Có những vấn đề lý trí không thể nghĩ bàn.
Cứ mỗi lần tôi gặp một vấn đề nan giải và muốn đầu hàng ( có nghĩa là muốn buông tất cả ) thì một danh ngôn của St Exupery ngày nào… mà trong quá khứ khi vừa 17 tuổi đời tôi đã treo, dán khắp nơi trong nhà để sách tấn cho sự nghiệt ngã của đường đời mà gia đình tôi đã gặp “ TRÊN CON ĐƯỜNG SỐ MỆNH VẠCH SẴN CHO NGƯƠI, NGƯƠI HÃY LÀM XONG SỨ MỆNH RỒI HÃY GỤC ĐẦU MÀ CHẾT “.
Và cứ thế tôi lại phấn đấu tích cực với tất cả khả năng mình có, trải dài trong kiếp sống nhân sinh này cho đến ngày tôi muốn retire ( an dưỡng tuổi già ) thì câu nói này lại chợt hiện ra cho dù tôi đã bao năm tu học hiểu về nghiệp duyên, nhân quả.
Có thể nói phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh, vấn nạn hoặc những điều tốt đẹp mang đến bất ngờ chúng ta phải công nhận một điều: Mọi chuyện đều do nhân duyên mà có. Cái gì đến với mình đều có liên quan với nhân quả nghiệp báo.
Người nên đến thì sẽ đến
Người nên đi bạn không có cách nào níu giữ được
Đừng ép người, đừng ép mình
Đừng bận tâm đau lòng vì một chuyện
Buông bỏ chấp niệm, vạn sự tuỳ duyên
— Đây mới chính là cuộc sống ( đâu đó trên mạng – không biết tác giả)
Hẳn bạn và chúng mình đều biết “ Mỗi người sinh ra đều có duyên nghiệp của họ tương ứng với những bài học mà pháp đưa đến ”.
Thầy tôi thường dạy “ Tu đúng là chỉ thấy, buông và tuỳ duyên đối trị thôi chứ không phải để được điều gì “.
— Con cứ sống trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân-tâm-cảnh như nó đang là, không tham ưu lấy bỏ, không nương tựa bám víu bất cứ điều gì thì đó chính là buông, mặc dù con đang sống trong mối quan hệ, danh vọng, công việc v.v…
Và nên nhớ rằng: Đừng bao giờ muốn xoá đi quá khứ. Hãy để quá khứ yên đó, và ta chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với hiện tại.
Quá khứ sao phải quên, nó đã được lưu trữ kỹ càng trong bộ nhớ, là kho tài liệu cần thiết khi cần đến, Chúng chính là những bài học quý giá giúp ta chuyển hoá nhận thức và hành vi. Một khi nó bị xóa đi như ( trường hợp những người bị tai biến ) muốn nhớ lại cũng không được mới khổ.
Nên nhớ rằng: Không có quá khứ là rác, sẽ không có hoa thơm trái ngọt bây giờ vì một hạt giống nẩy mầm trong đống rác nhưng rác đã trở thành nhựa cây nuôi lớn sự trưởng thành và đơm hoa kết trái.
Tôi đã tư duy và chiêm nghiệm lời dạy này mãi… ” Phải chăng hầu như con người chúng ta đã luôn nhìn về hiện tại qua đôi mắt của quá khứ. Và phải chấp nhận rằng chúng ta đã luôn nhìn hiện tại qua vô vàn điều mình đã tích lũy, trải nghiệm. Và chúng ta đã luôn so sánh, nhận xét, đánh giá hiện tại một cách giả tạo và sai lệch dựa trên vô tận điều mình đã từng tích lũy ”?
Cho đến khi được nghe đi nghe lại những pháp thoại về Trung Bộ Kinh nhất là khi học đến bài kinh số 2 của Trung Bộ kinh “ Nhất thiết lậu hoặc ” Phật đã dạy : ” Né tránh điều đáng né tránh và buông bỏ điều đáng buông bỏ đều tốt. Né tránh những điều nguy hiểm có thể hại mình hại người thì nên né tránh. Buông bỏ những điều không cần thiết chỉ trói buộc thêm thì nên buông bỏ. Đó chính là tu, tuy nhiên cần đủ sáng suốt để thấy điều gì nên né tránh, điều gì nên buông bỏ mới được ” .
