Nhân Ngày Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 17/11 Âm Lịch

(Thử tìm hiểu Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc có thật không)
MỘT CÂU DI ĐÀ KHÔNG TẠP NIỆM
NGAY ĐÂY, KHỎI NHỌC ĐẾN TÂY PHƯƠNG

Lời đầu:

Cho mãi đến bây giờ mỗi khi nghe những bài pháp thoại do những giảng Sư thuộc Phật Giáo Nam Tông khi trả lời các câu hỏi về Phật pháp nhất là khi nhắc đến Phật A Di Đà vẫn còn nhiều hoài nghi nên vẫn chưa thể trả lời một cách thật phân biệt, võ ràng.

Vẫn biết rằng các bản kinh được biên soạn từ truyền khẩu rất lâu sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Chúng được biên soạn bằng hai ngôn ngữ chưa được nói vào thời Đức Phật.và chắc chắn rằng không có gì có thể đảm bảo với chúng ta rằng các văn bản là những gì Đức Phật đã nói với lời cuối cùng theo đúng nghĩa đen. Mặc dù thông điệp đằng sau các kinh khá rõ ràng, được bảo đảm bằng sự đồ sộ lành mạnh, được chính thức hóa trong các danh sách dễ ghi nhớ, và được xác nhận bởi sự hội tụ mạnh mẽ giữa việc truyền thừa của phương Bắc (bằng tiếng Phạn, phần lớn đã bị phá hủy và thiêu rụi trong các cuộc xâm lược của người Hồi giáo, nhưng điều đó chủ yếu tồn tại trong các bản dịch tiếng Trung của nó); và mặt khác có sự truyền dạy của phương Nam (bằng tiếng Pali).

Lẽ dĩ nhiên những ai từng tư duy và nghiên cứu về đạo Phật chắc hẳn đã tự hỏi đâu phải mọi lời trong mỗi kinh đều được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng lại một cách chính xác như vậy. Dù sao thế nào các nhà luận giải, chú giải khác có thể chẳng đã thêm vào các văn bản với ảnh hưởng của riêng họ và một số giáo lý của riêng họ nhưng vì những văn bản này được tập hợp bởi những người đã giác ngộ, những người hiểu biết và thực hành rộng rãi truyền thống Phật giáo và tiếng nói của họ phản ánh đúng Chánh pháp thì sự việc cũng không đến nổi quan trọng như thế.

Cũng như ta đã biết chính trong thời Đức Phật còn tại thế, vẫn chưa có một đạo Phật tuyệt đối, một hình thức của giáo điều của Sự Thật mà chỉ có sự hướng đến về phương hướng và phương pháp dẫn đến chân lý giải thoát KHỔ .

Như chúng ta được biết, chính Đức Phật Thích Ca, với tuệ giác siêu việt của bậc Giác ngộ, thấy nhân duyên lớn của chúng sinh ở Ta-bà với Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc nên đã giới thiệu pháp môn Tịnh độ để người hữu duyên tu tập( theo kinh A Di Đà ).

Trộm nghĩ chúng ta là người phàm, không có tuệ giác lớn để biết về hằng hà sa số thế giới trong vũ trụ cũng như các tịnh độ chư Phật trong mười phương ba đời. Do vậy, vấn đề “Đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc có thật không?”, nếu các Phật tử Tịnh tông tin sâu kinh A Di Đà, xác quyết lời Phật Thích Ca dạy vốn không hư vọng, thì những ai còn lại phải suy xét lại căn cơ vaf tùy thuộc nhân duyên của mỗi người.

Tuy hiện nay vẫn có những người phủ nhận cõi Tịnh độ vì họ cho rằng kinh Đại thừa không phải do Phật Thích Ca trực tiếp nói. Đúng là kinh Đại thừa, theo chỗ tôi biết, không phải từ kim khẩu của Đức Phật, nhưng không vì thế mà không có giá trị. Đơn cử như kinh Đại thừa nói vũ trụ có vô lượng thế giới, ngày nay khoa học đã phát hiện là đúng như vậy.

