chạy đi mua chiếc mới đem về.
Sáng ngày thứ hai, bóng đèn lại bể tiếp. Sư phụ sợ cha áy náy, không truy hỏi, lại lần nữa mua bóng đèn mới thay vào.
Qua thứ ba, bóng đèn vẫn bể. Sư phụ chịu không nổi bèn hỏi duyên cớ. Phụ thân bảo, ông thổi hoài mà cây đèn không chịu tắt, nên dùng cây gõ bể, không thì đốt đèn cả đêm, hao dầu!
Sư phụ sống thành thị đã ba năm, quên phụ thân sống nơi thôn nhỏ trong núi chỉ dùng đèn dầu, chưa bao giờ dùng đèn điện.
Có thể sinh hoạt phí thiếu hụt khiến sư phụ cảm thấy áp lực, nên nổi giận la to: Sao ba không đến hỏi con?
Tình cha con không giận qua đêm, nhanh chóng, việc này cũng đi vào quên lãng.
Hôm đưa phụ thân về quê, sư phụ cũng không ngớt nhét đồ vào túi xách. Khi đứng trước chuyến xe, sư phụ không dừng vẫy tay. Phụ thân thò đầu qua khung cửa sổ xe, nói to: À, còn việc bóng đèn, mấy ngày đó khuya lắm, con đã ngủ, ba chưa kịp hỏi con, đến sáng thì lại quên mất!
Sư phụ muốn nói một câu xin lỗi cha, nhưng xe đã lăn bánh.
Nhưng cũng không sao, hãy còn một đời cha con, còn nhiều cơ hội để nói.
Sau đó, đất nước loạn lạc, sư phụ bị tạm giam.
Sau khi được thả ra, đã gần sáu năm chưa về thăm quê núi. Thời gian dài đó, đủ để lưu lại quá nhiều nuối tiếc, đủ dài để hủy diệt một niềm tin.
Mộ phần của phụ thân rất dễ nhận ra, vì không được ai tảo mộ, cỏ dại mọc đầy.
Tiếng gió mưa rất lớn, nhưng đâu đó vẫn còn nghe âm thanh tiếng khóc chẳng người lưu tâm. Đêm một màu đen, tối đến nỗi không ai nhìn thấy được có người đang khóc, nước mắt chảy dài.
Sư phụ biết là phụ thân không để bụng, nhưng lời xin lỗi mãi đến giờ không có cách nào chính miệng mình ói với cha!
Thánh Tâm dịch
http://www.giacngo.vn