Ôi, những lời khuôn vàng thước ngọc chừng nào đây tôi mới thấu triệt được lời dạy này để không còn có những giọt lệ tràn trề trong khoảnh khắc thâu đêm.
Tuy nhiên trên đời này có rất nhiều chuyện một khi cầm lên thì dễ nhưng khó lòng đặt xuống, Ví như chúng ta đang lấy được một vật rất yêu thích, cầm nó một hồi thấy nặng, tuy đã mỏi tay nhưng vẫn chưa buông, vì chưa đến lúc không thể cầm được nữa… mới chịu buông!
Hơn thế, nhất là khi công việc đó đã bám rễ ăn sâu vào tâm thức nhất là khi chúng đã thành thói quen rồi thì khó kiềm chế. Và cũng có nhiều khi ta chỉ mới biết bằng lý trí, kiến thức, chưa phải thấy bằng tuệ tri. Nghĩa là khi chúng ta chưa trải nghiệm đủ để thấy ra toàn bộ sự thật.
Tôi đã tìm về mục hỏi đáp của Sư Phụ Viên Minh trong trang mạng điện tử Trung tâm Hộ Tông và đã uống được dòng pháp nhủ như sau :
“Con vẫn chưa thấy rõ trạng thái buông và thái độ buông khác nhau thế nào. Buông không quan trọng ở trạng thái mà ở thái độ. Nếu là buông trạng thái thì buông được trạng thái này vẫn còn trạng thái khác, như vậy chỉ thay đổi trạng thái chứ không phải thực sự buông. Cho nên buông trạng thái thì vẫn còn là hành động hữu vi tạo tác. Buông như vậy có thể chỉ là lấy bản ngã này loại trừ bản ngã kia, hay nói dễ hiểu hơn là lấy tư tưởng buông để buông tư tưởng, và dĩ nhiên trạng thái buông ấy chỉ là kết quả của tư tưởng (bản ngã) mà thôi. Trong thái độ buông không có bản ngã lăng xăng tạo tác, hay nói cách khác, không có hành động buông nào cả mà ngay khi vắng bặt cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác thì tánh biết liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nên gọi là buông “.
Buông bỏ dính mắc nơi thái độ hay buông bỏ dính mắc bên ngoài? Nếu là buông trong thái độ thì:
Tự do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.
Còn nếu buông bỏ dính mắc bên ngoài thì lại bị ràng buộc vào thái độ ” không dính mắc “.
Trong một giải đáp khác Ngài đã dạy:- Có hai cách buông:
– Một là buông bỏ cái gì đã thấy ra là không cần thiết nữa, buông bỏ những dính mắc, những trói buộc, như bỏ nghiện ngập chẳng hạn.
– Hai là buông với thái độ để yên không can thiệp vào sự kiện đang diễn ra hầu có thể chứng kiến sự diễn biến của nó như thế nào.
Con không cần phải nguyện buông từ từ mà chỉ cần ngay đó thấy tức là buông, như vậy thấy cái nào sinh diệt thì chỉ trọn vẹn thấy ngay cái đó thôi, đừng nghĩ đến sẽ xử lý nó trong tương lai như một định kiến. Thực ra không nên quyết tâm buông nó dần dần vì chính nhờ nó xuất hiện con mới THẤY SỰ THẬT.
Vì sao vậy ?
Không phải buông mà thấy mới là chính. Thấy thì tự nhiên buông nhưng buông làm sao thấy được. Trừ phi buông là buông thái độ chủ quan để chỉ thấy pháp như nó là chứ không buông bỏ pháp nào. Đó mới là thái độ mà đức Phật gọi là không tham ưu, không thủ xả đối với pháp nào trên đời…
Lời kết:
Các bạn thân mến, mình đã suy tư và chiêm nghiệm từ những lời dạy trên mà học được rằng :
– Buông xả không phải là buông bỏ mà cũng không phải trốn tránh, đó là thái độ tâm chứ không phải là hành động của thân như buông bỏ hoặc trốn tránh.
