Chư Phật khen ngợi, hàng Trời cung kính. Trưởng giả Duy Ma Cật đã làm mọi việc lành và đúng theo Chánh Pháp cũng vì lợi ích cho chúng sinh. Tất cả những công đức được thành tựu mà không thể nghĩ bàn nầy khiến cho chư Phật tán thán và các chư Thiên kính phục. Vì thế ông Duy Ma Cật có một địa vị cao quý vô cùng chỉ thua chư Phật và chắc chắn Trời, người không ai bì kịp. Trong kinh điển Phật giáo thì trời Đế Thích xuất hiện nhiều nhất trong các pháp hội cũng như để tán thán công đức tu hành của các bậc thánh chẳng hạn như tôn giả Tu Bồ Đề trong kinh Kim Cang. Trời Đế Thích, tiếng Phạn là Sakya Devanam Indra, là vị trời cai quản cung trời Đạo lợi trên chót núi Tu Di thuộc Dục giới mà ngày xưa Đức Phật lên đó ba tháng để thuyết pháp cho Hoàng hậu Ma-Da. Ngoài ra cũng còn có trời Phạm Thiên, tiếng Phạn là Brahma, là vua cõi trời Sơ thiền thuộc Sắc giới.
Trưởng giả Duy Ma Cật dùng phương tiện thị hiện làm thân ông trưởng giả ở thành Tỳ Xá Ly để cứu độ chúng sinh. Thị là chỉ bày còn hiện là cho thấy. Do đó thị hiện là hiện ra cho thấy rõ ràng làm gương sáng cho mọi người noi theo. Dựa theo tư tưởng đại thừa thì Đức Phật Thích Ca đã thành Phật trong quá khứ nhưng vì muốn cứu độ chúng sinh nên thị hiện tại Ấn Độ, sanh vào một gia đình vương gia quý tộc, sống trong dục lạc của thế gian rồi xã bỏ, lìa xa tất cả mà đi tìm Chân lý để đưa con người ra khỏi biển khổ sông mê. Đây chính là phương tiện thiện xảo để khai thị cho chúng sinh thấy con đường sáng mà noi theo và Đức Phật chính là tấm gương sáng chói cho tất cả mọi người nhưng đặc biệt là cho chúng xuất gia. Còn vai trò của trưởng giả Duy Ma Cật thì cũng thế. Ông là một vị đại Bồ-tát chứng đắc ở thế giới Diệu Hỷ nhưng vì muốn cứu độ chúng sinh nên thị hiện tại thành Tỳ Xá Ly làm thân cư sĩ, lớn lên có vợ con, thân bằng quyến thuộc như tất cả mọi người. Phương tiện ở đây là ông thực hành Lục độ vạn hạnh viên mãn, tuy là cư sĩ nhưng có nếp sống thanh tịnh, có đại lực thần thông, không dính mắc lục trần nên tâm rất tự tại. Ông là tấm gương sáng chói cho hàng Phật tử tại gia còn nhiều dính mắc thế tục. Tuy có hai phương tiện nhưng cùng đến một cứu cánh là đưa con người đến chỗ giải thoát giác ngộ, viên thành Phật đạo. Giải thoát giác ngộ vốn không hai tức là Bất nhị.
Vì muốn cảm hóa những người nghèo, ông Duy Ma cật bố thí rất nhiều của cải. Để cảm hóa người phạm giới, Ngài trì giới thanh tịnh. Để cảm hóa người nóng nảy, Ngài biểu lộ hạnh kiên nhẫn ôn hòa. Để độ người giải đải, Ngài thực hành tinh tấn. Để cảm hóa người loạn tâm, Ngài thiền định nhất tâm. Để cảm hóa người vô trí, Ngài hướng dẫn phát huy trí tuệ.
Đây chính là Lục độ Ba-la-mật gồm có Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Lục độ là những phương pháp tu hành của các Bồ-tát hay cho tất cả chúng sinh đã phát tâm vô thượng Bồ-đề, thọ Bồ-tát giới, tu theo Bồ-tát hạnh để phá chấp ngã, chấp pháp quên mình mà làm việc lợi ích cho chúng sinh.
