Từng mảng nắng hồng nhè nhẹ xuyên qua cành cây, ngọn cỏ. Những cây Mai, cành Đào đươm sắc thắm. Tiếng cười ngây ngô của vài đứa trẻ trong sân chùa đã làm nên mùa xuân. Lại một mùa Xuân bình dị nơi xứ người đến. Mùa Xuân của đất trời mang một sắc thái êm đềm khiến lòng người cũng cảm thấy tươi mát.
Chào mùa Xuân mới cũng nên kiểm điểm thành quả mà mình đã đạt được trong năm, đó là thông lệ của người đời. Cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam là vào đầu Xuân cùng nhau ngồi nhâm nhi ly trà nóng, rồi ôn lại những việc làm của năm qua . Còn ta, ta sẽ nói gì với nhau vào mùa Xuân này? Và ta sẽ trao cho nhau những gì khi mùa Xuân đến ? Một nụ tầm xuân ư ? Cành hoa vương giả ư ? Hay tiếng chim hót líu lo trên cành đào, khóm trúc ? Hay làn gió mát thoáng qua khi ánh mặt trời chiếu trên thiên đỉnh ? Xuân vẫn có từ ngàn xưa cho đến giờ. Lọ là một cơn gió nhẹ, một cành mai vàng thì mới gọi là Xuân. Riêng tôi, tôi có cả một vườn Xuân diễm tuyệt, xin mời bạn cùng bước vào.
Đây là cành Mai vàng rực rỡ của buổi đầu năm mới: Tôi còn nhớ lúc ba còn sống, không năm nào chúng tôi lại sót buổi tiệc trà đạo vị do ngài Chánh Trí mai Thọ Truyền tổ chức, buổi tiệc trà thân mật đó luôn đậm nét trong tôi mỗi khi Xuân về. Cũng như khi đến Melbourne thì gia đình chúng tôi không bỏ sót một ngày nào của buổi lễ trao quà kiết tường do Thầy trụ trì tổ chức. Buổi lễ nói lên được tính truyền thống của dân tộc , sự đầm ấm của một đại gia đình Phật tử Việt Nam cùng nhau tụ hợp trên mảnh đất Phật thân thương nơi xứ người. Chúng tôi trao nhau từng món quà , từng nụ cười rạng rỡ, san sẽ nhau những niềm vui vì được món quà như ý, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, vui vẻ chờ đợi đến phần mình. Qua sinh hoạt an vui đó, chúng tôi đã thực hành được các pháp : bố thí, ái ngữ , nhẫn nhục, luôn cả đồng sự và lợi hành nữa chứ , vì mọi người cùng góp phần, góp niềm vui và ai về cũng có ít nhứt là một gói kẹo và thêm một món quà mới.
Trong suốt năm chúng tôi cũng không quên những buổi thuyết giảng đầy sôi nổi của thầy Phước Thái về kinh A Di Đà cùng với những bài trùng tuyên của các bạn đạo. Sáng kiến này đã cho thầy cơ hội khám phá thêm nhiều nhân tài mới trong đạo tràng có khà̉ năng thuyết giảng hùng hồn với giọng văn thật nhẹ nhàng và đầy ấn tượng. Vậy thì phải nói có nhân và cũng có quả , thầy không hoài công giảng dạy chúng tôi cũng gắng công học hỏi làm vui lòng thầy. Tưởng và nhớ những bài pháp của thầy chính là những chùm pensé tươi sắc thắm.
