Từ Lời Giải Đáp Của Một Vị Thầy

Hơn một tháng nay rồi, mục hỏi đáp trên trang Trung tâm Hộ Tông do HT Viên Minh chủ biên đã chấm dứt với thông báo như sau : “Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác” .

Tôi đã tìm lại những gì thật quý báu mà Thầy đã hồi đáp cho những người cầu tìm học hỏi Phật Pháp mà trong đó có câu hỏi về Y PHÁP BẤT Y NHÂN, ngạc nhiên thay lại liên quan đến sự giải đáp thêm cho những băn khoăn vướng mắc về Phật Giáo Đại thừa và Phật Giáo Nguyên Thuỷ nay kính xin ghi lại hầu để lợi lạc cho những tư duy mà ai đang tìm kiếm… kính trân trọng.

Có rất nhiều người chưa bao giờ gặp Thầy nhưng nhờ họ “y pháp bất y nhân” nên họ vẫn thấm nhuần được đạo. Thầy rất hoan hỷ khi thấy các con đã có thể đạt được trình độ “tuỳ pháp hành” chứ không còn mê tín hay rập khuôn theo lý trí vọng thức nữa.

Thế nào là Y Pháp bất y nhân:

– Trong thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ kheo xuất gia vì ngưỡng mộ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Ngài mà không quan tâm đến pháp học pháp hành. Vị tỳ kheo ấy đã bị đức Phật quở trách rằng, ” dù ngươi theo Như Lai chân không rời từng bước, tay không rời tấm y của Như Lai thì suốt đời ngươi cũng không thấy được Như Lai, nhưng nếu ngươi hành đúng pháp, sống thuận pháp thì dù ngươi ở cách xa muôn dặm vẫn thấy được Như Lai “. Đó chính là cách Phật dạy “y pháp bất y nhân”.

– Khi đức Phật khai thị thì người được khai ngộ thấy ra Pháp, mà thấy Pháp tức thấy Phật, chứ không phải chỉ chiêm ngưỡng Phật hay cầu xin Phật cứu độ mà không tự mình thấy Pháp. Khi thầy nói ra sự thật thì cũng chỉ mong người nghe thấy ra sự thật nơi chính họ chứ không phải nương tựa vào cá nhân thầy. Trước khi đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi sau khi nhập Niết-bàn Ngài có cử vị thượng thủ nào để tứ chúng nương tựa không, Phật trả lời là không, và khuyên tứ chúng chỉ nên nương tựa vào Pháp thôi. Đó chính là “y pháp bất y nhân”.

Thầy đã cũng đọc được không ít kinh luận Đại Thừa và nhờ tinh hoa của Phật Giáo Nguyên Thủy mà thầy tìm được yếu lý của Phật Giáo Đại Thừa. Thực ra trong cốt lõi thì hai bên giống nhau, chỉ khác ở chỗ đức Phật chỉ thẳng sự thật, còn chư Tổ Đại Thừa phần lớn dùng biểu tượng hoặc lý luận để ví von hay mô tả sự thật ấy. Đại Thừa còn gọi là Phật Giáo Phát Triển vì nhắm vào đại đa số quần chúng, mà quần chúng thì thường có hai hạng khác nhau: Một là hạng trí thức thì nặng triết lý nên các Luận Sư đã phát triển mặt triết học lên cao độ qua các bộ Luận của mình như Trung Quán Luận, Duy Thức Luận v.v… Hai là hạng bình dân thì nặng đức tin nên các Tổ Đại Thừa đã phát triển một số Kinh Giáo để đáp ứng mặt tín ngưỡng quần chúng như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm v.v… mà trong đó đạo lý phần lớn được ẩn trong các biểu tượng. Chính vì vậy thời kỳ Đại Thừa được gọi là Tượng Pháp. Nếu giải mã được các biểu tượng và ẩn dụ thì đạo lý hoàn toàn giống Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng nếu không giải mã được thì một mặt rơi vào triết lý suông, mặt khác rất dễ trở thành mê tín. Trong khi Đại Thừa trên đà đi xuống như thế thì Phật Giáo Nguyên Thủy cũng dần rơi vào “y kinh diễn nghĩa” nặng tính kinh điển ngôn giáo để diễn dịch hơn là thấy ra sự thật mà đức Phật chỉ thẳng trước đây. Chính vì thế mà Phật giáo đang rơi vào thời kỳ mạt pháp!

