Đừng Rời Tín Căn- (nhân ngày lễ Tạ ân cuối năm 16 tháng chạp)

Không hiểu sao dù bị bao nhiêu bạn đồng tu chỉ trích nếu đã theo nguyên thủy lại còn nghiên cứu đại thừa và đôi khi còn làm những bài thơ xưng tán các vị Bồ tát, đó là quên Phật mà chỉ lo nhớ Tổ, thì con đường tu đã sai lầm…

Thế nhưng vì một căn duyên nào trong tiền nghiệp cũ mà tôi đã nhiều năm song hành giữa Đại thừa và Phật Giáo Nguyên Thuỷ, chắc lọc hết những tinh hoa của các kinh điển và dụng công sức nhiều giờ trong ngày để ghi chép lại mỗi khi nghe pháp thoại của quý bậc cao tăng thuộc Nam Tông và Bắc Tông rồi tự mình tìm lấy con đường sáng và nhất định tin rằng sẽ có một ngày được gặp đại duyên… đó là Chư Thiên, thần linh mách bảo thì mới có thể “tu nhất kiếp mà ngộ nhất thời chăng”… ( điều tôi muốn nói Ngộ không phải là chứng đắc đâu mà Ngộ chỉ là biết và nhớ làm theo lời Phật dạy, sống thuận với thiên nhiên biết rõ Vô Thường, Vô Ngã, Nhân quả, Nghiệp Báo để thấy được con đường sáng mà bước vào biển pháp mênh mông với một hải bàn định hướng cho mục tiêu mình bước đến ).

Có lẽ phải kiên trì như thế và với một tín tâm cực độ mà sau gần 10 năm nay vào hai tháng nay gần đây có những điều linh ứng đã xảy ra mách bảo tôi rằng mình đã đi đúng đường khi chỉ dẫn cho một bạn đạo tìm đọc lại Thần chú Kim Cương Tát Đoả (100 vần) mà Mật Tông cho rằng vị Bồ Tát này chính là hoá thân của Đức Bồ Tát Thiện Thủ trong hội Hoa Nghiêm và Vô Lượng Thọ : Ngài Phổ Hiền Bồ Tát… Và một điều nữa từ một vị Thầy mà tôi rất quý kính khi được nhắc nhở vào ngày 14 và 30 mỗi tháng nên tu tập sám hối lại tất cả những tội nghiệp ác do ba độc tham sân si từ thân khẩu ý gây ra trong lời nguyện thứ thứ tư của Ngài trong Thập Quảng Đại Nguyện Vương.

Nhất giả Lễ Kính Chư Phật
Nhị giả Xưng tán Như Lai
Tam giả quảng tu Cúng dường
Tứ giả Sám Hối nghiệp chướng
Ngũ giả Tuỳ hỷ công đức
Lục giả Thỉnh chuyển pháp luân
Thất giả Thỉnh Phật trụ thế
Bát giả Thường tuỳ Phật học
Cửu giả Hằng thuận chúng sanh
Thập giả Phổ giai hồi hướng

Từ hai sự kiện trên bao nhiêu năm thọ trì kinh điển Phật dạy nhất là trong hai chục bài kinh tinh tuý nhất trong 152 bài của Trung Bộ Kinh dường như đã hiện rõ trong đầu từng chữ từng câu với những điều tôi đã tóm tắt lại vào một ngày sau khi là lễ sám hối tại gia (Đúng vậy nếu mỗi ngày ta thành tâm sám hối tội lỗi đã tạo từ nhiều kiếp trong quá khứ và hiện tại thì sẽ được Phật lực gia trì diệt tội chướng tăng trưởng trí tuệ. Người đời nếu không có trí tuệ thì ngày ngày cứ mê mờ tạo tội và sẽ sống chết trong sáu nẻo luân hồi —Còn người học Phật mà không trí tuệ sẽ rơi vào ma đạo).

