Thập Nhị Nhân Duyên

Theo[28] Thành duy thức luận 8, thì Thập nhị nhân duyên được giải thích như sau:

Từ vô minh cho đến hữu là 10 chi nhân. Sanh, lão tử là 2 chi quả, từ sự phân chia này thiết lập nhân quả nhất trùng. Nhưng vì nhân cùng quả không cùng ở trong hiện tại mà phải khác đời, nên thiết lập nhân quả nhất trùng hai đời:

Vì hai chi vô minh và hành là nhân của năm chi (từ thức cho đến thọ,) nên hai chi vô minh, và hành là chi năng dẫn, còn năm chi kia là chi sở dẫn. Vì vậy nên bảy chi này gọi chung là nhân dẫn dắt.

Vì ba chi ái, thủ, hữu là nhân có thể sinh ra hai chi sinh, lão tử đời vị lai, nên ba chi này gọi là chi năng sinh, hay là nhân sinh khởi, còn lão tử gọi là chi sở sinh hay là sở dẫn sinh.

Tuy ở đây có phân chia ra chi năng dẫn và chi sở dẫn; chi năng sinh và chi sở sinh, nhưng chúng vẫn không ngoài ý nghĩa duyên khởi, hay y tha khởi này. Cho nên sự hiện hữu của nhất trùng hai đời cũng chỉ là một sự hiện hữu giả danh trong ý nghĩa duyên khởi hiện khởi mà thôi.

Theo các nhà Duy thức của Thành duy thức (Siddhi), và Nhập lăng già  (Lankāvatāra) cho rằng các nhà Tiểu thừa nói chung và các nhà hữu bộ nói riêng chỉ biết nắm giữ hiển giáo của đức Phật chứ không biết gì về mật giáo; họ chỉ chấp nhận sự sinh khởi về mặt hiện tượng về thập nhị nhân duyên của sự vật mà thôi, chứ không tìm hiểu tính bất sinh căn bản của sự vật, và với lập trường nhơn không, pháp hữu nên họ xem ba giới là thật có, có sự sai biệt giữa chủ thể và đối tượng, tự chấp nhận uẩn, xứ, giới, tâm, nhân duyên, sinh, trú, dị, diệt luôn hiện hữu. Trong khi đức Phật đã từng tuyên bố: «Apratītyasamutpanno dharmaḥ kaścin na vidyate.» (Không bao giờ có thể có một sự vật gì phát sinh mà không có nhân duyên.)[29] Họ đã không để ý đến và bỏ quên, nên không biết đến pháp không  (S. dharmaśūnyatā), khi đức Phật dạy: «Mọi vật đều vô thường, mọi vật đều vô ngã.» Khi đề cập về lý duyên khởi Laṅkāvatāra cho rằng vì hiểu được muôn vật phát sinh do nhân và duyên, nên đoạn trừ được mọi vọng tưởng xem mọi sự vật không hiện hữu cho là hiện hữu, và xem sự phát sinh của chúng là từ từ hay đột khởi. Theo Laṅkāvatāra thì duyên khởi phát sinh do hai cách: ngoại nhân, ngoại duyên như đồ gốm, bơ, cây con v.v… và phát sinh do nội nhân, nội duyên như vô minh, ái, nghiệp v.v… Vì vậy nên các nhà duy thức cho lý duyên khởi thuộc về lãnh vực của vọng tưởng (parikalpana) chứ không phải thực hữu.

Theo các nhà Duy thức chỉ có ba sự thật mà thôi đó là: Biến kế sở chấp  (S.parikalpana), Y tha khởi (S.paratantra), và Viên thành thật (S. pariniṣpanna). Theo ngài Asaṅga (Vô Trước)[30] sự liên hệ của ba sự thật này được trình bày như sau: «Sự thật về Viên thành thật là sự thật nói đến sự không thể hiện dưới hình thức Parikalpita hay Paratantra, và không phải không hiện hữu dưới hình thức Pariniṣpanna. Sự thật này không khác, vì cả hai sự thật trước không khác với sự thật sau.»

