Cuộc đời là một dòng biến thiên thay đổi theo thời gian nhưng nỗi khổ niềm đau vẫn không chừa bỏ một ai. Con người phải khổ sở vì những thứ tình. Tình ở đây gồm đủ các loại: tình vợ chồng, tình cha con, tình anh em, tình yêu, tình bạn, tình đời đen trắng, v.v… Nhờ có khổ như vậy chúng ta mới tìm đến chùa học hỏi, chiêm nghiệm và tu sửa mong sao cho hết khổ.
Chuyện đạo và đời giống như hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có cuộc đời thì sẽ không có đạo pháp và dân tộc, đời và đạo nương nhau mà làm thành cho nhau qua nguyên lý duyên sinh nhân quả nghiệp báo.
Những điều này được giải thích trong Phát thú ( tập thứ 7 của A Tỳ Đàm [Abhidhamma] về những hỗ trợ duyên ) như sau :
“Tất cả các sự vật hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời này đều có hai mặt trái ngược nhau, như là: được mất, hơn thua, phải trái, thương ghét, đẹp xấu, lớn nhỏ, nóng lạnh, v.v… Và việc đối nghịch nhau này, chính là sự thật tất yếu để hình thành nên cuộc sống. Cái này tồn tại hiện hữu trong cái kia, và ngược lại cái kia có mặt trọn vẹn trong cái này”.
Như vậy ” cuộc sống luôn có hai mảng sáng và tối. Tất cả chúng ta đều có những phút giây thăng hoa, hạnh phúc, nhưng cũng có lúc rơi xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng, chán chường ” .
Do vậy, chúng ta luôn phải gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để hướng tới một cuộc sống tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Khi đó, mỗi người sẽ không lãng phí tuổi thanh xuân và sống có ý nghĩa. Mà thông thường, con người chỉ muốn tìm kiếm, sở hữu những gì tốt đẹp nhất để được an hưởng hạnh phúc lâu dài, nhưng khổ nỗi chính ý niệm truy tìm ấy lại là đầu mối nguy hại làm phân hóa niềm an vui hạnh phúc mà ta đang có!
Vì nếu trong tâm ta cứ mãi hiện hữu các ý niệm mong cầu sở đắc về một điều gì đó thì đã rơi vào trạng thái bất an rồi, chưa nói đến khi đạt được điều như ý thì lòng tham ái của ta lại càng trở nên cố thủ, lo lắng và sợ mất!
Để nhận thức rõ giá trị hai mặt của cuộc sống, chúng ta cần phải biết trở về với chính mình, thường trực quan sát thân tâm và hoàn cảnh đương tại. Dù bất cứ ở đâu, làm gì bạn cũng nên quan sát như thế, khi thân tâm trở nên nhất như, an tịnh thì cái nhìn của bạn về đời sống này không còn phân chia một mặt hoặc hai mặt gì cả, mà chỉ có cái nhìn thương yêu và trân quý!
Có một thực tế không thể phủ nhận là: Cái đẹp của mỗi con người không chỉ đến từ nhan sắc mỹ miều mà còn xuất phát từ nội tâm. Chỉ cần trong tâm luôn chứa đựng những suy nghĩ lương thiện, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ và cao quý.
Sự chân thành của con người cũng không đến từ những lời lẽ hoa mỹ, mà là từ tâm hồn thuần khiết. Thiện ác chỉ cách nhau ở một niệm, nhưng khác biệt đã cách xa vạn dặm. Bởi vậy mới có câu nói: “Đừng vì việc thiện nhỏ mà không làm, đừng vì việc ác nhỏ mà làm”.
Có ai đã từng để tâm lắng động và tạm quên đi mọi thứ, chính lúc này mình sẽ cảm nhận được cái giá trị của cuộc sống hiện hữu thật là tuyệt vời và chính lúc đó ta sẽ cảm nhận được cái Thật trong con người của mình vô cùng quý báu.
Phật pháp chẳng lìa thế gian, vì khổ đau là thực tế của cuộc sống bởi do tham giận si mê mà ra. Phật pháp ngay nơi cuộc sống hằng ngày với những việc làm bình thường từ nơi ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, rửa chén, quét nhà, tất cả đều là Phật pháp.
