Hai chú tiểu biểu diễn văn nghệ
Nhân ngày Quốc Tế thiếu nhi 1-6, trấn Diểu chuẩn bị tổ chức buổi diễn văn nghệ. Diễn viên chỉ là những học sinh của hai trường tiểu học trong trấn. Nhân viên công tác của chính phủ là vị thí chủ thường hay đến chùa nghe kể chuyện. Chú ta làm “công tác tư tưởng” với sư phụ Trí Huệ, xin cho hai chú tiểu Giới Si và Giới Trần tham gia biểu diễn một tiết mục. Suy đi nghĩ lại, sư phụ bèn đồng ý.
Chú nhân viên công tác chính phủ nghĩ nên cho hai chú biểu diễn võ thuật, nhưng chùa Thiên Minh không giống như chùa Thiếu Lâm, không có tăng chúng học võ. Sư phụ Trí Huệ nói, hay là cho hai chú hát một bài. Giới Trần, Giới Si thường ngày vẫn hay hát, nhưng chỉ là mấy bài hát trên mạng, hầu hết là tình ca. Thường ngày mấy chú hát không ai lưu ý, chứ một khi tiểu hòa thượng mà lên sân khấu hát tình ca thì chắc có nước… độn thổ !
Sau khi bàn bạc, mọi người quyết định cho hai chú lên tụng chú Đại Bi, như vậy vừa có thể biểu diễn tiết mục, vừa có thể hoằng dương Phật pháp, nhất cử lưỡng tiện.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày chùa Thiên Minh kiến lập đến nay mới có người biểu diễn, nên trong chùa ai nấy đều lo lắng. Hai chú tiểu cũng chưa lên sân khấu diễn xuất bao giờ, phải luyện tập mấy ngày liên tiếp. Quý sư phụ và Giới Sân làm khán giả xem thử rồi cho biết ý kiến.
Giới Sân còn đặc biệt chọn cái mõ hay nhất, đẹp nhất của chùa cho hai chú. Sư phụ Trí Huệ còn căn dặn Giới Si, Giới Trần khi tụng chú phải trang nghiêm đoan chính, không thể giống như ngày thường miệng tụng lúng ba lúng búng, khiến quý Phật tử nghe không rõ, nghĩ sai về kinh Phật thì thật không hay. Quý sư phụ còn tích cực sửa chữa cách phát âm của hai chú, nên hai chú tiến bộ thấy rõ. Những chỗ mà hai chú nói ngọng đều phải sửa lại.
Bữa xem biểu diễn, trong chùa chỉ còn lại mỗi một sư huynh trông coi, mọi người đều mặc áo tràng lên trấn để ủng hộ hai chú.
Trấn Diểu hôm đó thật náo nhiệt, vì buổi biểu diễn này 5 năm mới có một lần. Rất nhiều người ở các trấn bên cạnh cũng kéo đến xem. Từ xa, mọi người đã nhìn thấy tấm băng-rôn ghi: “Nhiệt liệt chào mừng Tiểu sư phụ chùa Thiên Minh đến trấn biểu diễn”.
Quý sư phụ đều lo lắng, không ngờ họ lại xem trọng tiết mục biểu diễn của chùa Thiên Minh đến vậy.
Giới Sân nắm tay Giới Trần; tay hắn toàn mồ hôi. Tiết mục của hai chú được xếp cuối cùng, khán giả hình như không ai về trước, đều chờ xem hai chú biểu diễn.
Giới Sân đưa hai chú lên sân khấu. Khán giả rất đông, nên hai chú rất hồi hộp. Đó là thời khắc mà toàn hội trường an tịnh, khán thính giả đều yên lặng chờ hai chú biểu diễn. Hai chú đứng giữa khán đài, mơ màng gõ mõ, không nghe rõ âm thanh.
Đang yên lặng như vậy, chợt mọi người phát lên tiếng vỗ tay như sâm, micro truyền lại tiếng tụng kinh của hai chú càng lúc càng to, thậm chí hai chú tụng còn hay hơn lúc luyện tập ở chùa.
Sau khi tụng xong chú Đại Bi, rất nhiều người yêu cầu hai chú tụng thêm, nên hai chú lại tụng tiếp Bát Nhã Tâm Kinh. Dù chưa tập dợt lần nào, nhưng hai chú tụng rất nhập thần.
Nhiều người thưa với sư phụ rằng, hai vị tiểu sư phụ biểu diễn hay quá, tuy nghe không hiểu nội dung nhưng cũng khiến mọi người cảm động!
Có khi việc khích lệ rất nhỏ lại sinh ra hiệu quả kỳ diệu, giữ cái tâm bình thường như Giới Si, Giới Trần có thể phát huy thành quả đột xuất.
