Hành Trình Tới Các Cõi Bên Kia Cái Chết – Phần II

Tôi tiếp tục đi cho tới khi gặp một người thợ săn tên là Tsering ở miền Kat’hog bị bốn cư dân đầu hươu áp tải. Run rẩy như một chiếc lá, ông ta bị lôi tới trước mặt Yama Dharmaraja. Và ồ, hai đứa trẻ tượng trưng cho nghiệp của ông phơi bày tất cả những gì ông đã làm, đức hạnh hay ác hại, tích cực hay tiêu cực.

Đức trẻ tươi đẹp nói: Ồ Yama, Dharmaraja cao quý, người này không thể chăm lo cái ăn cái mặc hay che chở cho gia đình rộng lớn của mình. Kẻ vô lại già nua tiêu phí cả đời hắn để theo đuổi những ác hạnh. Tuy nhiên, nếu Ngài gởi trả ông ta về để thử lại một lần nữa và ông thực hành đức hạnh hết sức thuần tịnh, ông ta sẽ trở thành một người không có gì để xấu hổ và sẽ trở lại trước sự hiện diện oai nghiêm của Ngài theo đúng nghĩa của nó”. Nói tới đây, đứa trẻ khóc.

Đứa trẻ tối tăm đưa ra thỉnh cầu:

He, he! Người đàn ông này đã giết ba loại chim – kên kên, diều hâu và chim ưng – bay liệng trên không.

Hắn đã giết ba loại thú vật – linh dương, hươu nai và cừu hoang – sống trong vùng núi non.

Hắn đã giết các ma mốt vô tội trên những cánh đồng.

Hắn đã giết ba loại thú vật – cá, rái cá và ếch – sống trong nước.

Hắn đã bắt những con vật vô hại trong bẫy và lưới.

Hắn phạm những hành vi ác hại và phi-đạo đức.

Từ miệng của Yama Dharmaraja tuôn ra những lời sau:

Trong số những ác hạnh, không có gì nặng nề hơn việc cướp đi sinh mạng.

Trong trường hợp của tên thợ săn xấu xa này

hắn đã hứa với vị lạt ma thuộc bộ tộc Getze là không giết hại nữa,

nhưng sau đó phạm những hành vi hết sức độc ác vượt quá giới hạn của sự sám hối.

Bây giờ hãy đưa hắn tới Địa ngục Hoang vu.

Hắn sẽ chịu đau khổ không thoát ra được đời này sang đời khác.

Khi nói điều này, ông nêu ra một bằng chứng trên bảng nghiệp lực và ấn mặt người thợ săn xuống đất, những thuộc hạ kéo ông ta đi.

Có nhiều chúng sinh nữa mà mắt tôi không thể nhìn thấy hết được, số lượng của họ lưỡi tôi không hy vọng gì đề cập tới được, tư tưởng họ tâm tôi không thể bắt đầu thăm dò. Những kẻ xấu ác bị kéo xuống, trong khi những người đức hạnh được đưa lên trên. Tất cả những việc xảy ra này bất chấp sự mô tả; những điều tôi vừa ghi lại thì không hơn gì ý niệm thô thiển nhất.

Trước mặt Dharmaraja là một người đàn bà tên là Bochhungma sống trong miền thuộc gia đình Dezhung. Khi hai đứa trẻ tượng trưng cho nghiệp của bà ta, một tươi đẹp và một tối ám, đang phơi bày những thỉnh cầu của họ, đứa trẻ tươi đẹp nói: “Người đàn bà này có chút liên hệ với Dzaga Chhogtrul Rinpoche. Tâm bà ta hướng về sự đức hạnh”.

Rồi đứa trẻ tối ám nói:

Người đàn bà này phục vụ thực phẩm bất tịnh cho các đạo sư thông thái;

bà ta giết bê bằng cách bắt chúng nhịn đói tới chết;

bà phê bình các đạo sư và những vị đã thọ giới;

và vì thế bà phạm nhiều hành vi ác hại qua miệng, đôi bàn tay và tâm bà.

Dharmaraja trả lời: “Khi đứa trẻ tươi đẹp nói, có vẻ nó đã nói sự thật. Nhưng khi đứa trẻ tối ám nói, dường như nó đang nói sự thật. Hãy cân trường hợp này trên bàn cân thiện hạnh và ác hạnh”.

Thuộc hạ đầu-khỉ cân nhắc những hành động của người đàn bà trên chiếc cân, và thế là những ác hạnh của bà làm nghiêng bàn cân từ đầu này sang đầu kia. Yama Dharmaraja nói:

Mỗi một ngàn ngày trong cõi người

bằng khoảng một ngày và đêm duy nhất trong các cõi địa ngục.

