Mượn Thây Hoàn Hồn

Mấy tháng sau, nhân Năng cư sĩ đến Hổ Vĩ để dạy các liên hữu xướng Phật tán, chúng tôi lại theo cư sĩ đến Mạch Liêu. Năng cư sĩ đã từng ở Kim Môn một khoảng thời gian, cho nên ông biết nhiều về phong tục, tập quán, kiến trúc ở Kim Môn. Hôm đó trời mưa phùn nên khi đến nhà Chu Tú Hoa thì cô ở nhà không ra làm ruộng. Vì nhóm chúng tôi có vài người nên cô hơi do dự mãi mới chịu ra. Gập chúng tôi cô gật đầu mỉm cười. Chúng tôi đưa tặng cô sâu chuỗi rồi nói chuyện gẫu. Vì có kinh nghiệm lần trước nên chúng tôi chỉ nói về Phật sự. Chu Tú Hoa nói:

– Từ nhỏ tôi đã tin Phật, ăn trường chay. Bây giờ dù bận mấy, sớm chiều tôi đều lễ Phật. Tôi biết Phật nói không sai. Mọi người phải làm việc lành, đừng làm việc ác, làm ác sẽ bị ác báo.

Tôi đã nghe nhiều người nói cô chăm lễ Phật, có lẽ cô được sống trở lại cũng là do nguyên nhân này. Tôi nhân cơ hội hỏi :

– Cô nói cô tin Phật, vậy ở Kim Môn có niệm Phật đường không?

– Tôi không biết, nhưng nhà tôi có thờ Phật, tôi chỉ lễ Phật ở nhà.

– Bây giờ cô còn nhớ chuyện gì ở Kim Môn không?

Cô thở dài:

– Nhớ thì nhớ được, nhưng chuyện qua rồi còn nhắc lại làm gì?

– Nếu có người tìm giùm cha mẹ cô thì cô có chịu không?

– Đương nhiên, nhưng mà ai giúp tôi, nhưng dù có giúp sợ rằng cha mẹ tôi cũng không nhìn ra tôi. Thân tôi bây giờ không phải là thân tôi khi lìa Kim Sơn.

Nói tới đó mắt cô đỏ lên, nhưng cô giữ không khóc. Tôi chỉ Năng cư sĩ ngồi bên cạnh:

– Đây là Năng cư sĩ, ông cũng tin Phật, đã từng ở Kim Môn, ông hãy còn nhiều bạn bè ở đấy, có thể giúp cô dò hỏi tin tức. Như quả tìm ra cha mẹ cô thì cô có nhận ra họ không?

– Đương nhiên rồi ! Nhưng lúc đó cô có dám theo tôi tới Kim Môn không?

Cô hỏi lại và đợi tôi trả lời.

– Dám chứ.

(Về sau, ông Ngô có nhờ bạn đến Kim Môn dò tìm tin tức song thân Chu Tú Hoa theo địa chỉ cô nói, người bạn về cho biết quả có gia đình Chu Thanh Hải thật, nhưng sau khi cộng quân pháo kích thì toàn gia đã thất tích. Do đó Chu Tú Hoa không cách gì về Kim Môn nhận người thân nữa).

Tôi lại nhân cơ hội hỏi cô khi lìa Kim Môn như thế nào ? Cô nói:

– Sự tình phát sinh năm đó, tôi không biết là năm nào. Lúc đó tôi 18 tuổi, có người nói quân đội định rút lui, do đó dân chúng đều đổ xô xuống thuyền đánh cá để trốn. Tôi cũng theo người ta xuống thuyền.

– Cha mẹ cô không đi cùng sao?

– Không ! Vì lúc đó rất hỗn loạn, cộng quân pháo kích, nhà chúng tôi là nhà buôn bán, không có thuyền, tôi theo mọi người xô đẩy mà xuống thuyền, lạc cha mẹ không ngờ lại là vĩnh biệt. Bữa đó cộng quân pháo kích rất dữ, mọi người xuống thuyền cũng chẳng biết đi đâu. Bình thời dân chài cũng chỉ đánh cá ven bờ. Khi ra biển lớn chẳng biết phương hướng gì, về sau cứ mặc cho sóng biển đưa đẩy. Qua bao ngày, nhiều người chết đói, chết khát. Một hôm thuyền trôi đến hải đảo, có một thuyền ngư dân cập vào. Có người phát hiện ra tôi, họ lay tôi tỉnh lúc đó tôi mới biết đã đến Đài Tây của Đài Loan. Họ hỏi tôi nguyên nhân ra biển. Tôi kể thật cho họ hay, về sau . . .

Nói tới đó cô thổn thức không ra lời. Tôi bèn góp lời:

– Nghe nói họ cướp tiền của cô, lại xô cô xuống biển. Về sau cả nhà họ bị chết, chỉ còn lại một đứa con dở điên, dở khùng có phải không?

– A! thì ra cô đã nghe nói rồi ! Sự thực không phải vậy. Tiền của không phải hoàn toàn của tôi, tôi chỉ có một phần, còn là của tất cả những người trên thuyền. Họ cướp tiền và cả nhà họ chết là sự thực. Tôi tuy thấy họ không có lương tâm, nhưng tôi là người tin Phật, tôi không muốn kết oán thù. Đó là những người cùng thuyền bất bình mà thôi.

– Trước khi cô đến ở nhà ông Ngô thì cô ở đâu?

– Tôi ở Hải Phong Đảo, chỗ đó cây xanh, biển xanh đẹp lắm.

– Cô có thích chỗ đó không ?