Nghe không hiểu kinh Phật cũng không có gì đáng ngại, người có tâm thành, có niềm tin, so với người hiểu nghĩa kinh văn đôi khi còn xứng với đạo hơn!
Hạnh phúc có thể chỉ là một ly nước lã
Chùa Thiên Minh không lớn, nhưng cũng không nhỏ lắm. Lớn hay nhỏ chỉ là khái niệm tương đối, bởi nếu đem chùa Thiên Minh so với tịnh thất Thủy Vân của trấn Diểu thì chùa cũng rất to.
Chùa Thiên Minh và chùa Bảo Quang đều tọa lạc trên núi, chỉ có tịnh thất Thủy Vân là ở ngay trong trấn Diểu. Đối với bậc chân tu mà nói, sống tại chốn sơn lâm hay giữa thị trấn náo nhiệt cũng chẳng có gì khác nhau cả.
Tịnh thất Thủy Vân vốn rất nhỏ, nhìn từ ngoài vào, chỉ nhìn thấy cánh cửa nhỏ trước phố, tấm biển xưa cũ khiến người đoán ra hình dáng cũ kỹ của tịnh thất. Tịnh thất Thủy Vân chỉ có mấy phòng, lúc trước có hậu viện, những năm gần đây đã bị lấn chiếm làm nhà kho.
Chỉ có vài vị Ni sư trú tại tịnh thất này, tuổi đã lớn, muốn thu nhận đệ tử nhằm duy trì mạng mạch, nhưng chẳng ai muốn đến. Có lần, quý Ni sư cười nói với Giới Sân, nếu như năm xưa người được đưa đến chùa Thiên Minh là bé gái, mà không phải là tiểu Giới Sân, thì chúng tôi đã có đệ tử rồi.
Mỗi năm đến hè, quý Ni sư lại để cái ấm nước thật to trước cổng tịnh thất, Giới Sân không biết cái ấm này có bao nhiêu năm, chỉ biết khi Giới Sân đến trấn Diểu, nó đã có mặt rồi. Ấm nước rất sạch sẽ, vì quý Ni sư mỗi ngày đều rửa sạch; bên cạnh ấm nước, quý Ni sư còn ghi hàng chư: “Nước uống miễn phí”, cạnh đó, còn treo cái ca nhỏ. Người qua đường khát nước có thể tự chế nước uống.
Có một bát nước lã miễn phí, có thể là chuyện nhỏ, nhưng việc dù nhỏ, có người làm thì vẫn hơn là không.
Mỗi sáng sớm, quý Ni sư đều đổ đầy nước vào ấm, gần tối lại treo lên cất.
Thường ngày, tiểu nhìn thấy người qua đường mồ hôi nhễ nhại, đứng trước cửa tịnh thất uống nước thỏa thích, mỗi gương mặt đều tràn trề niềm vui.
Uống nước xong, người người đều tự giác đem ca đến bồn rửa, nên ca uống nước lúc nào cũng sạch, vì người trước đã rửa qua rồi.
Giới Sân nghĩ, mỗi người đến đây uống nước đều hạnh phúc, vì lúc đó, mọi người đều hiểu rằng nên làm việc gì đó cho người khác, dù nhỏ nhoi. Hạnh phúc là sao? Là những ngày không phải lo âu cơm áo gạo tiền? Hay cuộc sống đầy đủ danh lợi?
Có thể những thứ kể trên đều không phải, hạnh phúc có thể chỉ là một ly nước lã.
Nhân duyên của sư phụ Trí Duyên
Sư phụ Trí Duyên khi còn trẻ đã trải qua rất nhiều gian nan, thậm chí ngồi tù, khi vào chùa đã hơn 20 tuổi. Giới Sân từng nghe sư phụ kể chuyện hồi xưa, đó là lúc sư phụ chưa xuất gia.
Khi còn trẻ, sư phụ học giỏi, thông minh, 16 tuổi đã đậu vào đại học, là người nhỏ tuổi nhất lớp, lúc thầy vào đại học cách đây đã 40 năm.
Trung Quốc vào thập niên 60, xảy ra cuộc cách mạng văn hóa, yêu cầu mỗi trường học, mỗi đơn vị phải bắt cho ra phần tử phá hoại. Phần tử xấu chiếu vào tỷ lệ phần trăm mà phân phối, khoảng 5%, nghe qua thật buồn cười, thậm chí không thể hiểu đã từng xảy ra những việc như vậy.
Lớp của sư phụ Trí Duyên gồm 30 người, chiếu theo tỷ lệ phải bắt được 2 phần tử xấu, chênh lệch giữa người này với người nọ không rõ ràng, nên không dễ tìm ra phần tử nào xấu. Cán bộ lớp quyết định dùng hình thức rút thăm, sư phụ Trí Duyên bắt thăm đầu tiên, đã rút đúng thăm phần tử phá hoại. Đơn giản vậy mà sư phụ bị bắt đi cải tạo. Thời gian trong ngục, sư phụ do tuổi còn trẻ, thân thể yếu ớt nên khi vừa vào trại, gánh thùng phân đã nghiêng qua nghiêng lại, thời gian dài liền quen dần với sự khổ nhọc.