Mùa an cư năm nay, thầy Phước Thái không mở khóa tu tịnh nghiệp. Thay vào đấy một sinh hoạt tuy mới đối với chúng tôi tại Úc nhưng lại là việc cũ của muôn đời trước và là việc thường xuyên của các nước Miên, Lào, Thái, Miến. Thầy Phước Tấn đưa chúng tôi lui về một chút quá khứ của hơn hai ngàn năm trước. Việc thầy tổ chức các tăng ni đi khất thực theo thứ lớp trong chánh niệm, Phật tử chúng tôi cúng dường cũng trong chánh niệm là bước tiến mới . Buổi khất thực theo thứ lớp được lập lại vào ngày lễ Vu Lan không những tại chùa Quang Minh mà còn ngay cả con đường Nicholson bận rộn nhứt của Footscray giữa lòng Đô Thị Maribyrnong nữa và lại được các tông phái khác cùng tham dự. Trong bức thư mời các tông phái, thầy đã xác định việc trì bình này nhằm giúp các tăng ni nuôi dưỡng tính khiêm cung và lòng biết ơn khi nhận được phẩm vật cúng dường từ đàn na tín thí. Sau đó chư vị tăng ni sẽ thọ thực với những kẻ cùn khổ, không nhà, để gieo duyên và thực hành pháp từ bi và bình đẳng. Ôi cao quý thay những lời dạy của đức Thế Tôn và đẹp đẻ thay phẩm hạnh khiêm cung của quý thầy! Đúng là rừng hoa công đức đang nở rộ trong bầu trời chánh Pháp ! Đây là bài pháp thật hay thật đẹp mà Đức Thế Tôn đã để lại trên hơn hai ngàn năm qua và khi thực hành quý thầy và chúng tôi mỗi người dù có cảm nhận khác nhau nhưng phải công nhận rằng không có vị nào đậm đà cho bằng vị bố thí cúng dường mà Đức Phật dạy. Vì rằng bố thí là một pháp được hiện diện và luôn đứng đầu trong lục độ ba la mật , tứ nhiếp pháp mà Phật dạy . Quý thầy thí pháp , chúng đệ tử cúng dường. Đó cũng là hồ sen tịnh tâm do sáng kiến thầy trụ trì. Tuy cảm nhận của tôi có đậm đà thật nhưng nếu xét theo tinh thần Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật thì khi bố thí, cúng dường phải không được chấp tướng nhân, tướng ngã , tướng chúng sanh và tướng thọ giả. Như vậy thì tôi xin cúi đầu chịu tội và xin thưa rằng tâm mình còn dính mắc, vậy là chưa đúng hẳn là bố thí ba la mật rồi . Chắc hẳn là khi thực hành đúng nghĩa “Bố Thí Ba La Mật” cảm giác phải đậm đà và an lạc hơn nhiều. Kìa là đóa hoa An Lạc nở trong tâm mọi người mà không chờ Xuân đến.
Trong kinh Pháp cú đức Phật đã dạy rằng :
“Pháp thí thắng mọi thí
Pháp vị thắng mọi vị …” là vậy .
Vậy thì nếu ai đã thực hành đúng pháp thì sẽ cảm nhận được điều Đức thế tôn dạy. Nhưng riêng đối với quý thầy thì quả có “Pháp thí thắng mọi thí ”. Tính ưu việt của đạo Phật thông qua các bài giảng của thầy trụ trì , thầy giáo thọ và thầy Phước Hựu làm cho đạo tràng Quang Minh càng ngày càng thăng tiến. Các bạn sen phấn khởi học tập tìm hiểu kinh điển. Tôi tìm thấy được những khuôn mặt phát quang của các bạn sen với nụ cười hân hoan ghi ghi, chép chép. Buổi học kinh A Di Đà đã chấm dứt trong Tháng Mười vừa qua. Đó là những thành quả tốt đẹp mà các bạn sen đạt được. Trước khi có quả thì cũng phải có hoa, mỗi bạn sen là một nụ hoa đang khoe sắc trong vườn Xuân với muôn ngàn vẻ đẹp khác nhau mà không bút mực nào tả cho xiết .
Cũng như mọi năm Phật tử chùa Quang Minh được hưởng phước của thầy trụ trì nên được tham gia và tham dự hai lần lễ Phật Đản: một tại chùa Quang Minh và một gọi là Đại lễ VESAK tại Melbourne Town Hall do sáng kiến thầy Phước Tấn thành lập đầu tiên. Năm đầu 2007, Đại Lễ được cử hành tại Springvale Town Hall và được Hòa Thượng Tông trưởng Phước Huệ đọc bài diễn văn khai mạc. Thầy Phước Tấn và Phật tử chùa Quang Minh đã góp công lớn trong việc này vì công sức và tài vật cho cả hai tiệc chay gây quỹ và phần tổ chức đại lễ tại Trung tâm thành phố Melbourne phần lớn là do sự góp sức của các em gia đình Phật tử cũng như đạo tràng Quang Minh dưới sự chỉ huy và điều động của thầy. Thầy là cây thông, cây tùng là cành đào của mùa Xuân rực rỡ mà chúng tôi là những chú chim nhỏ đậu trên đó, cùng hát vang bài trường ca bất tận “Phật về phổ độ chúng sanh.”