Thành kính tri ân Thày.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là mỗi khi nghe một bài pháp thoại nào mà tôi cho là phù hợp với căn cơ của tôi nhất dù bất cứ kinh điển nào, lời Phật dạy cũng đều là châu ngọc, là hoa trái cho con đương tiến đến quả đạo (sau khi nghe đi nghe lại ít nhất 10 lần ) mà mỗi lần với tất cả sự chú tâm và mở âm thanh thật lớn cho cây cỏ, chúng sanh nhỏ nhất đang cư ngụ khắp nơi trong nhà tôi hoặc những người âm còn đang lẩn quất chung sống bên cạnh mình và tôi đã tìm thấy con đường mà mình phải tiến bước dù còn xa đến bao lâu đi nữa nhưng với một sự thanh thản, tự tại ung dung vì có bước đi thì sẽ đến…

Thì ra nơi nào còn lưu truyền Phật Pháp, còn đọc tụng, thọ trì lời dạy của Phật thì nơi đó sẽ có hoá thân của Phật, Bồ Tát, Chư Thiên, và Thọ thần đến để hộ trì và nghe kinh.

Sau khi thấy rõ lời kinh Phật lúc nào cũng hiện rõ trong 84 ngàn pháp môn đều quy tụ về vô thường, khổ, vô ngã và cách quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp trong kinh Đại Niệm Xứ ( chủ yếu của thực hành Thiền Minh Sát Tuệ – Vipassana) đều nhằm một mục đích truyền trao cái trí tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn để mình đừng mê vọng mà chấp nhận mọi sự vật đều có thật rồi dính mắc trong ái dục và tôi đã làm một bài thơ như sau:

RỜI XA MỘNG ẢO
Không biết bao giờ nguôi nhớ thương
Thuở thiếu thời…sao mãi vấn vương
Bao nhiêu ký ức miên trường
Đã ghi chép lại giữ hương cho đời
Giờ đây tuổi hạc bên trời
Hắt hiu lặng lẽ à ơi tình người
Chỉ tuồng ảo mộng huyễn thôi
Vụt tan nháy mắt bèo trôi phương nào

Từ khi học Đạo chẳng xuyến xao
Năm tháng cứ qua….ta đón chào
Lời nói vẫn trẻ ngọt ngào
Tinh thần học hỏi vẫn cao làm đầu
Sông dài trời rộng duyên sâu
Hàm ân Phật Pháp nhiệm mầu uyên nguyên
Mỗi người có nghiệp …của riêng
Thực tiễn nỗ lực tinh chuyên làm lành
Trong tâm nguyện Phật đản sanh
Từng giây từng phút viên thành hạnh tu … ( thơ Huệ Hương )

Tôi may mắn lại đọc được lời khuyên tối hậu từ Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi khi dạy cho Thiện Tài Đồng Tử trong phẩm Nhập pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm rằng : “NẾU RỜI TÍN CĂN THỜI TÂM SẼ RẤT YẾU KÉM “.

Lại nữa cũng trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Bởi vì khi có niềm tin nơi Đức Phật, nơi giáo Pháp của Ngài và tin chư Tăng là người đã nguyện sống đời tỉnh thức như Phật thì mới quy ngưỡng và tín thọ, thực hành những lời dạy của Đức Thế Tôn, của chư Tăng đưa đến thành tựu phạm hạnh, an lạc giải thoát. Cũng từ niềm tin mà tiếp thu được những lời dạy quý báu, để từ đó tích tập được các công đức, phước báu cho chính mình.

Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, Đức Phật dạy một người có lòng tin sẽ có 3 biểu hiện như sau: “Ưa gần gũi người có giới hạnh – ưa nghe diệu Pháp—với tâm ly cấu uế xan tham, dù đang sống tại gia, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí”.

Cũng trong kinh Tăng Chi bộ II, chương 5, phẩm Sumana, Đức Phật dạy về 5 lợi ích của lòng tin như sau:

1. Các Thiện nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin,
2. Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin,
3. Khi chấp nhận thọ thực, cúng dường họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin,
4. Họ thuyết Pháp trước hết cho những người có lòng tin,
5. Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời.

Lời kết

Người có lòng tin, đức tin ở trong đời sẽ sống vững vàng, vượt qua được khó khăn, chông gai và các thử thách.

