Pháp-Bảo Tâm-Kinh


Nam-Mô Ðại-Từ Ðại-Bi Quảng-Ðại Linh-Cảm
Quan-Thế-Âm Bồ-Tát Ma-Ha-Tát

Sấm kệ:
Nam-mô PHẬT-TỔ DI-ÐÀ,
Quang minh phổ chiếu Ta-Bà độ nhân.
Liên đài ngũ sắc tường vân,
Hằng hà Phật Thánh lai trần hộ Kinh.
Cõi Trời hiện sắc quang minh,
Hào quang muôn trượng âm thinh vang rền.
Kim-Tòa NGỌC-ÐẾ ngự đền,
Chư Thiên hộ hựu cõi trên hằng hà.
Kinh mầu khai xuất truyền ra,
Sánh bằng giọt nước Ma-Ha cứu trần.
Ta nương vào ngọn bút thần,
Ví như tiếng sấm trong trần hiện vang.
Thuyết minh cơ nhiệm hành tàng,
Giáo nghiêm diệu-pháp Ðạo vàng xiển dương.
Kỳ ba ÐẠI-ÐẠO khai trường,
QUAN-ÂM Tam-Trấn oai cường lực nghi.
Hành tàng Ðại-Nguyện Ðại-Bi,
Hàng tà phục oán thi vi trọn lành.
Tuần du tế sát hiện hành,
Mười hai Chánh Nguyện dương danh đời đời.
Thiện-nam, tín-nữ nầy lời,
Tri cơ thế mạt cõi đời tai nguy.
Nồi da xáo thịt dị kỳ,
Buôn dân bán quốc loạn ly oán thù.
Buôn Trời bán Phật mà tu,
Thù Cha, hại Mẹ, thê phu lỗi niềm.
Ðổi ân làm oán ganh hiềm,
Cạnh tranh giết lẫn càng thêm thỏa lòng.
Chiến tràng xương núi máu sông,
Xây dần mãi thế mà không thấy rồi.
Dân càng phiêu dạt nổi trôi,
Khóc than thảm thiết ôi thôi dẫy đầy.
Gieo mình vào chốn hiểm nguy,
Thể lâm họa diệt, hồn thì vất vơ.
Thương thay cảnh trạng mê mờ,
Kẻ vay người trả đục nhơ cõi trần.
Chiến tranh nguyên tử hầu gần,
Ði đâu trốn nạn hồng trần cho kham?
Họa kia chướng nọ ai làm?
Hay là nhân chủng vì ham lợi quyền?
Rốt rồi mặt đất còn nguyên,
Loài người vắng bặt của tiền làm chi?
Tự mình tạo tác thi vi,
Rồi kham thọ lấy quả ni đem vào.
Xót xa mấy đoạn tâm bào,
Ðại ngôn pháp giáo người mau phục hồi.
Tư duy từ huấn bao lời,
Hoàn lương chánh niệm dứt rời nghiệp ma.
Ðoạn nầy hiển thị soi ra,
Thể thời pháp mạt thì ma lộng quyền.
Vào đời dối thế Phật Tiên,
Gây điều não nhiệt đảo điên tánh người.
Giục tâm quấy niệm dư mười,
Hoặc khi ám ảnh cho người cuồng ngây.
Nương theo thể, tánh cõi nầy,
Có thân, có thế, có tay, có quyền.
Chúng dùng làm một con thuyền,
Thi vi ác nghiệp phỉ nguyền tâm ma.
Âm mưu những sự gian tà,
Giục gây ác sát để ma no lòng.
Thức ăn toàn những huyết hồng,
Toàn là thi thể thương vong chiến tràng.
Ðược lời thiện tín tâm an,
Dày công tưởng niệm phước càng đa sanh.
Giác mê tự bởi lòng thành,
Mắt phàm khó chứng lời lành của Ta.
Chiến trường binh lính ngã ra,
Thảy không có đủ quân ma tạm dùng.
Chúng hằng thôi thúc nhân tâm,
Càng gây chiến cuộc thâu năm nối liền.
Nỗi niềm thống khổ triền miên,
Tử hồn binh sĩ bố quyền trục thâu.
Không ai tiết lộ mưu sâu,
Chúa yêu sẵn đủ phép mầu đối tranh.
Thần thông sẵn đủ hiện hành,
Thị oai ma lực đấu danh cùng Trời.
Ta vì chúng khổ đòi nơi,
Từ bi vô ngại tuyên lời phổ lưu.
