Tôi vẫn thường nhủ thầm ” Đây thật là nơi thanh tịnh và trang nghiêm nhất “ mỗi khi vào phòng thờ của nhà tôi nơi có nhiều bức tranh Phật và những hình tượng nhỏ của đủ các Đại Bồ Tát mà nhiều lần đã hiển hiện ra những điều thật linh ứng trong đời tôi…
Và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cũng như Tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là hai vị Phật mà tôi thường trút bao niềm tâm sự hay những điều mơ ước đến với các Ngài và lạ thay mỗi lần như vậy tôi lại thấy mình được như ý sau ánh mắt thật từ bi kèm theo một chút gì ấm áp truyền qua người bằng nụ cười thật nhân ái.
Chính vì thế chưa bao giờ những ngày đại lễ quan trọng của hai Vị Phật tôi tôn kính nhất này lại thiếu những bài viết hoặc những vần thơ để xưng tán năng lực nhiệm mầu, vi diệu đã trao cho tôi trong suốt 40 năm của quãng đời sau này của tôi và hôm nay, một lần nữa tôi lại được tỏ bày lòng kính ngưỡng của mình đến với Đức Quán Thế Âm.
Những ai đã học Phật đã từng biết rằng Quán Thế Âm Bồ tát chính là Cổ Phật CHÁNH PHÁP MINH NHƯ LAI, Ngài vì thương chúng sanh đã phát đại nguyện sẽ ở lại Cõi Ta bà để cứu độ.
Đức Bồ tát Quan Thế Âm, Ngài hiện thân của Từ Bi…
Từ là thương yêu chúng sinh mang lại cho họ niềm an lạc và hạnh phúc đồng thời cũng đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sính nguyện sẽ giúp chúng sinh giải trừ bớt những nỗi khổ của họ ( Bi ).
Do đó hình ảnh Ngài thường được tạc hay đúc thành tượng để thờ và chiêm ngưỡng trong chánh điện hoặc khuôn viên của hầu hết các tự viện theo Phật Giáo Đại thừa hay Mật tông.
Cũng cần nhắc lại một đoạn trong lời khấn của một giáo phái Mật tông như sau: ” Dù Ngài có thị hiện dưới nhiều hình thái khác nhau trong sự trải rộng lòng từ bi của Ngài và trong trí tuệ của Ngài nhưng trong tâm chúng con Ngài không hề sai khác và chúng con luôn sùng kính Ngài là một vị Bồ Tát vĩ đại “.
Quả thật vậy Đức Quán thế Âm Bồ Tát là một vị Đại Bồ Tát không chỉ được mọi người trong thế giới Ta bà chúng ta thành kính quy ngưỡng về Hạnh Nguyện của Ngài qua 12 lời đại nguyện và hết lòng thành kính trì niệm danh hiệu Ngài không những chỉ đọc tụng trong ba ngày vía của Ngài ( 19/2 âm lịch vía Đản sanh – 19/6 âm lịch Đía Thành Đạo và – 19/9 âm lịch Vía Xuất Gia ) mà có thể nói bất cứ giờ phút nào mỗi khi lòng ta cảm thấy bất an hay sợ hãi.
Hơn thế nữa qua kinh Lăng Nghiêm và phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa ta được biết Ngài còn được tất cả mười phương cõi khác các Chư Phật và Bồ tát đều một lòng thành kính trì niệm danh hiệu Ngài ( dù có thể tại các cõi ấy Ngài lại có một danh hiệu khác ).
Tuy nhiên có lẽ khi càng học sâu vào Đạo ta lại biết trong Tâm của mỗi người chúng ta đều có một Quan Âm tự tánh, chỉ có điều đã trôi lăn trong sinh tử luân hồi quá lâu chúng ta bị vô minh che lấp lại thêm phiền não quấy nhiễu nên chúng sinh phàm phu như ta chẳng thể hiển bày được tự tánh ấy dù nó ở đấy tự bao giờ… và chỉ khi được nào danh hiệu Ngài được trì tụng thì những mầm giống tiềm ẩn ấy như gặp đủ gió nước ánh sáng nhiệt độ sẽ sinh sôi tăng trưởng.
Ngay tiếng dạ
Đây Quan Âm hiện đó
Ngay tiếng dạ
Đây vỗ tay trở về ( TT Thích Thông Phương )
Phải chăng sự bình an trong tâm tưởng chúng ta chính là Phước báu lớn nhất, thù thắng nhất, bất khả tư nghĩa nhất.
Theo quan niệm của một số học giả kinh nghiệm thì người tu theo Đạo Phật một cách đúng đắn là phải trở về được cái Tâm sâu thẳm của mình để không bị những cảm xúc, những vọng niệm những tưởng tượng mông lung lôi kéo đi ra các cảnh giới bên. ngoài… nhưng có ít ai có thể thực hiện được điều đó nên thường chúng ta cần phải nương tựa vào một hình ảnh của những vị Đại Bồ Tát để quán tưởng và hy vọng vào khả năng vi diệu bất khả tư nghì của các vị ấy.
