Có Phải “Toàn Bộ Thế Giới Đi Từ Mỗi Cá Nhân?”

Đọc trên mạng điện tử bắt gặp câu phiếm luận thật hay “Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là Phước, Lộc và Thọ”.

“Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du mà Thọ chưa hẳn đã là may mắn.” Vì sao vậy ?

Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo nhưng mà ngày nay….

Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra toà và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra toà trong khi đó một xã hội xứng đáng để gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo vì có thể nói các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui…

Dù cho các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng phải dựa theo một tiêu chuẩn nào đó và quan trọng nhất với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.

Lại học được trong các bài pháp thoại về Luật duyên sinh và Vô Thường tướng cho rằng “toàn bộ đời sống con người chúng ta chỉ là chuỗi ngày tháng tiếp nối nhân quả “ . Bất cứ việc gì mình nói, mình làm, mình suy tư mà nhắm đến gây thiệt hại làm khổ chúng sanh khác, gây ra máu đổ lệ rơi; hoặc làm cho người khác phải khó chịu, phải đau khổ, hoặc qua ngôn từ, qua tư tưởng, hay qua hành động cụ thể, thì đều được gọi là nhân ác hay nghiệp bất thiện sẽ nhận qua xấu còn những gì mình mang đến cho người niềm vui hạnh phúc đều là nhân thiện hay nghiệp thiện sẽ nhận quả lành và quả thứ ba là nhân quả vô tính – nghĩa là chỉ nói đến cái lực tác động và phản ứng thôi.

Lại nữa khi học về giáo lý căn bản chúng ta lại nghe “Toàn bộ sự hiện hữu của vũ trụ chỉ là sự có mặt và làm việc của 6 Căn 6 Trần”.

Đó là khi Mắt và những thứ con mắt nó thấy, Tai và những thứ lỗ tai nó nghe được, Mũi và những cái mũi nó ngửi được, lưỡi và những cái lưỡi nó nếm được, Xúc giác và những thứ mà Thân nó xúc chạm được, và Ý thức và những thứ đầu óc nó suy nghĩ được.

Do vậy mỗi người có lẽ ai ai cũng phải tập cho mình một nhận thức trong đầu là “Toàn bộ thế giới này nó chỉ là cái hành trình hiện hữu và hoạt động của 6 Căn 6 Trần”.

Và nghiệp thiện chính là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành. Có nghĩa là … Nghiệp thiện gồm tất cả những suy tư, suy nghĩ, những ngôn từ nói năng hay là những hành động cụ thể bằng tay chân mà được thúc đẩy bởi thiện chí, thiện tâm, đem lại niềm vui hay lợi ích cho người khác.Từ đó suy ra hạnh phúc chính là sáu căn biết sáu trần như ý.

Nghiệp ác tức là sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu do đó đau khổ chính là thì cũng chỉ là sáu căn biết sáu trần bất toại, có nghĩa là nghiệp ác được tạo ra từ sáu căn biết sáu trần bằng cái tâm bất thiện – tham sân si, nhỏ mọn, ganh tỵ, bủn xỉn, tỵ hiềm, ích kỷ đều gọi là nghiệp bất thiện.

Và Nghiệp chính là yếu tố đưa đẩy chúng ta tái sanh vào luân hồi vậy.

Như vậy mới thấy được rằng triết lý đạo Phật cao siêu và trong sáng nếu được truyền tải sâu rộng đến mỗi người để chuyển hoá dần hành vi, ngôn ngữ thì đã góp phần nào vào việc hoằng pháp lợi sanh hiệu quả nhất.

Mạnh Tử từng nói: “Trời đất đầy đủ nơi ta, chân thành trở về với chính mình, không hạnh phúc nào lớn hơn”.

Thế nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại “Thế giới này là sự kết hợp của có và không.” Lấy thí dụ một căn nhà phải có cái vách bên ngoài và khoảng không ở trong. Thì cái khoảng rỗng đó gọi là hư không. Và như vậy thế giới này được hình thành từ những khoảng trống, từ những khoảng trống đó mới phân biệt được A và B.

Lời kết:

Để hình thành một cá nhân trong xã hội cần biết “Vòng xích luân hồi 12 nhân duyên” của giáo lý Phật học mà trong đó bao gồm nhân và quả đi theo từ quá khứ , hiện tại và vị lai.

