Kinh Duy Ma Cật là do Đức Thích Ca nói ở thành Tỳ Xá Ly, Phạn âm là Veiseli, Hán dịch là Thành Quảng Nghiêm. Tôn giả A Nan được nghe và thuật lại. Đây là bộ kinh Đại thừa do Đức Phật nói cho hàng Bồ-tát và các đệ tử phát Bồ-đề tâm nghe để diễn tả rõ ràng cảnh giới của các Bồ-tát chứng nhập. Đây là một triết lý diễn tả một cái gì hết sức huyền diệu nhiệm mầu cao tột mà không thể dùng trí thức phàm phu hiểu được. Muốn có vài ý niệm về ý nghĩa huyền diệu nầy con người phải cố gắng bỏ qua những hình tướng bề ngoài để thấy cái Thể bên trong tức là bỏ Tướng để nhập Tánh, bỏ cái phân biệt của phàm phu để hòa nhập vào đại trí tuệ Bát Nhã. Vì thế kinh nầy còn có tên là:”Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Kinh” tức là sự giải thoát không thể nghĩ bàn.
Trước hết thế nào là bất khả tư nghì?
Bất khả tư nghì là vượt ra ngoài những khái niệm suy tư phân biệt của tất cả những sự hiểu biết thông thường của con người. Nói một cách khác là sự kiện bất tư nghì cũng được hiểu là những hiện tượng xưa nay chưa từng xảy ra mà nay có.
Khi chúng ta uống một tách trà vừa nóng vừa thơm ngon. Hương vị của trà và độ nóng làm chúng ta thích thú. Cái biết của sự thích thú nầy chỉ có ta biết cho dù chúng ta cố gắng giải thích cho người ngồi kế bên là trà nóng và thơm ngon như thế nào thì người kế bên cũng không tự mình biết được. Vậy cái biết nầy không thể nghĩ bàn hay nói được thì gọi là bất khả tư nghì.
Ngày xưa khi con người chưa đặt chân lên mặt trăng thì mỗi lần nói về mặt trăng các nhà văn thơ thường dùng những cảnh tượng đẹp đẽ, hoa thơm cỏ lạ, núi cao rừng thẳm của địa cầu để diễn tả và so sánh với mặt trăng. Nào là chú cuội, chị Hằng…nào là mặt trăng cũng giống như địa cầu chỉ khác là nhỏ hơn địa cầu mà thôi. Đây là mượn những đối tượng cụ thể để diễn tả một vật có hình có tướng mà còn khó khăn đến mức nào mới hình dung ra được. Bây giờ nếu mượn một vật có hình có tướng để diễn tả một cái gì vô hình vô tướng, chân không diệu hữu thì chắc chắn sẽ khó khăn muôn ngàn lần hơn.
Thêm nữa nếu thật sự muốn hiểu thấu suốt pháp môn bất nhị nầy thì con người không thể nào dùng lời nói hay văn tự mà diễn đạt được bởi vì bất cứ cái gì có thể nói hay viết được thì chỉ là trong tính tương đối còn cái không nói, không viết được thì mới là chân lý tuyệt đối. Bởi vì chân Không thì không hình, không tướng, không kích thước, nặng nhẹ thì làm sao mà diễn tả bằng ngôn ngữ hay văn tự của con người.
Thí dụ có một ông nhà giàu, công danh thành đạt, tiền dư bạc để, vợ đẹp con xinh. Nhưng sau khi thâm nhập Phật pháp mới biết rằng đây là những chướng ngại để đưa con người lún sâu vào vòng sinh tử luân hồi nên ông ta quyết chí xả bỏ hết tất cả để vào chùa quy y tu Phật. Khi vào chùa tinh tấn thanh tịnh tu hành và không còn ước mơ những dục lạc của thế gian giúp ông ta được giải thoát giác ngộ. Sự giác ngộ nầy thì có thể nói được tức là tư nghì vì dám từ bỏ thì sẽ được giải thoát. Trong khi đó cư sĩ Duy Ma Cật là một nhà trưởng giả giàu sang phú quý, vợ đẹp con xinh, tiền rừng bạc biển mà nói giải thoát thì làm sao tin được? Bởi vì thường tình nếu có vợ có con, có tiền có của, có tôi có tớ thì còn dính liền với phiền não khổ đau. Nhưng ông Duy Ma Cật tuy sống trong những cảnh dẫy đầy ô nhiễm đó mà tâm không hề dính mắc, ông thực hành tất cả Phật sự mà không chướng ngại thì cái giải thoát nầy làm sao có thể nghĩ bàn cho được. Vì thế mới gọi bất khả tư nghì giải thoát là vậy. Duy Ma Cật là người bất tư nghì. Ông thuyết bất tư nghì pháp cho bất tư nghì đại chúng để khởi động bất tư nghì tâm. Ông dùng trí tuệ và thần thông vi diệu qua sự trình diễn bất khả tư nghì cảnh để xiển dương Phật pháp và xưng tán Đại thừa.