Để bù lại việc mất mát kỳ tu tịnh nghiệp vào mùa An cư , chúng tôi được phép lên Phước Huệ để làm lễ tự tứ và thầy Phước Thái tổ chức khoá tu Báo Ân trong ba ngày Những bông hồng vàng, trắng và đỏ yêu kiều như những ngọn nến lung linh trong chánh điện . Hạnh phúc cho ai còn có được đóa hoa hồng đỏ cài trên áo. Bùi ngùi cho thân phận những ai thiếu vắng mẹ hiền trong mùa Vu Lan này. Thay cho lời an ủi những người đã không còn được cái hạnh phúc ở trong vòng tay mẹ yêu, thầy Phước Thái cho cử hành lễ tưởng niệm các liên viên đã vãng sanh. Bài văn tế quá cảm động của thầy làm mọi người khóc mùi mẫn. May mà không có tôi, nếu không chắc là giảng đường chùa Quang Minh phải ngập lụt vì tôi là đứa mau nước mắt hay tủi thân, mà lại khóc dai nữa.
May mắn cho đạo tràng và chùa Quang Minh là lực lượng tăng đoàn thêm phần hùng hậu nhờ sự hiện diện của quý thầy Phước Thiền, Phước Nghĩa , Phước Đạo và Phước Nguyện cùng quý Ni Sư: Như Bửu, Phước Chơn, Phước Hồng , Phước Đức và thỉnh thoảng cũng có sự hổ trợ của Sư cô Phước Như. Tiếng tụng kinh của quý thầy hoà cùng đại chúng tạo nên một âm thanh trầm hùng và thanh thoát. Càng ngày Phật tử tham gia đọc tụng càng nhiều làm tinh thần chúng tôi thêm phấn khởi. Âm thanh của quý thầy là tiếng của những khóm tre, cành trúc reo vui trong gió Xuân, mà âm thanh chúng tôi là tiếng sáo diều quyện vào nhau tạo thành bản trường ca Diệu Pháp Liên Hoa Kinh miên mang bất tận, làm ấm lòng mọi người. Sự nhiệt tâm và hết lòng của thầy Phước Thiền đã phụ cho thầy Phước Tấn và thầy Phước Thái trong việc chăm lo trì tụng và hộ niệm cho những Phật tử quá vãng làm cho gia đình thân nhân rất hài lòng vì người quá vãng được chính quý thầy chăm sóc trong những giây phút cuối thì vẫn hơn là giao cho hàng bạch y. Như vậy là hai thầy trụ trì và giáo thọ sẽ rảnh tay lo cho việc trong và ngoài nhiều hơn. Ba thầy với tinh thần đồng sự và lục hòa mỗi vị một việc, tương tác và hổ trợ nhau để cùng phục vụ chúng sanh là tấm gương sáng mà Phật tử chúng tôi nguyện noi theo.
Đặc biệt trong năm nay Thầy Phước Tấn đã mượn hai cuốn Film được làm từ Ấn Độ và Tích Lan về để chúng tôi thưởng thức và suy ngẫm thêm về con đường đi tìm chân lý giải thoát cho chúng sanh của Đức Phật gian nan đến bậc nào và việc bảo vệ chiếc răng xá lợi của đức Phật nguy hiểm ra sao. Cành hoa vô ưu đã truyền trao nào mấy ai hay được ! Nhiều người đã phản ánh về việc tại sao đoạn film trình chiếu về cuộc đời của Đức Phật quá ngắn và không biểu trưng được tính huy hoàng của Vương triều dòng họ Thích? Và tại sao các giai đoạn hoằng hoá huy hoàng của Ngài qua triều đại vua Seniya Bimbisara và thủ đô tráng lệ của thành Vương Xá không được đề cập đến? Thực tế ra nếu ta hiểu được rằng các nước Phật giáo Nguyên Thủy đã tôn kính Đức Thế Tôn như thế nào, thì việc không cho phép bất cứ một ai được thế vai Đức Phật kể từ khi Ngài thành đạo trở về sau là một điều hẳn nhiên. Do thế không một hảng Film nào mà cũng không một tài tử nào được phép thủ diễn vai của Ngài cả. Đó là vấn đề văn hoá tâm linh của họ.