Tín tâm chơn thật vô ưu,
Chẳng sanh nghi hoặc càng sưu lý mầu.
Sau nầy rõ đặng máy sâu,
Huyền vi hiển hiện có đâu sai lầm.
Chúa yêu sân hận Quan-Âm,
Quyết toan đấu phép thậm thâm giữa trời.
Dốc lòng ám triệt Như-Lai,
Giao phuông trận địa giữa ngoài biển khơi.
Mây đen mịt mịt khung trời,
Phổ-Ðà khiêu chiến xin mời Quan-Âm.
Từ bi thanh tịnh quang lâm,
Yêu phun lửa độc tối tăm bầu trời.
Thiện-nam, tín-nữ nầy lời,
Mưa chan sấm dậy đất trời chuyển rung.
Hoàn toàn hắc khí như un,
Chúng sanh cấu nhiễm khó mong đặng tuyền.
Bảo bùng động địa kinh thiên,
Khí yêu độc địa khói đen ngạt mùi.
Không gian chẳng thấy mặt trời,
Ðất không hơi thở là thời lâm nguy.
Khắp nơi Thiên-Thần Ðịa-Kỳ,
Khắp chư Thánh-chúng từ bi giải nàn.
Bây giờ khắp cõi trần hoàn,
Thi hành diệu pháp cứu an tinh thần.
Phép mầu sở hữu tùy thân,
Ngày đêm thiện niệm bảo thân nhiệm mầu.
Nơi nơi đồng nguyện sở cầu,
Cùng môn Cứu-Khổ người hầu niệm mau.
NHƯ-LAI sát sát trên đầu,
Chư Thiên hộ hựu thì mau phục hồi.
NGỌC-HOÀNG ngự trị phong lôi,
QUAN-ÂM trí ấn thâu hồi ngạ tinh.
Ðến khi sấm chớp đặng bình,
Phong ba lẳng lặng ánh minh rọi vào.
Cõi trần thảm khốc mòn hao,
Thương người thiểu phước làm sao cứu hồi!
Hàng ma phục oán đã rồi,
Trần dương nay mới vãn hồi bình an.
Ai ôi! nắm vững Ðạo vàng,
Tu thân là món bảo toàn tâm linh.
Muốn mau hưởng cuộc thái bình,
Muốn đời an lạc hãy gìn chữ Tâm.
Tâm là thế chủ đâu lầm,
Tâm là Thiên-Ðạo hãy tầm lý sâu.
Tâm là Phật chủ diệu mầu,
Hoặc ma làm chủ cũng âu tại mình.
Vì trong tư tưởng hiện hình,
Cũng mê với giác biến sinh liền liền.
Nếu Tâm phát giác lập nguyền,
Thì nên tạo phước gieo duyên buổi nầy.
Rèn lòng niệm Phật ăn chay,
Cải tà quy chánh ngày ngày phát minh.
Cầu an cho chiến họa bình,
Cấy cầy ruộng phước Thiên-Ðình đặng sung.
Họa kia tự thể biến lần,
Phước càng tô điểm cõi trần càng thanh.
Chư căn ngộ pháp lòng thành,
Thức-thần huệ-giác tu hành từ bi.
Chư linh vào đời cứu nguy,
Thọ thân kịp hội Tam-Kỳ độ tha.
Gặp thời thì hãy bước ra,
Góp tay trợ Ðạo Kỳ-Ba nạn cùng.
Trên nhờ NGỌC-ÐẾ nhiêu dung,
Phật ân siêu diệu vô cùng từ bi.
Vào tu nghiệp lực kéo trì,
Mê vui thích đẹp thiếu gì nghiệp ma.
Vật chất lôi cuốn hằng sa,
Vô minh đậy mắt Liên-tòa khó trông.
Hỡi chư Thánh-Chúng trần hồng,
Ðuốc thiêng phổ chiếu khai thông thức thần.
Nhớ rằng bổn-nguyện vào trần,
Long-Hoa đại thệ thọ thân Ta-Bà.
Mạt đời là buổi độ tha,
Trần dương hóa Ðạo âu là ngó ngơ.
Nầy khuyên bá tánh kịp giờ,
Tu nhân tích đức chớ lơ lãng lòng.
Trì Kinh niệm Chú thuộc thông,
Dầu cơn ngộ biến cũng không ngại gì.
Có QUAN-ÂM lực phò nguy,
Thành tâm thiện niệm giữ y lời truyền.
Nam-Mô A-Di-Ðà Phật.