Kính trân trọng

Tịnh độ hiện là một tông phái lớn của Phật giáo Đại thừa (Bắc tông), pháp môn Niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc được không ít người tu tập, thọ trì. Dù thuộc Phật giáo Phát triển nhưng vẫn dựa trên những tiền đề về các cõi Tịnh độ, pháp tu Niệm Phật, phát nguyện sinh thiên vốn bàng bạc trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông). Đạo Phật có vô lượng pháp môn tu nên tùy nhân duyên của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn thích hợp.

Thêm vào đó Phật A Di Đà không được nói rõ ràng trong giáo lý ban đầu, nhưng điều đó không có nghĩa là Phật A Di Đà không có thật và tất cả chỉ là bịa đặt ra. Ý tưởng hình thành dần dần, như những gì giáo lý Phật giáo gọi là “Phương tiện thiện xảo”.

Trộm nghĩ nếu nhiều kinh điển Phật giáo không được coi là lịch sử, nhưng sẽ có giá trị về mặt tinh thần, phải chăng kinh điển Phật giáo đầu tiên, nếu ta quay trở lại thời kỳ của Đức Phật, có đề cập đến tên của 29 vị Phật, và kể về 1.000 vị Phật trong mỗi kiếp.

Mời nghe Kinh Xưng tán Tam Bảo của Nam Tông có đoạn: “ Con đem hết lòng thành kính làm lễ 28 vị Chánh Biến Tri, 12 ngàn vị Chánh biến tri và 500 ngàn vị Chánh Biến tri, Con đem hết lòng thành kính làm lễ Pháp Bảo và Tăng Bảo của các vị Chánh biến tri ấy “ và v,v….

Hơn thế nữa những bức tượng Phật A Di Đà sớm nhất và kinh điển về Phật A Di Đà có từ thế kỷ thứ hai Công Nguyên, rất lâu sau khi Đức Phật nhập diệt.

Tôi đã học được từ những bậc giảng sư hiện nay thuộc Bắc Tông đã chỉ rõ những ngữ nghĩa bóng ẩn dụ của Lục Tự Di Đà và 10 muôn ức Phật trong kinh A Di Đà như sau : “Trong kinh Vô Vấn Tự Thuyết không ai hỏi mà Đức Phật tự nói chỉ với một đối tượng duy nhất Ngài Xá Lợi Phất ( bậc đệ nhất trí tuệ của Tăng Đoàn Như Lai) là vì với trí huệ Phật, chỉ có Ngài duy nhất soi rõ tất cả căn cơ của chúng sinh không sai lầm và Pháp môn Tu Tịnh Độ là một pháp môn mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn cho nên chỉ có Ngài Xá Lợi Phất mới hiểu được và sau đó có thể truyền trao lại và diễn đạt cho tứ chúng về sau này”.

Xin dẫn chứng sự vi diệu của một vài lời trong lời đầu kinh vừa mới phát khởi mà đã chứa đủ cốt lõi của mọi pháp môn : “ Bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất rằng : Từ đây đi về bên Tây Phương kia trải qua mười muôn ức Phật Độ có một thế giới gọi là Cực Lạc, cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà, hiện đang thuyết pháp. Chúng sinh cõi ấy không có những khổ, chỉ hưởng những vui bởi thế cho nên gọi là Cực Lạc “.

Lại nữa, cõi ấy có bảy hàng cây, hàng lưới giăng, màn che bao lơn bằng thất bảo chung quanh” mà bảy hàng thất bảo đó tượng trưng cho Thất thánh tài ( là bảy tài sản thuộc về bậc Thánh hữu học. Đối với bậc Thánh hữu học tại gia gồm: Tín – Giới – Tàm – Quý – Văn – Thí – Tuệ. )

Quả thật vi diệu cho những ai còn sơ cơ như tôi thôi cũng có thể hiểu được Phật hiệu A Di Đà là gì ? Theo đó Phật hiệu Di Đà chính là Ánh sáng vô lượng và thọ mạng vô lượng nên Ngài còn được gọi là Đức Phật Vô Lượng Thọ, Vô lượng Quang nhưng nếu nghĩ xa hơn thì chúng ta có thể nói Di Đà thể hiện cho Phật Tánh, hay bản giác thanh tịnh của chính mình còn gọi là Tự tánh.