Do sanh mới có cái này. Mà Sanh từ đâu nó ra? Do Nghiệp hữu. Mà Nghiệp hữu từ đâu ra? Do Sanh hữu. Mà Sanh hữu từ đâu ra? Do tứ Thủ. Tứ Thủ từ đâu nó ra? Do 6 Ái. 6 Ái từ đâu nó ra? Do 6 thọ. 6 Thọ đi ra từ 6 xúc, 6 Xúc đi ra từ đâu ta? Nó từ Lục nhập. Lục nhập tức là 6 căn. 6 căn từ đâu ra? Nó do danh sắc đầu đời. Tức là do mình có mặt ở cõi nào mình có đủ 6 căn hay không. Mà danh sắc đầu đời từ đâu? Nó từ tâm đầu thai. Tâm đầu thai do đâu nó ra? Nó từ các nghiệp thiện ác quá khứ. Mà nghiệp thiện ác đâu nó ra? Là nó từ vô minh.
Được biết : Vô Minh trong đạo Phật là không hiểu 4 Đế (4 sự thật):

– Thứ nhất, mọi thứ (nước mắt hay nụ cười) ở đời đều là khổ;
– Thứ hai, vì mọi thứ là khổ nên những gì ta thích đều là thích trong khổ;
– Thứ ba, muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa;
– Thứ tư, sống bằng 3 nhận thức trên chính là con đường thoát khổ.

Và câu hỏi đặt ra “Có phải toàn bộ thế giới đi từ mỗi cá nhân?” đã có một lời đáp án và thế giới được hình thành dưới cái nhìn của mỗi cá nhân theo lăng kính nào.

Cứ thế người ác do cộng nghiệp sinh sống tại một xã hội đất nước nào thì nơi ấy có chiến tranh liên miên, còn một quốc gia nào có nhiều bậc hiền nhân người lành thì xã hội ấy an bình hạnh phúc.

Như vậy Học Triết lý Phật Giáo không có nghĩa là làm con mọt sách, nhớ vanh vách những gì kẻ khác nói, thuộc làu làu những học thuyết để lờ người vì Chân lý là một cái gì duy nhất, bao trùm hết vạn sự vũ trụ mà khoa học chỉ nhìn thấy có một khía cạnh chứ không sao thấy được toàn diện và lại còn thiên về phần vật chất hơn.

Trở lại vấn đề Phước Lộc Thọ mà mọi người mong ước thật ra phải còn tuỳ thuộc vào định luật của cuộc sống và tình thương là phải một dòng nước chảy ngược về nguồn cũng như nước mắt luôn chảy xuôi mà dân gian thường nói.

Vì xưa nay trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có được một chỗ nào trong trái tim của con không ?

Kính xin tặng bạn:

Xã hội ta đang sống thuộc về cõi DỤC,
Dưới lăng kính nghiệp nhân quả tái tạo luân hồi (1)
Tuỳ mức độ thiện ác,
khuynh hướng, môi trường ảnh hưởng thôi,
Từ hệ lụy thương, ghét tạo ra TỘI PHƯỚC
Toàn thể vũ trụ do nằm trong cá nhân Chấp trước
Từ cộng hưởng của sáu căn với sáu trần
Ao ước tạo xây căn nhà, tổ ấm ngoại thân
Nơi địa phương, xã hội, đất nước đang sống!
Luôn nhớ rằng :
cảm xúc sáu căn là phần quan trọng
Hãy tiếp cận theo chiều hướng thông minh
Tất cả vạn vật thay đổi theo cái nhìn
Đều liên hệ quả thiện ác bao đời ghép, cộng!!

Huệ Hương – Melbourne 12/6/2023

_____________________

(1) Dục truy tiền thế nhân
Kim thân thọ giả thị
Dục truy lai thế quả
Kim thân tác giả thị”
Nhìn quả bây giờ biết nhân đời trước.
Nhìn nhân bây giờ biết quả đời sau
Muốn biết kiếp trước ta thế nào nhìn ta bây giờ 
Muốn biết đời sau ta làm gì, nhìn ta bây giờ.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.