Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật – Chương II

Nếu ông ở trong trưởng giả thì trong trưởng giả tôn kính vì ông nói Pháp thù thắng. Nếu ở trong hàng cư sĩ thì họ cung kính vì ông mà họ đoạn trừ tâm tham trước. Nếu ông ở trong dòng Sát Đế Lợi thì họ cung kính vì ông dạy họ pháp nhẫn nhục. Sát Đế Lợi là dòng võ tướng, lên ngựa cầm binh ra trận cho nên đối với những dũng tướng can cường nóng tính thì ông dạy hạnh nhẫn nhục. Nếu ở trong dòng Bà La Môn thì được họ tôn trọng vì ông dạy họ trừ hết tâm ngã mạn. Trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ có bốn giai cấp là Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Tỳ xá và Thủ Đà La mà Bà La Môn là giai cấp cao nhất, họ tu hạnh trong sạch và thờ trời Đại Phạm Thiên nên họ sinh tâm ngã mạn khinh khi những giai cấp thấp hơn. Nếu ở trong Đại thần thì Đại thần tôn kính và thọ Chánh Pháp. Nếu ở trong hàng vương tử thì họ tôn kính vì ông dạy họ đạo nghĩa hiếu trung. Nếu ở trong nội cung thì nội cung cung kính vì ông dạy họ làm người cung nữ chân chính. Nếu ở chỗ thứ dân thì thứ dân tôn trọng vì ông dạy họ làm những điều phước lành. Nếu ở chỗ Phạm Thiên thì được các bậc trời cung kính vì ông dạy họ trí tuệ thù thắng. Nếu ở hàng Đế Thích thì được trong hàng Đế Thích tôn trọng vì ông thị hiện cảnh vô thường. Tại sao lại chỉ thị hiện cảnh vô thường cho hàng trời Đế Thích mà không dạy cái gì khác? Bởi vì Đế Thích đang ở cõi trời, thừa hưởng ngũ dục lạc nên dễ bị mê. Người giàu sang sung sướng thì họ không chịu tu ví cũng như người cột đá vào thân nhảy xuống nước thì làm sao bơi nổi? Nay ông Duy Ma Cật thị hiện cảnh vô thường như là sinh lão bệnh tử, có sanh tất có diệt cho dù thọ mạng trên trời có dài hơn dưới trần gian nhưng vẫn có ngày tận. Phước báo hết thì sẽ bị đọa nếu không tu tâm dưỡng tánh và dùng phước đức hiện tại để tạo thêm phước đức cho ngày mai.

Phần trên là để giới thiệu và diễn tả tất cả những sự việc đã làm nổi bật tư cách cao quý của ông Duy Ma Cật. Ông có đủ những đức tính từ bi, trí tuệ, biện tài vô ngại, phương tiện thiện xảo của chư Phật. Vì thấy chúng sinh sống trong cảnh khổ mà không biết khổ lại cứ say mê chạy theo lục dục thất tình mà gây ra nghiệp để phải chịu sinh tử luân hồi nên mặc dù là một đại Bồ-tát, ông vẫn thị hiện làm thân cư sĩ dùng vô số phương tiện cứu độ chúng sinh. Thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là những giá trị đạo đức của người lảnh đạo để đưa đất nước đến chỗ phú cường thì ở đây trưởng giả Duy Ma Cật dù ở trong giai cấp nào  ông vẫn là tấm gương cho giai cấp đó vì tất cả việc làm dù ở hoàn cảnh hay ở trường hợp nào ông cũng nhắm thẳng cái lợi ích cho người mà ông ở trong cảnh đó chớ không phải vì thụ hưởng, vì an vui riêng cho mình. Như vậy ở trong cảnh giàu, ở trong cảnh quan quyền hay ở trong cảnh dòng họ cao quý đều là vì muốn thức tỉnh, muốn cảnh giác họ chớ không vì thụ hưởng cho bản thân mình. Có thế thì chúng sinh mới nghe, mới tin, mới phục và lý tưởng cũng như mục đích cứu độ của Bồ-tát mới được thực hiện viên mãn và tồn tại mãi mãi trong lòng chúng sinh.

