Luôn Biết Mình Dốt Là Điều Quan Trọng!

Học Trung Bộ Kinh, bài “ĐẠI KINH SƯ TỬ HỐNG “.
Thọ nhận sức mạnh tinh thần từ Ngài, quá mừng thay
Biết được thập lực, tứ vô uý… thành tựu của Như Lai (1)
Khi chuyển bánh xe pháp cho hội chúng bằng tiếng rống
Chiêm nghiệm được:
“Luôn biết mình dốt là điều quan trọng! “
Ngoài những căn bản cần phải biết là những gì (2)
Điều nào khiếm khuyết, chưa đủ phải điều nghi

Người học Phật cần lưu ý:
“Việc gì có thể xảy ra và điều không thể?”
Sẽ bước tiến xa khi khi nhận ra mình bị hạn chế!
Sở trường, sở đoản đôi khi mình tưởng là hay
Nhưng thực tế cần chỉnh sửa, bổ sung ngay
Với thời gian, không gian chưa chắc, chưa đúng
Hơn thế nữa. …
Tâm tính, đạo đức luân lý người Việt truyền thống
Dù chung cộng nghiệp nhưng biệt nghiệp không đồng
Làm sao bản thể cá nhân, vũ trụ dung thông ?
Khi công đức, phước duyên mỗi người khó giải thích
Trộm nghĩ phàm phu:
Có sức khỏe, tiền bạc, học vị, uy tín rất hữu ích
Đi vào hội chúng nào cũng thấy tự tin
Nhưng coi chừng ngã mạn sẽ phát sinh
Nên khiêm tốn thật lòng thấy ai cũng hay, cũng tốt.
Phải chăng:
điều quan trọng luôn nhủ thầm “ Mình còn dốt?”

Huệ Hương

_______________
1) Mười lực là:
1. Trí biết thị xứ phi xứ [do thấy rõ tương quan nhân quả, nên biết được cái gì có thể xảy đến, không thể xảy đến.]
2. Trí biết nghiệp báo trong cả ba thời quá, hiện, vị lai.
3. Biết con đường đưa đến các cảnh giới.
4. Biết tất cả yếu tố tạo thành thế gian [nói rõ trong kinh Trung bộ 115.]
5. Biết chí hướng sai biệt của các loại hữu tình; biết các hạng chúng sinh thượng, trung, hạ, chúng thu hút lẫn nhau do luật đồng thanh đồng khí.
6. Biết căn mạnh hay yếu nơi chúng sinh – tức 5 căn tín tấn niệm định tuệ.
7. Tuệ tri sự tạp nhiễm, thanh tịnh, sự xuất khởi các thiền chứng về thiền, giải thoát, định.
8. Trí biết tất cả kiếp trước của bản thân gọi là túc mạng trí.
9. Trí biết sự sống chết của chúng sinh tùy theo nghiệp hay sinh tử trí.
10. Lậu tận trí, sạch hết tất cả nhiễm ô.
Bốn vô úy:
1. Phật không lo sợ bất cứ ai trên đời chỉ trích Ngài chưa chứng mà mạo nhận.
2. Không sợ ai chỉ trích Ngài chưa đoạn trừ lậu hoặc mà tự cho đã đoạn trừ.
3. Những gì Ngài dạy chướng ngại đạo chắc chắn là chướng ngại, không sợ ai nói ngược lại.
4. Pháp Ngài dạy chắc chắn dẫn đến đoạn tận đau khổ, không ai có thể bảo là không.
(2) -biết vạn hữu ở đời do duyên mà có, có rồi phải bị mất.
– làm lành luôn dẫn đến quả vui, hỷ lạc; làm ác luôn dẫn đến quả khổ, ưu;
-biết rất rõ là có chứng đắc thiền định thì mới có thể về Phạm thiên,
-chỉ tu thập thiện mà cấp thấp thì về các cõi dục thiên hoặc là loài người.
-Phải tu đúng bát chánh đạo thì mới chứng được thánh quả giải thoát

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.