Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều những biến động, hết nơi này bão tố, đến nơi kia cháy rừng… Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Người con Phật ngoài nổi xót thương cho kiếp nhân sinh, còn canh cánh bên lòng niềm khắc khoải chưa thoát vòng luân hồi sinh tử. Nếu có chút niềm vui nào chăng, chỉ là niềm vui đang được tu học Phật Pháp, hướng đến một tương lai chứng đạo giải thoát, không còn đau khổ trong cảnh tù đày sinh tử nữa. Một mùa xuân dân tộc lại về trong lòng người con Phật Việt Nam, mùa Xuân năm ngoái đã đến và đã đi, mùa Xuân năm nay tiếp tục đến và sẽ tiếp tục đi. Thời gian trôi qua, mọi thứ đều vô thường biến đổi, chỉ còn lại niềm vui Phật Pháp sẽ mãi thường còn và ngày một thăng hoa trên con đường vươn đến giải thoát.
Đức Phật dạy sở dĩ thế giới biến động vì tâm chúng sanh biến động. Nhưng giữa sự biến động không ngừng đó, thế nào cũng có đôi ba giây phút bỗng dưng được yên lắng bình lặng, chính lúc đó tâm cảm thông với ý niệm: thế giới chung quanh sẽ bình an khi nội tâm có bình an. Những chân lý về “nhân quả” “tâm sinh tướng”, “tâm chiêu cảm cảnh”… luôn luôn đi chung với nhau, những giá trị tâm linh đó mỗi ngày người Phật tử càng nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn.
Không ai khác hơn mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm chính hoàn cảnh của mình. Giá trị thiết thực nhất của đạo Phật chính là luật nhân quả. Nhân quả nghe bình dị nhưng giá trị cảm ứng thật lớn lao. Nhân quả là một định luật của vũ trụ (universal law), nhân như thế nào thì quả sẽ như thế ấy. Cho dù con người, xã hội hay tổ chức nào chăng nữa, dù tin hay không tin, thì định luật nhân quả vẫn âm thầm luân chuyển theo qui trình tiến hóa của nó. Người Phật tử hiểu rõ qui luật này hơn ai hết.
Thực tế chứng minh, nếu đem nhân quả áp dụng vào kinh doanh, kinh doanh sẽ rất thành công. Nhân quả áp dụng xây dựng các quan hệ xã hội, các mối quan hệ sẽ chân thành, vui vẻ. Nhân quả áp dụng vào sức khoẻ, sức khoẻ sẽ được kiện khương. Và trên hết, đem nhân quả áp dụng vào tu học, sẽ gặt hái kết quả giải thoát như hành giả hằng mong muốn.
Bất cứ một kinh doanh nào, khi tâm người chủ đặt lợi ích của nhân viên lên trên hết, sẵn sàng hành động để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, thì chắc chắn người chủ đó sẽ được cả thảy nhân viên và khách hàng gắn bó quí trọng. Một doanh nghiệp trong đó mối quan hệ giữa người chủ – nhân viên – khách hàng, cả ba đều hưởng lợi ích, gần gũi và biết giá trị lẫn nhau thì dù không muốn thành công, doanh nghiệp đó cũng phải thành công một cách huy hoàng và vững vàng. Người chủ sẽ điều hành công việc trong sự nhẹ nhàng, hứng thú. Do tâm trạng vui vẻ, thoải mái đi kèm thái độ tin tưởng nhân viên, nên người chủ không chịu cảm giác nặng nề do áp lực của cố chấp, thiếu tin tưởng thường gây ra. Đồng tiền lợi nhuận có được bằng sự tính toán ích kỷ sẽ trở nên vô dụng, gây đau khổ cho mình và đem đến bức bách cho người. Ngược lại người Phật tử hiểu rõ, tiền tài vật chất đạt được do lòng từ bi và phát Bồ Đề Tâm lợi ích cho tha nhân, đồng tiền đó vừa có giá trị đổi được sự sung túc của vật chất, còn đem niềm hứng khởi chung vui cho mọi người xung quanh. Người Phật tử cư sĩ tại gia gặp nhau đầu năm, gởi đến nhau lời chúc mừng một năm mới vạn sự kiết tường như ý, công việc thành công phát đạt… Quả thật lời chúc mừng ấy bắt nguồn từ việc áp dụng qui tắc Tâm chiêu cảm cảnh vậy.
