Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật – Chương II

Đây chính là cái nhìn của hàng Tiểu thừa là thấy thân là vô thường, vô ngã, đau khổ và bất tịnh.  Nếu không lìa tướng mà tu hành thì khó mà ngộ được cho dù chấp Có chấp Không cũng đều là vọng chấp làm chướng ngại trên con đường giải thoát giác ngộ. Vì thế cổ nhân có bài kệ như sau:

Bỏ chấp mới là thật

Bằng còn chấp tức là hư

Chẳng Không cũng chẳng Có

Chi thiếu lại chi thừa?

Đau, thuốc thang điều trị

Mạnh, phương pháp diệt trừ

Lý tam Không tỏ đặng

Xuất chúng nhập Vô-dư.

Bây giờ trưởng giả Duy Ma Cật mới bắt đầu chuyển cái nhìn, cái thấy, cái biết, cái suy luận của hàng Tiểu thừa sang một thế giới mới. Đó là thế giới của Đại thừa. Chỉ khi nào chúng sinh nhận thấy được các đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của tất cả hiện tượng vạn pháp thì con người mới chứng ngộ được Chân Lý.

Thưa các nhân giả:

Phải sanh tâm khinh rẻ cái thân nầy và sanh tâm ham mến thân Phật. Vì thân Phật là Pháp thân. Thân Phật từ vô lượng công đức trí tuệ sanh. Từ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến sanh. Từ từ, bi, hỷ, xả sanh. Từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ sanh. Từ phương tiện sanh. Từ lục thông sanh. Từ tam minh sanh, Từ ba mươi bảy phần trợ đạo sanh. Từ chỉ quán sanh. Từ thập lục, tứ vô úy sanh, thập bát bất cộng pháp sanh. Từ chỗ dứt hết tất cả các pháp bất thiện, chứa nhóm tất cả thiện nghiệp sanh. Từ chân thật sanh. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như thế mà sanh thân Như Lai.

Đức Phật là giác giả và có ba thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.

1)Pháp thân: Chữ Phạn là Dharmakaya chính là tự tánh thân, là thân bất sinh bất diệt, thường trụ và lan tỏa trong khắp cả không gian làm sở y bình đẳng cho Báo thân và Ứng thân. Phật lấy Pháp Tánh Chân Như làm thân nên gọi là Pháp thân. Vì là Chơn Như, Pháp Giới Tánh, Như Lai Tạng…nên Pháp thân hiện hữu ở khắp nơi và cũng là bản thể của muôn loài chúng sanh. Thọ mệnh của Pháp thân không có lúc ban đầu và cũng không có lúc cùng tận tức là vô thỉ tới vô chung. Do đó chư Phật ngày nay lúc nào cũng thường trụ trong tâm của tất cả chúng sinh và vĩnh hằng ở khắp mọi nơi chính là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na vậy. Phật và chúng sinh đều có Pháp thân như nhau, không sai không khác, không cao không thấp, nhưng ở Phật thì Pháp thân thường sáng suốt chiếu soi rực rỡ. Còn ở chúng sinh thì bị màng vô minh che lấp nên không thể hiện bày. Vì thế Pháp thân chính là nơi chúng sinh trở về sau khi diệt hết vô minh phiền não khổ đau. Hết vô minh thì trí tuệ bừng sáng và Pháp thân hiện bày. Do đó Pháp thân chính là nguồn gốc, là Bản Thể của muôn sinh vạn vật và cũng là Bản Lai Diện Mục, là Phật Tánh vĩnh hằng có sẳn trong tất cả muôn loài vậy.

2)Báo thân: Chữ Phạn là Sambhogakaya là cái thân tốt đẹp do công phu tu hành trải qua nhiều đời nhiều kiếp mà đạt được. Vì đây là thân của các Như Lai do thành tựu công đức tu hành nên chỉ có chư Phật mới thấy còn phàm nhân thì không trông thấy. Cũng ví như người niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn thì được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà và thọ báo thân trong hoa sen. Cho nên Tịnh độ thi có câu:

Mỗi niệm chỉ cần không thối chuyển

Ao vàng đã sẵn có liên hoa

Thân tàn về cõi báu

Sen nở thấy Di Đà.

