Thêm nửa, đạo Phật không thừa nhận linh hồn mà cho rằng con người có thức chuyển biến và thức ấy chính là cái biết phân biệt. Cái biết phân biệt nầy là một dòng chuyển biến không dừng. Khi ta còn bé thì sự hiểu biết phân biệt theo trẻ con. Đến khi lớn lên thì sự hiểu biết phân biệt cũng theo thời gian mà phát triển. Thí dụ nếu có duyên học cao hiểu rộng thì trí phân biệt càng sâu xa. Do đó tâm thức con người luôn luôn biến đổi không ngừng. Còn linh hồn thì cố định. Vì linh hồn cố định nên có học cũng không giỏi, không học cũng chẳng ngu và dĩ nhiên tu hành cũng không tiến bộ.
– Thân nầy như vang do nhân duyên mà có. Đây là nói về lý nhân duyên có nghĩa là con người và vũ trụ là một duyên khởi rất lớn tức là các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau để nương tựa, tương phản dung thông mà thành lập ra con người và vũ trụ. Vì pháp nầy dung thông với pháp kia để làm duyên khởi nên thân là sinh diệt, tạm bợ, không bền, không chắc. Biết nhân sinh vũ trụ luôn luôn biến đổi nên chúng ta sống tùy duyên và theo duyên. Tạo duyên tốt thì thăng tiến còn tạo duyên xấu thì phải trầm luân. Đủ duyên thì thân nầy có, hết duyên thì thân nầy tan. Như vậy là quả theo nhân theo duyên mà có chớ không phải tự nhiên mà thành.
– Thân nầy như mây nổi trong chốc lát liền biến diệt. Vì thân là vô thường nên cơ thể con người biến đổi từng giây từng phút. Mỗi ngày chúng ta già đi một chút và trong ta các tế bào chết lần chết mòn chứ đâu phải xuôi tay nhắm mắt mới gọi là chết.
– Thân nầy như làn điện chớp mỗi niệm nó không dừng. Khi nói thân và tâm nhưng thật ra chúng chính là một. Vì thân là hình tướng còn tâm là năng lực để hình tướng có thể hoạt động. Do đó nếu tâm rời thân thì năng lực chẳng tồn tại còn thân không nhờ tâm thì hình tướng không phát hiện được. Nhưng tâm thì thay đổi không ngừng, mỗi phút có hàng ngàn ý niệm sinh khởi cho nên thân cũng vì thế mà đổi thay theo. Càng biến đổi thì thân càng dễ hoại cũng như chiếc xe nếu con người chạy nhiều thì nó sẽ mau hư. Trong kinh Kim Cang cũng có bài kệ:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Dịch là:
Tất cả pháp hữu vi
Như giấc mộng, như huyễn, như bọt nước, như hình bóng,
Như giọt sương, như ánh điện chớp,
Nên quán tưởng như thế.
– Thân nầy không chủ như là đất.
– Thân nầy không có ngã ví như lửa.
– Thân nầy không có thọ mạng ví như gió.
– Thân nầy không có người ví như nước.
– Thân nầy không thật vì là sự tổ hợp của tứ đại. Vì thân là sự kết hợp của tứ đại : đất, nước, gió, lửa. Mà chính đất, nước, gió, lửa là sự tổng hợp của biết bao nhân duyên khác nên chúng là vô ngã tức Không. Hễ là vô ngã thì thân sẽ bị ảnh hưởng của luật vô thường là thành, trụ, hoại, không tức là có sinh tất có diệt.
– Thân nầy vốn không vì không có ngã và ngã sở.
– Thân nầy là vô tri như là cỏ cây, gạch ngói.
– Thân nầy vô tác giả vì do sức nghiệp chuyển sanh. Theo Phật giáo thì con người cũng như vạn vật trong vũ trụ nầy là do tự kỷ nhân quả mà thành chứ không phải là do một đấng thiêng liêng nào tạo ra hay là do một phép mầu nhiệm nào kết cấu cả. Cho nên trong Tạo-hóa-nhơn-tâm có bài kệ:
Nghiệp-Duyên bởi tại lòng
Ảnh-hưởng nào sai-chạy
Tạo-hóa vốn không làm
Quần-sanh tự tạo lấy.
Theo thuyết nghiệp cảm duyên khởi thì trong đời quá khứ con người gây ra lắm nghiệp căn thì đời nầy phải thọ nhận những quả báo nầy. Thân xác, tính tình, khổ vui, giàu sang hay nghèo khó…đều là do quả báo tạo thành chớ không do ai tạo ra cả. Mỗi một nghiệp mà con người vừa tác tạo chính là một vết mực để vẽ cho bức tranh của đời họ ở đời sau. Đến khi thân mất thì chính chúng ta đã vẽ xong bức tranh cuộc đời cho mình trong kiếp sau. Vì thế nếu muốn có thân đẹp và cuộc sống được an vui thịnh vượng thì bây giờ nên tạo nghiệp lành. Ngược lại thì thân xấu, cuộc sống nhiều trắc trở, sóng gió và thiếu hạnh phúc.
– Thân nầy bất tịnh đầy dẫy uế trược xấu xa.
– Thân nầy tạm bợ, rỗng không dù có ăn mặt tắm rửa nhưng cuối cùng cũng tiêu ma hoại diệt.
– Thân nầy là tai họa chứa nhóm một trăm lẻ một bệnh khổ sầu đau.
– Thân nầy như giếng trên đất gò cao bị cái bệnh già nó bức bách.
– Thân nầy không cố định vì không biết sẽ chết lúc nào.
– Thân nầy là rắn độc, là kẻ oán thù, cướp giựt, là xóm rỗng do ngũ uẩn, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới gá hợp mà hình thành.
Thân của con người thì bất tịnh, nhơ bẩn từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi lớn lên sự bất tịnh cũng tăng theo. Vì hằng ngày phải hấp thụ biết bao vật chất từ bên ngoài để nuôi thân nên thân phải tống ra bao đồ phế thải. Bên dưới lớp da tươi thắm, xinh đẹp thì lục phủ ngũ tạng không bất tịnh thì là gì? Vì thân là do sự kết hợp của nhân duyên ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nên thân là vô ngã, là giả Có tức là Không nên không bền, không chắc. Duyên kết thì còn duyên tan thì hoại thế thôi. Sau khi sanh thì lục nhập tức là sáu căn tiếp nhận sáu trần (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà tạo thành thập bát giới (sáu căn cộng với sáu trần trở thành sáu giới của thức). Mà chính sáu căn, sáu trần, sáu thức là vô ngã nên thân cũng là vô ngã, biến dịch và tan rã.
Lời nói đầu tiên của ông Duy Ma Cật là khai thị cho chúng sinh thấy biết rõ ràng về thân để con người quay về nhìn lại mà chán chê, chớ ham tiếc, cưng chiều cái thân vô thường tạm bợ, là cội gốc của phiền não khổ đau và cũng là nguyên nhân đưa con người lang thang lẩn thẩn trong vòng sinh tử luân hồi.