Sống trong bất cứ xã hội nào thì người nghèo vẫn chiếm đa phần đặc biệt tại Ấn Độ thời Đức Phật còn tại thế và ngay cả thời bây giờ thì đâu đâu cũng có nhiều người nghèo khổ, làm điều bất thiện, thường hay giận dữ, tánh tình lười biếng và tâm ý bấn loạn. Vì thế ông Duy Ma Cật dùng thuốc Lục độ để trị bịnh cho người. Kẻ nghèo, người đói thì ông bố thí. Nhưng bố thí ở đây là bố thí ba-la-mật chớ không nhất thiết chỉ là cho tiền, cho cơm, cho gạo để sống qua ngày mà còn phải pháp thí và vô úy thí để giúp cho họ thấy con đường sáng mà tự cứu lấy đời mình và thông hiểu Chánh Pháp thì sẽ không còn sợ hãi. Vì Bồ-tát đã phá được chấp ngã, chấp pháp nên khi bố thí thì họ thực hành câu:”Bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã”. Người tà tâm, làm điều bất thiện thì dạy giới để họ tự sửa mình, cải thiện lại đời sống bất an. Kẻ giận dữ thì dùng hạnh nhu hòa nhẫn nhục để biến cuộc đời sóng gió trở nên an tịnh, thanh bình. Người lười biếng thì giúp họ thấy được ý nghĩa của cuộc đời để họ cố gắng nổ lực hạnh trì mà tăng thêm phước báo. Kẻ loạn tâm thì dùng thiền định tức là tư duy quán chiếu để loại bỏ vọng thức mà quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình. Còn người ngu dốt thì chỉ họ phương pháp tu hành để phát sinh trí tuệ và đạt đến cứu cánh giác ngộ viên thành.
Mặc dù Lục độ là những thần được để trị tâm bệnh của chúng sinh, nhưng muốn thực hành Lục độ đến chỗ viên mãn thì Bồ-tát phải phá tất cả các chấp có nghĩa là khi thấy việc cần làm thì ra tay mà không thấy mình làm và cũng không thấy có chúng sinh được độ bởi vì Bồ-tát một khi làm xong là quên, là xả hết cho nên tâm không dính mắc, không dao động và lúc nào cũng an nhiên tự tại. Làm việc với tâm vô ngã, vô cầu, vô chứng, vô đắc thì mới thật là tâm Bồ-tát.
Bạch y là áo trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết trong sạch và để chỉ cho Phật tử tại gia trong khi người xuất gia thì mặc màu vàng.
Phụng trì luật là chấp hành những giới luật của Phật rất nghiêm chỉnh để tâm được an định. Thí dụ Phật tử tại gia thì có năm giới, tám giới hay 58 Bồ-tát giới. Hàng xuất gia thì Sa di có mười giới, Tỳ kheo có 250 giới và Tỳ kheo ni có 348 giới. Khi đã thọ giới thì suốt đời không được phạm một giới nào thì Thân-Khẩu-Ý mới thanh tịnh. Người phạm giới không phải là họ phạm tội với Trời hay Phật gì cả mà chính họ đã gây ra nghiệp bất thiện để cột chặc họ vào vòng sinh tử luân hồi vậy thôi. Muốn liễu sanh thoát tử thì phải tránh xa sợi dây oan nghiệp nầy.
Dù Ngài là bạnh y mà phụng trì luật của Sa môn. Dù ở tại gia mà không lưu luyến tam giới. Thị hiện có vợ con mà thường tu phạm hạnh. Hiện có quyến thuộc mà thường thích viễn ly. Dù mặc đồ quý báu mà dùng tướng tốt để nghiêm thân. Dù có ăn uống như thế gian mà dùng thiền duyệt làm mùi vị.
Sa Môn tiếng Phạn là Samana có nghĩa là người chuyên làm việc thiện, tránh xa việc ác và cũng là vị khất sĩ. Khất sĩ là người đi xin ăn, giữ phận nghèo, không giữ tiền. Xin ăn là để khỏi nấu nướng chớ không phải là lười biếng mà dùng nhiều thời giờ vào việc tu học để tư duy quán chiếu mà tự độ và hóa độ chúng sinh. Hiện nay tại các nước còn theo Tiểu thừa như Thái lan, Miến Điện, Tích Lan, Ấn Độ thì hình ảnh các Tăng sĩ đi khất thực trên các đường xá, làng mạc đã trở thành một nét đặc thù quen thuộc. Vì các tăng sĩ đều đi khất thực nên chùa chiền xứ Thái không hề có nhà bếp. Sau khi đi khất thực, các Tăng sĩ mang thức ăn về chùa và ăn ngay tại chánh điện trong khi tại các nước theo Bắc tông thì chánh điện là nơi tôn kính trang nghiêm, được giữ gìn sạch sẽ, ít ai dám nói lớn hay có những cử chỉ thiếu trang nghiêm tại đây. Riêng tại Thái Lan, chánh điện vừa là nơi hành lễ, vừa là chốn hội hợp, mọi người thản nhiên ăn uống, cười nói một cách thoải mái.
