2) Cư sĩ Duy Ma Cật là một nhân vật huyền thoại: Đức Phật Thích Ca đã sáng tạo ra nhân vật Duy Ma Cật để diễn tả chân lý cao siêu tuyệt vời. Đó là nguyên lý Bất nhị và lý tưởng bất khả tư nghì giải thoát. Chủ yếu của kinh vẫn là tâm thanh tịnh vì nếu có tâm thanh tịnh thì thế giới sẽ được thanh tịnh và đây là con đường đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Phật nói kinh Duy Ma Cật là muốn giới thiệu một phương cách tu hành viên mãn để khai thị chúng sinh thấy con đường phá trừ chấp Có chấp Không. Những nhân vật đã từng gặp ông Duy Ma Cật thì một phần là nhân vật lịch sử như Đức Phật, các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan…cùng các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đại chúng…và một phần là những nhân vật ẩn mặt siêu hình như các Bồ-tát Di Lặc, Văn Thù, Quán Thế Âm…chư Thiên Long Bát Bộ, Thiên Thần Hộ Pháp, Địa Thần, Quỷ Thần…từ các cõi khác đến nghe Pháp thì cũng khó mà kết luận ông Duy Ma Cật là người có thật.
Thêm nữa, cư sĩ Duy Ma Cật có thần thông biến hóa bất khả tư nghì làm cho chư Phật khen ngợi và mọi người cung kính nghe theo thì trong lịch sử loài người chưa có người nào được như vậy ngoài Đức Phật Thích Ca.
Vấn đề cư sĩ Duy Ma Cật là người có thật hay chỉ là một nhân vật thần thoại thì không quan trọng và tin hay không tin là tùy khả năng am hiểu hay thấu triệt triết lý bất khả tư nghì của chúng sinh. Nhưng chắc chắn điều quan trọng hơn là chúng ta phải thấu biết, thâm nhập Lý kinh và biết đem nó ra áp dụng để lìa xa chấp Có chấp Không và ngộ được Chân lý. Có ứng dụng nguyên lý Bất nhị vào cuộc sống thì mới biết được sự diệu dụng siêu việt của kinh. Vì đây là pháp môn giải thoát bất khả tư nghì nên chúng ta không cần nghĩ bàn, tranh luận mà hảy tinh tấn tu hành, cố gắng thực hành những lời dạy trong kinh để chuyển Tâm cho được hoàn toàn thanh tịnh. Tâm có tịnh thì thế giới chung quanh sẽ tịnh và khi đạt tới chỗ Bất Nhị thì chắc chắn chúng ta sẽ biết cư sĩ Duy Ma Cật là người thật hay chỉ là một nhân vật thần thoại.
Tóm lại người Phật tử muốn thấu hiểu huyền nghĩa của kinh Duy Ma Cật thì phải vận dụng công phu trong việc “Tư Duy” tức là suy nghĩ, quán chiếu sâu sắc thì mới thật thấy, thật biết và thật chứng những đề tài vi diệu thậm thâm của kinh. Thiền của kinh Duy Ma Cật là Đại thừa thiền. Thiền ở đây không phải là ngồi kiết già mà thiền của Đại thừa chính là tư duy hay tĩnh lự tức là suy nghĩ để tìm ra câu giải đáp cho một đối tượng của tâm thức. Đó là thiền mà không cần trốn tránh trách nhiệm, không từ chối bổn phận trong bất cứ việc làm nào có lợi ích cho chúng sinh. Thêm nữa, tinh thần thiền của Duy Ma Cật đối với Tục đế là người Phật tử không một việc gì lợi ích cho chúng sinh mà không làm. Còn đối với Chân đế, cho dù đó là Niết bàn, hay quả vị Phật thì cũng không cầu, không mong, không đợi. Đây chính là đúng với tinh thần:”Bất Tận Hữu Vi, Bất Trụ Vô Vi” vậy. Tu học kinh Duy Ma Cật là tu học pháp môn Bất tư nghì giải thoát cho nên người tu sẽ được giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại, giải thoát ngay trong thế giới Ta bà nầy mà kinh gọi là Cảnh Giới Bất Tư Nghì Giải Thoát.
