Hành Trình Tới Các Cõi Bên Kia Cái Chết – Phần II

Sau đó tôi thấy một người đàn bà già ở miền Tro, tên là Anag. Khi kim loại nóng chảy sôi sục được đổ vào miệng bà, thân bà ta vỡ tung ra từng mảnh từ đầu tới chân. Bà chịu đựng loại đau khổ này liên tục không ngừng nghỉ. Tôi được cho biết hậu quả này là bởi bà đã đầu độc một vị lạt ma[14].

Dingla ở vùng Aso, Khargya và những người khác – thực ra phần lớn những người ở vùng đó – đang lang thang trong bardo. Rinchhen Dargyay cũng lang thang vơ vẩn ở đó. Một người tên là Nyima Holeb bị tái sanh trong Địa ngục Sống lại[15]. Cũng có khoảng mười người ở Aji. Một số đã bị tái sanh trong các cảnh giới địa ngục, một số thì ở các cảnh giới preta[16].

Trong số họ có một người tên là Abo có một cái đầu to như một cái bình đất sét lớn và thân mình bị biến dạng trông thật khủng khiếp. Miệng ông ta nhỏ như lỗ kim và thực quản bằng bề rộng của một sợi bờm ngựa, trong khi bao tử thì lớn bằng cả một thành phố. Móng tay ông đâm thủng các năm tay nắm chặt của ông ba lần. Ông không tìm được thức gì để ăn; những lưỡi lửa trào ra khỏi miệng. Ông ra đang phải chịu nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi.

Tôi hỏi: “Hành động nào dẫn tới nỗi khổ của người này?” Tôi được kể lại rằng ông ta không bao giờ cúng dường Tam Bảo là những bậc trưởng thượng của ông, và đối xử thiếu nhân từ với chúng sinh ở các trạng thái thấp là những kẻ dưới ông. Ông luôn luôn cúng dường một số lượng nhỏ bé và do sợ cạn kiệt lương thực, ông ta chỉ dâng cúng sự tham lam.

Một người quen của tôi tên là Atar thuộc gia đình Tampa xứ T’hromt’hog cũng ở đó. Thông điệp của ông ta gởi cho mẹ và thân quyến là: “Xin đừng từ bỏ những thực hành đức hạnh, sự trì tụng thần chú mani và nghi thức của Đức Phật Akshobhya[17], cùng sự quyên cúng cho tập hội đông đảo các nhà sư”.

Tashi Dondrub thuộc gia đình Nag cũng tái sanh ở đó và trải qua nỗi khổ ghê gớm. Tôi hỏi bạn đồng hành của tôi là Đức Tara: “Người này đã phạm hành động nào mà phải chịu hậu quả này?”.

Ngài đáp: “Không giữ gìn các hứa nguyện samaya của mình, hành động với sự ích kỷ kiêu căng, nghĩ tưởng rằng: “Có phải ta sẽ được cái này?” và “Ta sẽ kiếm được cái kia chăng?”

Ông ta trao cho tôi thông điệp gởi về gia đình: “Vì lợi ích của tôi xin hãy trì tụng bảy mươi triệu lần thần chú mani và Kinh Giải thoát, hãy sám hối những hành động có hại của quý vị, và hãy dâng những lời cầu nguyện hồi hướng trong tập hội đông đảo”.

Gyashod Atsang bị tái sanh trong một cõi ngạ quỷ (preta). Vô số không thể nghĩ bàn những người khác, những người tôi quen biết lẫn những người không quen cũng bị tái sanh ở đó. Cõi giới này thì thật khủng khiếp. Các chúng sinh hết sức tuyệt vọng bởi họ không sao tìm được thứ gì để ăn hay uống. Tóc họ dựng đứng lên, thân thể gầy mòn, miệng giống như lỗ kim, cổ họng như những sợi bờm ngựa, bụng lớn như toàn thể xứ sở, và chân tay thì như những cọng cỏ. Móng tay rất dài, đâm thủng bàn tay họ chín lần.