Trong mười hai năm dằng dặc này mi sẽ chịu đựng đau khổ

bằng cách uống kim loại nóng chảy sôi sục.

Rồi ngươi sẽ được dẫn đi nhờ năng lực của lòng bi mẫn

và những nguyện lực của Dzaga Chhogtrul Rinpoche.

Khi ông nói xong, người đàn bà bị lôi vào một dinh thự bằng sắt.

Om mani padme hung hri.

Kế tiếp là Paltso, một người đàn bà du cư già có mái tóc xám ở cộng đồng Nyingshul. Bà cầm một bánh xe cầu nguyện và một mala màu vàng, bà đang lần tràng hạt. Vừa hát tụng thần chú mani thật rõ ràng theo một giai điệu, bà đi thẳng tới Dharmaraja. Yama Dharmaraja mà khuôn mặt thì như mặt trăng chiếu rọi trên tuyết, nói thật lịch sự và vui vẻ: “Paltso, sau khi chết và đi tới cõi bardo, bà có mệt không? Đối với bất kỳ thiện hạnh và ác hạnh nào bà đã từng dính dáng tới, hãy phơi bày tại đây trước mặt ta”.

Bà cụ Paltso thỉnh cầu:

Tôi chú tâm nơi Tam Bảo như cứu cánh duy nhất của tôi.

Tôi gắn bó chặt chẽ chí hướng của tôi với Giáo Pháp tinh tuý.

Lời nói của tôi là sự thực hành đức hành, và vòng quay tràng hạt của tôi thì không ngừng dứt.

Tôi thiết lập những liên hệ với những bậc có khuynh hướng tâm linh tuyệt hảo.

Đặc biệt nhất là tôi có mối liên hệ với Dzaga Chhogtrul qua việc cúng dường Ngài một miếng hổ phách lớn.

Tôi đã tạo một mối liên hệ với Adzom Drugpa[36] bằng cách cúng dường Ngài một cái kẹp dây lưng.

Trong số những người thắt một chiếc khăn vàng quanh mình[37].

không ai mà với họ, tôi, người đàn bà này, không có mối liên hệ.

tôi đã rót khoảng hai mươi hoặc ba mươi ngàn ngọn đèn bơ;

đã tụng lớn tiếng một trăm triệu thần chú mani;

là một bà già có động lực cao quý,

tôi đã hồi hướng tất cả những điều này cho chúng sinh hữu tình.

Với sự hân hoan, đứa trẻ tươi đẹp đưa ra một thỉnh cầu tương tự. Đứa trẻ tối ám thì hoàn toàn không nói gì hết. Bây giờ tấm gương, văn bản tường trình và bàn cân là các chứng cứ của những thiện hạnh và ác hạnh của người đàn bà. Những thuộc hạ la lên: “Nhìn những cái này xem!” Thuộc hạ đầu-sư tử chăm chú nhìn vào tấm gương, thuộc hạ-đầu khỉ cân nhắc những hành động của bà trên chiếc cân, và thuộc hạ đầu-bò đọc văn bản tường trình về nghiệp của bà. Ba vị trong số những thuộc hạ khiêm tốn đệ trình rằng tất cả những gì bà nói đều đúng sự thật, điều ấy làm Dharmaraja vô cùng hài lòng. Ông nói:

Nếu những người đàn ông và đàn bà bình thường trong thế giới loài người thế tục

giống như người này, thì sẽ tốt đẹp biết bao.

Nhưng cho dù hiểu biết những thiện hạnh và ác hạnh,

họ không từ bỏ một vài điều và áp dụng những thứ khác.

Họ ráng sức trong những hành động phi-đạo đức và ác hại –

họ bị dày vò biết bao bởi những cảm xúc muộn phiền.

không ai đi qua đời khác mà không gặp ta.

Nếu họ có Pháp, thì ta là vua Pháp,

Nhưng nếu không có, thì ta vị vua của những ác hạnh của họ.

Giờ đây, bà lão tên là Paltso!

Hãy đi, nương tựa thiện nghiệp này.

Bà sẽ không rơi trở lại, vì thế hãy đi tới Cõi Cực Lạc.

Khi nói xong, bà cụ đứng dậy và lạy ba lạy. Bà nói: “Tôi sẽ không đi một mình”[38]. Thay vào đó, bà dẫn khoảng một ngàn rưỡi chúng sinh có liên hệ với bà qua ngôn ngữ hay tiếp xúc, đi chầm chậm tới Cõi Cực Lạc ở phương Tây, trong khi thì thầm thần chú mani theo một giai điệu.

Om mani padme hung hri.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.