Và chữ mười trong mười muôn vạn ức cõi, tượng trưng cho mười kiết sử hay còn gọi là kiến hoặc và tư hoặc mà một người muốn được giải thoát phải đần dần diệt trừ. Cũng cần biết 10 kiết sử chính là mười thứ phiền não căn bản trói buộc và sai khiến chúng ta, bao gồm: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. 10 Kiết sử còn gọi là Tập Đế, tức là 10 nguyên nhân căn bản sinh ra vô biên thứ khổ của kiếp nhân sinh. Chúng có mãnh lực trói buộc loài hữu tình không cho ra khỏi ba cõi. Chúng sai sử làm chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi; từ đời nầy đến kiếp nọ, và phải chịu không biết bao nhiêu điều khổ não.

Hơn thế nữa mỗi tiếng niệm Phật của chúng ta sẽ rung cảm Phật tánh của ta trong vô lượng vô biên pháp giới sẽ linh thông cảm ứng trong khắp mười phương. Như vậy điều này phụ thuộc vào truyền thống mà bạn cho là hợp lệ. Trong truyền thống Đại thừa, Tịnh độ tông là trường phái phổ biến nhất.

Và ngày vía Phật A Di Đà được cho là xuất phát như sau :

Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà.

Theo sách “Đường về cực Lạc”, Ngài sinh vào đời Tống, người Tiền Đường, họ Vương tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng Kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quì mọp nghe Kinh. Trưởng thành làm quan coi về thuế vụ, nhiều lần lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sinh. Bị phát giác hình quan thẩm định án tử. Khi áp giải ra pháp trường sắc mặt vẫn bình thản, vì tin rằng do công đức phóng sinh hồi hướng sẽ được sinh Tịnh độ. Nhà vua cảm động tha bổng.

Ngài xin xuất gia, đến Tứ Minh thọ pháp với Tuý Nham Thiền Sư. Ngài tụng Pháp Hoa Sám, thấy Bồ Tát Quan Thế Âm tưới nước cam lồ vào miệng, được biện tài vô ngại. Ngài tu Thiền nhưng rất mến mộ Tịnh, một hôm đến thiền viện của Trí Giả đại sư làm hai lá thăm: Một đề “nhất tâm thiền định”, một đề “Trang nghiêm Tịnh độ”. Sau 7 lần rút thăm đều rút nhằm lá thăm “Trang Nghiêm Tịnh độ”. Từ đó Ngài tận lực tu niệm hoằng hoá pháp môn Tịnh độ.

Về sau Ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu Trí giác Thiền Sư, ngài trụ ở đây 15 năm, độ được 1700 vị tăng và cư sĩ qui hướng Tịnh độ rất nhiều. Ngài trứ tác tập “Vạn Thiện đồng quy”, chủ ý khuyến tu các pháp lành qui hướng về Tịnh độ.

Lời kết :

Có những vị tổ sư trong các trường phái cổ nhất của Phật giáo, bao gồm cả Nguyên thủy, nơi những người đã giác ngộ hoàn toàn và thoát khỏi luân hồi. Giáo lý này đã phát triển thành Phật giáo Tịnh độ, trong đó những người có đủ đức tin có thể được tái sinh trong một cõi Tịnh độ, nơi mà phần còn lại của con đường giác ngộ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Đức Phật A Di Đà thấy rằng vô số cảnh giới thanh tịnh tồn tại cho những người đã chứng ngộ, những người đã chiến thắng những vọng tưởng của tâm, nhưng không có cảnh giới nào như vậy có thể tiếp cận được đối với những người còn đang loay hoay trên con đường.