Phần lớn trong số đó, có trong bàn tay chút nước bọt mà Đức Jamyang Khyentsei Wangpo hồi hướng cho họ[18], nhưng họ phải trải qua hàng trăm hay hàng ngàn năm trước khi có thể mở miệng và liếm tí chút nước bọt ấy. Họ không tìm thấy bất kỳ sự nhàn nhã nào ngoại trừ giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi này. Trong nỗi đau khổ của họ, họ đồng thanh kêu khóc: “Tôi sẽ ăn cái gì? Tôi sẽ uống cái gì? Tôi đói! Tôi khát! Trời ơi, trời ơi! Than ôi!”

Quân lính bảo vệ cõi preta bày ra nhiều loại món ăn và của cải, rồi cầm những lưỡi gươm sắc nhọn trong tay và nhìn trừng trừng trông thật hiểm ác. Bị dồn ép bởi đói khát, những preta tới ăn cắp thực phẩm và nước uống này, nhưng chỉ khiến cho thân xác họ bị những thanh gươm này đâm chém làm họ kêu khóc thật hoảng loạn.

Các bán thần phải trải qua nỗi khổ dữ dội trong cuộc chiến đấu với các vị trời trên những dốc núi Tu Di[19]. Họ ganh tị không thể chịu đựng nổi trước sự tráng lệ và của cải trong các cõi trời cùng trò nô đùa ve vãn của các thiên nữ đang ca hát và nhảy múa, nhưng họ chỉ gánh chịu sự đau khổ không tưởng tượng nổi bởi thất bại trước các vị trời. Các vị trời ném đĩa có các đinh nhọn, cũng như các mũi tên và chĩa ba, và sử dụng những con voi say có những vũ khí hình bánh xe được trang bị ở cuối thân voi. Các bán thần trải qua những đau khổ không thể nghĩ bàn khi bị giết chết hay bị thương tích. Họ cũng chiến đấu ngay trong nội bộ của họ, với những âm thanh inh tai “Giết, giết!” và “Đánh, đánh!” vang dội như tiếng gầm của một ngàn con rồng.

Ngay cả bản thân tôi cũng kinh hoàng trước những gì được chứng kiến trong cảnh giới đó. Đối với việc ném mạnh một trái trứng chim trên mặt đất, tất nhiên là tôi phải kinh qua mọi loại khí giới; nhưng tôi đã nhất tâm khẩn cầu Bồ Tát của lòng bi mẫn và vị thiên nữ tôn kính và hát tụng thần chú sáu-âm ba lần, và rồi dường như đối với tôi, những âm thanh dần dần trở nên dịu đi.

Khoảng năm ngàn người ở vùng Chamtring và một số không rõ những người Trung Quốc tái sanh trong cùng cảnh giới này. Dường như cũng có nhiều nhà quý tộc, nổi bật nhất trong số đó là Lozang Tendzin, một vị tướng miền Chamtring. Một số đông người không thể tính xuể bị tái sanh ở đó, trong đó có gia đình Wanggyal và bộ tộc Dugtza, phần lớn họ đã chết vì dao.

Đi xa hơn nữa, trong một công viên đầy hoa, tôi tìm thấy một vị trời hết sức già, không chịu đựng điều gì ngoài sự đau khổ. Vài người bạn tới gần, ném những vòng hoa lên người ông và nói: “Ngay khi ông rời bỏ thân xác, cầu mong ông được tái sanh trong cõi người, thực hành mười loại thiện hạnh[20], và một lần nữa được sanh vào cõi trời này”. Cùng với lời nói đó, họ tung rải những bông hoa. Ông đã phải chịu nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi, như thể trái tim ông vỡ tung ra và thân xác thì tan thành cát bụi.

Sự trường thọ của đời một vị trời có thể được đo lường từ sự kiện là khoảng bảy ngàn năm của con người chúng ta chỉ bằng một tuần lễ đối với họ. Một tuần trước khi chết, họ trải qua những đau đớn mà mức độ dữ dội thì vượt xa những đau khổ trong địa ngục khủng khiếp nhất của sự hành hạ không ngừng dứt. Khi nghiệp của họ cạn kiệt, do các niệm tưởng bị hư hỏng bởi những cảm xúc như sự kêu ngạo, họ thực sự nhìn thấy nơi tái sanh trong tương lai của mình ở một cõi thấp. Điều ấy làm họ đau khổ ghê gớm hơn việc tự vẫn bằng cách tự ném mình vào hầm lửa lộ thiên.