Con người thường hay có quan niệm sai lầm về Bồ-tát. Họ nghĩ rằng Bồ-tát thì phải có hào quang sáng chói, đi mây về gió, hiện thần thông biến hóa, ngàn tay ngàn mắt…nhưng thật ra Bồ-tát thường sống lẫn lộn với người đời mà không ai hay biết. Sau năm 1975 khi làn sóng người Việt vượt biển ra đi tìm tự do trên những chiếc tàu đánh cá rất nhỏ, lênh đênh không định hướng, thiếu lương thực. Nếu may mắn họ được những tàu lớn cứu vớt thì ông hạm trưởng cùng thủy thủ đoàn không là những vị Bô-tát thì là gì? Có một thuyền trưởng người Đại Hàn sau khi thấy một chiếc tàu đánh cá rất nhỏ chở trên trăm người sắp bị chết đuối làm cho ông ta động tâm muốn cứu, nhưng thượng cấp không cho. Sau khi đi một đoạn đường ông quyết định quay tàu trở lại cứu hết những người tị nạn và đưa họ vào bờ an toàn mặc dầu ông biết sau đó sẽ bị cách chức. Khi thấy một căn nhà cháy mà có người mạnh dạn chạy vào cứu đem những người già hay trẻ em chạy ra, một người nhảy xuống sông cứu một người đang chết đuối, làm việc từ thiện giúp đỡ viện mồ côi che chở kẻ khốn cùng hoạn nạn mà lòng không mong cầu, dùng lời nói hòa diệu để an ủi kẻ khốn khổ đau thương, ngay cả dắt một người già đi qua đường… đều là hành vi của Bồ-tát bởi vì họ làm việc quên mình mà chỉ cần lợi ích cho chúng sinh đôi khi có thể hy sinh cả mạng sống của mình. Vì thế chư Bồ-tát hiện thân hay con người hành Bồ-tát đạo đều như nhau cả.

Trưởng giả Duy Ma Cật vận dụng vô số phương tiện để đem lại lợi lạc cho chúng sinh và hôm nay ông lại hiện thân có bệnh.

Nghe ông bị bệnh, Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn, các vương tử và các thân thuộc cả mấy ngàn người lần lượt đến tịnh thất của trưởng giả mà vấn an. Nhân cơ hội có nhiều người đến thăm bệnh, ông Duy Ma Cật thừa cơ thuyết Chánh Pháp.

Thưa các nhân giả: Cái huyễn thân nầy thật là vô thường, không mạnh, không dai, không bền, không chắc. Nó là cái thứ mau mục nát, dễ rệu rã chẳng đáng tin cậy. Nó là cái khối chứa nhóm các khổ đau, buồn phiền và nhiều bệnh tật.

Đây là lần đầu tiên trưởng giả Duy Ma Cật lên tiếng trong bộ kinh nầy vì những phần trước là lời của Phật và chư Bồ-tát nói ra để giới thiệu và tán thán ông Duy Ma Cật. Vì hiện thân có bệnh nên trước hết ông nói về thân. Phàm là con người thì ai cũng quý cái xác thân của mình. Hễ thân kêu đói thì cho ăn, thân lạnh thì mặc áo ấm mở máy sưởi, thân kêu nóng thì lo gắn máy lạnh, muốn thân mạnh khỏe thì phải lo tẩm bổ bồi dưỡng và khi thân đau yếu thì lo chạy thuốc thang. Muốn thân đẹp thì trang điểm và muốn thân hạnh phúc thì mua nhà cao, xe mới, nấu thức ăn ngon cho thân dùng. Tranh công đoạt chức để cho thân hãnh diện…Vì vậy con người có làm bao nhiêu điều tội lỗi, gây ra lắm nghiệp căn để phải chịu quả khổ đời đời cũng vì cưng chiều xác thân quá đáng. Nhưng thân có thật chăng? Chúng ta là phàm nhân thì tin chắc thân nầy là thật, là bền, là chắc, là của riêng ta, nhưng ông Duy Ma Cật nói thân nầy là huyễn tức là giả, là không thật, không bền, không chắc vì thân là vô thường, biến đổi. Tại sao? Ngày nay chúng ta ngồi đây xem kinh nầy, nhưng có ai bảo đảm ngày mai chúng ta cũng được như vậy đâu? Một luồng gió độc, một mạch máu não bể hay một viên đạn xuyên qua là mất mạng. Ngày xưa chúng ta mạnh khỏe tráng kiện bao nhiêu mà ngày nay tay mỏi, lưng còng, da nhăn, má hóp thì luật vô thường đâu có thương xót một ai. Có ai trẻ mãi mà không già hoặc có người nào sống đời mà không chết? Khoa học ngày nay đã chứng minh cứ mỗi bảy năm thì các tế bào trong thân thể con người hoàn toàn thay đổi và chính sự thay đổi nầy làm con người chóng lớn, chóng già và chóng chết. Tất cả cũng chỉ nằm trong luật vô thường là sinh, trụ, dị, diệt mà thôi.