Tuy nhiên rằng cuốn Film thứ hai là nguồn tài liệu cho thấy nữ giới đã dự phần khá quan trọng trong việc bảo trì và chuyễn vận an toàn Phật bảo khiến nước Tích Lan còn lưu lại được chiếc răng lịch sử của Phật cho đến ngày nay quả là một điều đáng quý và đáng được ca ngợi. Là loài hoa Thủy Tiên trong chiếc bình ngọc hay trên những cánh đồng, đang tỏa hương nồng nàn trong những ngày Xuân mới. Vậy thì điều cho rằng nữ giới phạm nhiều tội nên không được vào tăng đoàn theo Phật giáo Nguyên Thủy tưởng cũng nên xét lại. Mà không sao, Phật giáo phát triển ngày nay hay Đại Thừa Bắc Tông thừa nhận vai trò của hàng Ni chúng và cho thấy chổ đứng vững vàng của quý vị trong việc phát triển Phật giáo phù hợp với tinh thần bồ tát đạo. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa nói về nàng Long Nữ con vua Ta Kiệt La dâng hạt châu cúng dường. Nàng mới 8 tuổi vừa là loài Rồng và vừa là người nữ mà lại được thành Phật trong chừng một khải móng tay, làm tôi thấm ý vì thấy được tính bình đẳng của Thế Tôn khi đối xử với muôn loài và không kể phái tính. Trên thực tế, hiện nay tại Đài Loan số Ni chúng có phần trội hơn tăng chúng nhiều và hoạt động khá hữu hiệu trong việc phát huy đạo Phật, phù hợp với đà tiến hoá trên thế giới . Vậy thì việc ngài Anan xin cho người nữ vào tăng đoàn là điều rất phù hợp cho việc phát triển Phật giáo ở thế kỷ 21 này. Đâu đây vài khóm Lan đong đưa trước gió, tỏa hương thơm dìu dịu khi Xuân về.
Nói gì đi nữa thì lực lượng nam tử trong đạo tràng Quang Minh so với hàng nữ nhân thiệt quả là quá khiêm nhương. Suy diễn ra việc Bồ Tát Quán Âm hóa thân thành người nữ để làm cho chúng tôi ấm lòng cũng là một điều phải lẽ. Nhưng theo truyền thuyết của Ấn Độ và Tây Tạng thì Đức Quán Âm là người Nam nhưng vì thấy chúng sanh khổ quá, Ngài nhỏ giọt lệ từ bi và giọt lệ này biến thành Tara là hóa thân người nữ của Ngài.( Không biết như vậy có phải ám chỉ là người nữ hay khóc không nhỉ ? ) Thầy Phước Thái cho biết chúng sanh trong cõi ta bà có nhân duyên rất lớn với ngài, nên kể từ năm 2009 về sau, cứ vào đúng ngày 19/09 âm lịch là thầy luôn tổ chức lễ rước đuốc vía Quán Âm. Có phải là đoá Quỳnh Hoa thoảng mùi hương thiên nữ vừa hé mở, trong đêm trăng còn đủ sáng? Diệu Đắc, một nụ sen búp hỏi tôi cọng sen già ( sen tôi cọng có già thật nhưng vẫn còn búp vì tôi đi chùa lâu rồi mà hãy còn chấp thường, chấp ngã và chấp pháp) : sao nàng không thấy quảng cáo việc này như mấy chùa khác? Tôi trả lời: “lệ thường của chùa Quang Minh là như vậy, miệng truyền miệng.” Vậy là tôi kéo nàng Vân Lan và gia đình vào dự lễ, vận động đưa nàng vào đám rước đuốc. Tội nghiệp cây đuốc nàng tắc hoài khiến người khác bận lòng. Phải công nhận là một đêm tốt trời không quá lạnh mà cũng không quá gió để cử hành một buổi lễ như ý.