Cũng như cả đời Đức Phật luôn thuyết pháp độ sanh mà sau cùng Ngài nói:”Ta không nói một chữ” cũng bởi vì có bỏ qua văn tự, lời nói thì mới thể nghiệm được Bản Thể Chân Như. Do đó mới có câu: “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” có nghĩa là người đã biết, đã tu chứng thì không chịu nói vì nói không được còn chúng ta thì nói rất nhiều cũng bởi vì chưa thấy biết được chân lý.
Trong thế gian, chư Phật và chư Bồ-tát thường dùng mọi thân hình thị hiện để cứu độ chúng sinh. Các Ngài sống chung đụng với thế gian, có khi hiện thân làm quan, làm dân, làm kẻ giàu sang, cũng có lúc làm kẻ tật nguyền…để giáo hóa và cứu độ chúng sinh mà không bao giờ tiết lộ tung tích của mình. Đôi khi các Bồ-tát thị hiện làm người tham ăn, tham sắc, lười biếng, tội lỗi bị đời khinh rẻ, ruồng bỏ rồi sau đó hối hận sửa đổi và trở thành người tốt để giáo hóa, làm gương cho chúng sinh thấy biết rằng những người xấu như vậy mà nếu chuyên tâm tu sửa thì ai cũng có thể tu sửa được. Có khi Bồ-tát thị hiện làm ăn buôn bán kiếm lời nhưng không tham đắm, lời không vui, lỗ không buồn, chỉ làm trợ duyên cho người khác có phương tiện tu hành. Các Ngài tự nguyện vào đời bằng cách dùng một thân bình thường như mọi chúng sinh khác để khuyến khích chúng sinh tinh tấn tu hành chứ không hiện thần thông bay trên trời hay chiếu hào quang rực rỡ. Khi rời bỏ xác phàm, có lúc các Ngài để lại một bài kệ thì mọi người mới biết đó là Phật hay Bồ-tát giáng trần thị hiện để cứu độ chúng sinh.
Dựa theo kinh điển, chúng ta đã biết Đức Phật Thích Ca và các đại đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, A Nan, Đại Ca Diếp…là những nhân vật lịch sử có thật. Họ là những người bằng xương bằng thịt, sống ở Ấn độ cách đây trên 2500 năm. Họ sinh ra ở đâu, con cái của ai, vì nhân duyên gì mà quy y theo Phật đã được kinh điển ghi chép rõ ràng và khi nhập diệt có để lại những di vật hay Xá lợi được cất giữ cho đến ngày nay. Còn Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư, chư Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng…không phải là những nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt. Sở dĩ chúng ta biết được các Ngài là do Đức Phật Thích Ca nói cho biết.
Kinh Duy Ma Cật thuộc loại “quyền giáo” có nghĩa là Đức Phật dùng những thí dụ để diễn tả Chân lý cao siêu huyền diệu mà không thể nào diễn đạt được bằng những danh từ, ngôn ngữ của con người. Thí dụ như Đức Phật, muốn khuyên con người hiếu thảo với cha mẹ, nên Ngài mới kể câu chuyện:
– Có một đời, ta hành hạnh Bồ-tát, làm con chim Anh Võ. Khi đó mẹ ta bịnh nằm trong ổ, ta phải đi tha mồi về nuôi mẹ, rồi có người đánh lưới bắt được ta, ta cất tiếng van xin họ…
Mới nghe, chúng ta đâm ra nghi ngờ rằng sao Phật nói nghe hoang đường mê tín quá! Nếu tin câu chuyện là thật thì chúng ta bị mắc kẹt vì cho “Quyền” là “Thật”. Chủ yếu của Đức phật là muốn dạy con người phải hiếu thảo với cha mẹ nên Ngài mới đưa ra một câu chuyện để dạy chúng sinh. Đó là dùng quyền nói lên cái thật. Chúng ta phải biết đoạn kinh nào thuộc về quyền và đừng chấp nơi quyền mà tìm ra lẽ thật. Đó mới là người biết nghe kinh và biết học kinh. Vì thế khi Phật Thích Ca nói có Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Cực Lạc thì chúng ta tin Phật nói không sai. Nhưng dựa theo kinh điển đại thừa thì có lúc Phật nói thật, có lúc Phật nói quyền. Vậy đừng lấy quyền làm thật, đừng chấp mặt trăng là địa cầu mà cần suy tư quán chiếu tìm ra sự thật qua các thí dụ thì chân lý mới hiện bày.
Vì là bất khả tư nghì nên có nhiều giả thuyết về thân phận của ông Duy Ma Cật. Vậy cư sĩ Duy Ma Cật có phải là một nhân vật lịch sử không?