Cuộc đời con người chúng ta được sanh ra và lớn lên trên hành tinh này, không nhằm mục đích sống và tô điểm bộ mặt giả tạo, để nhằm mục đích cung phụng riêng cho bản thân của mình và gia đình mình.
Bạn gửi mình :
Những mẫu chuyện sưu tầm thật ngắn ,
Nhiều hoạt cảnh xã hội của thế gian !
Lòng chùng xuống … lại suy nghĩ miên man,
Quả thật đúng có ba đường …sáu cõi !
Hạnh phúc là điều người người mong mỏi,
Biết bao giờ …đau khổ hết vấn vương đây !
Hai mặt của cuộc đời, xin nhận hiểu ngay
Nếu không hiểu được nhân duyên nghiệp báo
… Xin đừng góp lời góp ý !
Chuyện đục trong, đâu là Chân, Thiện , Mỹ !
Phước ngàn năm hãy kiệm lấy dành tiêu,
Pháp học rồi …sơ tâm chớ mạn, kiêu,
Trí Tuệ khởi phát, mầm gieo từ căn bản
Vững vàng, thiện lương, kiên nhẫn, không than oán,
Còn luân hồi công đức ráng tu bồi !
Sang, hèn ra đi đều tay trắng mà thôi
Hơn nhau nghiệp quả khi tái sinh … rất khác !
Bạn nghĩ gì ? … Có nên luận bàn Thiện, Ác ? (Thơ của Huệ Hương)
Nếu bạn thường trực thận trọng, chú tâm quan sát về mọi hành động, nói năng và dòng suy nghĩ của mình trong từng phút giây hiện tại thì sẽ không làm khổ mình và hại người, không tạo ra hệ quả bất thiện cho đời này và cả đời sau.
Mặt khác, khi nội tâm của bạn được an tịnh và sáng suốt thực sự thì bản ngã tham sân si không còn hiệu lực để chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ mọi hành vi bất thiện kể như chấm dứt, bạn hoàn toàn tự do giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, thì đây chính là sức mạnh tu tập mà mỗi hành giả cần phải thực thi.
Để điều chỉnh nhận thức và hành vi sai trái của mình, chúng ta cần phải biết thực hành đúng như lời mà Thế Tôn đã chỉ dạy: “Mỗi khi nội tâm có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm có tham dục. Mỗi khi nội tâm không có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm không có tham dục. Vị ấy cũng quán chiếu như thế đối với tâm sân hận, tâm si mê, tâm thu nhiếp, tâm tán loạn, tâm khoáng đạt, tâm hạn hẹp, tâm cao nhất, tâm định và tâm giải thoát”.
Có giao tiếp, trách nhiệm, bổn phận, liên hệ công việc mới thấy ra những yếu tố giúp mỗi người trải nghiệm sự tương tác để nhận ra chính mình trong thế giới đa chiều của cuộc sống.
Người ta ví Đạo sống như “lưới Trời Đế Thích” mà mỗi mắt lưới đều phản chiếu tương thông với những mắt lưới khác (“lưới Đế châu ví Đạo Tràng”).
Vì vậy vị trí trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng xã hội chính là bài học giác ngộ của người đó. Không nhận thức được vị trí trách nhiệm trong cộng đồng để học bài học giác ngộ của mình thì hoặc là trở thành nhà độc tài, hoặc là trở thành người tự kỷ – cả hai đều tự cô lập mình trong chính tư tưởng của chính mình.
Do vậy “Không cần sống quá tích cực mà chỉ cần nghiêm túc và nhiệt tình”.
Đời sống có ý nghĩa rất to lớn cho sự tiến hoá của mỗi người. Nên sống thật bình thường, biết chú tâm vào công việc và sáng suốt biết mình mới thấu hiểu được ý nghĩa to lớn đó.
Vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị và quyền lực mà ta đã mãi cố công tìm kiếm và tích luỹ, để rồi một ngày nào đó chúng cũng sẽ bỏ ta ra đi.
Nếu ta không mất chúng thì đến lúc xuôi tay nhắm mắt, ta cũng phải đành bỏ lại tất cả và ra đi với đôi bàn tay trắng.