Đối với chúng sinh thì báo thân mà Phạn ngữ gọi là Karmakaya có nghĩa là con người phải thọ lãnh thân của mình tùy thuộc vào tất cả nghiệp quả mà chính họ đã tạo ra trong đời quá khứ. Những chủng tử của nghiệp là phần thần thức duy nhất còn lại sau khi con người mất và nó sẽ quyết định thân của con người trong đời nầy. Thân có đẹp, xấu hay cuộc đời có sướng, khổ chẳng qua chỉ là quả báo mà thôi. Ngược lại chư Phật hay Bồ-tát tự nguyện vào đời vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh chứ không phải bị nghiệp lực chi phối.

3)Ứng thân: Chữ Phạn là Nirmanakaya còn được gọi là hóa thân hay ứng hóa thân vì thân nầy có hình tướng mà con người thấy được nên phải bị chi phối của luật vô thường là sinh lão bịnh tử. Thí dụ như cách nay trên vài ngàn năm, Thái tử Tất Đạt Đa ứng thân vào dòng họ vua Tịnh Phạn, lớn lên nổ lực tinh tấn tu hành, thành Phật để hóa độ chúng sinh rồi nhập diệt giữa hai cây Sa-la song thọ.

Ngoài ra trong cõi Ta bà nầy đôi khi có chư Phật hay Bồ-tát ứng hiện ra nhiều hình tướng khác nhau để cứu độ chúng sinh trong một thời gian hay trong một hoàn cảnh đặc biệt nào rồi biến mất. Đối với người Việt tỵ nạn thì không ai lạ gì những câu chuyện về Đức Quán Thế Âm hiện thân trên biển Thái Bình Dương để cứu vớt nhiều con thuyền sắp bị đắm chìm rồi sau đó biến mất.

Thật ra ngày nay Phật giáo cũng chưa đồng nhất về ý nghĩa của Báo thân và Ứng thân của Phật.

1)Dựa theo tư tưởng của Phật giáo Tiểu thừa thì Đức Phật chưa thành Phật khi Ngài là Thái tử mà đây chỉ là Báo thân cuối cùng để Ngài trả hết những quả báo còn lại như bị Đề Bà Đạt Đa làm hại, bị chảy máu…và sau cùng xóa bỏ Báo thân nhục thể mà được Pháp thân chân thường của chư Phật.

2)Ngược lại với tư tưởng của Phật giáo Nam Tông thì Phật giáo Đại thừa chủ trương rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp và Ngài thị hiện trong cõi Ta-bà để độ chúng sinh mà Thái tử Tất Đạt Đa chỉ là Ứng thân mà thôi.

Nói một cách khác, sự khác biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông trong việc thờ một hay nhiều vị Phật xuất phát từ hai quan niệm khác nhau. Nam Tông cho rằng chỉ có một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni vì họ căn cứ vào những sự kiện lịch sử tức là nhìn vào sự Tướng. Trong khi đó, Bắc tông quan niệm ngoài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn có hằng hà sa số chư Phật giáo hóa chúng sinh ở khắp mọi nơi trong vủ trụ. Bắc tông thì dựa vào kinh điển mà Đức Phật đã thuyết. Tùy theo sở thích hay tâm niệm mà chúng sinh có thể tin theo quan niệm nào cũng được. Thật ra điều nầy không có gì quan trọng cho dù chúng ta theo Nam tông hay Bắc tông hay tin có một vị Phật hay nhiều vị Phật thì điều quan trọng vẫn là tinh tấn tu học theo lời Phật dạy. Hình thức, phương tiện tuy sai khác nhưng cứu cánh vẫn là một. Do đó con người đừng chấp vào phương tiện mà chính yếu là phải tự cất bước mà đi, tự nổ lực để đạt đến cứu cánh giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.

Khi nói về Pháp thân thì:
Đạo là tỏ-ngộ tánh bình thường
Đói phải ăn cơm, buồn phải ngũ.
Chẳng cần tìm Phật đâu xa
Tây phương tại đó Thích Ca nơi nầy

Hoặc là:

Đêm đêm với Phật nằm
Sáng sáng cùng đồng dậy
Tất gan chẳng cách-xa
Ảnh hưởng nào sai-chạy
Muốn biết Phật ở đâu,
Do nơi lời nói ấy.

Cũng ví như những làn sóng nhấp nhô của đại dương. Đợt sóng nầy tan thì đợt sóng khác lại đến. Nước biển là Tướng, sóng biển là Dụng còn tính nước yên tịnh dưới lòng đại dương là Thể của nước. Cùng một ý nghĩa thì Pháp thân là Thể, Báo thân là Tướng và Ứng thân là Dụng. Mặc dầu Thể, Tướng và Dụng tuy ba nhưng mà một tức là Bất nhị có nghĩa là Thể, Tướng và Dụng cũng đều là do nước mà ra. Vậy một ở đây chính là Bản Thể Chơn Như, là Chơn Tâm vậy.