Thưa các nhân giả:

–  Người trí không tin cậy ở thân vì nó là khổ não thì làm sao tin cậy vào nó được.

– Thân như bọt nước không thể nắm bắt cũng ví như khi ra biển chúng ta thấy sóng nước tạo ra vô số bọt biển nhưng có ai bắt được nó đâu? Đây là để diễn tả về không gian vô thường, có tan có hợp.

– Thân nầy như bong bóng không được bền lâu bởi vì dầu trời mưa có tạo thành hàng loạt bong bóng. Nhưng khi bong bóng vừa nổi lên liền tan vở, biến mất. Đó là hiện thân của thời gian vô thường. Cũng như chúng ta mới ngày nào còn là thanh niên nữ tú, da dẻ hồng hào, tráng kiện, minh mẫn mà ngày nay lưng mỏi, gối run, da khô, mắt kém, nhớ trước, quên sau…

–  Thân nầy như cây chuối do bẹ hợp lại thành cây trong đó không có cái nào rắng chắc vì cây chuối là do từng bẹ tạo thành. Nếu tách từng bẹ ra thì không có thân cây chắc ở bên trong.

  Thân nầy như huyễn từ điên đảo khởi sanh. Cũng ví như nhà ảo thật Chist Angel làm cho con người bay bổng lên không mà ai ai cũng tin là thật.

–  Thân nầy như mộng do cái thấy hư dối mà thành. Khi nằm chiêm bao, chúng ta thấy đang ở trong một căn nhà đang cháy nên hốt hoảng tìm lối chạy ra. Vừa chạy vừa la, lo sợ đến toát mồ hôi nhưng khi tỉnh giấc biết mình nằm mộng thì cháy nhà cũng tan, lo sợ cũng hết. Dựa theo Phật giáo, con người đang sống trong một giấc mộng dài vì tất cả chúng sinh đang nằm chiêm bao trong suốt chiều dài của cuộc đời họ. Sự sung sướng, khổ đau, tiền tài, danh vọng chỉ là giả tạm, sinh diệt mà con người cố bám vào đó vì họ cho đó là thật, là của họ. Nếu thức tỉnh, con người sẽ thấy rằng tiền tài, danh vọng, của cải vật chất, gia đình quyến thuộc đều là giả, sinh diệt vì tất cả đều do tâm vọng thức tạo ra. Vì thế mà kinh Lăng Nghiêm mới dạy rằng chỉ khi nào chúng sinh giác ngộ được Chơn tâm thì vọng thức sẽ tan biến. Ngộ được chơn tâm như người thức giấc mộng, không ngộ được chơn tâm như người còn ngủ chiêm bao.

–  Thân nầy như cái bóng từ nơi nghiệp duyên mà hiện. Đây là nói về luật nhân quả nghiệp báo. Con người có được là do nghiệp báo tạo tác từ vô lượng kiếp mà thành. Quả theo nhân cũng như bóng theo hình vì thế có hình thì có bóng cho nên nếu không muốn chịu quả báo thì tránh gây ra nhân.