Về sự thật thứ nhất Parikalpita: là nói đến mọi sự vật hiện hữu được là nhờ vào nimitta (tướng: về hình sắc) và lakṣaṇa (tánh: khổ, lạc…) được gán vào cho sự vật ấy. Ngược lại nếu sự vật tướng và tánh của chúng không được gán vào thì chúng sẽ không hiện hữu. Vậy sự hiện hữu có được của sự vật là do con người tưởng tượng đặt lên cho chúng, kể cả pháp của đức Phật. Do đó sự hiện hữu này chỉ là một sự hiện hữu trong tưởng tượng của con người, chúng không có liên hệ gì đến sự thật. Vì vậy chúng là Parikalpita (biến kế sở chấp). Đó là cách giải thích của các nhà Duy thức trong tập Siddhi (Thành duy thức). Cũng vậy tập Lankàvatàra thì cho: mọi sự vật duyên khởi biết được là nhờ vào các tướng và tánh của chúng. Tướng và tánh chia ra làm hai loại: một, sự vật chỉ nhờ vào khía cạnh tổng quát nội và ngoại của nimittta mà biết; hai, sự vật phải nhờ vào đặc tướng và tánh nội ngoại cả hai nimitta-laksana phát sinh mà biết.

Về sự thật thứ hai Paratantra: Đứng về mặt sinh khởi, sự hiện hữu của mọi sự vật được hình thành nhờ vào óc tưởng tượng và chúng được y cứ vào một sự vật khác để sinh khởi (Paratantra). Do đó sự vật không còn là nguồn gốc chính chúng phát sinh như lúc ban đầu nữa. Vì vậy dù sự vật, thiện, ác, vô ký, hay ba giới, tâm, và tâm sở luôn luôn vẫn lệ thuộc vào tưởng tượng, và sự hiện hữu của chúng cũng khởi lên từ các nhân và duyên mà sinh khởi, có nghĩa là chúng y vào các pháp khác mà sinh khởi để hiện hữu, và vì vậy không thể gọi chúng là hiện hữu thật sự.

Về sự thật thứ ba Pariniṣpanna: là sự thật tối cao thuộc về Paramrārtha  (chân đế) hay Tathatā (như thật tánh) chúng liên hệ đến Niết-bàn, tịnh lạc v.v… mà tất cả phiền não và nghiệp chướng được diệt tận. Sự thật này thuần nhất không có phân biệt giữa chủ thể và vật thể như Paratantra. Về phương diện sự tướng thì cũng có thể gọi là Dharmatā (pháp nhĩ như thị), hay nói một cách khác là tối thượng tiềm tàng trong thế giới hiện tượng.

Đó là ba sự thật của các nhà Duy thức, qua ba sự thật này thì thập nhị nhân duyên chúng thuộc về hai sự thật trên và chúng được coi như là một sự hiện hữu không thật có, chúng có được là do nhân và duyên mà hiện hữu. Bởi vậy sự hiện hữu của chúng cũng là một thứ vọng tưởng do sự tưởng tượng của con người đặt ra cho chúng, chúng thuộc về Samvṛti (tục đế), chỉ có sự thật thứ ba mới là Paramārtha (chân đế).

Cũng như các nhà Duy thức, các nhà Đại thừa nhất là Trung quán rất tán thán công thức thập nhị nhân duyên này, nhưng họ không mấy chú tâm về ý nghĩa của những vòng chuyền công thức này, vì ở đây họ chỉ chú tâm vào giáo lý chính đó là dharmaśūnyatā (pháp không) trong đó có cả pudgalaśūnyatā (nhơn không). Nhờ hai pháp này xứng hợp với quan điểm về sự thật của họ, do đó các nhà Đại thừa và Trung quán đã xem đức Phật có hai hình thức giáo lý để dạy người, một là tục đế, và một là chơn đế. Ở đây thập nhị nhân duyên được các Ngài liệt vào hàng tục đế chứ không phải chân đế như các nhà Tiểu thừa và Hữu bộ đã chủ trương.

