Kinh giới cũng gọi là ‘Kinh giới tuệ’, là một loại rau thơm của Việt Nam. Tôi nhớ mỗi khi ăn bún riêu chay trong chùa, lẫn lộn trong đĩa giá sống, rau thơm và xà lách, tôi thỉnh thoảng tìm thấy một vài cành kinh giới mà tôi thường gạc ra vì tôi cho rằng đó là những lá hoang cùng cỏ dại. Kinh giới tuệ là một vị thuốc bắc của người Hoa, bông nhụy của nó có công hiệu khứ trừ ngoại cảm và phong hàn. Vị thuốc này thường không nấu chung với những vị khác, nó được gói riêng trong bao giấy nhỏ và hãm trong nồi cho ra vị khi thuốc gần sắc xong. Từ nhỏ tôi đã quen biết mùi vị của kinh giới, nhưng không biết được hình dáng của loại cây này.
Không biết phải vì tuổi tác ngày càng lớn, tôi cảm thấy mùa đông năm nay lạnh hơn thường. Những luồn gió rét thốc lại làm cho rợn cả thân người. Vào đêm mưa lại đổ tầm tã, suốt cả tháng dài. Mùa hạ này, Sydney chắc chắn sẽ không còn bị hạn.
Từ khi trời trở lạnh, đã gần hai tháng, tôi chưa hề bước ra sau vườn nhà, cỏ dại mọc đầy, lá vàng rơi rụng cùng sân. Hôm nay là cuối tuần, trời đột nhiên ấm lại, phong hòa nhật lệ, rất thích hợp cho công việc dọn dẹp bên ngoài. Tôi không phải là người thích ngắm hoa thưởng nguyệt, nên đối với chủng loại, màu sắc, tên danh, đặc tính của thảo mộc, tôi là người ngoài nghề. Nhưng hôm nay trong nhóm cỏ dại, tôi đột nhiên nhận ra một cây kinh giới, rất là tươi tốt, đang chen lấn ngỏng đầu theo anh nắng ấm áp hiếm có của mùa đông.
Kinh giới cũng gọi là ‘Kinh giới tuệ’, là một loại rau thơm của Việt Nam. Tôi nhớ mỗi khi ăn bún riêu chay trong chùa, lẫn lộn trong đĩa giá sống, rau thơm và xà lách, tôi thỉnh thoảng tìm thấy một vài cành kinh giới mà tôi thường gạc ra vì tôi cho rằng đó là những lá hoang cùng cỏ dại. Kinh giới tuệ là một vị thuốc bắc của người Hoa, bông nhụy của nó có công hiệu khứ trừ ngoại cảm và phong hàn. Vị thuốc này thường không nấu chung với những vị khác, nó được gói riêng trong bao giấy nhỏ và hãm trong nồi cho ra vị khi thuốc gần sắc xong. Từ nhỏ tôi đã quen biết mùi vị của kinh giới, nhưng không biết được hình dáng của loại cây này.
Nhớ lại ngày xưa trong chùa…mỗi ngày khi trời vừa tảng sáng, Thầy tôi đã bắt đầu cuốc đất, tưới cây, giẫy cỏ. Chắc vì Thầy đã quen lối sống truyền thống tự lực canh sinh và tự cấp tự túc của các ngôi chùa bên Việt Nam. Ngoài giờ tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, tăng chúng đều phải làm lụng trên những miếng rẫy, miếng ruộng ở sau chùa, và công việc đó đã trở thành một trong những công phu tu luyện hàng ngày của những người xuất gia tại Việt Nam.
Tôi lớn lên ở thành phố, dĩ nhiên không quen chăm sóc vườn kiểng, nhưng so với công việc nấu nướng, chùi rửa trong nhà trù, tôi thà theo Thầy ra ngoài cuốc đất trồng khoai. Những bãi cỏ xanh sau chùa đã được cuốc thành những luống rau, líp cái. Bên này là giàn bí, giàn bầu, khổ qua, đậu rồng… bên kia là cải xanh, cải trắng, rau muống, khoai lan… còn bên nọ là tía tô, rau quế, rau râm, lá lốt… còn những khóm đất bên cạnh hàng rào, Thầy tôi hay trồng bông hồng và vạn thọ, rất là xình xắn và rất có mùi vị của ngôi chùa Việt Nam.
Một hôm khi tôi đang giẫy cỏ bên nhóm rau thơm…Thầy tôi từ trong chùa đi ra, vừa đi vừa nói: “Tui gieo giống cho mấy cây kinh giới gần cả tháng trời, vừa thấy ló đầu ra là mất tiêu. Tưởng con chuột nào lôi đi, ai dè là con mèo”. Thầy ám chỉ là tôi vì tôi tuổi Mẹo. Lúc đó tôi mới được biết những cộng cỏ tôi vừa nhặt, thật ra là cây kinh giới! Hôm nay gặp lại nó, tôi chợt nhớ lại chuyện xưa, thì ra thấm thoát thời gian đã thoi đưa hơn một phần tư thế kỷ! Nhưng lớp bụi của thời gian không thể xóa mờ đi những ký ức vĩnh tồn này của tôi.