Tin lời Phật dạy để thực hành, tin rằng mình tu tập thực hành sẽ chuyển hóa khổ đau thành an lạc, chuyển hóa cái xấu ác thành cái tốt, tin rằng mình tu tập những Pháp lành sẽ được phước báu. Vì pháp Phật là phương lương dược diệu.

Thứ nữa là tin ở chính mình, mình có đủ tất cả những nhân lành có thể thực hiện được những điều này.

Sau đó là dốc lòng gieo trồng và vun đắp hạt giống lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng ( Tam Bảo) là điều vô cùng quan trọng và cần thiết với mỗi chúng ta để tăng trưởng lòng tin và một trong những quan trọng nhất ấy chính là thân cận các bậc thiện hữu tri thức.

học được những lời dạy của Cổ đức:
“Đời người nếu chọn đúng pháp môn thì một đời thanh thản tự tại “ vì sao vậy ?. Có khi pháp tu này không thích hợp với ta, nhưng lại giúp nhiều người tu thành tựu. Rõ ràng là không phải ở pháp môn tu mà là ở chính con người của mình. Cho nên, lời Phật dạy trong kinh Kalama: Không phải mình bỏ thời giờ sàng lọc pháp môn, mà chính là tìm hiểu chính mình, rồi mới chọn pháp môn thích hợp với con người mình! Có như vậy thì việc tu tập mới mong có tiến bộ khi biết pháp môn nào mới là chánh đạo, chánh pháp đã khiến mình lột xác, trở thành một con người mới, đầy từ bi, thương yêu, và biết hỷ xả.

“Đời người nếu chọn đúng Thầy dạy thì Trí Tuệ một đời” vì xem ra muốn gặp được thiện duyên này cũng phải là căn cơ sâu dày lắm vì mỗi thiện duyên chính là chiếc đò ngang của sinh mệnh, muốn kết được thiện duyên đâu phải là chuyện mà mình muốn được vì trong kinh Vi diệu pháp bất cứ chúng sinh nào cũng phải chịu quy phục trước mãnh lực của 24 duyên ( Nhân duyên – cảnh duyên – trưởng duyên , vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, câu sanh duyên, hỗ tương duyên, y chỉ duyên, cận y duyên, tiền sanh duyên, hậu sanh duyên, trùng dụng duyên, nghiệp duyên, dị thục quả duyên, vật thực duyên, quyền duyên, thiền na duyên, đồ đạo duyên, tương ưng duyên, bất tương ưng duyên, hiện hữu duyên, vô hữu duyên, ly khứ duyên và bất ly duyên ).

Tuy vậy hãy là người tự tin rằng lúc nào mình cũng khởi lên trong đầu một niềm tôn kính Phật và luôn chánh niệm khi nhớ nghĩ tất cả công đức của Như Lai qua sự thanh tịnh và diệu dụng của trí tuệ siêu việt của Ngài và nguyện tri ân và khắc ghi mãi….

Và cũng nhân ngày lễ tạ ân cuối năm 16 tháng chạp âm lịch, thành kính tri ân Thày Tổ, Cha Mẹ nhiều đời, xã hội tổ quốc và những bậc quý nhân hiền trí đã dẫn dắt con trên đường Đạo.

Thật ra ngày lễ này thuộc vào nghi thức của tông nào hay của nhân gian nhưng tôi đã thiết lễ từ ngày hiểu mình mang nặng bốn ân trong đời và mong rằng cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim vì : “Sự thật sẽ luôn là một câu ngạn ngữ thật cổ xưa nhưng chứa đầy sự thông tuệ “ và ….

“Đúng, Sai vốn không tướng thật
Xét cho cùng hết thảy đều không
Người có tự tin thuần tịnh nội tâm
Sẽ thấu tình đạt lý trong mọi quan hệ
Kính tri ân tất cả bằng chân thành trí tuệ
Nguyện tinh tấn học Đạo …
… không uổng phí kiếp người
Một ngày kia sẽ đến cuối chân trời
Đầy hoa thơm cỏ lạ …nơi ghi dấu
“Phật Tâm đang hiện diện trong Ta”

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Ngũ trí nghiêm thân Đức Văn Thù Bồ tát
Nam Mô Thập quảng đại nguyện vương Phổ Hiền Bồ Tát

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.