(Bạch-Diệu-Hoa bạch: Nam-mô Quan-Thế-Âm Bồ-Tát. Con xin kính bạch: trước kỉnh lễ, bái Ðức Quan-Âm, vì con gốc cũng phàm phu tánh còn mê tối, cúi nhờ ơn Phật từ bi cho con được vài điều thỉnh vấn. Vì con đã có nghe thấy Kinh Sấm thường tuyên thuyết rằng đến hai ngàn năm cuộc tận thế hiện trạng sẽ bặt khí âm dương, không thấy mặt Nhựt, mặt Nguyệt. Lúc tuyệt khí âm dương như vậy nhân vật sẽ không có hơi thở điều hòa, bầu trời tối mịt suốt năm ngày năm đêm. Bạch Ðức Quan-Âm, có phải đó là trận chúa yêu đấu phép với Phật Quan-Âm đó chăng?)

– Lành thay! Lành thay! Thiện-nhân khéo hiểu! Ðúng như thế. Nhưng nào phải do Ta toan tranh tài đấu phép với ngoại đạo. Ta chỉ vì rộng lượng cứu thế, thường hành bổn nguyện, nhưng vô lượng bổn nguyện cứu thế của Bồ-Tát tức đại cừu hiềm của chúng ma! Vì lý tánh đối trị hàng phục tà đạo, với quân ma là oán.

Yêu tà thì chủ động nhiệt não, gieo giống cấu trược, dục vọng điên đảo vì nghiệp chướng vây bủa như sấm sét, như mây giăng, như cuồng phong, như sóng bảo. Kiếp khổ như bức não, như lửa đốt, như dầu sôi! Thường chịu đau nhức như búa đánh, như dao bầm. Sợ hãi như sắp bị người xô đạp vào hầm lửa, núi đao, không một phút nào được an ổn!

Quanh năm suốt kiếp phải luôn chịu đói khát, khô gầy chỉ còn da bọc lấy xương! Kiếp sống của ngạ-quỷ vô lượng khổ não, dầu một ngày, một tháng, một năm đến mười năm, trăm năm, ngàn năm cũng không được một giờ, một phút đến nửa phút hưởng an lạc thanh tịnh!

Nếu có được sự ăn uống thì chỉ là máu, mủ, xác thúi, giòi nhặn, phân, tiểu, nước miếng, bọt, dãi, những miệng mũi răng của kẻ thiểu thực; hoặc huyết bẩn uế nhơ, hoặc những ghè hủ nhổ nước bọt, trầu cau, cặn bả, cấu uế, tất những mùi hôi tanh có màu đỏ; hoặc miểng chậu, miểng lu mái, miểng bát, miểng chai, vỏ ốc thúi, chúng phải nhai nuốt như vậy dầu miệng lưỡi bị tuôn chảy máu me đầm đìa; hoặc tựa theo trụ cầu đón xác thúi, giòi nhặn của thú tử mà làm thức ăn, hoặc ăn tro, ăn đất cát dưới các chổ sanh sản!!!

