Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật – Chương I

Phần Giới Thiệu

Kinh Duy Ma Cật là bộ kinh thuộc hệ thống tư tưởng Đại thừa viên đốn tức là giáo lý mãn tự. Viên là viên mãn và đốn là nhanh. Giáo lý kinh Duy Ma Cật khai thị cho con người về pháp môn giải thoát bất khả tư nghì. Đó là ai ai trong chúng ta nếu có khả năng đoạn trừ sạch vô minh và phiền não thì sẽ thành Phật. Kinh Duy Ma Cật khẳng định rằng:”Quả vô thượng Bồ-đề không phải là cái hứa hẹn để cho mọi người mỏi mòn ước mơ trông đợi. Mà trong tất cả chúng sinh ai ai cũng có khả năng đạt đến bằng nghị lực và trí tuệ của mình”.

Nguyên nhân tại sao kinh Duy Ma Cật được ra đời?

Lịch sử truyền bá chân lý của Đức Phật được diễn tiến qua ba thời kỳ:

1)Thời Phật giáo nguyên thủy hay là thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Trong suốt 49 năm hoằng pháp, chính Đức Phật cùng chư tăng đã đem ánh đạo vàng đến cho mọi người từ thôn quê đến thành thị, từ Nam đến Bắc, từ Đông qua Tây không phân biệt nam nữ, giàu nghèo. Ngài đã gieo giống từ bi và đem Pháp mầu giáo hóa chúng sinh. Biết bao người đã được giải thoát giác ngộ vì đã thực hành chân lý huyền diệu nầy. Chính Đức Phật và chư đệ tử đã hoạt động rất tích cực, không ngừng nghĩ cho đến khi Ngài nhập diệt dưới hai cây Sa-La song thọ. Ngài luôn chủ trương rằng đạo Phật phải nhập thế vào đời để cứu vớt chúng sinh còn đang lặn hụp trong vòng sinh tử triền miên. Lúc Đức Phật còn tại thế Ngài và chư đệ tử thường tu tập và tĩnh dưỡng tại núi Linh Thứu (Kỳ Xà Quật)(Grdhra-Kùta) vì khí hậu nơi đây luôn luôn mát mẻ, nhưng hàng ngày Ngài vẫn xuống thành Vương Xá (Rajagrha) để khất thực và thuyết pháp độ sanh cho Phật tử tại gia và khi lên đỉnh Thứu-sơn thì thuyết pháp cho chúng xuất gia.

2)Thời các bộ phái tức là thời kỳ Tiểu thừa hay Nam Tông: Sau khi Đức Phật nhập diệt và các đại đệ tử của Phật như Đại Ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nan…đều lần lượt qua đời, tinh thần nhập thế cứu độ chúng sinh không còn tích cực thi hành như trước mà các vị tăng sĩ Phật giáo bây giờ lại ẩn tránh tận rừng sâu núi thẳm để tìm đường giải thoát cho riêng mình và chỉ đề cao công đức xuất gia. Khoảng 100 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn, Phật giáo được chia thành nhiều bộ phái và mỗi bộ phái giảng giải lời Phật và giới điều theo ý của các vị trưởng lão cầm đầu bộ phái. Tuy là nhiều nhưng phần lớn các bộ phái được chia làm hai nhóm:

*Nhóm bảo thủ: Đây là nhóm Tăng sĩ hợp ở thành Vaisaly với chủ trương rằng:”không nên sửa đổi những điều luật của Phật truyền dạy, mặc dù Đức Thế Tôn đã có di huấn là nếu chư Tăng đồng ý cùng nhau nếu thấy điều luật nào của Như Lai đã chế định là ít quan trọng thì được phép sửa chửa”. Đây là chủ trương bảo thủ dựa theo quan niệm của tôn giả Đại Ca Diếp khi ngài còn sống và nhóm nầy được gọi là Thượng tọa bộ.

*Nhóm cấp tiến: nhóm nầy chủ trương sửa đổi mười điều luật của Phật sau khi nhóm hợp ở thành Vajji cho hợp với hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Đây là nhóm Đại chúng bộ rất đông đảo gồm Tăng ni và Phật tử tại gia, mở đầu cho sự canh tân của Phật giáo. Cải cách và bảo thủ luôn luôn là hai thái cực đối chọi nhau tạo thành những xung đột không thể tránh được trong tăng đoàn.

Mặc dù có sự mâu thuẩn lớn giữa hai nhóm bảo thủ và cấp tiến nhưng chí hướng tu hành của các vị Tăng sĩ Phật giáo trong thời kỳ nầy vẫn là tự lợi, tự giác và xa lánh cuộc đời tội lỗi xấu xa để mưu cầu giải thoát cho riêng mình mà cứu cánh tột đỉnh là chứng đạt quả vị A La hán. Vì đã ra khỏi tam giới tức là không còn vướng bận sinh tử luân hồi nên họ luôn hưởng sự an lạc của Niết Bàn mà quên mất biết bao chúng sinh còn đang trôi nổi trong biển trầm luân. Còn chủ yếu hành đạo của người Phật tử tại gia chỉ là bố thí, cầu phước mà thôi. Phật tử tại gia được khuyên chỉ nên làm lành tránh dữ và đem tài sản, sở hữu của mình cung cấp cúng dường cho chúng xuất gia. Bố thí cho kẻ khốn cùng cho người nghèo khổ sẽ được phước báo sinh lên cõi Trời, nhưng Phật tử tại gia không có cơ hội tu học thấu triệt những chân lý cao siêu huyền diệu để được thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.