Ông Duy Ma Cật tuy thị hiện làm thân cư sĩ nhưng lại thọ giới của hàng xuất gia có nghĩa là tuy ở hàng cư sĩ mà tâm vẫn giải thoát.
Tam giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới là cõi chúng sinh còn tình dục, thực dục, nhơ uế, ô trược như cõi Ta bà nầy. Trong dục giới có tất cả sáu loài chúng sinh là Trời, Thần, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Sắc giới là cõi chúng sinh đã thanh tịnh hơn không còn tình dục và thực dục, nhưng còn hình sắc. Vô sắc giới là cõi chúng sinh không còn hình sắc mà chỉ còn tư tưởng tức là tâm thức. Chúng sinh trong ba cõi cho dù có đến cõi cao nhất là Trời cũng vẫn chưa ra khỏi vòng sinh tử luân hồi nên còn phải chịu sự tái sinh nhiều đời nhiều kiếp. Trưởng giả Duy Ma Cật là cư sĩ tại gia tức là sống trong vòng thế tục đầy dẫy nhiễm ô. Tiền tài, sắc đẹp, công danh, phú quý, nhà cao, cửa rộng…lúc nào cũng có những ma lực thu hút con người sa đọa vào vòng tội lổi, đau thương nhưng ông không hề bị dính mắc, lưu luyến. Ngay cả những cõi vô sắc hay vô sắc giới cũng không mê hoặc tâm ông được. Vì thế sống trong trần thế, có vợ con, có thân bằng quyến thuộc nhưng ông không hề bị ô nhiễm, thường tu phạm hạnh, tâm thanh tịnh tức là tâm giác ngộ vậy.
Tướng tốt là ám chỉ Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Những tướng tốt, vẻ đẹp của Phật không phải là dùng vàng ngọc châu báu để trang nghiêm nhưng chính là do tất cả công đức tu hành mà được. Chẳng hạn như Phật có lưỡi rộng dài là vì ba đời Ngài không nói dối. Vì thế tuy trưởng giả Duy Ma Cật có nhiều đồ trang sức, áo quần đẹp đẽ cao sang nhưng ông không thấy đó là quan trọng mà chỉ dùng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà trang nghiêm thân mình.
Thiền duyệt là vui trong lúc tọa thiền. Khi ngồi thiền thì tâm định và thân được nhẹ nhàng thảnh thơi. Cho nên dù ông Duy Ma Cật có ăn uống cao lương mỹ vị của thế gian mà không có thiền duyệt thì cũng như nấu đồ ăn mà quên nêm mắm muối, gia vị. Do đó ngồi thiền là an nhàn, là thảnh thơi cho nên ông Duy Ma Cật tuy có ăn mâm cao cổ đầy, nhưng những thứ đó đối với ông không quan trọng mà ông chỉ lấy thiền duyệt làm mùi vị cho thức ăn.
Theo Phật giáo, mục đích của thiền định không phải đi vào một trạng thái vô thức, an tĩnh hay bất động mà thật ra thiền định là là một sự chuyển hóa để ý thức cho thật rõ ràng mọi hiện tượng trong thế gian vũ trụ nầy. Do đó thiền định là cốt quay vào bên trong để nghe rõ tiếng nói của Tâm. Mà con người chỉ có thể nghe được những âm thanh huyền diệu nầy khi thân và tâm được thanh tịnh và lúc đó sẽ không còn những vọng niệm của tham-sân-si nữa. Khi chúng sinh nghe được những âm thanh chân thật nầy thì tâm đã có định và từ đó trí tuệ bát nhã ba la mật sẽ phát sinh. Một khi đã có trí tuệ sáng suốt rồi thì chúng sinh sẽ không còn thấy mình và tất cả vạn vật có sự khác biệt nữa. Thời điểm nầy mình và chúng sinh đều là một và đã là một thì ắt phải nghe tiếng cầu cứu đang lặn hụp trong biển khổ của chúng sinh. Và từ đây phải quay về thế gian để cứu đời, độ đời và làm việc quên mình để hy sinh và thực hành Bồ-tát đạo đúng với tinh thần lợi tha, vô ngã. Nên nhớ nguyên nhân của sự đau khổ bắt nguồn từ bản ngã vốn có khuynh hướng phân biệt và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục.