Chỉ nên buông bỏ những điều hại mình hại người do cái “ta” ảo tưởng tạo ra thôi, không nên giữ lại điều gì cả. Cái đúng tốt thì tự nó hiện hữu trong sự hoàn hảo của chính nó.
– Buông bỏ có thể là sự lựa chọn khi lý trí chưa thấy rõ sự thật. Và buông bỏ là tất yếu không lựa chọn khi trí tuệ đã thấy rõ sự thật.
Và khi mình cố quên một điều gì thì không nhớ không hẳn đã không ghi vào tiềm thức. Tiềm thức vẫn tự động lưu trữ, chỉ là do không nhớ thôi. ( Như khi mình đi Shopping thấy hàng sale liền bỏ vào kho món hàng đó , sau đó quên mất, nhưng không có nghĩa là không còn món hàng trong kho ).
Nhưng nếu quên vì tâm buông xả, không chấp giữ điều gì thì đương nhiên là tốt.
Dù kho vô thức vẫn còn đó nguyên vẹn những dữ liệu đúng sai tốt xấu v.v… từ vô lượng kiếp nhưng người giác ngộ vẫn thấy như không. Đó mới thật là cái quên tuyệt hảo.
Vậy nên chúng ta chỉ cần buông thư và sáng suốt biết mình là được. Tâm yên như trạng ngủ mà không mê là cách để thân tâm nghỉ ngơi, gọi là tồn tâm dưỡng tánh tự nhiên rất đúng với chánh đạo.
Và cuối cùng xin gửi đến bạn lời dạy của Hoà Thượng Viên Minh mà tôi rất tâm đắc khi đọc được từ câu trả lời trong mục hỏi đáp:
” Nếu con không thấy pháp như nó đang là thì làm thế nào buông được? Buông mà không thấy là si, do đó cần phải thấy mới biết điều gì đáng buông điều gì không cần buông. Nếu không thấy điều gì là “sở đoạn”, điều gì “phi sở đoạn” mà cái gì cũng buông thì coi chừng thành biên kiến, chấp không!
“ Vô sự hữu sự, vô ngã hữu ngã gì cũng chỉ cần thấy chứ không lấy, không bỏ điều gì. Đó mới là thái độ buông xả ”.
“ Kiên trì hay buông tay còn tùy khả năng của con và điều kiện khả thi hay không. Khi cần kiên trì cứ kiên trì, khi cần buông tay cứ buông tay. Điều quan trọng là con có đủ bình tĩnh sáng suốt để học ra điều gì trong đó không thôi. Đừng nhìn một phía, cần thấy nhiều mặt để linh hoạt, uyển chuyển như nước mới không vướng kẹt vào chính ý chí của mình ”.
“ Tính chất buông xả thì giống nhau, chỉ khác tình huống thôi. Khi hữu sự là buông vọng niệm/tạp niệm/thất niệm để tâm trở về chánh niệm tỉnh giác trên hoạt động hiện tại. Khi vô sự là buông mọi ý đồ tạo tác để tâm trở về bản chất rỗng lặng trong sáng tự nhiên của nó ”.
Kính trân trọng tri ân Hoà Thượng đã chỉ dạy, những lời dạy của Ngài đã giúp con tìm ra lối thoát trong những cách ứng xử trong đời mặc dù tuổi đời đã bước sang đông.
Hãy để yên quá khứ như đã được lưu trữ
Là bài học kinh nghiệm ….quý giá vô cùng
Chỉ nên buông bỏ …chấp niệm đóng khung
Và cần nhớ…
Có những điều lý trí không thể giải đáp
Tuy vậy…
Mỗi mỗi sát na tập luyện chánh niệm tỉnh giác !
Khi hữu sự, vọng niệm tạp niệm …hãy buông
Khi vô sự… nhớ rằng bản chất sáng trong
Niệm niệm thầm…
Nhìn mọi vấn đề một cách linh hoạt !
Uyển chuyển như nước tìm ra sở đoạn, phi sở đoạn!
Hãy biết đặt gánh nặng xuống khi đã mỏi tay
Đừng nương tựa bám víu ai vì muốn cầm hoài
Buông và tuỳ duyên đối trị …mới gọi là sáng suốt !
Huệ Hương