Lý do thầy không còn giảng giải kinh điển nữa, dù Kinh Nguyên Thủy hay Đại Thừa, vì như vậy chỉ mất thì giờ vô ích để dùng ngôn ngữ diễn giải ngôn ngữ. Trước đây thầy cũng có dạy môn Vi Diệu Pháp so sánh với Duy Thức, và thậm chí có giảng Kinh Pháp Hoa giải mã theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy ở Phật Học Viện Phật Bảo, ở chùa Kỳ Viên và Chùa Huyền Không, nhưng đó vẫn chỉ là lý suông không thực sự đem lại lợi lạc thiết thực. Nên từ năm 2009 đến nay thầy chỉ chia sẽ những gì thầy thấy biết thật sự ngay nơi thực tại đang là, vì đó mới chính là những gì đức Phật và chư Tổ muốn chỉ bày.

Gần đây, có một số Giảng Sư thuộc tông phái Đại thừa đã phối hợp thiền định và thiền quán và đã nhận ra sự khác nhau giữa Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và cách niệm Lục Tự Di Đà của pháp môn Tịnh Độ nhất là khi phải chuyên nhất đến độ Nhất Tâm mà không tính đến việc học thêm kinh điển giáo lý của Đức Phật để rồi sau khi gặp nạn, ngã xuống chết và người nhà sẽ chạy tìm đạo tràng hộ niệm và kiếm vị Thầy hay Sư Cô để trợ niệm cầu vãng sanh.

– Vị Thầy ấy cho rằng : “có ai biết rằng nếu chỉ như thế để được vãng sanh thì các đại gia sẽ được vãng sanh trước vì họ có nhiều tiền và khi nếu sau khi được trợ niệm mà da mặt trở lại hồng hào, miệng khép lại thì họ lại sẽ bới tìm xá lợi sau khi hỏa thiêu. trong khi đó thân Đức Phật toàn thân bằng xá lợi có cần gì phải bới đống tro cốt để tìm đâu”.

– Vị Thầy đã nhấn mạnh rằng : ” Muốn được vãng sanh thì phải thúc liễm thân tâm, phải gột rửa tham sân, si, phải gọt dũa phiền não luôn luôn sống trong Chánh niệm từng hơi thở, từng mỗi oai nghi và chỉ cần niệm Phật nhất tâm dù chỉ một vài câu trong lúc tỉnh thức nhất.

Và với bản tánh thích nghiên cứu thêm tôi đã xem lại Cẩm nang mình mà đoạn ghi chú là “ THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỆ TỬ THÔNG TUỆ “ của một Vị Thầy.

Kính mời các bạn cùng xem và chia sẻ hầu lợi lạc cho nhau:

Nào xem trích đoạn nhé₫ ” Một đệ tử thông tuệ không bám vào những lời của Thầy giảng mà TỰ MÌNH THỂ NGHIỆM CHÂN LÝ, trong khi một đệ tử tầm thường phải nương tựa vào những lời của Thầy để dần dần hiểu ra “.

Chính vì vậy mà một vị Thầy nào cũng có thể có hai loại đệ tử :

1- Người nào mà nghe Thầy giảng pháp xong mà còn ham muốn hiểu biết nhiều, tích tụ nhiều diễn giải nhiều , lẫn lộn giữa Động và Tịnh, lẫn lộn giữa cái xấu và cái ác mà còn cố chấp thủ vào một cái là người đệ tử tầm thường.