Tất cả những sự thọ thực của ngạ-quỷ đều tùy nghiệp lực mà được dùng mỗi thứ đều khác. Thoảng như tìm không được những thức ăn phù hợp như vậy thì cam chịu đói khát, khô gầy, rên khóc kêu la khô khan cả cổ họng, kêu không nên tiếng, chỉ bò lăn dưới đất cát nóng như lửa than, phỏng vuột tay chân lại ngã lăn như trục trục, dầu cho nước đầy sông tràn hồ cũng không được uống!!! May thay gặp thời pháp mạt, thế cuộc chuyển xoay, lòng người xa Ðạo, tu hành rất hiếm kẻ, Ðức-Thánh Nhân-Hiền mỗi lúc càng suy giảm, vật chất đa sanh, văn minh đồi loạn, lòng người thêm dục vọng, tham, sân, làm cho trần dương sự cấu nhiễm, tội lỗi tăng gia, ấy là tạo cơ hội, đem tất cả phương tiện đến cho ma quân tạo lợi thế, chúng được nắm thế ưu mới gây cuộc sống động, hoành hoại cõi dương đưa đẩy loài người vào tội ác để cho nhân nhân, quả quả dày nặng như núi Tu-Di, làm đà tiến triển rốt ráo đến họa diệt thế.

(Bạch-Diệu-Hoa bạch: – Kính bạch Ðức Quan-Âm: vừa nghe qua mọi khổ não của bọn ngạ-quỷ, con liền phát tâm thương xót, và những cái mầm mống giao khởi cấu tạo thời cuộc như vậy, con nguyện thỉnh ý Quan-Âm vì sao tâm hạnh từ bi nơi đại hải Bồ-Tát và Ðức Quảng-Ðại Quan-Thế-Âm lại chẳng cứu độ, vớt hồn ngạ-quỷ khỏi chốn trầm luân đưa về cõi siêu lạc, thứ nhứt là lợi cho ma đạo thoát khổ thọ lạc, thứ hai dầu thời pháp mạt nhưng loài người cũng đở phải động lực của bọn ác quỷ ám ảnh để hoành hoại mà đưa đến cơ tận diệt. Và thoảng như hiện trạng ngày nay cuộc chiến tranh nguyên tử rủi bùng nổ thình lình, như vậy những người có tham gia trong cuộc chiến hoặc những kẻ chủ động, hoặc những người đã gây tạo nhiều tội trọng thì việc thọ báo đã đành; nếu kẻ vô tội, người thiện đức hoặc người tu hành, hoặc chư vị Bồ-Tát thọ thân hóa độ, rủi họ vướng phải họa lây thì có oan khúc chi cho họ chăng?

Và Cơ Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ khai sáng ra mối Ðệ Nhị Huỳnh-Ðạo nơi hải ngoại ngày nay, thời kỳ thế chiến thứ ba quá cận kề thì thế gì hóa độ cho kịp? Hơn nữa là đời nay đức tin rất yếu ớt, lòng nghi hoặc lại mạnh lớn hơn vô biên, thế gì hóa độ chúng sanh cho được hoàn mãn trong kỳ đại họa sắp tới???)

Lành thay! Lành thay! Thiện-nhân vừa khai thị những lời thỉnh nguyện đại lành như thế! Hãy khéo nghe cho kỹ, biên chép cho rành rõ, phổ cập đúng thời những lời lành Ta nay tuyên thuyết, ấy là phương thức lợi hành thứ nhứt.

Nầy Bạch-Diệu-Hoa! Ðại-Bồ-Tát tâm từ vô lượng, dầu cho nước nơi đại-hải không bì được, và tâm vô ngại đại-bi chẳng chổ rốt ráo sánh như hư không, nhưng vì sao chẳng thể độ dứt chúng sanh nơi ba đường ác?