Trước khi thầy Phước Tấn cùng phái đoàn đi viếng thánh tích tại Ấn Độ, thầy còn ráng thỉnh vị Shang Longgrik Gyatso Rinpoche đến truyền giảng những lợi lạc của việc niệm danh hiệu A Di Đà. Shang Longgrik Gyatso Rinpoche thuộc dòng truyền thừa Tsalpa Kagyu. Từ Rinpoche chứng minh cho thấy sự cao quý và xác minh được việc chứng đắc của vị này, chứ không phải là một pháp hiệu. Chúng tôi đã học được khí công qua các đệ tử của ngài. Sau buổi lễ, quý thầy và mỗi người chúng tôi được một cái kẹo dâu, một sợi niệt đeo tay và một chiếc khăn màu đỏ rất đẹp do tự tay ngài choàng qua đầu. Hoa Hạnh Phúc chiếu rạng ngời trong tâm chúng tôi. Như vậy là tôi có được ba cái khăn choàng do chính ba vị cao tăng chứng đắc của phái Mật Tông chứng minh. Một của Đức Lạt Ma thứ 14 nhân ngày khánh thành Đại Hùng Bữu điện; một do đức Lạt Ma Zopa tại The Great Stupa do nhân duyên tôi có phụ chút việc nhỏ nhân lúc ngài đến giảng Pháp tại đây; một do ngài Shang Longgrik Gyatso Rinpoche trao tặng tất cả mọi người ngày hôm ấy trong đó có tôi. Do giải thích của thầy Phước Tấn, những chiếc khăn không phải là chiếc bùa hộ mệnh hay thành quả gì của người nhận được, mà nó chính là vật nhắc nhở ta nên sửa đổi tâm tính mình và tu tập theo tinh thần bồ tát đạo của quý ngài. Rồi thì không kiếp này thì cũng kiếp nào đó, ta cũng có cơ may chứng đắc như quý ngài vậy. Ây da, vậy là những ai có nhiều khăn là phải nổ lưc hơn nhiều người khác rồi ! Thấy chưa có chấp hình tướng là có khổ ! Đây chắc là những bông Khổ Qua vàng trên hàng dậu nhà ai rồi !
Năm 2009, thầy Phước Tấn có thỉnh một vị Lạt Ma đến chùa Quang Minh truyền giảng phép niệm Phật Dược Sư theo truyền thống Tây Tạng. Khi niệm danh hiệu Phật thì nên tưởng rằng Đức Phật Dược Sư hiện trước mặt mình rồi chuyễn toàn thân Đức Phật thành hào quang sáng chói, tỏa khắp mười phương cúng dường chư Phật. Rồi từ từ mang hình ảnh vị Phật đó đến tim mình. Tưởng tượng rằng hào quang của vị Phật Dược Sư đó sáng chói trong tim mình lan rộng đến mọi người chung quanh và mang lợi lạc đến cho mình và người. Ô kìa chùm hoa (Sala )Long Thọ đã có mặt đây rồi ! Lúc đó nàng Tâm Khiết , nàng Nguyệt Thiện và tôi có than thầm: ngay từ bước đầu đã không quán tưởng được hình ảnh của Đức Phật Dược Sư rồi thì làm sao có những bước kế tiếp. Trong năm cách thầy Phước Thái dạy chúng tôi niệm Phật là : quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật, ngũ hội niệm Phật, và thật tướng niệm Phật. Đây là phép gần giống phép quán tưởng niệm Phật A Di Đà mà thầy dạy, nhưng chi tiết hơn nhiều. Con đường tuy có khác nhưng mục đích lại có cùng . Những chùm hoa Phong Lữ khoe mình trước nắng Xuân, tuy có nhiều loại với những màu sắc khác nhau nhưng tựu chung vẫn cùng một giống. Hoa và lá vẫn mang mùi hương thơm ngọt ngào, tinh khiết như nhau.
