Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa – Phần 2.2

Sự sai khác giữa Pratyekabuddha (Ðộc giác) với Sràvaka (Thanh văn) và Samyaksambuddha (Chánh đẳng giác)

Dẫu cho các nhà Pratyekabuddha luôn luôn được phân loại với các nhà Thanh văn là Hìnàdhimukta (hạ liệt), các vị này được xem là trung phẩm (91). Các nhà Ðại thừa là thượng phẩm, Uttama hay Srestha. Tập Pundarika nêu rõ địa vị tương đối của những vị này như sau: “Các vị Thanh văn là những vị nghe theo lời dạy của các người khác (paraghosàsravànugama), tự cố gắng để hiểu bốn sự thật và chứng Niết bàn cho mình. Các vị Ðộc giác là những vị muốn tự kiềm chế, muốn được an tịnh và trí tuệ nhưng không được sự giúp đỡ của một vị tôn sư (anàcàryakam) và tự tìm Niết bàn cho mình sau khi hiểu hetu (nhân) và pratyaya (duyên) nghĩa là lý nhân duyên. Các vị Ðại thừa là những vị cố gắng đạt được Phật trí mà không cần đến một vị tôn sư, tìm kiếm Phật lực để cứu tất cả chúng sanh, được giải thoát an vui (92).

Tập Dasabhùmikasùtra đi sâu vào chi tiết hơn và phân biệt ba hạng trên như sau: “Các vị Thanh văn là những vị đã thành tựu viên mãn (paribhàvyamàna) mười thiện hạnh (Kusalakarmapatha) nhờ trí tuệ của mình (prajnà), có một cìtta (tâm) chỉ có thể hiểu được một phần sự thật, rất sợ hãi phải sinh trưởng trong ba giới (dhàtu), tùy thuộc sự giáo huấn của người khác và không thể có lòng đại bi (Mahàkarunà). Các vị Ðộc giác là những vị thanh tịnh hơn, thể nhập sự thật không cần sự giúp đỡ của người khác, có thể hiểu triệt để lý nhân duyên, nhưng các vị này cũng không có lòng đại bi. Các vị Ðại thừa hay Bồ-tát là những vị thanh tịnh hơn nữa, đã thuần thục phương tiện thiện xảo (Upàyakausalya), phát đại nguyện (mahàpranidhàna), diệt trừ mọi phiền não, dùng Buddhajnàna (Phật trí) làm àlambana (y chỉ), tự mình hoàn thiện trong các bhùmi (địa) và các hạnh Pàramita (Ba-la-mật), đã chứng được tất cả 10 bala (Thập lực) và mọi quyền lực thuộc Phật quả, và tâm Ðại bi được phát huy triệt để (93)”.

Tập Madhyamakàvatàra và các tác phẩm Ðại thừa khác cũng phân biệt giữa Thanh văn, Ðộc giác và Bồ-tát với những đặc điểm như trên (94). Theo giáo sư Vallée Poussin, sự sai khác về vấn đề hiểu biết lý nhân duyên giữa Thanh văn và Ðộc giác có tính cách lý thuyết hơn là thực sự vì vấn đề này thuộc một phần của sự thật thứ hai (Tập đế). Tập Abhidharmakosavyàkhyà (Câu xá luận thích) giới thiệu sự sai khác một cách mới mẻ hơn. Giáo sư Poussin tóm tắt như sau: “Vị A-la-hán, sau khi diệt trừ lòng vị ngã khỏi những tâm sở tác thành bản ngã vị kỷ của mình, bắt đầu chú tâm đến công việc của các người khác, sự chú tâm này phát sinh từ lòng từ bi và diệt tận mọi khổ đau, người bậc trung (madhya), nghĩa là các vị Ðộc giác, chỉ mong sự giải thoát, nghĩa là tận diệt mọi khổ đau, không phải hạnh phúc trong đời sống luân hồi hiện tại, vì sự hạnh phúc tạm bợ này là cội gốc của đau khổ. Vị thượng phẩm (Sretha), nghĩa là vị Bồ-tát muốn đem hạnh phúc tạm bợ (àbhyudayika) cho người khác và cả sự diệt tận đau khổ nghĩa là hạnh phúc tối thượng (nihsreyasa-svabhàva); hay vị này mong cầu người khác được hạnh phúc tối thượng và hạnh phúc tạm bợ (sukham àbhyudayika-naihsreyasikam) và cho mình sự diệt tận đau khổ nghĩa là Phật quả như là một phương tiện để thực hiện hạnh lợi tha (95).