Nầy Bạch-Diệu-Hoa! Chư Ðại-Bồ-Tát đối với chúng sanh như bi-mẫu, dầu căn tánh lợi, độn, dầu cho thiện ác thắng liệt như thế nào đối chư Bồ-Tát vẫn một tánh bình đẳng không hai, với ÐẤNG CHÍ-TÔN cũng như vậy. Còn Ðạo pháp ví như ngọn minh-đăng. Những Kinh điển pháp giáo lưu bá phổ cập khuyến cáo ví như sức mạnh chư Ðại-Bồ Tát từ trên thuyền bè đưa tay xuống nơi ba đào nước cuốn lầy lội đục nhơ mà vớt người sắp bị chết đắm. Chết đắm vì sóng mồi vật chất; chết đắm vì cặn bả đục nhơ nơi ngũ-dục; chết đắm vì nước biển tam độc cuốn nhanh! Nhưng nếu Tam Thế Chư Phật hằng hóa độ chúng sanh chẳng ngớt, thì chúng sanh ở trong tam sanh kiếp vẫn lưu trử tập nghiệp chứa nhóm tam độc. Ðời nào cũng có kẻ thiện người ác, kiếp nào cũng có lành có dữ, có giác có mê, có thiện giác, có ác giác. Huống nay cuối đời pháp mạt, thế giới nhân loài càng ảnh hưởng kiếp trọng trược nặng nề, từ hai ngàn năm qua loài người hoặc chướng, ác giác đã vân tập như mây che!

Vì chúng sanh khổ, vì cứu vớt hiểm nạn nơi ba đường ác nên Chư Ðại-Bồ-Tát hằng dùng con thuyền Ðạo-Pháp làm phương tiện cứu cánh, dùng Kinh điển giáo hóa chúng sanh như dùng món thuốc hồi sinh cứu người bịnh ngặt đang cơn hấp hối. Tuy nhiên, chẳng phải hoàn toàn trọn đủ tất mỗi căn trí chúng nhân. Thiện-nhân! Chính Phật Thế-Tôn còn phải trừ lại hạng Nhứt-Xiển-Ðề. Lại huống chi nay nhằm thời Pháp mạt, trong vòng hai ngàn năm qua lại hiếm gì hạng người bất giác như vậy, trừ khi tại cõi thế nhân đã dứt hết căn ác giác Nhứt-Xiển-Ðề và tam độc Thân, Ngữ, Ý nghiệp thì ba đường ác đạo tự nhiên chấm dứt.

Nếu áp lực cơ diệt hóa tới cùng nhân loại chậm hay mau sẽ có ba yếu tố, và ba cái yếu tố đó sẽ bài tiết rất tỏ rõ ở trong cuộc sống của nhân loại hằng ngày, mà nhân loại sẽ là nắm quyền tối hậu quyết định lấy cho chính mình, chớ không phải quyền tối hậu quyết định ấy là do nơi ma đạo.
YẾU TỐ THỨ NHỨT

Là nhân loại ngày nay đã xét thấy cuộc Thế-Chiến Nguyên-Tử có lẽ sẽ đến với thế giới một sớm một chiều, và xét thấy khắp nơi trên cõi Ta-Bà xiển dương Ðạo-Pháp, Kinh điển lưu bá một cách khẩn trương và đủ trong Tam-Thừa Cửu-Phẩm. Như vậy, tất cả căn trí thắng liệt phải khéo tư duy, khéo hồi minh cảnh trí, ngộ sám hoàn lương cải tà quy chánh, tu niệm cho được phù hợp với căn cơ mình, trước lợi mình, sau lợi người, chăm học Kinh điển để dứt trừ tập nghiệp, thường niệm Di-Ðà cầu phước huệ vinh thăng.

Ðược như vậy hết thảy thì cuộc Thế-Chiến Nguyên-Tử sẽ tự tiêu hủy, đó là “Bất chiến tự nhiên thành”, ấy là cái phúc lạc thanh tịnh chính người phải tự lập.

YẾU TỐ THỨ HAI

Là toàn tất Chư Linh có nhẫn thọ hành trì Bổn-Nguyện cứu cánh nhân loài, xả thân tu cầu hồi hướng công đức lợi tha cho chúng sanh hay chăng là yếu tố thứ hai. Nếu các chư Linh-Căn chẳng quyết tâm đem sức thiện căn của mình, phúc đức của mình, công năng của mình mà hồi hướng gia trì phước lực tăng tấn cho chúng sanh, thì chúng sanh dầu có ăn năn cũng chưa thấm bổ với nghiệp lực tập thể giữa nhơn loài trong thời Pháp mạt ngũ trược tăng tấn, khoa văn minh tấn hóa cực tiến như hiện nay!