Dạo nọ, cô D M lúc còn sống có nói với thầy Phước Thái là : Cô quán tưởng được bông sen từ màu đỏ biến sang xanh,vàng, trắng gì đó. Đến khi cô nằm xuống quý thầy cô, ban hộ niệm và liên viên đạo tràng Quang Minh chúng tôi đến niệm Phật cầu vãng sanh cho cô thì được biết lời trối trăn cuối cùng của cô là: được đem xác về quê nhà tại Việt Nam chôn cạnh mộ người chồng quá cố của mình. Chúng tôi cũng ngỡ ngàng ! Vậy thì cô sẽ lên miền cực lạc hay hội ngộ cùng người bạn đời quá vãng của cô ở nơi nào đây? Luân hồi sáu nẻo, cực lạc chỉ có một đường. Khi cánh cửa cực lạc mở ra thì sáu cửa luân hồi đóng lại hay ngược lại. Thầy Phước Tấn và thầy Phước Thái luôn nhắc nhỡ chúng tôi về phép chánh niệm, không chánh niệm thì dễ lạc đường. Phải chăng đó là thảm hoa Tử Đinh Hương trải rộng trên con đường tỉnh thức? Nói người thì nghĩ đến ta , nếu lỡ tôi có chết sau ông xả tôi thì làm ơn thiêu đốt quăng tro nơi đâu cũng được, miễn là đừng bao giờ chôn hay để cạnh ông vì lỡ tôi quên tiếng Anh mà chỉ nhớ tiếng Việt thì ông không hiểu gì ráo, kết cục thì cũng như không.
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng có một khóa tu tịnh nghiệp trong 8 ngày, 7 đêm bắt đầu từ ngày 21/12/14 đến ngày 29/12/14 do thầy Phước Thái tổ chức. Đó là những đóa hoa huệ mà thầy đã trồng tự bao giờ, cứ đúng mùa lại trổ hoa. Hoa đôi khi được mùa và cũng có đôi khi thất mùa. Những cành hoa cuối mùa một phần tàn rụi, một phần chờ ngày phế thải như tôi. Liếp cũ đã tàn mà liếp mới chuẩn bị chưa xong. Ngậm ngùi thầy bảo: “Số liên viên dự tu không bằng những năm qua, người cũ đã già đi mà người trẻ lại chưa đến .”́ Những chùm hoa Thạch thảo của mùa thu đã qua, mùa đông tới phải khô cành. Con đường hành Bồ Tát đạo có dài và có gay go. Thật ra thì số dự tu 80 người không quá tệ chỉ có điều số liên viên trẻ không được hùng hậu, đó là điều mỗi người chúng ta phải tự hỏi lại lòng: “ Mình đã thực hành được bao nhiêu phần của Tứ nhiếp Pháp mà Đức Phật đã dạy ?” Theo một số Phật tử trẻ sau khi đi tham dự các khóa tu của các đạo tràng khác có phản ánh là ban giảng pháp chưa đủ dồi dào và trẻ trung để thu phục người trẻ ở thế kỷ 21 này thêm hơn. Có dự tu rồi thì mới thấy tạp khí của mình còn quá nặng, cần phải sửa đổi nhiều. Pháp quý thầy giảng từ năm này, tháng nọ mà không biết chúng tôi đã thực hành đến đâu rồi nên thầy Phước Thái có đưa câu hỏi:” Làm thế nào ta mang lại hạnh phúc cho mình , cho những người trong gia đình và cho những người chung quanh ta ?” Đây là câu hỏi rất thực tế nên ý kiến đóng góp rất hào hứng. Riêng tôi là đứa lu bu, lù khù nhứt đạo tràng cũng ráng ép mình để trả lời . Tuỳ hỉ công đức là phẩm thứ 18 trong Kinh Pháp Hoa và là nguyện thứ Năm trong Mười Đại Nguyện của Ngài Phổ Hiền mà chúng tôi hằng đọc tụng, phải nói là tôi có áp dụng để mua nụ cười và mang lại niềm vui cho chính mình và những người thân trong gia đình cũng như bạn đạo và bạn ngoài đời. Tán thán công đức của người thì chắc là phải tư duy trong chánh kiến rồi vì theo tinh thần Bồ Tát đạo thì việc làm mà mang lợi lạc cho người, cho mình đúng theo luật Nhân Quả thì đó là việc làm trong Chánh Pháp. Nếu ta gọi Sen là hoa Tiên Nữ thì ta phải gọi Súng là hoa Tiên Tử, tuy mùi không thơm bằng Sen nhưng Súng vẫn mang vẻ đẹp thanh cao của nó.