Ngày hôm sau, Michael thấy cây kinh giới còn lại trong vườn, liền hỏi: “Để dành cộng cỏ làm giống ư?” Tôi nói: “Nó là cây kinh giới”. Anh ta tiếp: “Mặc kệ nó là gì! những đồ không dùng, không ngắm, không bỏ vào mồm… đều là đồ vô tích sự, để dành làm chi?” Lời anh ta nói rất đúng, khi quay lưng nhìn lại căn nhà tôi, trong đó đồ vật chất chứa không biết bao nhiêu mà kể, khổ nổi những đồ vật đó đa phần là đồ vô dụng!
Còn nhớ một lần tan sở trên con đường về, tôi nhìn thấy một nhóm người vây quanh một cái quầy trước cửa ra vào của trạm xe lửa. Kẻ sắp hàng, người điền ‘form’, rồi mọi người hớn hở nhận lãnh một ‘vòi hoa sen’ cho phòng tắm (showerhead) do cơ quan thủy cục phân phát. Thì ra đó là một trong những vận động và kêu gọi ‘tiết kiệm bảo tồn nguồn nước uống’ của chánh phủ Úc tại tiểu bang này. Tôi liền sắp hàng theo đám đông để nhận lãnh lấy một phần.
Thật ra, phòng tắm của tôi đã được đổi mới trước khi tôi mua nhà hai năm về trước. Nhà tôi là kiểu nhà cũ thời xưa, nên phòng tắm cũng được sửa chữa theo phong cách phục cổ. Những dụng cụ từ mãnh gương, đĩa xà phòng, đến vòi nước, bồn tắm, bồn rửa mặt vv.. đều là đồ mới kiểu xưa. Dĩ nhiên tôi đã biết vòi sen đang dùng là loại vòi nước chảy chậm, đồng thời tôi cũng thừa biết cái vòi vừa được không thể hòa hợp vào căn nhà cũ của tôi. Nhưng tôi vẫn muốn gom góp, lấy cho được một phần, không chịu thiệt thòi. Đến nay đã gần hơn một năm, vòi sen đó vẫn còn nằm yên trong ngăn tủ kéo ở nhà tôi!
Đây là một cơn bịnh chung của mọi người và cũng là lòng tham của chúng sinh vô đáy. Vẫn biết đã có thân thì ai cũng tham muốn sống còn, nhưng ngoài việc sống còn đó, từ vật lớn đến vật nhỏ, trong đó bao gồm vật hữu dụng và vô dụng, chúng ta đều muốn gom góp thu thập cho bản thân mình, và quên lãng đi sự chia sẻ cho những người đang thiếu thốn. Người ta thường nói: Bần cùng sinh đạo tặc, phú quý sinh lễ nghĩa. Đây không phải vấn đề bần cùng hay phú quý, đây là lòng tham của con người. Tham lam là một trong những tâm tánh xấu xa cố cựu của chúng sinh. Muốn dứt bỏ lồng tham, ta cần phải tu luyện nhiều đời nhiều kiếp mới có thể đạt thành. Tôi đã đọc biết bao bài viết, nghe biết bao lời giảng về chữ ‘tham’, nhưng thử hỏi có mấy ai làm được những lời Phật dạy. Chỉ có các bậc đại giác ngộ mới có thể hoàn toàn dứt trừ được niệm tham. Nhưng đây không có nghĩa là chúng ta xuôi tay chạy theo những tính hư tật xấu đó. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Như tuy lịch kiếp, ức trì Như Lại bí mật diệu nghiêm, bất như nhứt nhựt tu vô lậu nghiệp”. Ý nói là: được hiểu biết tất cả pháp môn của Phát, chẳng bằng chuyên tâm tu luyện một ngày. Hiểu rồi, biết rồi, nhưng không hành, thì cũng vô ích mà thôi! Cũng như người được địa đồ của một bảo tàng nhưng cứ ngôi lì không chịu đi tầm bảo.
Hữu dụng và vô dụng của một sự vật chỉ được định nghĩa theo giá trị cụ thể của người dùng, và định nghĩa đó đa phần được phân loại theo thói quên, lối sống, văn hóa, tập tục và chủng tộc của chúng ta. Cho nên những gì vô dụng của mình rất có thể là một vật rất hữu dụng của kẻ khác, cũng như cây kính giới vừa kể trên. Theo tôi nghĩ, nếu không thể diệt trừ được lòng đại tham, ít nhất chúng ta cũng nên học tập sửa đổi những hành vi sai lạc của tiểu tham. Sửa đổi bắt đầu từ những việc nhỏ mọn như biết nhường nhịn chia sẻ những gì vô dụng thừa thãi của mình cho những người bần cùng và thiếu sót.
Ah Yin
http://www.daophatngaynay.com