Đếm cánh hoa tìm đáp án
Nhớ năm ngoái, có vị thí chủ quen biết với sư phụ Trí Duyên, nhờ sư phụ mua một hàng điêu khắc bằng tre trúc, kết quả là khi mua về rồi mà không thấy vị đó đến. Đồ vật đó chế tác rất tinh tế, Giới Sân sợ bỏ bên ngoài bị người nào đó hay Giới Ngôn vô ý đụng vào hư hỏng nên đem bỏ vào kho chứa đồ lặt vặt sau chùa.
Mấy bữa trước, vị chủ nhân của hàng điêu khắc tre đến chùa thắp hương, sư phụ Trí Duyên liền bảo Giới Sân đem cái đó ra đưa cho thí chủ.
Giới Sân đến kho chứa đồ, lại phát hiện đồ đạc trong đó ngã la liệt, không cách nào một mình lấy hoa văn bằng tre đó ra được, nên đi tìm Giới Ngạo giúp một tay.
Đi vòng chùa vẫn không thấy hắn đâu, hỏi Giới Trần, mới biết hắn đã ra trước cửa chùa.
Giới Sân ra ngoài cổng, xa xa đã nhìn thấy Giới Ngạo đứng trên đường núi, hình như đang nhìn cái gì đó.
Đến bên Giới Ngạo, chưa kịp gọi tên hắn, nhìn theo hướng Giới Ngạo, thật hết hồn, thì ra có cô gái đang ngồi trên hòn đá. Trong lòng chợt thấy hành vi của Giới Ngạo không đúng đắn, sư phụ Trí Hằng đã căn dặn, không được nhìn người nữ lâu quá, nhất là những thiếu nữ, như vậy rất thất lễ. Nhưng từ nãy giờ Giới Ngạo nhìn cô gái đó ít nhất là mấy phút rồi.
Đưa tay kéo vạt áo Giới Ngạo, ra hiệu cho hắn đi vào, Giới Ngạo quay đầu lại nhìn Giới Sân, lại không có ý rời khỏi, nhè nhẹ chỉ cô gái đó cho Giới Sân xem.
Nhìn kỹ cô đó, dáng vẫn còn trẻ không hơn 20 tuổi, cô hình như không chú ý đến chúng tôi, chỉ ngồi trên hòn đá, cúi đầu, trong tay lại cầm vật gì đó, miệng rù rì nho nhỏ, nghe không rõ đang nói cái gì.
Trong lòng có chút tò mò, Giới Sân lấy hết can đảm, rảo đến trước Giới Ngạo. Thì ra cô gái đang cầm trong tay nhành hoa, miệng lại đọc thầm thầm, cách một chút lại ngắt một cánh hoa bỏ đi.
Lắng nghe kỹ chút là cô ấy vừa ngắt một cánh hoa vừa nói một câu, lặp đi lặp lại “tha thứ”; “không tha thứ”.
Trong phút chốc như hiểu ra, cô ấy đang giận ai, lấy hoa cứu giải, xem có thể tha thứ được người đó hay không. Đóa hoa đó có nhiều cánh, động tác cô gái ngắt cánh hoa rất chậm, nhưng bông hoa chỉ còn lại một phần ba.
Giới Ngạo chợt hỏi: Cô gì đó ơi, cô đang làm gì vậy?
Cô gái ngước đầu lên, kinh ngạc nhìn chúng tôi, dừng lại rồi do dự trả lời, tôi đang hỏi hoa để tìm ra câu trả lời.
Giới Sân tự hỏi, chúng ta đem vận mệnh chính mình đặt để vào cánh hoa, có phải là quá qua loa?
Cô gái nói với chúng tôi: Tôi biết hai chú là chú tiểu của chùa Thiên Minh. Tôi từ xa tới đây, muốn hỏi sư phụ Trí Duyên một câu, ba tôi từng là một người xấu, lúc tôi còn nhỏ, ba đã bị bắt vào tù, vì cớ này mà tôi bị người kỳ thị. Cho đến gần đây ông được thả ra, xin mẹ và tôi tha thứ, tôi cảm thấy khó nghĩ quá. Tôi muốn hỏi sư phụ Trí Duyên, có nên tha thứ cho ông ta không, nhưng đến cổng chùa, chợt thấy chần chừ, quyết định dùng hình thức này để tìm câu trả lời.