Om mani padme hung hri.

Tôi tiếp tục đi và gặp Kardo thuộc bộ tộc Gestsay trong một cõi địa ngục. Ở đó, trong một căn nhà bằng sắt đồ sộ có kích thước to lớn, ông ta đang thâu thập đất, đá, cỏ và gỗ (mặc dù tôi nghi ngờ về sự cần thiết của những hành động của ông), và đặc biệt là lam ngọc, san hô, pha lê, đá lưu ly, vàng và bạc. Rồi các thuộc hạ của Yama chất đống tất cả của cải cùng đất đá lên đầu ông. Ông kêu khóc trong đau đớn. Dù cố trốn thoát ở đâu, ông cũng bị chặn giữ lại. Sau đó, phải nhìn những viên đá và kim loại quý bị rải rắc như những lông chim trong gió, một lần nữa, lòng ông đau khổ dữ dội. Rồi lại như lần trước, ông thâu thập của cải và thực phẩm và lại bị chúng đè bẹp, và vì thế ông phải chịu đựng trong từng giây phút những hình thức đau khổ luân phiên này.

Tôi hỏi: “Đây là hậu quả của hành động nào?”

Đức Tara nói với tôi: “Đây là hậu quả của việc ông ta thèm muốn tất những gì ông để mắt tới, hậu quả của việc ông có ác tâm với mọi người ông nghe nói, hậu quả của việc ông không có gì ngoài những tà kiến về mọi sự ông nghĩ tưởng tới. Đây là hậu quả của việc không thực hành đức hạnh, mà dấn mình vào những hành động phi đạo đức và có hại, kể cả việc đeo một mala (chuỗi hạt) trong khi bị phóng tâm bởi chuyện ngồi lê đôi mách và trò chuyện tầm phào không đâu”.

Kardo trao cho tôi thông điệp này để mang về: “Với Tsagdi, con dâu trong gia đình tôi, tôi nói: ‘mặc dù con trang điểm bằng mã não và san hô, điều này không tốt cho cha. Con không thương xót cha sao? Con đã không thỉnh cầu một đạo sư duy nhất để tạo mối liên hệ với cha bằng cách hồi hướng tài sản của con nhân danh cha. Không gì lợi ích cho cha hơn nghi lễ tẩy tịnh của Đức Phật Akshobhya, bổn tôn trong cổng phía nam của mạn đà la của Đức Phật Vairocana”’.

Tôi trì tụng thần chú mani và trong chốc lát ít ra ông ta đã có thể nghỉ ngơi. Nhưng cũng như trước đó, ông bắt đầu phải chịu đựng những tri giác lầm lạc của mình.

Thêm vào đó, có nhiều lạt ma (đạo sư) và nhiều sư trong một ngôi nhà trông-đẹp đẽ làm bằng sắt. Mặc dù thoạt đầu họ có vẻ khá hòa nhã, bỗng nhiên tâm họ trở nên rối loạn và cùng lúc đó họ bắt đầu la hét một ngôn ngữ gớm ghiếc. Trong sự hoài nghi, tôi tới gần và thấy lửa phun ra từ miệng họ, khói thoát ra từ lỗ mũi và những chiếc cưa sắt kêu rì rầm trên đỉnh đầu họ. Khi tôi hỏi họ hành động nào đã dẫn tới hậu quả này, họ trả lời là họ đã nói chuyện tầm phào trong các nghi lễ được cử hành cho tín đồ (cả người sống lẫn người chết), trong khi kết giao với những hành giả đang hoàn thành những thực hành bổn tôn theo nghi thức và trong khi dự những nhóm hội trong đền thờ của họ. Họ đã làm gián đoạn việc thiền định của người khác bằng cách nói luôn miệng, cãi cọ trong những tiệc cúng dường và tạo nên một âm thanh chói tai.