Thưa các nhân giả:

Muốn được thân Phật, muốn vứt bỏ cái thân nhiều bệnh khổ của chúng sanh thì phải phát tâm vô thượng Bồ-đề.

Vô Thượng Bồ-đề tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có nghĩa là sự giác ngộ sáng suốt hoàn toàn không gì hơn. Mà muốn đạt đến trình độ để có được sự tỉnh thức giác ngộ chân chánh thì chúng sinh phải phát tâm. Phát tâm theo tinh thần Phật giáo là Tri và Hành phải hợp nhất. Nếu Tri mà không Hành thì chỉ là lý thuyết suông tức là năng thuyết bất năng hành có nghĩa là lời nói không đi đôi với hành động cũng như nhân viên ngân hàng suốt ngày đếm tiền cho kẻ khác mà trong túi của mình không có một xu.. Còn Hành mà thiếu Tri thì cũng như người mù dẫn kẻ đui, sa hầm sụp hố, không rõ đường đi dễ rơi vào tà đạo.

Phát tâm là hướng tâm đi về con đường giải thoát giác ngộ mà hai cánh cửa chính là tam huệ học và tam vô lậu học. Tam Huệ học thì có Văn huệ tức là học hỏi, tham vấn kinh điển của Phật để nhận hiểu mà phát sinh trí tuệ. Tư huệ là suy tư quán chiếu những lời Phật dạy để thấy được sự huyền diệu của kinh. Và sau cùng là tu huệ có nghĩa là đem thực hành và thể nghiệm những giáo lý của Phật để chứng được Chân lý mà giác ngộ. Sau khi đã mở được cánh cửa Tam Huệ học thì cánh cửa sau cùng để vào căn nhà giác ngộ là Tam Vô Lậu học. Chính Giới, Định, Tuệ là chiếc thuyền êm ái để đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác. Bởi vì có giữ Giới thì tâm mới Định, mà có vào sâu vào Định thì trí tuệ Bát nhã mới phát sinh. Chính cái trí tuệ Bát nhã nầy là cứu cánh của tất cả mọi người.

Trưởng giả Duy Ma Cật vì những người đến thăm bệnh mà nói pháp khiến cho vô số nghìn người phát tâm vô thượng Bồ-đề. Chư Phật và Bồ-tát dùng mọi phương tiện thiện xảo để hóa độ chúng sinh. Có khi các Ngài tạo duyên để đến với chúng sinh mà giáo hóa, có lúc các Ngài tạo duyên làm chúng sinh đến với các Ngài. Trong kinh nầy ông Duy Ma Cật dùng phương tiện có bệnh để chúng sinh đến thăm ông và tùy duyên mà tỏ bày Chánh pháp khiến mọi người phát tâm cầu quả vị Phật. Phát tâm là nhân, là bước đầu trên con đường bỏ tà quy chánh, phá mê chuyển ngộ mà chứng ngộ là bước sau cùng, là quả. Thật vậy, có đi mới có đến chỉ cần chúng sinh tinh tấn chuyên cần lấy Chánh pháp làm bản đồ, lấy Chánh niệm làm nhiên liệu để lái con tàu Giới Định Tuệ mà thấy được ngọn hải đăng trí tuệ của bờ giác ngộ.

Một điểm sáng chói khác là tuy ông Duy Ma Cật đã chứng được vô sanh pháp nhẫn nhưng ông không chủ trương xa lánh cuộc đời để hưởng thú an vui tịch diệt của Niết bàn mà còn thị hiện dùng phương tiện, tùy duyên tùy cảnh để giáo hóa chúng sinh và giúp họ thay tâm đổi tánh và quay về với Chánh đạo. Bồ-tát vào đời cũng vì lợi ích chúng sinh cho nên với tâm đại bi và trí vô phân biệt, Bồ-tát thấy mình là chúng sinh, chúng sinh là mình, tuy hai nhưng mà một tức là Bất nhị. Tâm bình đẳng thì không còn thấy ta với người, không còn thân sơ, không còn cao thấp…và không còn thấy giữa mình và chúng sinh có sự sai khác nữa mà chỉ thấy tất cả là chúng sinh còn đang lặn hụp trong biển trầm luân đau khổ và lang thang trong vòng sinh tử luân hồi.

Tác Giả: Lê Sỹ Minh Tùng

Trang Chủ

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.