3)Thời phát triển của Đại Thừa hay là Phật giáo Bắc Tông.

Khoảng 500 năm sau ngày Đức Phật nhập diệt tức là vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, phong trào vận động Đại thừa bắt đầu xuất hiện. Đây là thời kỳ đánh dấu một khúc quanh mới cho lịch sử canh tân Phật giáo. Mặc dù tư tưởng Đại thừa là tư tưởng mới, nhưng nó không hề tách rời tư tưởng đạo Phật nguyên thủy, mà chỉ triển khai cho phù hợp với tinh thần và bản ý của Đức Phật. Cũng nên nhấn mạnh rằng sau mấy trăm năm tranh giành ảnh hưởng, các bộ phái Tiểu thừa đã đưa Phật giáo đi quá xa tinh thần đạo Phật nguyên thủy. Tệ hại hơn nửa, các bộ phái đã chấp chặt vào kinh điển làm cho đạo Phật bị cứng ngắt. Vì thế đạo Phật theo họ lui dần vào tận chốn sơn lâm cùng cốc, xa lánh xã hội con người làm cho sinh khí Phật giáo không còn hoạt động tích cực như thời Đức Phật còn tại thế.

Thêm nữa, đạo Phật nguyên thủy chủ trương rằng chỉ có người xuất gia đã từ bỏ gia đình thế tục, không vợ không con, không tài sản mới có thể tích cực tu tập thiền định để chứng đạt Niết Bàn. Còn Phật tử tại gia vì vướng bận thê nhi, tài sản và dục lạc khó mà tu tập và dĩ nhiên nếu không thể đi sâu vào thiền định thì vĩnh viễn không chứng đạt được chân lý. Vì thế vai trò của cư sĩ tại gia chỉ là hộ pháp mà thôi. Do đó pháp môn cao nhất của hàng Phật tử tại gia là tu tập Bát quan trai giới mà thôi.

Chủ trương như vậy không có gì sai, nhưng đây không phải là bản ý của Đức Phật vì tôn chỉ của Phật giáo là tự độ, độ tha và tự giác, giác tha như chính Đức Phật đã nhiều lần khẳng định người tại gia nếu đoạn trừ các lậu để tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì vẫn được giải thoát. Tuy nhiên, các bộ phái Tiểu thừa đã đóng chặt cánh cửa cơ hội giải thoát của Phật tử tại gia và đạo Phật chỉ dành riêng cho thiểu số Tăng sĩ mà thôi. Đây là con đường đưa đạo Phật vào chỗ bế tắc vì mục đích và cứu cánh của đạo Phật là cứu độ tất cả chúng sinh thoát khổ.

Trong Đại thừa, vai trò của Bồ tát và Bồ tát đạo dựa trên nền tảng của Bát nhã. Thí dụ bố thí theo quan niệm Tiểu thừa chỉ có mục đích tạo phước sinh thiên. Nhưng dựa trên tư tưởng Bát nhã thì bố thí bây giờ không chỉ là sự ban phát của cải vật chất mà là phương tiện dẫn đến tự tánh thanh tịnh bản nhiên. Sự bố thí ấy không nhằm mục đích sinh thiên nữa mà nhằm thẳng đến cứu cánh thành Phật. Bố thí theo tư tưởng Đại thừa không chỉ nhắm vào của cải vật chất mà bao hàm cả ba phương diện: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Muốn thực hành viên mãn tài thí, Bồ-tát phải giàu có. Muốn thực hành Pháp thí viên dung, Bồ-tát phải có kiến thức và sau cùng muốn thành tựu pháp môn vô úy thí, Bồ-tát cần có nghị lực và dũng cảm. Do đó, ba đức tính Bi-Trí-Dũng là phương châm hành đạo của Bồ-tát.

Đại thừa là cỗ xe của Bồ-tát vì thế tư tưởng đại thừa thì phải thương và gánh vác tất cả chúng sinh. Chủ yếu của tư tưởng đại thừa là phục hưng tinh thần hoạt động của Phật giáo Nguyên thủy. Đó là đề cao và khuyến khích phong trào học Phật và tu Phật cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Tư tưởng cấp tiến nầy đã mang một luồng sinh khí mới cho đạo Phật làm cho mọi người có cơ hội thực hành Bồ-tát đạo và đem Phật pháp vào thế gian để tìm sự giải thoát giác ngộ ở ngay trong cuộc đời nầy. Cứu cánh tối hậu bây giờ của người xuất gia và Phật tử tại gia là tự độ rồi độ tha và tự giác rồi giác tha. Chính lý tưởng tự giác rồi giác tha sẽ đem con người gần với nhau bởi vì tất cả chúng sinh đều có liên hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời được. Đó là tất cả là Một và đây chính là chân lý Nhất như hay Nhất Chân Pháp Giới vì chính Đức Phật đã khẳng định rằng trong tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính như nhau, tức là có khả năng thành Phật. Chân lý của đạo Phật là sống trong thế gian mà không hề rời nhân thế vì thế nếu đem đạo Phật vào thế gian, người tu hành vẫn có thể tìm thấy giải thoát giác ngộ mà không cần lìa nhân thế. Đó là tại sao mà Bồ-tát thấy chúng sinh đau khổ nên các Ngài tự nguyện vào đời để tìm cách cứu độ mà không hưởng cảnh an vui tịch diệt Niết Bàn cho riêng mình.

