Đầu Năm Trình Pháp

( Kính dâng vị Thầy tâm linh đã ban tặng con ba chữ vàng “LY SINH HỶ” từ nhiều năm trước mà mãi đến bây giờ con mới hiểu tận tường và kính nguyện tri ân Ngài ).

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật

Kính bạch Thầy,

Đây vừa là lá thư của người học trò gửi đến Thầy cũng là một bài trình pháp mà con đã chiêm nghiệm khi đối chiếu giữa Duy Thức Học của Phật Giáo Đại thừa và tạng Vi Diệu Pháp của Phật Giáo Nguyên Thuỷ sau nhiều năm nghiên cứu.

Vì sức học sơ cơ con đã nghe hơn trăm bài pháp thoại của nhiều vị danh tăng giảng sư và may mắn thay vào mùng mười năm Quý Mão vào một lúc học về Tâm sở biến hành Tầm và Tứ con đã nhận xét được như sau và kính xin được trình pháp cùng Thầy qua bài thơ theo cái nhìn non kém, nhưng lại mang đến cho con niềm an lạc hạnh phúc vô biên.

Kính bạch Thầy
Đầu năm trình pháp ba chữ vàng LY SANH HỶ
Cung kính tiếp nhận khi được trao tặng lúc nhập môn
Bản chất sơ cơ, tư duy mãi thiền ngôn
Đâu biết rằng …
Đòi hỏi hạ thủ công phu, thêm giáo lý nghiên cứu.
Chợt vỡ oà …
Cả một chuỗi dài liên hệ …thật lý thú
Phải liễu tri TẦM, TỨ, HỶ, LẠC, NHẤT TÂM
Mỗi một tâm sở chỉ tương ưng khi muốn tập trung
Vào đối tượng mà Tâm được xem là con bướm
Và Tầm là suy nghĩ và tìm định hướng
Đâu là đóa hoa để bướm đậu lên
Tứ là xác định, nỗ lực hút nhuỵ tinh chuyên
Khi cảm thấy no nê, hỷ lạc thoải mái
Không còn tham muốn giờ mới đứng yên lại
An trú trong an lạc mới phát hiện đã hoàn thành
Đoạn diệt 3 loại Tầm như Phật đã dạy rằng(1)
Thì sẽ đoạn trừ được năm triền cái (2)

Kính đảnh lễ Thầy …tri ân Thầy ba lạy!! ( thơ Huệ Hương)

(1) Vì ý nghĩa của ba loại Tầm mà Phật dạy trong kinh Tăng Chi (Anguttrara Nikaya ) Chánh văn trong phẩm Thiền, chương sáu pháp kính được ghi lại như sau : “ Này các Tỳ Kheo, hãy đoạn tận sáu pháp này sẻ an trú trong Thiền DỤC TẦM, SÂN TẦM, HẠI TẦM và DỤC TƯỞNG, SÂN TƯỞNG, HẠI TƯỞNG ”.

Trong phạm vi bài trình pháp con xin ghi tóm tắt lại ý nghĩa của:

Dục Tầm : những suy nghĩ nào mà bản chất nó trong sự đam mê và thích thú ở trong ngũ dục khi tiếp xúc với các trần cảnh ( Sắc, Thanh, Hương, Vị , Xúc, Pháp) —- Dục tầm chính là Tâm Tham.

Sân Tầm : là những suy nghĩ bất mãn với ngũ dục khi tiếp xúc các cảnh trần như trên —- Sân Tầm chính là Tâm Sân.

Hại Tầm : là những ý nghĩ muốn chống đối, phá hoại —- Đây chính là sự thiếu vắng của Tâm Bi.

(2) trong giáo lý con đã học Năm triền cái (panñcanivaranā) là tham dục, sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo cử – hối quá và hoài nghi. Chúng được lưu ý vì đó là các chướng ngại cho thiền mà đức Phật đã chỉ ra.

Những phiền não này không chỉ chướng ngại cho sơ thiền mà còn là áp lực chính đối với nguyện vọng giải thoát giác ngộ của con người. Chúng mang tên “triền cái” là vì chúng che án và bao phủ tâm, ngăn cản sự phát triển thiền ở cả hai lĩnh vực tịnh chỉ và tuệ giác.

Và khi thấy được ý nghĩa TẦM sẽ đối trừ được Hôn Trầm, TỨ sẽ trừ được hoài nghi, HỶ sẽ đối trừ được sân hận, LẠC trừ được trạo hối, NHẤT TÂM sẽ đối trừ được Dục.

Kính bạch Thầy, đây chỉ mới là cái thấy đầu tiên của con về ba chữ Ly Sanh Hỷ, kính dâng Thầy và ước nguyện …con sẽ hạ thủ công phu mỗi ngày thật miên mật cho đến khi nào được an lạc hạnh phúc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.

Kính chúc sức khỏe Thầy và đầu năm mới kính chúc Thầy được vạn sự cát tường , vạn sự như ý trên đường hoằng dương Chánh Pháp.

Kính trân trọng ước mong được sự chỉ dạy thêm của Thầy và quý giảng Sư cao kiến để khai mở cho con những lời chỉ giáo trong Thiền chỉ và thiền quán.

Kính đa tạ,

Huệ Hương – Xuân Quý Mão, mùng mười âm lịch

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.