Lại xét cuộc họa diệt nơi cõi Ta-Bà trong thời đại nói chung, bất cứ với hình trạng diệt hóa tập thể nào: thiên tai, địa ách, thế chiến hoặc chiến tranh lẻ, hoặc trong quốc độ nào, châu bộ nào thì số nạn vong tập thể đó tuy không trọn hẳn được lành dữ thiện ác, thì số nạn nhân đó phải có đủ căn đủ nghiệp, có thiện có ác, nhưng đại đa số là những người thiếu tu niệm, ít phước đức. Những xứ sở đó, quốc độ đó đã nhiều kiếp chẳng được chư Bồ-Tát trụ xứ để hóa độ. Vì sao? Vì chẳng đó Ðức-tin nơi Phật-pháp nên Thánh-linh chẳng đến. Tuy nhiên, vẫn phải có kẻ lương thiện, có bực hiền nhân lẫn lộn với số rất tối thiểu, thế nên chẳng đủ phước lực để che chở hiểm họa chung phần! Vì thiếu diễm phúc nên chẳng được ÐẠI-ÐẠO quảng truyền, Kinh pháp chẳng được lưu bá, chư vị Bồ-Tát cùng các Thánh-Linh chẳng đến lưu trụ, cơ TẬN-ÐỘ chẳng được phổ cập đúng thời để cứu cánh!

Nhưng vào vòng hiểm họa chúng sanh đồng phải thọ nạn tập thể như vậy. Những kẻ nhiều tội ác thì tất phải thọ quả ác. Người lương thiện thọ nạn như vậy tức là thọ phước. Vì sao? Vì những kẻ tội ác hiểm độc nếu chết là hiểm nạn, chết là khổ não, chết là thối hóa, chết là mất mạng, mất lộc, mất lợi, mất thân, mất thể.

Người hiền lương, sống thường tu tạo phước đức, chết là hủy khổ sanh lạc, chết là chuyển nữ sanh nam, bần khổ sanh phú quý; nếu tướng mạo thô ác xấu tật lại chuyển sanh tướng hảo, căn trí hạ liệt chuyển sanh nhà tôn quý, được gần gủi thiện-nhân, học thông Ðạo-lý thành bực đa văn.

Vậy lúc thọ hiểm nạn tuy đồng, chỉ dứt một tấc hơi khổ lạc đều khác hẳn, tất chẳng có gì là oan cả.

YẾU TỐ THỨ BA

Nó sẽ hoàn toàn ảnh hưởng trong hiện tượng của hai yếu tố trên mà dung nạp thành quả.

Thoảng như hết thảy nhân loại nói chung, tất cả người Việt từ quốc độ Việt-Nam tị nạn chánh trị, mang danh nghĩa Ðại-Ðạo lưu trú khắp thế giới nói riêng, trong số đó có đủ căn đủ trí, đủ Tam-Giáo Ngũ-Chi, chư vị Bồ-Tát, Thánh- Linh, căn cơ thắng liệt, thiện ác, hiền lương, hiểm hung, độc dữ, tu niệm, thánh đức, hiền nhân chẳng thiếu, mà sứ mạng Tận-độ là cái sứ mạng chánh của quốc độ Việt-Nam. Ðược một sứ mạng hy hữu như vậy dầu rằng một quốc độ tiểu nhược nhưng hậu lai sẽ tràn đầy thắng phước, công đức dân tộc ấy như nước biển chẳng lường! Một diễm phúc tối cao được Bề-Trên chọn cuộc khai sáng cơ nghi ÐẠI-ÐẠO ngay trong thời Pháp mạt. Gồm năm nhánh dựng thành cơ hữu Tận-Ðộ, cứu cánh đúng thời, sánh như dựng lên một tòa nhà bằng Pháp-Bảo giữa trung vị đường ngã năm. Ngôi nhà kia chứa đầy Pháp vị, sắm đủ các món ăn nuôi dưỡng tinh thần, đủ các loại thuốc cứu nguy bịnh ngặt.