Tập Abhidharma-Kosa (Câu xá) nói về tha tâm thông (para cittajnàna), tuyên bố rằng một vị Thanh văn thường chỉ chứng được tha tâm thông khi các vị này ở trong hai sát-na của darsanamarga (Kiến đạo), nghĩa là duhkhe dharmajnànaksànti (khổ pháp trí nhẫn) và duhkhe dharmajnàna (khổ pháp trí), còn hàng Ðộc giác có thể biết thêm sát-na thứ tám tức là Samudaye anvayajnàna (tri tùy sát tập hay tập loại trí) (96). Hàng Ðộc giác có thể có một hay hai trí lực tương tự hơn một vị Thanh văn nhưng quả vị (summun bonum) của cả hai đều giống nhau, đó là lý do vì sao các nhà Ðại thừa xếp cả hai vị này vào trong một loại tức là Tiểu thừa, các hàng Ðộc giác cũng là hàng Tiểu thừa nhưng thuộc hạng trung phẩm.

Giáo sư Poussin, trong bài về Ðộc giác (97) có nói lý do vì sao các hàng Ðộc giác có mặt trong văn học Phật giáo. Theo giáo sư, đức Phật không ưa gì lắm đời sống ẩn dật của những vị ẩn sĩ, những vị này sống đầy dẫy trong thời đại của Ngài. Nhưng Ngài nhận thấy rằng những vị ẩn sĩ này có tất cả những đức tánh của một vị A-la-hán, nếu không phải là nhiều hơn. Ðể thâu nhận những vị này vào trong giáo hội Phật giáo, để đặt cho những vị này một vị trí trong thế giới tâm linh của Phật giáo, quan niệm các vị Ðộc giác được chấp nhận vào trong văn học Phật giáo. Những vị này được xem là những Phật tử tân tòng nhưng không thể chứng quả A-la-hán khi tôn giáo còn hoạt động; do vậy các vị này tiếp tục tiến bước trong đời sống tu hành trí đức và kết quả là các vị này do tự lực đã chứng được sự thật như đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng (98). Vì đời sống cô độc của mình, vì không bao giờ có vị tôn sư hay vị hướng dẫn (kalyànamitra), và rất chán ghét sự tiếp xúc với người đời, các vị này không thể phát triển năng lực diễn giảng, năng lực này các vị A-la-hán có thể chứng được đôi phần.

Quan niệm các vị Ðộc giác được nói đến nhiều trong văn học Pàli về sau hơn là trong các tập Nikàya. Tập Milindapanha (99) so sánh những năng lực của vị Ðộc giác với đức Phật và nêu rõ địa vị trung dung của vị Ðộc giác giữa đức Phật và vị A-la-hán. Tập Majjhima Nikàya và tập Lalitavistara nói đến các vị Ðộc giác như những vị ẩn sĩ sống ngoài giáo hội Phật giáo, không phải trong địa vị trung dung giữa vị A-la-hán và đức Phật (100). Tập Puggalapannatti (101) nêu rõ rằng cả đức Phật và các vị Ðộc giác chứng được sự thật, không nhờ một ai chỉ giáo nhưng các vị Ðộc giác không chứng được toàn tri và không nhiếp phục các quả vị (phalas) (102). Các nhà Tiểu thừa không phủ nhận địa vị tối thượng của đức Phật trên các vị A-la-hán và Ðộc giác (103) về quyền lực khả năng, nhưng một đức Phật chỉ ra đời sau rất nhiều kiếp (104), nên các vị này không mấy chú tâm về năng lực của một đức Phật và vấn đề chứng ngộ Phật quả. Tuy vậy, tập Milindapanha tả uy lực đặc biệt của một đức Phật, với những danh từ tương tự của các nhà Ðại thừa, nhưng tập này chỉ đề cập đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni và một số đức Phật khác được các nhà Tiểu thừa nói đến chớ không phải vô lượng vô số chư Phật của các nhà Ðại thừa.

