Những Khoảnh Khắc Suy Ngẫm Đầu Năm

Trong những giây phút trầm lặng của một ngày lễ hội đầu năm vừa bắt đầu, tay tôi vô tình chạm đến một trang trong cẩm nang thường nhật đã từng ghi chép về giai đoạn tu hành căn bản và đã đọc được như sau:

– Vị Thầy tốt nhất chính là kinh nghiệm và không qua quan điểm méo mó của bất cứ người nào khác (The best teacher is experience and not through someone distorted point of view)
(Jack Kerouac 1922-1989)

– Một tâm hồn đẹp là suối nguồn vui vẻ, hạnh phúc, nuôi dưỡng thanh xuân thêm lâu dài.

– Giữa thuyết nhân quả và nghiệp báo là một chữ Duyên ( giúp cho người tự quyết định cuộc đời mình – giúp con người lấy lại tất cả chủ động có thể cải hoá nhân xấu vì tẩy rửa được và làm tốt hơn ).

– Đường tu đòi hỏi mình phải tiếp hợp toàn diện với cuộc sống – Tu không phải là thực tập phiến diện.

Nếu chỉ chừng bao nhiêu ấy thôi cũng đủ để mình suy nghiệm cả một một tuần , một tháng, và cứ thế tiếp tục ghi nhận để sửa đổi cái nhìn vì SỐNG PHẢI HY VỌNG VÀO ĐIỀU TỐT NHẤT NHƯNG PHẢI CHUẨN BỊ CHO ĐIỀU XẤU NHẤT.

Thế nhưng, có lẽ bản chất tham luôn có sẵn trong mọi người ( mà tôi là điển hình ) nên tôi đã vội nghiêng mắt nhìn xuống đoạn chú giải để rồi lẫn thẩn trong ý nghĩ mình đã…giữ được chút hương nào cho cuộc đời ngay bây giờ hay cho một kiếp nào đó luân hồi ở kiếp sau… nếu chưa đạt được chút gì…

Thôi thì… với một sơ tâm trong sáng hãy bắt chước một trong những phương pháp mà kinh Hoa Nghiêm đã dạy trong giai đoạn tu hành căn bản như sau :

Kính trích đoạn  ” Người sơ cơ nên tu tập hướng mình đến những hạnh thiết thực sau:

1- Thân cận thiện hữu tri thức
2- Cúng dường Chư Phật
3- Tu tập thiện căn
4- Chí cầu thắng Pháp
5- Tâm thường như hoà
6- Tao khổ năng nhẫn ( gặp nghịch cảnh, nhẫn nại chịu đựng)
7- Từ Bi thâm hậu (tình thương vô biên đối với chúng sinh)
8- Thân tâm bình đẳng (không kiêu ngạo, không chấp trước, khinh mạn)
9- Ái nhạo đại thừa (ưa thích sự rộng rãi, vô biên giới của pháp Đại thừa bằng cái nhìn xuyên thủng của màn lưới VĂN, TƯ cùng những văn hoá giáo điều với lòng cởi mở , không sợ hãi, không thành kiến .
10- Cầu Phật trí huệ ( Tu hành không ngừng liên tục, không gián đoạn, từ đây tới vô lượng vô biên kiếp về sau ).

Kính trân trọng,

Lời kết

Người hiểu biết bên trong của chính mình là người đã thấy đúng theo chân lý – là người chứng ngộ giáo pháp ( – Biết đau khổ – Biết nguyên nhân sinh ra đau khổ và chấm dứt đau khổ và Hiểu được rằng con đường của Pháp Hành sẽ dẫn đến chấm dứt mọi sự đau khổ ).

Vì Hạnh phúc và sự thoải mái trong cuộc sống dễ làm người ta phóng dật và thiếu nhẫn nại, trong khi đau khổ lại rất rõ ràng để quán chiếu. Chúng ta cần biết thế nào là đau khổ trước khi đối cảnh lập nguyện để biết biết pháp môn nào phù hợp với mình thì phải biết căn cơ trình độ của mình.
Có 3 căn cơ:

1- CĂN CƠ TINH TẤN : những người ưa tích cực nỗ lực hành trì để đạt được sở tri sở đắc- vì nặng về ý chí cá nhân, vì vậy họ chủ trương tự lực.

2- CĂN CƠ ĐỨC TIN : những người này thấy ý chí cá nhân chỉ đưa đến tự trói buộc trong sở tri sở đắc của mình, nên họ từ bỏ và tin vào một tha lực huyền bí nào đó chi phối vũ trụ.

3- CĂN CƠ TRÍ TUỆ : những người biết sống và quan sát sự vận hành của Pháp, thấy ra sự thật của đời sống không phải tha lực hay tự lực mà biết sống tuỳ duyên thuận pháp.

Hơn thế nữa vì …Chất lượng của bất cứ công việc nào cũng rất quan trọng. Trong cuộc sống của chúng ta, nếu không có chất lượng chúng ta sẽ không cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình. Do vậy nếu bạn sáng tạo , bạn có thể vận dụng chánh niệm trong mọi công việc, lúc đó mọi việc sẽ có chất lượng tốt hơn.

Một mặc khác, khi nghĩ về cuộc đời chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến phẩm chất của Tâm. Nếu cần phải đánh giá cuộc đời của một người nào đó… chúng ta sẽ đánh giá họ bằng chính TRẠNG THÁI TÂM của họ.

Và điều thiết thực nhất là người học Đạo vẫn phải có một lập trường của chính mình…Thí dụ khi nghe ai bảo điều gì là PHẢI, nhưng với trình độ kiến thức và căn cơ của mình mình thấy rõ CHƯA PHẢI thì vẫn không ùa theo chấp nhận mà lẵng lặng tự nhủ… biết đó là CHƯA PHẢI cũng như nghe ai cho rằng điều gì đó là SAI nhưng với kinh nghiệm học hỏi của mình nếu mình xét thấy ĐÚNG hãy thầm nhận là ĐÚNG ( dù rằng có thể bị người chỉ trích là chấp thủ ).

Đây là trường hợp thường gặp của người viết khi được nghe nhiều pháp thoại với nhiều giảng sư thuộc nhiều tông phái khác nhau.

Kính mời nghe lại một danh ngôn tuyệt vời của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “ Chúng ta sẽ không thể nào tìm thấy được hạnh phúc nếu chúng ta không nhìn vào Hiện tại mà chỉ biết đuổi theo Ảo giác. Dù cho hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa gì, vạn vật đều như thế , không thể nào đúng theo ý mình mong muốn. Chỉ cần Quán thấy và Chấp nhận điều ấy, chính là một trong những chiếc chìa khoá mang lại hạnh phúc “.

Trong khoảnh khắc …
tống cựu nghinh tân 2023, suy nghiệm:
Kinh nghiệm là vốn liếng, là vị Thầy
Trách nhiệm lại là …
Phương hướng nhận sự sống trong tay
Sẽ… nắm được chìa khoá mang lại Hạnh phúc !

Luôn nhìn vào thực tại, lục căn thu thúc
Hãy gieo trồng trưởng dưỡng đóa hoa lòng
Tình người thanh khiết, ánh mắt cảm thông
Sự mầu nhiệm tự nhiên… đang có mặt
Khám phá chân chính nơi mình… con người thật
Tâm là chiếc xe, tu là cuộc hành trình
Lại có gia tài hòn ngọc vô giá… nơi mình
Thì nghiệp báo, phiền não khó đeo bám được
Hãy gửi lại cho đời… chút hương thơm ướp !!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.