Còn số kiếp nhơn loài ngày nay sánh như những khách bộ hành đang lở bước hành trình gặp lúc hoàng hôn giữa rừng thiêng núi hiểm, không tìm ra lối thoát, thành ấp lưu trụ hãy còn xa…, họa diệt thế cùng tập nghiệp chúng sanh như rấp nhập cảnh hoàng hôn bán lộ! Thì tòa nhà Pháp-Bảo kia là nơi tá túc mà lánh họa hiểm cùng. Sống nơi tòa nhà Pháp-Bảo kia đã sẵn đủ phương tiện, chẳng đói khát, không sợ hãi, chẳng còn thành vách ngăn che giữa màu sắc, giữa phái tông, mà chỉ dung thông sự Bình-Ðẳng, nối kết tình cốt nhục tương quan, thương yêu lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau, dùng Ðạo-Pháp mà làm món ăn nuôi dưỡng tinh thần cho được khôn lớn, được lành mạnh. Dụng THIÊN-NHÃN làm ánh sáng mặt trời, sự soi sáng tâm hồn ngõ tìm nguồn thiện phước mà phục thỉ hồi chơn…

… Dầu cho muôn Kinh ngàn điển, Tam-Giáo, Ngũ-Chi, triết môn, huyền học, rốt ráo cũng trở về một nguồn Ðạo vô thượng đệ nhứt nghĩa là chỗ tối hậu pháp yếu.

Còn cơ ÐẠI-ÐẠO khai minh, NHÃN mục thần dương là lý, biểu tượng ÐỨC NGỌC-HOÀNG THƯỢNG-ÐẾ, sự soi sáng là lằn thượng diệu điển quang. Dầu Ngài chẳng thọ thân vì thời Pháp mạt, sự giáo Ðạo chỉ dùng lối vô hình phối trí cùng hữu vi để hóa Ðạo. Ngoài ra, những nền tảng giáo pháp kinh tạng, Nho, Lão, Thích, giới luật, điều qui, văn ngôn, luận ngữ, luân lý giáo điều tất đều đầy dẫy, thừa sức thông dùng cho tất hàng hữu học, trừ khi lòng người chẳng mộ ưa cầu học thì rất khó nghĩ bàn.

Tuy nhiên, Ðạo khai dùng thuyết Tận-Ðộ, tức phải tùy thuộc căn cơ chúng sanh, bổ túc Kinh điển được phù hợp căn trí, phù hợp bối cảnh, tương ứng nguyện vọng, điều thuận sự ngăn chia, hòa nhu thời ác chiến, như dùng những giọt mưa bằng nước Ma-Ha tưới ngọn lửa phiền não đã bừng cháy khắp cõi đại địa, ấy gọi là phương châm cứu cánh tận độ.

Ngoài còn diệu lực gia trì vô năng thắng nơi Bề-Trên đại-bi, đại-từ nhiếp niệm. Hằng hà chư Ðại-Bồ-Tát, ức vạn chư Thiên bủa tràn thắng phước tăng tấn sức thiện căn, giúp chư thiện chúng hành trì Ðạo-Pháp được kiên nhẫn, thâu nhiếp các thiện nguyện lợi tha, giảm hoặc chướng, tăng phước lực, làm cho cõi đại địa mây chướng mòn tan, ánh quang đãng thượng diệu mặt Nhựt rọi vào, muôn loài vạn vật được nhờ hơi ấm thiên nhiên cùng ánh sáng vô nhị ấy mà hưởng được phúc lạc thanh tịnh.

Vậy toàn cõi thế nhân hãy lưu tâm định ý phục nguyện hoàn lương, gieo giống thiện căn, tài bồi ruộng phước, tự giác tự tu mà độ mình cứu người hầu được khỏi phụ lòng Trời Phật, và để cho biển phước thế nhân luôn được chứa đầy nước mát mùi thơm, đời đời chẳng bị khô cạn. Ðó là kết ba yếu tố đem lại thành quả vậy…

QUAN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT (theo thienkhai-huynhdao.blogspot.com)

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.