Sai biệt chủng tánh (Gotrabheda): Nguyên nhân chính về chí nguyện sai khác giữa mọi người

Tập Sùtralankàra (105) trả lời câu hỏi vì sao giữa những đệ tử của đức Phật lại có những người có chí nguyện thượng, trung, hạ sai khác nhau. Câu hỏi này đưa đến sự bàn luận về vấn đề gotrabheda, sự sai khác về thứ hạng và sự nghiên cứu lời tuyên bố trong tập Aksaràsisùtra. Tập này nói rằng vì những phần tử tác thành một cá nhân sai khác nhau nên có vô lượng dhàtu (giới) sai khác. Tập này chia chúng sanh thành ba loại: Niyatagotra (định tánh), aniyatagotra (bất định tánh) và agotra (vô tánh).

Hạng đầu gồm những vị, nhờ công đức đời trước hay vì xu hướng nội tâm, sau này sẽ trở thành Sràvakayànàbhisamayagotra (Thanh văn thừa loại tánh), Pratyekabuddhayànà-bhisamayatotra (Ðộc giác thừa loại tánh) hay Tathàgatayànà-bhisamayagotra (Như lai thừa loại tánh). Hạng thứ hai gồm những vị còn ở lưng chừng và có thể trở thành Tiểu thừa hay Ðại thừa. Hạng thứ ba gồm tất cả chúng sanh còn lại, và hạng này lại còn chia thành hai loại (I) những vị không thể nào chứng được Niết bàn (atyantam), và (II) những vị hiện tại (tatkàla) chưa có thể chứng Niết bàn. Trong những vị Nigatagotrasthas (định tánh), chính những dhàtu (giới) quyết định về adhimukti (phát nguyện), còn adhimukti quyết định pratipatti (quả chứng), và chính tùy thuộc các bìja (chủng tử) mà kết quả trở thành hìna (hạ), madhya (trung) và visista (thượng). Các hàng Thanh văn thấp thua hàng Bồ-tát vì hàng Thanh văn không có những công đức xuất chúng, cũng không có một loại công đức nào, vì các hàng thanh văn thiếu năm sức mạnh (bala) và sáu vaisàradyas (vô úy) (107). Tuy vậy các công đức của các vị này không được vĩnh viễn trường tồn vì các vị này chỉ mong cầu chứng được anupàdisega-nirvàna (vô dư y Niết bàn). Các công đức lại không đưa đến những kết quả to lớn vì các hàng Thanh văn không có phục vụ hoàn toàn cho lợi ích của người khác (aparàrtnatvàt).

Tập Lankàvatàra (108) cũng nói đến các gotra (tánh) và chia thành năm hạng người (abhisamayagotra) (phân loại hạng người tùy theo kết quả giác ngộ), nghĩa là Sràvakayànà- bhisamayatotra, Pratyekabuddhàyànà-bhisamayatotra, Tathàgatayànà-bhisamayagotra (109), Aniyatagotra (bất định tánh) và Agotra (vô tánh). Các hàng Sràvakayànà-bhisamayagotra là những người mê say bởi lời dạy về tính cách linh động của những phần tử tác thành thân thể (skandhadhàtuyàyatanasvasàmànya-laksana) uẩn giới xứ tự đồng tướng và cũng nhận thức được đặc tánh của sự vật liên hệ đến lý Duyên khởi (pratityasamutpàda-vinirbhàga-laksanaparicaye). Trong khi ở trong bhùmi (địa) thứ năm hoặc thứ sáu, những vị này giải thoát khỏi những đau ốm về tương lai, nhưng không khỏi các vàsanà-klesa (phiền não tập khí) (110). Các vị này đạt đến một địa vị không còn thối chuyển và do đó, tuyên bố mình đã sống đời một vị thánh, chứng được tánh vô ngã của cá nhân, đạt đến Niết bàn và không còn phải luân hồi sanh tử.