– Thích, tôi ở đó ít lâu. Khi bị ném xuống biển thì hồn du Hải Phong đảo, quanh quẩn ở đó chừng 10 ngày thì bị Trương Lý Mạc Tam Phủ Vương Bang thâu làm môn hạ. Vương Bang công cho biết thọ mạng của tôi chưa hết, có thể mượn thây của vợ Ngô Thu Đắc để hồi dương, hãy tạm trú ở Vương Bắc miếu. Không lâu, may gập Ngô Thu Đắc đến Hải Phong Đảo làm việc, liền theo Ngô Thu Đắc. Khi Ngô Thu Đắc làm xong việc về nhà nhà bèn về theo chờ cơ hội. Được vài hôm Lâm Cương Yêu bệnh tình trầm trọng, hồn về Ly hận thiên, tôi liền thừa cơ mượn thây hoàn hồn. Nhưng mượn thây không phải là dễ. Để vào nhục thể người khác là một việc rất khổ não, may có Vương bang công giúp đỡ, khoảng 20 ngày sau mới hoàn thành.

– Cảm giác cô lúc ấy thế nào?

– Rất tự nhiên, nhưng không được quen mấy (ám chỉ lúc trước là một thiếu nữ, nay là phụ nữ có chồng).

– Mạch Liêu so với Kim Môn như thế nào ?

– Kim Môn toàn nhà gạch, đường xá ngay hàng thẳng lối, chứ không lộn xộn như ở đây, cái thò ra, cái thụt vào.

Năng cư sĩ đồng ý với những gì cô nói, theo như ông tính thì đó là năm Dân quốc 43. Nhiều người thấy quân đội vận chuyển súng đạn đi tưởng quân đội rút lui, nên xuống thuyền di tản.

Lần trước chúng tôi đã biết ông Ngô đối với vợ cũ (Cương Yêu) không hợp lắm, nay đối với Tú Hoa thì rất hợp. Cô săn sóc con của Cương Yêu như con mình vậy. Hơn nữa từ khi Tú Hoa đến nhà, gia cảnh càng ngày càng khá hơn. Cô vốn quen buôn bán nên cô bảo buôn bán thứ gì, không buôn bán thứ gì đều đúng cả.

– Cô ở Mạch Liêu gần 2 năm đã quen chưa?

– Cô nghĩ coi, tôi ở căn nhà cũ có quen không? Không những thế còn phải chăm sóc con cái, làm việc nhà . . .

Lúc chưa đến đây tôi còn là con gái, nay là vợ là mẹ người ta. Tôi từng bảo ông Ngô để tôi ở Niệm Phật đường,
nhưng ông không chịu.

– Nghe nói mẹ chồng và các con đều khen cô.

– Đúng rồi ! Họ đối xử tốt với tôi, làm sao tôi không tốt với họ cho được?

Cô đỏ hồng đôi má. Nếu tính tuổi thì cô mới chừng mười mấy đôi mươi lại có con sấp sỉ cùng tuổi kêu mẹ, thật khó mà quen. Lúc từ biệt ra về, tôi cầm tay cô:

– Mọi người đối với cô tốt, cô cũng nên quên đi chuyện cũ. Phật giáo nói tất cả đều là nhân duyên. Cô và Ngô gia có duyên, vì vậy mới từ nơi xa xôi là Kim Môn mà tới đây chung sống.

Cô gật đầu.

– Hơn nữa, mỗi ngày cô đều niệm Phật. Dù ở đâu cũng thế thôi, cần gì phải ở Niệm Phật đường. Phật giáo chủ trương lợi tha rồi mới cầu tự lợi. Cô vì gia đình họ khó nhọc là làm công đức đấy.

Cô im lặng nghe. Tôi lại thêm:

– Nếu cô thích đến Niệm Phật đường thì khi nào rảnh tôi sẽ dẫn cô đến Hổ Vĩ. Hy vọng từ đây cô an tâm không còn thấy khổ não nữa.

Cô cảm kích nắm tay tôi cảm tạ. Khi từ biệt thì Ngô Thắng Ngạn, con trai của ông Ngô Thu Đắc đưa chúng tôi ra bến xe. Vừa đi tôi vừa hỏi anh nghĩ gì về mẹ anh. Anh nói:

– Mẹ tôi sanh trưởng ở Mạch Liêu, chưa hề đi Đài Tây hay Kim Môn bao giờ. Khi khỏi bệnh trở thành một người khác. Sự thực tôi không tin. Tuy xác thân là mẹ nhưng bà cương quyết không nhận là Cương Yêu, thân bằng quyến thuộc bà đều không nhận biết. Tôi thật không biết sao.

– Bây giờ thì sao?

– Dĩ nhiên tôi vẫn kêu bà là mẹ.

– Anh có tin chuyện mượn xác hoàn hồn không?

– Lúc trước thì tôi không tin, nhưng khi tham dự trại họp bạn Hướng Đạo ở Phi Luật Tân, trong đoàn có một anh người Kim Môn, có giọng nói y hệt khi mẹ tôi khỏi bệnh. Do đó, tôi tin bà là người Kim Môn.

Trích Những Chuyện Nhân Quả

Dịch Giả: Dương Đình Hỷ

Theo Nhân Quả Dữ Luân Hồi

Lời bình: Những ai không tin vào sự luân hồi chuyển kiếp xin hãy lấy đây làm gương mà phản tỉnh. Con người khi chết đi, thân xác bị tan rã nhưng thể vía (thần hồn, linh hồn) vẫn còn tồn tại không bao giờ mất. Luật nhân quả rất công bằng: làm lành hưởng quả lành, gieo nhân ác sẽ gặp quả ác. Đừng trách người than trời không mắt bất minh. Nhân quả họa báo đều do chính bản thân ta tự tạo cả.

http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/04/muon-thay-hoan-hon/

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.