Trong số bốn mươi tám lời nguyện của Ngài là nguyện vọng tạo ra một cảnh giới thanh tịnh cho tất cả những ai nghe đến tên Ngài, mong muốn đạt được cảnh giới đó, thiết lập cội nguồn của đức hạnh, và cống hiến công đức của họ để được tái sinh ở đó.

Kính mời xem tóm tắt của 48 đại nguyện mà mỗi đại nguyện bạn chỉ cần hiểu rõ ý nghĩa của 4 chữ thôi sẽ thấy thâm Huyền và thanh tịnh vô cùng. Kính ghi lại sau đây:

1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo.: Cõi Cực-lạc không có các đường ác.

2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo.: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác.

3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng.

4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau.

5/ Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ.

6 Đệ lục đại nguyện: thiên nhãn phổ kiến: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có thiên nhãn thông, thấy suốt vô lượng Phật độ khắp mười phương.

7/ Đệ thất đại nguyện: thiên nhĩ phổ văn: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có thiên nhĩ thông, nghe được pháp âm của chư Phật khắp mười phương.

7/ Đệ bát đại nguyện: tha tâm tất tri: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có tha tâm thông, biết được tâm niệm của khắp cả chúng sinh.

9/Đệ cửu đại nguyện: thần túc vô ngại: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có thần túc thông, có thể đi đến khắp các Phật độ trong mười phương một cách vô ngại.

10/ Đệ thập đại nguyện: bất tham kế thân: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không còn khởi niệm tham ái đối với thân sau.

11/ Đệ thập nhất đại nguyện: trú định chứng diệt: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc thường xuyên sống trong chánh định, cho đến khi chứng quả tịch diệt.

12/ Đệ thập nhị đại nguyện: quang minh vô lượng: Ánh sáng của Phật A Di Đà sáng soi vô lượng, chiếu khắp mười phương Phật độ không bị chướng ngại.

13/ Đệ thập tam đại nguyện: thọ mạng vô lượng: Thọ mạng của đức Phật A Di Đà dài lâu vô lượng, làm lợi ích cho chúng sinh vô tận.

14/ Đệ thập tứ đại nguyện: thanh văn vô số: Chúng Thanh-văn ở cõi Cực-lạc nhiều vô số

15/Đệ thập ngũ đại nguyện: Tùy Nguyện Tu Đoản: Thọ mạng của chúng sinh ở cõi Cực-lạc, ngoại trừ nguyện lực riêng, đều dài lâu vô lượng.

15/ Đệ thập lục đại nguyện: bất văn ác danh: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không nghe một lời bất thiện.

17/ Đệ thập thất đại nguyện: chư Phật xưng thán: Chư Phật khắp mười phương đều xưng tán danh hiệu “A Di Đà”.

18/ Đệ thập bát đại nguyện: thập niệm tất sanh: Tất cả chúng sinh trong mười phương, hết lòng tin tưởng, muốn vãng sinh về cõi Cực-lạc, chí thành niệm 10 niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chắc chắn sẽ được vãng sinh.

19/ Đệ thập cửu đại nguyện: lâm chung tiếp dẫn: Chúng sinh trong mười phương phát tâm bồ đề, tu các công đức, thành tâm phát nguyện vãng sinh về cõi Cực-lạc, đến phút lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng sẽ hiện ngay trước mặt để tiếp dẫn.

20/ Đệ nhị thập đại nguyện: dục sanh quá toại: Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, nghĩ nhớ đến Ngài, chí thành đem mọi công đức hồi hướng nguyện sinh về cõi Cực-lạc, chắc chắn sẽ được toại nguyện.

21/ Đệ nhị thập nhất đại nguyện: tam thập nhị tướng: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều đầy đủ 32 tướng tốt.

22/ Đệ nhị thập nhị đại nguyện: nhất sanh bổ xứ: Chư vị Bồ-tát ở khắp các quốc độ trong mười phương, sau khi sinh về cõi Cực-lạc, ngọai trừ có bản nguyện giáo hóa riêng, tất cả đều đạt đến địa vị “Nhất sanh bổ xứ”.