2- Người nào nghe thầy giảng mà không chấp trước những gì hữu vi hay không hữu vi, cũng chẳng có một niệm gì về động hay tịnh – đó là người đệ tử thông tuệ, họ sẽ hội được lý ngay tức thì, người ấy không cho là tâm mình đã được nâng cao sau khi nghe lời Thầy giảng và người ấy cũng chẳng tìm cầu theo tâm của những bậc trí giả mà người ấy đã vượt qua sự đối đài của Tri Tuệ và say mê. Nghĩa là họ không còn bám víu vào những dục vọng của thế gian, không yêu Phật cũng không yêu người thuyết giảng nhưng nếu được chọn lựa một trong hai, họ sẽ chọn an tịnh hơn vọng động, chọn trí tuệ hơn vô minh, không tham trước vào những lời pháp, không sống trong sự luôn luôn phân biệt thế nào là đúng là phải cũng chẳng cầu mình sẽ trở nên Bồ Tát hoặc thánh hiền gì. Đó chính là đệ tử thông tuệ.

Nhưng theo đại Sư Gao thì cho rằng … Rất nhiều người có căn cơ thông tuệ có thể giác ngộ được không mấy khó khăn nhưng rồi họ trở thành tự mãn và xao lãng không chịu tiến tu Và do đó Đại Sư có một lời khuyên là “ KHI NGỘ RỒI PHẢI LUÔN LUÔN QUAN SÁT CHÍNH MÌNH, TIẾP TỤC THÚC LIỄM THÂN TÂM “ bằng cách vừa lúc vừa khởi lên một khởi niệm lăng xăng thì đừng có chạy theo nó mà dừng lại cho đến khi nào đạt được Sự Vô Tác, tức là đã tới được cứu cánh.

Lời kết

Từ lời giải đáp của một vị Thầy lại thêm bài thơ của Ngài,

Chỉ một thoáng đang là
Cũng tròn đầy tự tánh
Mới biết cõi Ta Bà
Vốn vẫn là Tịnh Lạc ( HT Viên Minh)

Tôi lại chợt nhớ đến lời dạy của Thiền Sư DEVA DARPAN : ( Bờ bên kia hỉ là một biểu dụ thôi- Không có bờ bên kia đâu- Đây là bờ duy nhất mà chỉ khi nào bạn cảm thấy được Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ là bạn đã đi vào bờ bên kia đấy ).

Ngài còn giải thích thêm Tâm trí ta thường được dùng như những bậc đá đi tới trái tim và trái tim hiểu rằng: khoảnh khắc này , ở đây bây giờ là bờ bên kia, nhưng vì trái tim không thạo nói trong khi cái đầu không thể hiểu được nhưng rất ham nói. Và bạn ơi ” HÃY DÙNG CÁI ĐẦU ĐỂ ĐẠT TỚI TRÁI TIM , NHƯNG ĐỪNG Ở LẠI ĐÓ MÀ HÃY DÙNG NÓ LÀM CẦU THANG VÀ QUÊN HẾT NÓ ĐI ”.

Và một khi ta ghê được điệu vũ im lặng của trái tim thì mới cảm nhận được sâu sắc bài ca thảnh thơi và thanh thản mà không có một chút gì lẫn lộn vướng mắc trong đầu.

Phải chăng nơi người đạt đạo đã tìm thấy

• Tâm thanh thản như dòng nước thiên nhiên,
• Tâm bềnh bồng như mây trời vô định
• Tâm thư thả như từng giọt nắng hồng

Và Tâm rất thong dong như chưa từng bị trói buộc bởi bất cứ lý do Mê, Ngộ, Thánh, Phàm, Chân Như hay vọng niệm.

Kính trân trọng,

Tiếng sấm rền vang của suối nguồn trí tuệ
Từ lá thư Thầy khiến chấn động tâm can
Kinh nghiệm truyền trao … ban tặng kho tàng
Khiến tâm thức nhận ra phương thuốc tuyệt nhất
……
Khó dứt bỏ những thói quen huân tập
Dễ dàng lần theo đường mòn dấu vết xưa
Hãy buông bỏ đi tình cảm ghét, thích ưa
Nhận ra Vô thường, khổ …
tính chất mọi sự vật hiện hữu !
Này em …
Biết tâm mình tại đây bây giờ … tự nhủ
Quan tâm chi Mê, Ngộ, Thánh Phàm
Giữa bầu trời siêu thoát rộng không gian
Sức mạnh của phước báu … trưởng thành tột bực
Cõi Ta Bà vốn vẫn là bờ bên kia Tịnh Lạc !!!!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.