Vậy là cơ duyên nữa đã đến chùa Quang Minh là vào đầu năm 2015, một ngôi chùa từ Thái lan theo hệ phái Dhammakaya đã hiến dâng một số ngọc Xá Lợi của đức Bổn Sư và vị A La La Hán như Ma Ha Ca Diếp . Thầy Cả cho biết nếu chúng ta giữ tâm thanh tịnh và lòng thành kính thì những ngôi Xá lợi này sẽ gia tăng theo cấp số cộng, càng ngày càng nhiều , cho đến năm 5, 000 Năm thì tất cả các viên ngọc này từ mọi nơi sẽ tụ về và tạo dựng thành một đức Phật từ thời quá khứ. Đến lúc đó thì Đạo Phật sẽ không còn nữa , Đại hội Long Hoa sẽ đến và Đức Phật Di Lặc ra đời. Lành thay! Lành thay! . . . khi những bước chân thầy trụ trì bắt đầu rời khỏi phương trượng và mang các ngôi Xá Lợi đến nơi trưng bày , tôi có cảm giác là: Chư Thiên đang rãi hoa trời xuống ngay trong Chánh Điện chùa: những bông hoa Mạn Đà La, Mạn Thù Sa cùng với hương đàn trầm thủy làm khung cảnh trở nên trang nghiêm và xinh đẹp lạ thường!
Đã hai năm tôi không trở lại Tổ đình Phước Huệ, ngay cả ngày Tiểu Tường và Đại Tường của cố Hòa Thượng Tông Trưởng . Tôi lu bu chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện này, chuyện nọ nên không đến được. Năm nay có được một chút thời gian dành để viếng thăm ngôi chùa cũ. Không phải là : “ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo …” Nhưng vẫn có một chút buì ngùi nhớ lại bóng dáng thầy khi xưa. Theo thông lệ hàng năm cũng có khóa tu Xuất gia ngắn hạn , cũng có khóa tu tịnh nghiệp ba ngày để Phật tử từ mọi nơi tụ về. Đặt biệt năm nay còn có lễ tưởng niệm húy nhật của cố Hòa Thượng Tông Trưởng. Chúng tăng ni và Phật tử tề tựu đầy đủ để tưởng nhớ công đức của Hòa Thượng . Điều quan trọng là ở chổ mỗi đại đệ tử đã tiếp tục sự nghiệp của thầy mình như thế nào để làm sáng danh Tông Phái mà người đã sáng lập. Đây mới thật là những đóa hoa Hướng Dương dưới ánh mặt trời của buổi bình minh trong nắng mới .
Có hoa, lá, chim, bướm rồi thì cũng phải có thơ, khốn nỗi thơ tôi là loại thơ Con Cóc. Chuyện đời vay mượn là lẻ thường. Thật ra bốn câu thơ từ thầy Thích Tánh Tuệ này không ăn nhằm gì với Vườn Xuân của tôi cả, nhưng xin nhận nó vào để bài văn có thêm phần thiền vị:
“…..Rồi bỗng một ngày ta liễu tri Niềm chân hạnh phúc, biết cho đi. Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi Ta có mang theo được những gì ?…”
Để thay lời kết, những ai đã vào Vườn Xuân rồi thì xin hãy tùy nghi lựa chọn một hay nhiều bông hoa rồi giữ nó trong tim hay cho người tùy tâm ý bạn….
Diệu Thông