Một người hành hương du phương xuất hiện mặc quần áo rách rưới tả tơi và cầm một cây cờ cầu nguyện[21]. Yama Dharmaraja hiện ra với thuộc hạ của ông, biểu lộ sự vui thích và nói: “Lợi lạc to lớn biết bao cho Phật Pháp! Và không có gì vĩ đại hơn Pháp cao quý của một lá cờ cầu nguyện. Những lá cờ cầu nguyện là cội gốc của Pháp. Thần chú mani là tinh túy của Pháp. Thần chú siddhi đem lại sự giải thoát từ lối hẹp của bardo[22]. Nghi lễ chay nyungnay là bậc thầy chỉ rõ con đường đi tới giải thoát. Những hòn đá một trăm ngàn thần chú mani là vòng hoa của Pháp[23]. Hành vi cứu giúp những sinh mạng là cỗ xe của con đường. Việc đúc các satsa là cách chặn đứng sự tái sanh trong các cõi thấp[24]. Đi hành hương là cây chổi quét sạch những hậu quả của các ác hạnh. Bày tỏ sự tôn kính bằng những lễ lạy tiệt trừ các lỗi lầm. Tara là nguồn mạch bên ngoài của sự nương tựa (quy y). Sự tích tập công đức và giác tánh nguyên sơ (trí tuệ) là lương thực dự trữ cho những đời sau. Lòng bi mẫn là trục chính của Giáo Pháp. Vì thế, con ta, hãy vui vẻ đi tới Potala”.

Người hành hương đi qua, dẫn khoảng một ngàn chúng sinh có liên hệ với ông qua ngôn ngữ hay tiếp xúc.

Om mani padme hung hri.

Đức tôn kính Tara nói với tôi:

Những kẻ không bỏ nón khi một vị lạt ma bước vào trước sự hiện diện của họ,

đã có một thời họ từng phải trải qua những địa ngục sẽ tái sanh làm con cừu hoang.

Những kẻ không đứng dậy và vẫn đứng khi các nhà sư bước vào trước sự hiện diện của họ,

đã có một thời họ từng phải trải qua những địa ngục sẽ tái sanh làm những người què.

Những kẻ không cúng dường đèn bơ tinh sạch sẽ tái sanh trong hầm lửa.

Những kẻ bước lên hay để quần áo trên ba biểu tượng của Châu báu[25]

sẽ tái sanh làm những người câm hoặc làm những con sâu dơ bẩn.

Những kẻ khạc nhổ hay hỉ mũi trong các chùa miếu

sẽ tái sanh trong Địa ngục Đầm lầy Tử thi Rữa nát.

Những kẻ ăn thịt từ một con vật bị giết trong cùng ngày mà không tịnh hóa hành động đó bằng sự sám hối,

sẽ tái sanh làm những quỷ ma khát máu.

Những kẻ ăn bám vô dụng biển thủ tài sản của Tam Bảo

sẽ tái sanh làm các preta (quỷ đói) hoặc những lính canh trong các cõi preta.

Những kẻ uống rượu không được hiến cúng

sẽ tái sanh trong Địa ngục Kêu khóc.

Những kẻ sử dụng những ghế ngồi của tăng đoàn xuất gia,

sẽ tái sanh trong các địa ngục nhất thời.

Sự lấy đi các lễ phục từ ba loại biểu tượng,

sự biển thủ phóng túng tài sản của tăng đoàn,

và đặc biệt là trộm cắp tài sản chung của tăng đoàn,

sự cướp đoạt hay đánh đập các hành giả trong ẩn thất cô tịch –

những hành vi này đưa tới sự tái sanh trong tám địa ngục lạnh.

Những kẻ tích tập nghiệp bằng năng lực của sự sân hận

sẽ tái sanh làm các chúng sinh trong địa ngục;

những kẻ tích tập nghiệp bằng sự tham lam, sẽ tái sanh làm các quỷ đói;

tích tập nghiệp bằng năng lực của sự ngu si, tái sanh làm súc sinh.

Cầu mong những chúng sinh trải qua ba cõi thấp

được tái sanh ở Núi Patala.

Om mani padme hung hri.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.