Trong Kinh A Hàm có câu chuyện kể rằng:

Một hôm có vị Bà La Môn hỏi Phật:

–  Thưa Ngài Cù Đàm! đệ tử của Ngài chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được không?

Phật không đáp mà hỏi lại:

–  Nếu đệ tử của các ông chết, các ông có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được không?

Người Bà La Môn đáp:

–  Được.

Phật liền đưa ra một thí dụ:

–  Giả sử có người đem một tảng đá lớn để trên miệng giếng, rồi thỉnh hai ba chục vị Bà La Môn đứng xung quanh cầu nguyện cho vị ấy xô tảng đá xuống giếng để tảng đá nổi không chìm. Quý vị Bà La Môn có cầu nguyện được không?

–  Cầu không được.

Phật hỏi:

–  Tại sao?

Người Bà La Môn đáp:

–  Vì đá nặng, rớt xuống nước là chìm dầu cho hàng triệu người cầu nguyện nó cũng không nổi được.

Phật lại hỏi tiếp:

–  Giả sử có người đem dầu đổ xuống giếng, rồi mời các vị Bà La Môn cầu nguyện cho dầu đừng nổi mà chìm dưới đáy giếng. Các vị có cầu được không?

Người Bà La Môn đáp:

–  Không được.

–  Tại sao?

–  Vì dầu nhẹ nên nổi ở trên mặt nước, không thể chìm dưới đáy giếng được.

Bây giờ Phật mới nói:

–  Cũng vậy, nếu người tạo thập ác là cái nhân đọa vào đường ác thì làm sao cầu nguyện cho họ lên thiên đường. Ngược lại người tu thập thiện dù có người ác ý muốn cầu cho họ xuống địa ngục thì họ vẫn lên thiên đường như thường.

Ngày nay đa số Phật tử không chịu tu mà cứ chạy theo tài sắc danh lợi để gây ra nghiệp. Đến khi gần chết, sợ quá nên thỉnh chư Tăng cầu nguyện để được lên thiên đường hoặc về Tây phương cực lạc. Dựa theo thí dụ trên thì cầu nguyện có thành tựu không? Chắc chắn là không được. Chân lý của đạo Phật là tự độ, tự giác nên chỉ có ta mới có thể giải thoát cho ta mà thôi. Đừng ỷ lại vào người khác hoặc hy vọng vào sự cầu nguyện thì có ngày sẽ hối hận vì tự tác hoàn tự thọ nghĩa là ta làm thì ta phải chịu. Toàn bộ giáo lý của Đức Phật là độ sanh tức là tu sửa cái nhân để giúp con người đạt được tâm thanh tịnh mà được giải thoát giác ngộ. Rất tiếc ngày nay Phật giáo chỉ quan tâm đến độ tử tức là cái quả. Chuyển nghiệp tức là tu nhân còn quả là nghiệp báo thì làm sao sửa được. Đây là tà kiến tiền mất tật còn vậy. Nên nhớ không có tha nhân nào có thể cầu nguyện cho người khác về Tây phương cực lạc được.

Người Việt Nam có cái tật là cất nhà phải lựa chỗ hàm rồng để sau nầy con cháu làm ăn phát đạt. Hay khi chôn ông bà cũng lựa chỗ hàm rồng để sau nầy con cháu phát quan. Thế thì chúng ta chọn chỗ tốt để chuyển con người thành tốt. Vậy chuyển có được không? Giả sử nếu chuyển được thì gia đình con cháu các ông địa lý đã thành giàu sang phát quan hết rồi vì đương nhiên các ông phải lựa chỗ tốt cho gia đình của họ trước rồi còn lại mới lựa cho mình sau. Nhưng tại sao chính bản thân của các ông và con cháu của các ông không làm quan làm vua mà các ông vẫn cứ làm thầy địa lý? Giàu có, quan quyền là do phước đức nhà mình chớ không phải do ông thầy địa lý. Nếu lựa chỗ chôn cha mẹ để được phát quan trong khi mình là kẻ bất tài thiếu phước thì làm sao phát quan được. Ngược lại nếu chúng ta thật có tài có đức thì công danh phú quý sẽ đến mau hay chậm mà thôi.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.