Giới Sân tạm thời trầm mặc, không biết nên nói làm sao.
Giới Ngạo đột nhiên cắt ngang: Cô nè! Cô làm như thế để tìm đáp án là không chuẩn xác đâu, hay là tôi giúp cô niệm chú khai quang cho bông hoa đó, rồi cô lại tiếp tục.
Tiểu cảm thấy kỳ lạ nhìn Giới Ngạo, không biết hắn đang nghĩ gì, Giới Ngạo đã đưa tay ra đón lấy bông hoa, sau đó bắt đầu niệm chú, một chút sau, trả lại hoa cho cô gái.
Cô cầm hoa, tiếp tục đếm từng cánh từng cánh, cho đến cánh hoa cuối cùng rơi xuống, đúng vào câu “tha thứ”, cô mới vui vẻ cười tươi.
Giới Sân nói: Nếu như lúc nãy cô vào chùa, sư phụ Trí Duyên chắc chắn là sẽ nói với cô, chúng ta cố chấp đem thù hận để trong tâm, kết quả mất đi thân tình, mất đi niềm hỷ duyệt. Buông bỏ càng nhiều, đạt được cũng nhiều như vậy.
Cô gái cám ơn và tạm biệt chúng tôi. Giới Sân bảo Giới Ngạo vào chùa giúp một tay chuyển đồ đạc. Giới Ngạo chợt cười rúc rích ngay sau lưng Giới Sân. Tiểu quay đầu lại, Giới Ngạo xòe bàn tay ra, trong lòng bàn tay là một cánh hoa. Hắn nói, lúc nãy đang niệm chú, lén đếm những cánh hoa thừa lại, nếu tiếp tục đếm sẽ là “không tha thứ”, nên đệ ngắt bớt đi một cánh. Hi hi.
Giới Sân hơi kinh ngạc, nhưng không nhịn được cười. Vận mệnh không để cô gái đó gặp sư phụ Trí Duyên, mà phái “tiểu yêu” Giới Ngạo đến để ngắt bỏ cánh hoa phiền não cho cô, hóa ra mọi việc lại tốt đẹp.
Một cánh cửa khác
Lần nọ, một thí chủ còn trẻ đến chùa, dáng người không cao, lại hơi ốm, có vẻ dị tật, lúc đi quẹo qua quẹo lại; nhưng anh ta có biệt tài nói chuyện rất hay, thường bàn luận kinh điển với quý sư phụ trong chùa, thu hút cả Giới Sân và Giới Ngạo.
Giới Sân nhịn không được lâu lâu nói chen vào vài câu, anh này liền chú ý và tìm vài vấn đề thảo luận với Giới Sân. Quan điểm của anh ta rất đặc biệt, mỗi câu nói đều rất hợp tình hợp lý. Giới Sân hỏi anh ta, có phải anh là cư sĩ tại gia không?
Anh ta lắc đầu, anh nói với tiểu, thật ra anh chỉ mới hiểu Phật pháp một năm gần đây mà thôi.
Mọi người nghe anh nói rất ngạc nhiên, một năm lại hiểu Phật pháp thâm sâu như vậy, sức lãnh ngộ không phải tầm thường.
Anh nói anh không phải là thiên tài gì, anh học đại học khoa ngữ văn, thành tích chỉ trung bình.
Ra trường, anh làm việc cho một đơn vị quốc doanh trên thành thị, công việc khởi sự là kiểm soát và giám sát các xí nghiệp thực phẩm như tiệm cơm, cửa hàng ăn uống…
Cũng độ này năm ngoái, chính phủ yêu cầu đơn vị anh tiến hành kiểm soát vệ sinh phòng nấu các tiệm cơm lớn. Hôm đó, họ thông báo là sẽ đến kiểm soát một nhà hàng ăn uống rất quy mô.
Nhà hàng ăn uống đó tuy quy mô không nhỏ, nhưng phòng nấu ăn không vệ sinh lắm, nghe báo là có người đến kiểm tra, liền vội vàng chỉ đạo cho công nhân viên quét dọn sạch sẽ. Chỉ sau mấy chục phút, phòng nấu ăn rất sạch, dưới nền gạch trơn và sáng loáng.