Các mối quan hệ trong gia đình hay ngoài xã hội cũng không khác. Không ai thích gần người chỉ nghĩ cho mình và vì bản ngã của mình; không ai thích quan hệ với người dối trá không thành thật, không ai thích nói chuyện giao tiếp với người cố chấp, luôn cho mình đúng mà không tôn trọng, quan tâm ý kiến người khác… Do ích kỷ, cố chấp nên các mối quan hệ của người ấy dần dần gãy đổ tan vỡ. Tất cả mọi cuộc giao tiếp đều cạn cợt qua loa trong gượng ép. Tâm đau khổ nên chiêu cảm hoàn cảnh đau khổ, lan tỏa đến xã hội cộng đồng đều đau khổ. Ngược lại, Phật Pháp dạy người hay bố thí, mở rộng tấm lòng.
Bố thí cúng dường bằng tiền tài đã khó, bố thí bằng tấm lòng thương yêu rộng mở còn khó hơn. Người học Phật mỗi ngày, mỗi giờ đều rộng mở tấm lòng chia xẻ niềm vui nổi khổ với mọi người và muôn loài. Tất cả đều cần trãi qua thực tập, không phải một ngày một giờ mà thành công. Nhưng sau khi đã thực hành thành công rồi, kết quả sẽ được lợi ích an lạc vui vẻ, không còn bức rức khó chịu với hoàn cảnh bất toại nguyện xung quanh. Tất nhiên các mối quan hệ với người thân, người quen, rộng ra đến cộng đồng xã hội, sẽ theo đó mà trân quí chân thành, trao nhau tình cảm thương mến đúng nghĩa với chánh pháp giải thoát. Lời chúc mừng đầu năm gia đình hạnh phúc, cháu con thuận thảo hiếu hòa của người con Phật tại gia là thế.
Tâm chính là nhân, tướng trạng hay hoàn cảnh bên ngoài chính là quả. Quá trình từ nhân đến quả đi ngang qua duyên, duyên chính là điều kiện cho quả trưởng thành. Chính do hiểu rõ nhân quả, nên ai cũng có thể thay đổi qui trình của nhân quả. Còn là chúng sanh nên có những lúc thiếu sáng suốt gây tạo nhân không lành là điều tất nhiên. Nhưng hiện tại và tương lai còn quá nhiều cơ hội để thay đổi duyên, tức là thay đổi điều kiện để nhân không phát triển thành quả nữa. Nhưng cơ hội đó không ai khác hơn chính mình phải biết nắm bắt và cố gắng thay đổi. Vì nếu đã gieo nhân, mà còn tạo thêm duyên, không biết thay đổi, thì quả sẽ trổ, lúc đó than thở hay cầu nguyện cho qua nghiệp chướng, hẳn cũng khá muộn rồi.
Người Phật tử thường áp dụng luật nhân quả, nên dù thời gian có xuân, hạ, thu, đông, địa điểm nơi này hay nơi khác, hoàn cảnh dù tốt hay không tốt… nhưng vẫn an tâm, lặng lẽ thay đổi vươn lên với chính mình. Một khi duyên hiện tại thay đổi thuận theo chiều giải thoát thì quả báu trong tương lai chắc chắn sẽ hạnh phúc với cảnh giới giải thoát.
Người Phật tử hiểu rõ những khái niệm do thế gian sắp đặt luôn thay đổi và không bền. Những quan niệm về con người hay cuộc sống xưa nay có thể đúng và được chấp nhận trong một hoàn cảnh nào đó, nhưng đối với hoàn cảnh khác thì không còn đúng nữa. Ví dụ điển hình Mùa Xuân của vùng Đông Nam Á vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai tính theo âm lịch, nhưng cùng thời gian đó ở Nam bán cầu lại là cuối mùa hè, bắt đầu vào mùa thu. Bên kia đại dương cây lá xanh tươi, hoa nở tưng bừng đón chào mùa Xuân mới, bên này lá vàng phủ khắp chuẩn bị lìa cành, chờ mùa Đông qua rồi mới đến Xuân. Mùa Xuân thật sự của Úc Đại Lợi vào khoảng tháng Tám, tháng Chín dương lịch, chứ không phải tháng Giêng tháng Hai như Việt Nam ta. Ai cũng biết thời gian thay đổi theo từng hoàn cảnh địa lý khác nhau, cũng như những quán tính suy nghĩ của con người cũng dần thay đổi theo từng thời kỳ tiến hóa của xã hội. Những bám chấp vào giờ tốt giờ xấu, những suy nghĩ thiếu tính nhân văn về giới tính, tuổi tác hay giai cấp… ngày nay đã thay đổi nhiều dưới cái nhìn của người Phật tử chân chánh.