23/ Đệ nhị thập tam đại nguyện: cúng dường chư Phật: Chư Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều nương Phật lực, chỉ trong khoảng bữa ăn có thể đến cúng dường chư Phật ở các Phật độ trong khắp mười phương.

24/ Đệ nhị thập tứ đại nguyện: cung cụ tùy ý: Chư Bồ-tát ở cõi Cực-lạc, trong khi cúng dường chư Phật, muốn có bao nhiêu vật phẩm để cúng dường cũng đều có đầy đủ như ý.

25/ Đệ nhị thập ngũ đại nguyện: diễn thuyết diệu trí: Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều có khả năng diễn nói nhất thiết trí.

26/ nhị thập lục đại nguyện: Na la diên thân: Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều có thân cứng chắc như kim cương, mạnh mẽ như thần Na La Diên.

27/ Đệ nhị thập thất đại nguyện: nhất thiết nghiêm tịnh: Tất cả chúng sinh và vạn vật ở cõi Cực-lạc đều nghiêm tịnh vi diệu, hình sắc đặc thù, dù người có thiên nhãn thông cũng không biết rõ ràng danh số

28/ Đệ nhị thập bát đại nguyện: đạo thọ cao hiển: Chư vị Bồ-tát cho đến những người chỉ có chút ít công đức ở cõi Cực-lạc đều có khả năng thấy biết sự cao rộng và sắc sáng vô lượng của cây đạo tràng.

29/ Đệ nhị thập cửu đại nguyện: tụng kinh đắc tuệ: Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều thọ trì phúng tụng kinh pháp mà được trí tuệ biện tài.

30/ Đệ tam thập đại nguyện: tuệ biện vô hạn: Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều có trí tuệ biện tài vô hạn lượng.

31/ Đệ tam thập nhất đại nguyện: chiếu kiến thập phương: Đất đai ở cõi Cực-lạc trong sạch như gương, có thể soi thấy các Phật độ ở mười phương.

32/ Đệ tam thập nhị đại nguyện: bửu hương diệu nghiêm: Vạn vật ở cõi Cực-lạc đều do vô lượng châu báu và trăm ngàn thứ mùi hương vi diệu làm thành, khiến cho người nghe mùi hương đều tu Phật hạnh.

33/ Đệ tam thập tam đại nguyện: mông quang nhu nhuyến :Ánh sáng của đức Phật A Di Đà chiếu soi khắp các thế giới trong mười phương, các chúng sinh chạm được ánh sáng ấy đều cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc.

34/ Đệ tam thập tứ đại nguyện: văn danh đắc nhẫn: Chúng sinh khắp thế giới mười phương nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà đều chứng được vô sinh pháp nhẫn và các pháp môn tổng trì sâu xa.

35/ Đệ tam thập ngũ đại nguyện: thoát ly nữ thân: Những người nữ trong mười phương thế giới, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà liền phát tâm bồ đề, thì sau khi mạng chung sẽ không trở lại thọ thân nữ nữa.

36/ Đệ tam thập lục đại nguyện: thường tu phạm hạnh: Chư Bồ-tát ở mười phương thế giới, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, sau khi mạng chung sẽ luôn tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật.

37/ Đệ tam thập thất đại nguyện: thiên nhơn trí kính: Hàng trời người trong khắp mười phương thế giới, khi nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền vui mừng tin tưởng, kính lễ và tu tập hạnh Bồ-tát, thì sẽ được tất cả trời người kính trọng.

38/ Đệ tam thập bát đại nguyện: y thực tùy niệm. Chúng sinh ở cõi Cực-lạc muốn có y phục, ẩm thực, thì liền có như ý.

39/ Đệ tam thập cửu đại nguyện: lạc như lậu tận.: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều hưởng được niềm vui giống như các vị tì kheo đã hoàn toàn dứt trừ hết lậu hoặc.