Do vì mới quét dọn xong, nên nền gạch trơn trợt, vị kiểm tra viên chính là anh vừa đến phòng ăn của nhà hàng, liền té mạnh xuống nền, chân bị gãy cốt, nằm bệnh viện điều trị rất lâu mới bình phục, qua thời gian dài anh vẫn không thể xuống giường đi lại được. Một người bạn đến thăm anh, sợ anh cô đơn, đem đến vài quyển sách Phật cho anh đọc. Anh mới đầu chỉ có chút thú vị, dù gì đi nữa cũng không thể làm việc gì khác, sẵn tiện nghiên cứu Phật học, ngờ đâu càng xem càng thích, càng có nhiều tâm đắc.
Sau một năm, anh đã có thể đi lại được bình thường, sự nhận thức về tri thức về Phật học cũng tích lũy được tương đối cao.
Có thể trong trạng thái bình thường, anh chưa chắc có thời gian và sức tinh chuyên tĩnh tâm nghiên cứu Phật học, nhưng sự cố đã khiến anh có cơ hội tìm hiểu.
Từng có người tàn tật hỏi Giới Sân, nên đối diện với tình huống của mình như thế nào? Vậy thì Giới Sân muốn trả lời họ, có thể so với người bình thường họ làm việc không nhiều, nhưng do vậy mà có cơ hội để làm việc khác tốt hơn.
Cuộc đời rất bình đẳng, khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác liền mở ra. Có sở đoản là có sở trường, điều chúng ta cần làm là tìm ra sở trường của chính mình để sống lạc quan hơn, vui hơn giữa cuộc đời này.
Con ngỗng và cọng dây
Có thời gian, Giới Trần nội tâm trào dâng, chợt thích vẽ tranh. Lúc mới đầu, chỉ vẽ bằng bút màu trong chùa, vẽ nhiều nhất là cảnh vật, lư hương, mõ, chuông, cây cỏ…
Nhưng sở thích là một lẽ, thiên phú lại là lẽ khác. Giới Trần vẽ tính ra không giống lắm. Khách hành hương nhìn thấy Giới Trần bò trên đất vẽ nên tò mò hỏi, chú tiểu đang vẽ gì vậy? Giới Trần rất nhẫn nại giải thích cho họ nghe rằng hắn đang vẽ cảnh vật ở đâu đó, có khi khách cũng lịch sự khen vài câu, hắn liền vui không thể tả.
Bữa đó sinh nhật của Giới Trần, nên hắn có yêu cầu nhỏ, cần một vài giấy và bút vẽ. Sư phụ Trí Huệ cảm thấy vẽ tranh cũng là một việc tốt, liền đồng ý yêu sách của hắn. Sư phụ còn đặc biệt xuống trấn, đến cửa tiệm mua một bộ bút nước màu, một xấp giấy trắng cho Giới Trần. Nhận được quà sinh nhật, Giới Trần mừng húm.
Sáng ngày hôm sau, khi kết thúc thời kinh sáng, Giới Trần cầm ra một trang giấy đã vẽ cho mọi người xem, nói là vẽ hôm qua. Lật trang giấy ra, thấy vẽ một người, Tăng chúng trong chùa kinh ngạc nói không ra lời, người trong tranh là Giới Sân, nói chung là thần thái và tướng tá giống đến 80%. Lần đầu, Giới Trần chính thức vẽ trên giấy, lại vẽ được hiệu quả như vậy. Quý sư phụ và huynh đệ không ngớt khen ngợi sức vẽ của hắn. Sư phụ Trí Huệ rất đắc ý, nghĩ Giới Trần đối với việc hội họa quả là có chút tài năng, còn nói, lần sau nếu như ông Hạ – ông hoạ sĩ dưới trấn – có đến chùa, sẽ bảo ông ta hướng dẫn thêm cho Giới Trần.
Không biết làm sao mà Giới Trần nghe mọi người khen ngợi lại không vui lắm, mọi người đang nói, hắn chợt quay đầu chạy đi. Quý huynh đệ đều cho rằng khen nhiều quá hắn mắc cỡ.