Và vì vậy có câu ” LINH TẠI NGÃ, BẤT LINH TẠI NGÃ “ nghĩa là một khi lòng tin thật thành khẩn thì sức mạnh tâm linh vô cùng mãnh liệt và tự nhiên sẽ chuyển hoá cho người ấy trong giờ phút khó khăn nhất… dù cho ai đó nói rằng Đức tin ấy là có giới hạn… nhưng thật ra tất cả nằm trong con tim của ta.
Hơn thế nữa, khi ta tưởng nhớ đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lại đứng trước tượng Ngài chiêm ngưỡng thì hạnh Từ Bi và lắng nghe của Ngài dường như đang ở trong Tâm ta và ta tự nhiên thấy Ngài đang trong Ta, dường như ta nương tựa vào lực của Ngài mà nhập tâm và vượt qua được sự chi phối của ngoại chuyển và thâm nhập vào tự tánh lúc nào.
Hãy quán tưởng vào hình tượng Bồ Tát
Đôi mắt Ngài… ôi bể chứa tình thương
Để thấy lòng thanh thản thật khôn lường
Thánh thiện thay… Tự trên cao… Ngài ngự trị !
Bao nhiêu trần tục trong tôi… tập khí
Đã tiêu tan biến mất tự bao giờ
Ấm áp niềm vui… tràn ngập chẳng vơi
Như đi vào thế giới… lung linh mầu nhiệm.
Cũng được nhiều lần nghe thấy các Lạt Ma thường khấn nguyện như sau: ” Nhò Đức Hạnh tu tập… kính xin cho con ước mong đạt đến trạng thái ngang với trạng thái của Quan thế Âm Bồ Tát để con có thể giúp đỡ được tất cả muôn loài sinh linh như Ngài đã từng ban cho sự vô uý “.
Và cũng cần nhắn đến 5 sức mạnh tâm linh để giúp ta cảm thấy có một tiềm lục vô hình đẩy ta về hạnh phúc an bình đó là:
1- Súc mạnh của thói quen
2- Sức mạnh hướng về tâm linh ( nghe pháp thoại, thọ trì đọc tụng kinh điển )
3- Sức mạnh của những hạt giống tốt ( chư thiện hữu tri thức )
4- Sức mạnh của sự đã phá bỏ dược những gì về Ngã
5- Sức mạnh của ước vọng luôn luôn được gặp Chư Phật, Bồ Tát
Thế nên chúng ta không thể lạm bàn hay dùng bất cứ một từ ngữ nào… khi một số đông Phật tử thường đến trước hình tượng Quan Âm trong một khuôn viên chùa nào đó để dâng lễ vật cúng dường, hầu đa tạ tri ân những gì ước nguyện đã được Đức Quán thế Âm Bồ tát gia hộ.
Dù rằng những ai tu Đạo đều hiểu rằng ” Không có một ân sủng nào hay một sự khai tâm nào mà ta sẽ được nhận liền cũng như không có một câu thần chú nào hay một buổi lễ thần bí nào mà có thể chỉ dạy cho ta hay chuyển hoá ngày cho ta lập tức, mà phải biết Sự cải biến đến từng phút một giống như một toà nhà được xây bằng từng viên gạch một “ KHÔNG CÓ MỘT CON ĐƯỜNG TẮT VÀ TẤT CẢ ĐỀU PHẢI TUÂN THEO LUẬT NHÂN QUẢ.
Và cuối cùng xin mượn lời dạy của Cổ Đức qua bài kinh Di Giáo mà Phật Thích Ca Mâu Ni để lại… hầu thay cho lời kết ” Chư Phật không tẩy sạch được những hành động xấu ác bằng nước ( cảm lồ! ) cúng không thể xoá được hết những khổ đau mà chúng sinh đã tự tạo cho mình và cũng không thể chuyển những nỗi khổ đau ấy sang qua những người khác. Chính chúng sinh tự mình có thể giải thoát cho mình bằng cách tự che chở, thu thúc lục căn tự bảo vệ mình. An vui hay đau buồn nằm trong tay chúng sinh. Tất cả đều nằm trong việc cải thiện tâm thức chính mình “.
Trong những ngày chuẩn bị cho vía Đức Quán thế Âm Bồ Tát thành Đạo 19/6 âm lịch hằng năm… kính dâng đến bạn hữu vài điều đã học được từ kinh nghiệm bản thân và kính xin được chia sẻ và cúng dường mười phương pháp giới…
Nam mô đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Huệ Hương ̣( Melbourne 8/7 2019 )