Có một tai nạn ngoài ý muốn, cánh tay của sư phụ vĩnh viễn bị tàn tật.
Từ trường cải tạo được thả về, sư phụ được 24 tuổi, do được tính là sai án, nên cơ quan hữu trách đặc biệt sắp xếp công việc làm cho sư phụ. Do gia đình có nhiều biến cố, người thân ly tán, sư phụ trở nên khó câu thông với người khác, có lúc không biết mình nên nói gì, có lúc đi làm, có lúc ở nhà liền mấy ngày không ra khỏi cửa, người trong cùng đơn vị đều biết sự tình của sư phụ nên không quản giáo kỷ luật gì nhiều.
Sư phụ tính ngày tháng mà lãnh lương. Ngày nọ, Sư phụ muốn đi đây đi đó. Đó là cuộc lữ trình không có mục tiêu, xuống xe này rồi lên xe khác.
Có nhiều việc, chúng ta không biết điểm cuối ở nơi nào? Vì trong tâm chúng ta không có điểm cuối.
Sư phụ lên xe, đi giữa đường xe bị hư, hành khách người chửi, người lo lắng, chỉ có mình sư phụ là ngồi đó mà chờ đợi. Từ chiếc cửa sổ của chiếc xe, sư phụ nhìn thấy một ngọn núi nhỏ xanh rờn, bất giác xuống xe, từng bước leo lên núi.
Cảnh trên núi rất đẹp, thu hút sư phụ đến gần, cuối cùng hơi mệt bèn ngồi trên hòn đá trước cửa chùa bên sườn núi nghỉ ngơi, mắt nhìn bất động vào cây đại thụ trong chùa, thỉnh thoảng lá từng đợt rơi xuống, sư phụ Trí Duyên mãi ngồi đó, chờ đợi lá khác.
Cửa chùa mở ra, có một tu sĩ hơi tròn trịa đến đi bên cạnh sư phụ, tò mò nhìn. Sư phụ ngồi rất lâu. Tới giờ ăn cơm, vị tu sĩ trẻ lại đem mấy cái bánh bao và chén nước để trước mặt sư phụ, sư phụ lấy lên ăn, vừa tiếp tục chờ lá rụng.
Trời dần dần chuyển tối, sư phụ ngồi trước chùa ngủ quên, khi tỉnh dậy vào sang ngày hôm sau, trên người lại thêm một cái chăn mỏng, chắc là vị tu sĩ trẻ mập đắp dùm.
Cứ vậy qua một ngày, cửa chùa mở ra, một vị Hòa thượng đi tới, ông hỏi sư phụ: “Anh có muốn vào chùa không?”
Sư phụ gật gật đầu. Câu hỏi đó, thành nhân duyên một đời với Phật, do vậy, sư phụ có pháp danh Trí Duyên.
Lão Hòa thượng chính là vị thầy của sư phụ Trí Duyên, vị tu sĩ trẻ mập là sư phụ Trí Hằng.
Sư phụ vừa vào chùa, câu đầu tiên là hỏi về vị tu sĩ trẻ mập đâu rồi. Lão Hoà Thượng đáp, chú ấy đi ngủ rồi, trên núi có thú dữ, khi anh ở trước cửa chùa ngủ, chú ấy phải ẩn trong cửa gỗ canh anh, sợ có thú dữ xuất hiện.
Không ai có thể đột ngột thay đổi. Sư phụ Trí Duyên bước vào cổng chùa vẫn không biết làm sao giao tiếp với người khác, lão Hòa thượng cũng không cưỡng ép. Những năm đó, khách đến chùa ít, lâu lâu mới có Phật tử có chuyện buồn đến giải khuây, lão Hòa thượng lại bảo sư phụ ra tiếp khách.
Sư phụ bảo, con chưa hiểu Phật pháp nhiều, làm sao nói chuyện với khách?
Lão Hoà Thượng bảo: Đừng nói Phật pháp cao siêu quá, chỉ kể chuyện của anh cho họ nghe là được rồi.
Không biết sao, sư phụ từng ngày thay đổi, thay đổi đến nỗi khéo dùng câu chuyện để giáo hóa người, rất nhiều Phật tử được khai ngộ qua những mẩu chuyện của sư phụ.
Sự vật thế gian đều tương hỗ lẫn nhau, đem sự ấm áp của mình truyền cho người khác, lẽ nào lại không nhận được sự ấm áp của người? Người kể chuyện hay người nghe chuyện, đều trong câu chuyện đó mà có sở đắc