Có hai lý luận về thân phận của ông Duy Ma Cật:
1) Cư sĩ Duy Ma Cật là người có thật: Ông là một trưởng giả ở thành Tỳ Xá Ly bên Ấn độ, có gia đình vợ con và sống cùng thời với Đức Phật Thích Ca. Chính Đức Phật đã chứng minh cư sĩ Duy Ma Cật là một đại Bồ-tát, tu hành chứng đắc, được vô sanh pháp nhẫn, biện tài vô ngại, du hí thần thông, được chư Phật khen ngợi và Trời người kính trọng. Vì muốn độ người nên ông dùng phương tiện khéo thị hiện làm thân trưởng giả để độ chúng sinh. Đức Phật dạy rằng:”Có cõi nước tên là Diệu Hỷ, Phật hiệu Vô Động, ông Duy Ma Cật này ở nước đó chết rồi sinh nơi đây…”. Để xác định chuyện nầy Ngài Tam Tạng Trần Huyền Trang khi sang Ần Độ vào năm 629 Tây lịch đã đến Tây Bắc cung thành Tỳ Xá Ly cách năm sáu dặm có một già lam, cạnh già lam có một ngôi tháp. Đó là chỗ xưa Đức Phật nói kinh Duy Ma Cật. Đông Bắc cách đó ba bốn dặm cũng còn một ngôi tháp. Đó là nhà cũ của cư sĩ Duy Ma Cật. Tuy là trải qua gần ngàn năm mà ngôi nhà đó hãy còn nhiều sự linh dị. Cách ngôi nhà không xa có một phòng chất đá chung quanh và đó là chỗ ông Duy Ma Cật hiện bịnh thuyết pháp. Bên cạnh đó có nhà của cư sĩ Bảo Tích và nhà cũ của Yêm ma la nữ. Thêm nữa ngài Thái Hư có ghi rằng: Đời Đường có Vương Huyền Sách từng đến Ấn độ thì bấy giờ nhà của ông Duy Ma Cật vẫn còn. Trong kinh ông nghe nói nhà này nhỏ nhưng có thể chứa được 900 vạn người và 32,000 tòa sư tử cao lớn. Vì tính hiếu kỳ nên khi đến nơi ông lấy thước để đo chu vi nhà thì bốn phía đều chỉ được mười thước. Do vậy mà ông tán thán thần lực của ông Duy Ma Cật. Khi ngài Huyền Trang đến thấy cái nhà nhỏ, bụng nghi kinh nói không thật, muốn viết lên vách nhà để tỏ ý mình. Nào ngờ khi sắp hạ bút thì vách tường càng lúc càng xa, sờ cũng không thấu. Gần trọn ngày mà không viết được chữ nào nên ngài gác bút tán thán rằng:”…di tích mà còn thế, huống chi là thần lực ngày xưa”.
Thêm nữa, trong kinh Nguyệt thượng nữ có chép ngài Duy Ma Cật họ Lôi, vợ là Kim Cơ, con trai là Thiện Tư, con gái là Nguyệt Thượng. Như thế cư sĩ Duy Ma Cật là người có thật.
Những ghi chép trên đây chứng tỏ cư sĩ Duy Ma Cật không những là một người thật và sống cùng thời với Đức Phật Thích Ca mà ông ta còn là một vị đại Bồ-tát có thể gọi là Bồ-tát bất khả tư nghì. Thật vậy, ông Duy Ma Cật chính là một vị đại Bồ-tát đã chứng thánh quả, nhưng khéo hiện thân làm cư sĩ nhưng với tâm thanh tịnh, không còn ô nhiễm chấp trước. Ông đã tận diệt Tham-Sân-Si nên vào đời mà vẫn giữ tự tánh thanh tịnh, không tạo nghiệp và nhập thế mà tâm thường trụ Niết bàn. Ông chứng minh rằng không nhất thiết phải xuất gia mới đắc đạo mà một cư sĩ tại gia tu hành chân chánh thì cũng được giác ngộ và giải thoát. Ông đề cao vai trò của người Phật tử tại gia là tuy sống giữa chốn bụi trần mà không hề bị ô nhiễm. Tuy ca tụng lối tu tại gia nhưng cư sĩ Duy Ma Cật không hề chống đối xuất gia. Ông dạy chúng sinh là đừng quan trọng hóa vấn đề tại gia hay xuất gia vì cả hai lối tu đều hướng về một cứu cánh là giải thoát giác ngộ miễn là lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, trong ngoài như như bất động. Giữ giới thì tâm định và trí tuệ sẽ phát sinh. Muốn tu Giới, Định, Tuệ thì một khi vọng niệm khởi, phải biết nó là vọng, đừng cho tiếp tục nổi lên thì vọng niệm sẽ dừng tức là ra khỏi nhà vô minh, thì đây mới chính là chân xuất gia vậy. Muốn thực hiện được những lý tưởng nầy thì ông phải là người bằng xương bằng thịt để cho mọi người trông thấy, trò chuyện. Ông cũng thi thố oai lực thần thông siêu việt khiến mọi người kính phục tin theo. Các đại đệ tử của Phật như Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phật, A Nan…cũng đã gặp được ông. Ngay cả những vị Bồ tát như Di Lặc, Văn Thù…cũng đã từng diện kiến ông. Đức Phật Thích Ca đã nói rõ như vậy thì tất nhiên cư sĩ Duy Ma Cật là người có thật.