Lễ Chùa Đầu Năm

Lễ chùa đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Với thành tâm mong cầu bình an cho gia đình, giáo dục con cháu hướng thiện; giữa không gian thanh tịnh, mỗi người sẽ thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, lễ chùa là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian ta đã gìn giữ và lưu truyền hàng nghìn năm nay. Phong tục lễ chùa đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa…). Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì việc lễ chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu một năm, vừa là khởi đầu của sự sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Hải cho biết, lễ chùa đầu năm xuất phát từ một lễ hội thời cổ đại ở Trung Quốc gọi là lễ Thượng tị, có đặc điểm giống lễ té nước, tắm gội (thanh tẩy) của người Thái cũng như nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á và vùng Nam Trung Quốc, được thực hiện vào giai đoạn đầu năm. Lễ hội này sau được thay bằng Tết Thanh minh, là dịp nam thanh nữ tú cùng nhau vui chơi du xuân.

“Khi vào Việt Nam, các nghi lễ của thanh minh – du xuân vẫn được giữ nguyên và có một số thay đổi. Du xuân trong Tết thanh minh, người ta có thể đi chùa, đền, phủ hoặc đến bất cứ nơi nào đem lại cảm giác thanh thản, thư thái để chuẩn bị cho một năm làm việc mang lại kết quả như ý muốn. Đây là một trong những đặc trưng của du xuân hiện nay”, ông Đinh Hồng Hải cho hay.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, người ta có thể đi lễ chùa đầu xuân từ giữa tháng Chạp vì các chùa, đền, phủ thường làm lễ tất niên vào đầu tháng 12 âm lịch (từ mồng 5 đến mồng 10). Các nhà chùa không muốn “đóng cửa” vào ngày Tết mà đón xuân xong sẽ mở cửa đón thập loại chúng sinh. Vì vậy, nhiều người có thể du xuân, lễ chùa ngay đêm giao thừa, những ngày Tết hay ngày làm việc đầu tiên trong năm mới. Với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ, người đi lễ chùa là để sám hối những việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc mưu sinh. Đi lễ chùa còn giúp ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, hướng tới chân – thiện – mỹ trong cuộc sống, để làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng, đi lễ chùa đầu năm cái tâm phải thật trong sáng thì mọi điều mình mong muốn sẽ có thể đạt được. Tâm không thành, lại mưu cầu lộc vật chất theo kiểu tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, Phật sẽ không chứng cho, bởi Phật không hướng con người tới thế giới vật chất mà hướng con người đến trí tuệ, cuộc sống thanh cao. Thông thường đi lễ chùa, đền, phủ, người ta hay hái lộc đầu xuân, là những búp chồi non. Nhưng không phải cứ ra sân chùa hái mang về mà người nhà chùa với tâm thánh thiện đã hái đưa lên bàn thờ để thần linh, đức Phật chứng giám, khi người đến lễ xin về thì chút lộc ấy mới có quả phúc.

Để chuyến du xuân, lễ chùa đạt thành quả, khi đến chùa phải trang nghiêm từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, luôn nghĩ đến điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Vào chùa phải vào cửa bên trái và ra theo cửa bên kia, có nghĩa đi ngược chiều kim đồng hồ theo chiều quay của chữ Vạn. Lễ chùa nhất thiết phải lễ Đức Ông trước sau đó mới vào điện Phật và tay phải chắp để giữa ngực, không cầu xin vật chất mà cầu xin những điều tốt đẹp… Đứng trước ban thờ Phật có nghĩa chúng ta đứng trong dòng chảy sinh lực của vũ trụ, con người sẽ được hưởng hạnh phúc nếu tâm trong sáng và tin rằng sau lễ đầu xuân, một năm hạnh phúc, viên mãn sẽ đến với mọi nhà.

Trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, theo nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải, thay vì đến chùa, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện bái vọng. “Trong tất cả tôn giáo, tín ngưỡng, bái vọng rất phổ biến. Việc không đến được chùa, không làm lễ trực tiếp, bái vọng có ý nghĩa tương tự, vì suy cho cùng Phật ở trong tâm. Chúng ta đi lễ chùa, vãn cảnh chùa là để cho tâm thanh tịnh, thư thái, chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc. Khi dịch bệnh còn hoành hành thì không thể an tâm ở chỗ đông người. Bái vọng là cách để bản thân mỗi người an tâm hơn, chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh”.

Hương Sen – Theo daibieunhandan.vn/van-hoa

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.