Ngài Nāgārjūna (Long Thọ) chủ trương mọi vật đều không (sarvaṃ śūnyam) như đức Phật đã từng dạy: «Mọi vật đều vô thường, mọi vật đều vô ngã,» không có tự tính, nên các pháp hiện hữu có được là do duyên sinh, ngay cả thập nhị nhân duyên cũng chỉ là một hiện hữu do duyên, nên chúng cũng không thật hữu, chỉ là sự hiện hữu giả danh. Như hai bài kệ mở đầu trong chương quán nhân duyên Trung luận của ngài Nāgārjūnā, Phạm chí Thanh Mục thích như sau: «Như trong kinh Bát-nhã ba-la-mật, Phật bảo ngài Tu-bồ-đề: “Bồ tát khi ngồi ở đạo tràng, quán thập nhị nhân duyên cũng như hư không, không cùng tận.” Sau đức Phật diệt độ 500 năm, trong thời kỳ tượng pháp, căn tánh con người trở thành ám độn, đắm sâu các pháp; tìm tướng quyết định nơi mười hai nhân duyên, 5 ấm, 12 nhập, 18 giới. Không hiểu thâm ý của Phật mà chỉ chấp vào văn tự. Nghe trong Đại thừa nói: “Rốt ráo Không”; chẳng biết vì lý do gì nói Không, liền phát sinh kiến chấp nghi ngờ rằng: “Nếu tất cả rốt ráo là Không, làm thế nào phân biệt báo ứng tội phước v.v…” Và như vậy, thì không có thế đế và đệ nhất nghĩa đế. Chấp thủ tướng Không ấy, khởi lên sự tham đắm, ở trong lý rốt ráo Không phát sinh vô số sai lầm. Vì những lý do đó, nên Ngài Long Thọ làm bộ luận này.[31]» Theo giải thích của Phạm chí Thanh Mục, thì ở đây, Bồ tát Long Thọ muốn chúng ta nhận thức rõ ràng và hiểu biết thêm về lý nhân duyên sanh một cách hữu lý qua mười hai nhân duyên cũng như các pháp khác, mà không rơi vào thiên kiến, mê chấp, cố định. Vì Phật Pháp là pháp bất định, nên chúng phải được thích ứng và thể hiện qua mọi thời gian, mọi không gian, tùy căn cơ của mọi từng lớp chúng sinh, trình độ trí thức hay kém trí thức. Do đó, chúng không phải là pháp cố định độc lập, và hiện hữu thật sự, mà chỉ là một hiện hữu giả tạm. Chính vì sự hiện hữu giả tạm nên chúng không có tự tánh riêng của chính nó, chúng mang bộ mặt không tánh; vì vậy sự hiện hữu có được của chúng là do nhân do duyên mà có. Do đó chúng được gọi là Sarvam Sūnyam. Bịnh trầm trọng của chúng sanh là bịnh thiên kiến, cố chấp; cho rằng các pháp thường tồn, đoạn diệt, hay là do Thượng đế, Phạm Thiên sáng tạo v.v…. chính những nguyên nhân cố chấp này làm trở ngại con đường khai phóng tự tại giải thoát. Cố chấp là không có tinh thần uyển chuyển, mở tầm mắt, tâm hồn khoáng đại, để nhận lãnh và quan sát cùng tận chân lý phổ quát, tòan diện. Sự thật ngày nay không ai còn nghĩ rằng sự vật trong vũ trụ này là từ vô nhân hay ngẫu nhiên có, mà không phải từ nhiều nhân tố, phương tiện điều kiện hợp thành, như cái bàn, cái ghế. Ngay bản thân chúng ta, cũng do nhiều nhân tố hợp thành… Nhưng chúng ta đừng khẳng định rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh mà cố chấp vào nhân duyên, vì nhân duyên cũng không ngoài các pháp.

Qua hai bài tụng mở đầu trong chương quán nhân duyên, Bồ-tát Long Thọ đã nói lên sự sai lầm không những của các phái ngoại đạo vào lúc bấy giờ, mà ngay trong nội giáo cũng có quan niệm sai lầm về các vấn đề: Sinh, diệt, thường đoạn, một, khác, đến, đi trong nhận thức của họ. Và 14 bài tụng tiếp theo, Bồ-tát Long Thọ tuần tự chỉ ra những nhận thức sai lầm của họ trước hết ngài khẳng định rằng:

 Các pháp không tự sinh, 
 Không từ cái khác sinh, 
 Không từ cả hai, không vô nhân. 
 Thế nên biết không sinh. [1] 

Theo Ngài các pháp xưa nay vốn không tự chúng, sinh ra, cũng không từ cái khác sinh ra, từ cả hai (tự và tha) sinh ra, hay không nhân sinh ra nên gọi là không sinh, Ngài dạy tiếp:

 Như tự tánh các pháp, 
 Không tồn tại trong duyên. 
 Vì vốn không tự tánh, 
 Nên tha tánh cũng không.[2] 

Tất các pháp đều do nhân duyên sinh nên chính chúng không có tự tánh. Tự tánh là chỉ bản thể thường trú mà Bồ Tát Long Thọ gọi là Śūnya, tánh chân không. Bản thể này không phải từ nhân duyên hay phi nhân duyên. Do đó tự tánh bản thể chân không là tánh bất sanh bất diệt… và:

 Nhân duyên, thứ đệ duyên, 
 Duyên duyên, tăng thượng duyên; 
 Bốn duyên sanh các pháp, 
 Không có duyên thứ năm.[3] 

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.