Nếu khi đến chỗ cờ bạc, xướng hát thì ông lợi dụng cơ hội để độ người. Dù thọ các Pháp ngoại đạo nhưng chẳng tổn hại lòng chánh tín. Đọc hiểu suốt sách vở thế gian mà thường vui với giáo pháp Phật. Nhằm cảm hóa mọi người mà giữ gìn chánh pháp. Kinh doanh được tiền của nhưng chẳng lấy đó làm vui. Dạo chơi khắp phố phường để làm điều lợi ích chúng sinh. Có lúc tham gia trị chánh nhằm để cứu độ quốc dân. Có khi tham dự các diễn đàn hội thảo mà cốt lèo lái hướng dẫn mọi người đi vào đường chánh đạo đại thừa. Vào học đường nhằm để dẫn dắt tuổi thơ. Có lúc đến thanh lâu nhằm chỉ rõ cho mọi người tai họa của ái dục. Vào quán rượu như mọi người nhằm để nêu gương tự chủ.
Khác với tăng sĩ tu theo Tiểu thừa thì họ chẳng những không dám đến những nơi cờ bạc, rượu chè mà họ còn không dám đến những chỗ đông người, ồn ào náo nhiệt vì sợ tâm bị dao động, ngược lại trưởng giả Duy Ma Cật an nhiên tự tại đi vào những nơi ô uế như sòng bạc, nhà hát, thanh lâu, quán rượu…mà không hề sợ bị ô nhiễm vì tâm ông đã Định và trí tuệ luôn sáng suốt. Đây là ứng dụng câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang vậy. Khi tâm thanh tịnh tức là tâm không còn dính mắc đó là lục căn tuy có tiếp xúc với lục trần mà cho dù lục trần có hấp dẫn, thu hút cách mấy cũng không thể nào lay động hay cám dỗ được thanh tâm của chúng ta. Tại sao? Bởi vì Bồ-tát thấy là để thấy vậy thôi nhưng trong cái thấy đó không có nhãn thức giới tức là không có cái biết của sự thấy nên không có sự phân biệt tốt xấu, thiện ác…Không phân biệt là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, tâm Bồ-tát vậy. Ông Duy Ma Cật đi vào những nơi trà đình tửu điếm để cứu độ chúng sinh chớ không phải vì ham mê sắc dục. Vào quán rượu thì mới thân cận để giáo hóa cho họ biết rượu là tai hại mà lập chí bỏ rượu. Vào sòng bạc để chỉ cho họ thấy sự si mê, cám dỗ làm cho nhà tan cửa nát, gia đình mất hạnh phúc cũng bởi từ gốc Si nhỏ sang thành Tham lớn làm cho gia đình tan vở. Có nhận thức được sự tai hại thì con người mới dám từ bỏ. Bồ-tát phải hòa đồng thân mật sát cánh với mọi người thì họ mới thông cảm, quý mến và nghe theo. Đây chính là Bô-tát dùng phương tiện thân cận để độ chúng sinh.
Mặc dù có trí tuệ sáng suốt nhưng ông Duy Ma Cật không có tinh thần bảo thủ cho rằng chỉ có chánh Pháp của ta là cao quý, là vô địch mà ông còn học hỏi những sách vở thế tục và kinh điển của ngoại đạo để mở mang kiến thức vì trong thế gian nầy tuy tôn giáo có nhiều hình thức khác nhau nhưng chung quy vẫn đều suy tìm Chân Lý. Đó là tìm về với cội nguồn bản thể, với bản lai diện mục, với Chân tánh để phát huy trí tuệ và hòa nhập với Chân Như. Vì thế đọc là để thấy, để biết nhưng ông không hề hủy hoại chánh tín, luôn cung kính, giữ gìn chánh Pháp và cúng dường Tam Bảo.
Vì thị hiện làm thân trưởng giả, có gia đình vợ con nên phải làm ăn buôn bán, nhưng ông làm thương mãi không phải vì mục đích kiếm tiền cho riêng mình mà dùng tiền của như là phương tiện để bố thí cho người nghèo khổ, gieo duyên lành cho họ tu học Phật Pháp. Pháp Đại Thừa là con đường tu hành của Bồ-tát với tôn chỉ làm lợi ích cho chúng sinh. Tâm Bồ-tát thì bình đẳng vì dưới mắt của họ ai ai cũng là chúng sinh, không phân biệt già trẻ, sang nghèo, đẹp xấu…và ai ai cũng đều có Phật tính cả. Ngay cả trẻ thơ ông cũng gieo duyên mặc dù chúng chưa có đủ trí tuệ để hiểu biết Phật Pháp cao thâm huyền diệu nhưng ông vẫn gieo những chủng tử lành vào trong tâm thức của chúng. Đây chính là những hạt giống tốt để mai sau khi đủ duyên thì chúng sẽ nẩy mầm, đơm hoa và kết quả.
Vì thế Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Chẳng phải tự mình cầu khoái lạc
Quyết vì cứu độ cả quần sanh