Thật vậy, khi chưa hiểu rõ Phật Pháp, chưa hiểu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và khả năng chứng đạo như nhau, thế gian thường bám chặt vào những nếp suy nghĩ giới hạn, tự ràng buộc mình vào những chướng ngại đưa đến phiền não, đau khổ. Ngày trước, tất cả các lĩnh vực tôn giáo, chính trị, quản lý xã hội… đều bỏ qua vị trí của người nữ. Nhưng ngày nay thực tế chứng minh, sự khác biệt về giới tính không làm chướng ngại khả năng quản lý, phát triển khoa học hay tu đạo giải thoát. Giới tính, tuổi tác, giai cấp… những khoảng cách đó đã dần được san bằng trên tinh thần kính trọng, tương thân tương ái. Từ đó dễ dàng đến với nhau bằng niệm từ bi bình đẳng, đúng theo tinh thần “Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại…”, năng lực của Phật Pháp không thể nghĩ bàn, lòng từ bi lan tỏa không giới hạn, như đã quá thân quen trong mỗi buổi thọ trai cúng quá đường.
Người con Phật không cam tâm chấp nhận số phận mà biết vươn lên thay đổi hoàn cảnh của chính mình. Trong Phật Pháp gọi là “chuyển phàm thành Thánh” ngay trong lúc sống, hoặc thậm chí sau khi chết cũng được “xả báo thân nhi chứng pháp thân”, nghĩa là cầu nguyện sau khi lìa báo thân sinh diệt này chứng được pháp thân không sanh không diệt theo dòng giải thoát. Rõ ràng quá trình thay đổi chuyển hóa đó không hề có sự phân biệt giữa giai cấp hay giới tính. Mà còn đi xa hơn đến chỗ dù sống hay chết, người Phật tử cũng không bị ngăn ngại. Lúc sống, còn sắc thân để tu tập và thay đổi, lúc chết chỉ còn thần thức không còn sắc thân, vẫn còn cơ hội để chuyển hóa và giải thoát. Miễn chúng sinh đó chịu thay đổi để giải thoát mà thôi.
Người ta hay nói, bị giam trong ngục thất bằng tường vách vật chất còn mong có ngày thoát ra, một khi đã tự nhốt mình trong ngục tù tinh thần thì muôn đời khó đổi. Đó là cách mà những người quản lý xã hội xưa vốn không chấp nhận giá trị nhân văn, cố tình tạo ra những quan niệm phi nhân bản để quản trị xã hội theo cách ích kỷ hẹp hòi của riêng mình. Và đó cũng là cách mà con người áp dụng để quản lý cầm thú.
Ví dụ trong các gánh xiếc, người ta thường thấy con voi thật lớn nhưng chỉ cần cột bằng sợi dây thừng nhỏ bé vừa phải. Quả thật với sức mạnh của con voi đó có thể hất tung cả một căn nhà nhỏ chứ đừng nói chi sợi dây chút xíu đó. Nhưng vì sao nó vẫn chịu đứng yên, vì sao vẫn chịu đưa chân cho người ta xiềng xích như vậy? Lý do là từ nhỏ, lúc voi con còn bé, người quản lý đã xích voi bằng sợi dây xích thật lớn. Tất nhiên bản năng muốn vượt thoát của voi con rất mạnh. Voi con đã từng nhiều lần ráng giật đứt dây xích, nhưng vì sức còn yếu mà dây xích quá lớn nên phải chịu thua. Sau nhiều lần cố gắng vượt thoát mà không thành công, voi con đành thất vọng chấp nhận thua cuộc. Từ đó tin rằng từ đây cuộc đời mình sẽ đi cùng với xiềng xích. Theo thời gian lớn lên, khả năng vượt thoát không còn nữa, cứ thấy xích là tự động vào, tưởng đó là một chân lý bất di bất dịch. Cho đến khi trưởng thành rồi đến lúc già, chẳng cần xích lớn nữa, chỉ một sợi xích nhỏ bé thôi cũng có thể buộc ràng con voi to lớn kia. Vì chính voi đã tự nhốt mình trong ngục tù giới hạn tâm lý đó rồi. Đó là cách quản lý voi mà người ta thường thấy ở các gánh xiếc.