Ngược lại với tư tưởng của các bộ phái Tiểu thừa là chỉ mong tự lợi, tự giác nên họ không dám vào đời vì sợ ô nhiễm làm động tâm nên họ chỉ rút tận vào rừng sâu tu tập để mong chứng đạt Niết Bàn trong khi tư tưởng kinh Duy Ma Cật chủ trương nhập thế, tích cực vào đời hoạt động mà không hề bị ô nhiễm. Vì thế Đức Phật mới dạy rằng:”Này các Tỳ kheo! Người biết sống một mình không phải là người xa lánh đám đông mà là người biết giữ được chánh niệm, biết sống với giây phút hiện tại giữa đám đông, nhận biết mọi sự vật chúng quanh một cách rõ ràng, sâu sắc mà không bị những sự vật đó chi phối. Người biết sống một mình là người biết an trú trong từng hơi thở hiện tại, không quay tìm quá khứ, không đuổi bắt tương lai. Người như thế, dù sống giữa đám đông vẫn là người sống một mình với bản tâm thanh tịnh”. Cốt tủy của kinh Duy Ma Cật là khẳng định cho người Phật tử xuất gia hay tại gia là ở đâu tu cũng được. Ở chùa, ở nhà, ở chợ, hay ở trong công sở thì nơi nào cũng là đạo tràng thanh tịnh cả. Vì thế kinh nầy xác định rằng:”Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” có nghĩa là khi tâm của chúng sinh đã tịnh thì có cõi Phật thanh tịnh. Do đó trong phẩm Phật quốc, kinh Duy Ma Cật đã giới thiệu một khi tâm thanh tịnh thì chắc chắn có quốc độ tịnh. Tịnh độ là một trong những chủ đề cốt lõi của kinh và quan niệm về Tịnh độ nầy trong kinh Duy Ma Cật cũng là quan điểm chung của các kinh điển Đại thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm…Trong kinh Hoa Nghiêm có câu:”Ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo” có nghĩa là mức độ thanh tịnh của tâm đến đâu thì thế giới được biểu hiện thanh tịnh tới đó. Vì thế người Phật tử không kể già trẻ, trai gái, giàu nghèo…ai ai cũng có thể tu để được giải thoát. Đây chính là con đường Bồ-tát rộng thênh thang giúp con người phát huy được lòng vị tha vô ngã để tiến về Phật quả mà Phật tử tại gia là những người còn nhiều dính mắc thế tục lại được tán thán nhiều hơn.

Nhưng cũng cần phân biệt Tịnh độ tha lực và Tịnh độ Bồ-tát. Tịnh độ tha lực nhằm mục đích giải thoát khỏi thế giới Ta-bà được coi là nhơ bẩn tội lỗi nầy để sinh về một thế giới thanh tịnh hơn được hiểu là Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Tịnh độ Bồ-tát là thế giới lý tưởng mà chính Bồ-tát tự xây dựng. Trước hết Bồ-tát sinh ra trong một thế giới xấu xa, thoái hóa. Nhưng bằng ý chí sắc đá và hành động tích cực và không ngừng nghĩ, các Ngài đã biến đổi thế giới ô trược nầy thành cõi Tịnh độ. Bởi vì tự trong bản chất tất cả các pháp vốn thanh tịnh.

Kinh Duy Ma Cật chủ trương chuyển Tâm chứ không chuyển Cảnh bởi vì khi tâm hoàn toàn thanh tịnh thì cả thế giới chung quanh sẽ thanh tịnh theo. Nội dung tư tưởng kinh Duy Ma Cật lấy tư tưởng Bát Nhã, tức là tư tưởng tánh Không, làm nền tảng và mang sắc thái của nguyên lý Nhất như, tức là tất cả là một và một là tất cả bởi vì các pháp vốn thanh tịnh, không sanh không diệt, bình đẳng bất nhị.

Kinh Duy Ma Cật là kinh bất tư nghì mang tư tưởng bất tư nghì giải thoát bởi vì tất cả những gì được biểu hiện trên cõi đời nầy đều là biểu hiện của Thể tánh thanh tịnh cho nên chúng là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, tức là bất khả tư nghì. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng duyên khởi dựa trên nền tảng Tánh Không. Vì thế kinh nầy còn có tên là Bất tư nghì giải thoát kinh.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.