40/ Đệ tứ thập đại nguyện: thọ trung hiện sát. Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc, nếu muốn thấy vô lượng Phật độ nghiêm tịnh trong khắp mười phương, cứ nhìn vào cây báu thì liền thấy rõ ràng như thấy mặt mình trong gương.

41/ Đệ tứ thập nhất đại nguyện: chư căn vô khuyết. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì được các căn đầy đủ, không bị khiếm khuyết, cho đến khi thành Phật.

42/ Đệ tứ thập nhị đại nguyện: thanh tịnh giải thoát. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền được an trú nơi chánh định thanh tịnh giải thoát, trong khoảng một niệm có thể cúng dường vô lượng chư Phật mà không bị mất chánh định.

43/ Đệ tứ thập tam đại nguyện: văn danh đắc phước. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, sau khi mạng chung sẽ được sinh vào gia đình tôn quí.

44/ Đệ tứ thập tứ đại nguyện: tu hành túc đức. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền hoan hỉ tu hạnh Bồ-tát, cội gốc công đức đầy đủ.

45/ Đệ tứ thập ngũ đại nguyện: phổ đẳng tam muội. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền được an trú trong định “phổ đẳng” (thường thấy chư Phật đồng hiện tiền), cho đến khi thành Phật.

46/ Đệ tứ thập lục đại nguyện: tùy nguyện văn pháp.: Chư vị Bồ-tát ở cõi Cực-lạc đều tùy nguyện mà nghe pháp một cách tự tại.

47/ Đệ tứ thập thất đại nguyện: văn danh bất thối.Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền tiến đến bậc bất thối chuyển.

48/ Đệ tứ thập bát đại nguyện: đắc tam pháp nhẫn. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật A Di Đà, liền chứng được đệ nhất, đệ nhị và đệ tam pháp nhẫn, cùng các pháp bất thối chuyển.

Thường năm đến ngày 17 tháng 11 âm lịch Phật tử chúng ta làm lễ vía của Đức Phật Di Đà. Trong khi gần lâm chung và khi đưa tang hoặc khi cúng lễ thường niệm danh hiệu của Ngài là hiệu THANH TỊNH để trừ những tà niệm, chuyển đổi cảnh đời ô trược thành cảnh giới thanh tịnh sáng suốt như cảnh giới Cực lạc.

Nhân ngày vía của Đức Di Đà, chúng ta cầu mong mọi người thân tâm được an lạc, được hạnh phúc. Cùng hướng về Ngài, niệm danh hiệu Ngài, làm điều phước thiện, nguyện cầu cho thế giới không còn lầm lạc, oán ghét, khổ đau, chia rẽ… Chúng ta hợp sức và đoàn kết lại đề mọi người được an vui trong ánh hào quang nhiệm màu của Đức Phật Di Đà.

Bao năm qua lang thang giữa Đại thừa, Nguyên thủy
Đai duyên một ngày tâm trí được khai quang
Hết còn lẫn lộn Thiền, Tịnh Độ miên man
Bừng tỉnh giấc “ TÂM TỊNH, PHẬT ĐỘ TỊNH”
Niềm hỷ lạc dâng tràn … không còn vướng dính
Vô minh là phương Tây,
… mặt trời trí tuệ phương Đông
Thế giới vạn vật THÀNH TRỤ HOẠI KHÔNG
“ Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng ”
Nhìn soi lại mình có còn loạn động .
Hệ tư tưởng đại thừa… lấy tướng chỉ Tâm
Trùng trùng duyên khởi, không thực có rỗng không
Thiền … tư duy, tu quán sát thân, lời , ý
Khi tâm thanh tịnh -Phật về ngự trị
Tam nghiệp lắng rồi, đồng vãng Tây Phương
Nhân ngày lễ vía thôi hết vấn vương
A Di Đà pháp giới tạng thân toàn xứ hiện ! ( thơ Huệ Hương)

Nhất tâm Đảnh Lễ Nam Mô Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật
Sydney 9/12/2022

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.