Vị tác giả tập Lankàvatàra ở đây nói thêm rằng có hạng Thanh văn tự cho đã đạt đến Niết bàn nhờ chứng được tánh vô ngã của cá nhân, và một vài vị cho rằng nhờ hiểu được lý nhân duyên chi phối sự vật, nhưng sự thật không thể nào có Niết bàn nếu không chứng được tánh vô ngã của sự vật (dharmanairàtmya). Các vị này xem đó là cửa giải thoát (nìryàna) nhưng sự thật không phải vậy và do đó còn nắm giữ một phần trong nhiều tà kiến. Các vị Pratyekabuddhayànàbhisamayagotras là những vị đã mê say khi nghe đến các kinh nói đến sự giác ngộ đặc biệt của từng cá nhân, không ưa thân cận với người khác, và rất thích thú các thần thông. Các vị Tathàgatayànàbhisamayatora, theo tập Lankàvatàra, có ba hạng: (I) những vị đã chứng ngộ tánh vô ngã của những loại gọi là hữu tình, (II) những vị cho rằng sự giác ngộ sự thật chỉ xảy ra trong tự thân, và (III) những vị đã chứng được sự vĩ đại của Phật sát (Buddhaksetra).

Các vị Aniyatagotra (bất định tánh) là những vị theo một trong ba tánh kể trên khi được nghe giải thích. Các vị này thật sự ở trong giai đoạn dự bị. Khi Àlayavijnàna (A lại da thức) của những vị này được gội sạch mọi klesa (phiền não) và Vàsanà (tập khí); các vị này trở thành Thanh văn hay Bồ-tát sau khi thọ hưởng hạnh phúc tu thiền nhờ chứng được tánh vô ngã của sự vật. Các nhà Tiểu thừa cũng chấp nhận sự phân loại này nhưng với một ý nghĩa sai biệt. Tập Puggalapannatti và tập Kosa nói đến niyata và aniyatapuggala (Ðịnh tánh và bất định tánh hữu tình), những theo hai tập này, các hạng Niyata (định tánh) là hạng người vì phạm năm tội ngũ nghịch nhất định phải có tà kiến hoặc những bậc đã chứng một trong tám quả Thánh và nhất định sẽ đạt đến Niết bàn, còn các loài hữu tình còn lại thuộc bất định tánh, nghĩa là đời sống của các hạng này chưa được quyết định (111).

Danh từ Gotrabhù (Chuyển tánh) chiếm một địa vị trọng yếu trong phương thức giải thoát của Tiểu thừa. Danh từ này chỉ cho một người lần đầu tiên bước vào con đường dẫn đến Niết bàn sau khi ra khỏi hàng ngũ phàm phu (puthujjana) (112). Sau khi tu trì phần tâm linh, một người mới trở thành Gotrabhù, sau một sát-na bước vào thánh đạo, nhận thức được khổ đế thứ nhất trừ diệt các nghi vấn và sai lầm, thể nhận đư?c Niết bàn và bắt đầu thi hành những bổn phận trong Bát chánh đạo. Vị này trở thành một vị Arya (Thánh) và đủ điều kiện để chứng được quả vị cao nhất trong các bậc Thánh. Chính trong ý nghĩa này mà tập Satasàhasrikà (thiên bách tụng) (113) cũng dùng danh từ Gotrabhùrastamaka trong khi nói đến các thứ bậc tu hành, trong ấy các loài hữu tình muốn đạt đến hạnh phúc hoàn toàn cần phải an trú.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.