Suy cho cùng! Chính bản thân mình là thủ phạm đã đánh mất cái Thật trong con người của mình suốt quãng đời mình đã trải qua.
Xã hội ngày nay chúng ta không còn biệt phân được đâu là Thật và đâu là Giả. Hãy sống thật với chính mình và cho những người chung quanh, từ đó ta sẽ tìm thấy nguồn hạnh phúc vô tận, mà tiền tài danh vọng không thể mang lại/
Hơn thế nữa “Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian.”
Đôi khi lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc.
Chỉ khi nào ai thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm người ấy sẽ thanh tịnh, và khi thanh tịnh họ sẽ thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.
Lời kết:
Sứ mệnh của mỗi người sinh ra trên đời là thấu hiểu chính mình chứ không phải để trở thành người khác.Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò nghĩa là có khả năng học hỏi , luôn sẵn sàng học để chấp nhận ý nghĩa của vạn sự vạn vật.
Học là điều cần thiết muôn đời, học cũng chính là tu hay trải nghiệm chiêm nghiệm mọi mặt của trường học cuộc sống để thấy ra sự thật.
Trừ phi học để tích luỹ kiến thức, để hình thành kết luận chủ quan, để chấp vào sở tri sở đắc, trở thành chướng ngại ngăn trở sự khám phá học hỏi để thấy ra sự thật thì mới gọi là sở tri chướng.
Học những bài học trong cuộc đời gồm có hai phần:
Phần đối với ngoại cảnh (người, vật) thấy được tính chất vô thường, khổ, vô ngã. Phần đối với nội tâm thấy được đâu là tham sân si, đâu là thanh tịnh trong sáng.
Như vậy, khi xúc chạm việc đời tâm mới không động không sầu, tự tại và vô nhiễm được.
Tóm lại, khi nào tâm thanh tịnh thì thấy rõ các pháp, và khi thấy rõ các pháp thì tâm thanh tịnh. Còn nếu chưa “thấy rõ” nên vẫn còn thấy theo quan niệm thị phi, thiện ác, do đó bản ngã còn phản ứng.
Và thật ra chúng ta không cần khắc phục những cảm thọ của chúng ta đã phản ứng với sự việc đến, mà chỉ cần quan sát để thấy ra những cảm xúc đó đúng như nó là, khi thấu hiểu nó rồi, cảm thông nó rồi, thì nó sẽ tự chuyển hoá.
Điều cần nhất là trọn vẹn tỉnh thức và khe khẻ ngâm nhỏ lên vài lời trong bài hát: Cát Bụi cuả cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn nhé!
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày.
Và chợt nhớ đến lời dạy của Hoà Thượng Viên Minh trong mục hỏi đáp của Trung Tâm Hộ Tông ngày nào…
“Khi bất an đừng nghĩ tới một chốn bình an nào khác, vì như thế con liền cảm thấy cô đơn. Nếu con biết lắng nghe tiếng nói của bất an hay cảm nhận nỗi bất an một cách trọn vẹn thì con sẽ không còn thấy cô đơn nữa. Người bạn thân thiết nhất chẳng bao giờ rời con chính là con với tất cả những nỗi niềm khổ vui của nó, nó là người bạn đang cần con thương yêu, thông cảm nhưng con lại mong chờ một sự thương yêu thông cảm ở bên ngoài mà không trải lòng thương yêu thông cảm với chính mình”.
Phật dạy:
Tự mình nơi nương tựa (Attā hi attano nātho)
Không nương bất cứ ai (Ko hi nātho parosiyā)<
Trờ về tâm thuần tịnh (Attanā va sudantena)
Được chỗ nương không hai (Nātham labhati dullabham).
Thực ra, tâm chúng ta vốn rất thanh tịnh trong sáng, nhưng vì đặt sai hướng nên tìm kiếm bên ngoài mà bị ô nhiễm bởi những cấu uế ngoại lai (āgantukā). Biết trở về chính mình, không có chốn bình an nào hơn. Thầy có bài kệ này:
Hướng ngoại tìm an bình
Khác chi tìm hoa đốm
Không trở lại chính mình
Về đâu tìm an lạc?
( HT Viên Minh )
Kính trân trọng chia sẻ
Huệ Hương