Lát sau, Giới Sân đi ngang phòng Giới Trần, nghe tiếng khóc lí nhí trong phòng, bèn đẩy cửa bước vào. Giới Trần đang nằm trên giường khóc thút thít, thấy Giới Sân vào phòng liền khóc nhiều hơn.
Giới Sân ngồi bên cạnh giường, không hiểu vì sao Giới Trần khóc, nên không biết làm sao mà an ủi hắn. Hắn đang khóc đó, chợt ngước lên hỏi Giới Sân một câu, sư huynh, huynh có nghĩ là em nên tiếp tục vẽ nữa không?
Thì ra hắn khóc là vì việc vẽ này. Giới Sân kéo hắn lên, thành tâm thành ý an ủi hắn, đệ vẽ rất là đẹp, huynh thấy đệ lúc sáng vẽ huynh giống như vậy, rõ ràng là đệ có tiềm năng, nếu có niềm tin chắc chắn đệ sẽ thành đạt.
Giới Trần khóc to hơn, vừa khóc vừa nói, đệ vẽ sư phụ Trí Hằng chứ không phải vẽ huynh.
Nghe xong, Giới Sân giật mình. Sư phụ Trí Hằng mập mạp, Giới Sân lại hơi ốm, nếu như hắn vẽ sư phụ Trí Hằng, vậy thì việc vẽ thật là khó thành rồi.
Cũng không biết nói gì để an ủi Giới Trần, có cảm giác mình đang bắn bia này lại trúng bia kế bên. Giới Sân hết sức thông cảm, an ủi Giới Trần, vẽ quan trọng nhất là cái thần thái chứ không phải hình tướng, thật ra em vẽ thuộc về phái trừu tượng. Giới Trần cảm thấy được an ủi chút, từ từ không khóc nữa.
Ngày kia, ông hoạ sĩ Hạ đến chùa, sư phụ nói việc vẽ của chú tiểu. Ông bảo, hay là cho chú vẽ những vật linh hoạt, có thể khiến trình độ vẽ của chú nâng cao một chút.
Buổi tối, khi gần đi ngủ, Giới Sân nằm trên giường nghĩ ngợi, muốn đến vài cái ao lớn của Trấn Diểu, trong ao, cư dân nuôi nhiều vịt và ngỗng, lần sau có lẽ nên dẫn Giới Trần đến đó vẽ tranh.
Ngày nọ, Giới Sân nói với Giới Trần suy nghĩ hôm trước. Giới Trần vui vẻ chuẩn bị bút, giấy, giá vẽ, cùng Giới Sân xuống núi.
Dưới núi không xa là một cái ao sen rất lớn, có vài con vịt và ngỗng đang bơi trong ao.
Tiểu và Giới Trần ở dưới gốc cây bên ao, có gió thổi nhẹ trên ao, từng đợt sóng dập dờn, đong đưa trên nước. Thấy Giới Trần đang vẽ chăm chú từng nét, Giới Sân đang chuẩn bị khen, nhìn xem đệ vẽ những con vịt này đẹp thật. Chợt nhìn thấy hắn vẽ một con đang rụt cổ lại, thì ra là con ngỗng, nên không dám mở miệng, giống như lần trước lại khiến hắn bị tổn thương.
Thật kỳ lạ, không biết tại sao hầu hết những chú ngỗng lại tập trung đến trước mặt chúng tôi mà bơi. Giới Trần chợt nói, sư huynh nhìn xem, dưới ao có một cọng dây giăng ngang. Nhìn kỹ dưới mặt nước, Giới Trần thấy phía trước có một cọng dây kẽm giăng ngang ao, hầu hết các chú ngỗng bơi đến cạnh cọng dây, đều quay đầu bơi ngược lại, chỉ có một vài con rụt cổ bơi chui qua cọng dây.
Giới Trần nói, mấy con ngỗng tự do tự tại này gặp cọng dây đều phải rụt đầu rụt cổ.
Có lúc, cúi đầu là một cách duy nhất để vượt qua chướng ngại. Những chú ngỗng không chịu rụt đầu, không thể nào chui qua bên cọng kẽm; còn những con ngỗng chịu cúi đầu để vượt qua cọng kẽm lại thành công bơi trong ao nước mênh mông phía trước.