Người Phật tử thì khác, luôn tin chắc rằng chúng sanh nào cũng đều có Phật tánh như nhau, tu đạo cần tinh tấn không ngừng, không nên tự giới hạn mình vào những ý niệm thua thiệt, chấp nhận hoàn cảnh để rồi tiếp tục để hoàn cảnh đưa đẩy mà không biết vươn lên.
Khi biết tự vượt qua chính mình, bỏ đi những giới hạn thì biết bao cơ hội mới đến với ta. Trong đạo đã rõ, sự tiến bộ văn minh con người càng minh chứng rõ hơn. Xã hội ngày nay khá nhiều người lớn tuổi trên 70-80 cũng biết sử dụng Internet hoặc biết Internet là gì? Nghĩ cũng hay, giới truyền thông đặt cái tên cho dạng liên lạc điện tử này là “Inter-net”, dịch sát nghĩa tiếng Việt là mạng liên thông. Mà quả thật như vậy, trên thế gian này đâu có gì tồn tại mà không do liên đới liên thông với nhau. Ngày trước sở dĩ liên lạc còn cách trở vì còn bị hạn cuộc bởi khái niệm khoảng cách với thời gian, sau này các nhà kỹ sư vi tính thử làm bài toán bỏ hẳn thông số khoảng cách, không còn khái niệm khoảng cách trong các phương trình toán học điện tử nữa, thế là thành công phát minh cấu hình Internet. Ngày nay, cứ soạn thảo một bức thư, bất cứ thứ tiếng nào dù tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Ả rập… kiểu chữ khác nhau sao cũng được, chỉ cần nhấn “send” là tích tắc bên kia nhận được, dù người nhận ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Khoảng cách giờ đây không còn là vấn đề trở ngại nữa. Dữ kiện này chỉ góp thêm một dịp cho người Phật tử suy niệm phấn đấu vượt qua những trở ngại vốn đã khắc sâu vào tư tưởng. Lời chúc mừng năm mới nhiều tiến bộ, phải chăng do mỗi cá nhân tự vượt thắng chính bản thân mình?
Chân thành trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất vào dịp đầu năm thật là một truyền thống cao đẹp đáng quí. Tấm lòng tuy quan trọng nhưng không thể biểu hiện nếu thiếu phương tiện ngôn ngữ. Cuộc sống xã hội hòa vui êm ấm hay gây gỗ xích mích, đa phần cũng do ngôn ngữ. Tuy nhiên ngôn ngữ phải được thốt lên một cách chân tình tự mỗi tấm lòng. Nếu không sẽ thành sáo ngữ, giả dối, chẳng có ý nghĩa gì và hơn hết là không chạm vào tâm khảm người nghe. Một khi nói ra mà người không tiếp nhận thì quả thật đáng tiếc biết bao.
Người con Phật hằng ngày thực tập hạnh ngôn từ chân thành, chánh ngữ. Lời chân thành luôn cảm được lòng người. Những người bạn thân quen quí mến nhau đến mấy mươi năm cũng do lòng chân thật đối đãi nhau. Bao sóng gió bất hòa hiểu lầm, rồi cũng nhờ niệm chân thành mà hàn gắn, theo thời gian tình thân ấy càng thêm thắm thiết. Xã hội ngày nay nhiều nhiễu nhương, truyền thông hiện đại tưởng gắn kết con người lại gần nhau hơn, mà sao như vẫn xa thật xa. Phải chăng giữa người với người lòng vị kỷ chướng ngại chưa được khỏa lấp, thiếu vắng tấm lòng chân thành, niệm chân tình lợi ích cho nhau. Dịp đầu Xuân là dịp ý nghĩa nhất để mọi người cùng quên đi những bất hòa của năm cũ, xây dựng lại tình thân, vun đắp niệm từ bi qua những ngôn từ chân thành mừng nhau tuổi mới đẹp đẽ nhất.
Người con Phật luôn phát tâm nguyện cầu cho thế giới hòa bình an lạc, niệm niệm hướng tâm đến chúng sanh không còn đau khổ, phiền não. Cái nóng mùa hè của Úc Đại Lợi bên này, hay muôn hoa đua nở xinh tươi đón chào mùa Xuân trên quê hương bên kia, tất cả đều không còn chướng ngại phân biệt trong lòng người con Phật. Thời tiết hay không gian không còn ngăn trở những tấm lòng đang hướng tâm đến niềm vui giải thoát. Và đó chính là mùa Xuân bất diệt trong lòng người con Phật vậy.
Thích Nữ Giác Anh – Theo thuvienhoasen.org
Viết xong tại chùa Pháp Bảo – thành phố Sydney.