Riêng cho những người tu Tịnh Độ thì kinh Duy Ma Cật giúp họ tăng thêm năng lực, ý chí và phương tiện thiện xảo để được vào thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Tại sao? Đối với người tu Tịnh độ thì chẳng những chú trọng đến tha lực (Phật lực A Di Đà) mà công phu về tự lực cũng không kém quan trọng. Muốn nghiêm trì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý được viên mãn để cho ba nghiệp : thân, khẩu, ý được thanh tịnh mà có được Nhất tâm tức là phần tự lực thì người tu nên lìa Sự Tướng mà thấy được Bản Thể thanh tịnh làm cho tham-sân-si tan biến và vọng niệm tiêu tan. Kinh Duy Ma Cật sẽ là cổ xe chuyên chở người tu trên suốt lộ trình tiến về mục đích ấy. Nếu đời nầy chúng sinh có được Niết bàn, có tâm thanh tịnh thì chắc chắn chỉ cần một câu niệm Phật sẽ đưa họ vào thế giới an vui cực lạc của Phật A Di Đà. Khi đã bỏ được ngã chấp, pháp chấp, tâm phân biệt thì tâm Bồ-đề hiễn hiện. Có tâm thanh tịnh tức là chúng sinh đang sống với chân tâm của mình thì họ mới có thể thông cảm được với chân tâm của chư Phật. Kinh Duy Ma Cật giúp chúng sinh giải thoát, sống an vui tự tại trong đời nầy thì chắc chắc đời sau chúng sinh sẽ được giải thoát. Quý Phật tử muốn nguyện về Tây phương Cực Lạc mà tâm chất đầy vọng tưởng, tánh tham tật đố không chừa, lòng còn đầy chấp trước, phân biệt thì làm sao có được Nhất tâm. Không đạt được công phu Nhất tâm bất loạn tức là quý vị chưa sống được với chân tâm, tâm thanh tịnh của mình thì làm sao thông cảm được với chân tâm của Phật A Di Đà? Không thông cảm được với chân tâm của chư Phật thì làm sao Phật cảm thông mà dẫn dắt chúng ta về cõi Cực Lạc? Cũng như muốn gọi điện thoại cho ai thì chúng ta phải bấm đúng số. Còn muốn Phật A Di Đà thông cảm thì chúng sinh và Phật phải cùng tần số tức là cùng có chân tâm, Phật tánh như nhau. Mà muốn bấm trúng số hay cùng tần số thì chúng sinh phải biết nghiêm trì sáu căn và ba nghiệp cho được hoàn toàn thanh tịnh. Đây là phần tự lực mà Tịnh độ gọi là Hạnh, rất quan trọng mà phần lớn chúng ta bỏ quên đi. Nên nhớ nếu muốn Phật A Di Đà trả lời điện thoại thì phải bấm trúng số tức là chúng sinh phải hoàn thành phần tự lực của mình trước. Đó là có được tâm thanh tịnh tức là chân tâm vậy. Khi có tâm thanh tịnh tức là bấm trúng số thì bây giờ chúng sinh chỉ cần chí thành chí nguyện về cõi Tây phương Cực Lạc thì Phật A Di Đà sẽ cấp chiếu khán ngay và khi chết chắc chắn sẽ được vãng sanh.
Bộ kinh Duy Ma Cật từ Tây vực truyền sang Trung quốc trước sau có sáu nhà dịch:
1) Đời nhà Hán (25-220 Tây lịch) có ngài Nghiêm Phật Điều dịch với nhan đề là Cổ Duy Ma Kinh.
2) Đời nhà Ngô (220-280 Tây lịch) có cư sĩ Cung Minh Chi Khiêm dịch với nhan đề là Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Tư Nghì Pháp Môn.
3) Đời Tây Tấn (265-317 Tây lịch) có ngài Trúc Pháp Hộ dịch lấy tên là Duy Ma Cật Sở Thuyết Pháp Môn Kinh.
4) Ngài Trúc Pháp Lan dịch với nhan đề là Tỳ La Cật Kinh.
5) Đời Diêu Tần (344- 413 Tây lịch) có ngài Cưu Ma La Thập dịch lấy tên là Duy Ma Cật Sở Thuyết Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát Pháp Môn Kinh.
6) Đời Đường (603-678 Tây lịch) có ngài Huyền Trang dịch với nhan đề là Phật Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh.
Nội dung tư tưởng các bản dịch chung quy không khác nhau nhiều, nhưng ý nhị uyên thâm thì có sâu có cạn. Nhưng bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập không những nổi tiếng về ý nghĩa mà còn sáng chói về mặt văn chương do đó hầu hết các vị đại sư danh tiếng khi phiên dịch từ Hán tự sang tiếng Việt đều chọn bản dịch của ngài.