Phải Chăng Chánh Pháp Chỉ Mới Chớ Không Bao Giờ Cũ

Một trong những câu nói đáng học của Socrates “Bí mật của sự thay đổi là tập trung tất cả năng lượng của bạn, không phải để chiến đấu với cái cũ mà là xây dựng nên cái mới”.

Phải chăng “Mới là những điều gì mình chưa biết” trong khi đó cái mình đã biết có nên gọi là gọi là cũ không , nhất là đặc biệt đối với Phật Pháp.

Vì thật ra những điều mình đã hiểu về giáo pháp không thể cho là cũ, nếu ngẫm nghĩ sâu thêm chúng ta sẽ thấy vấn đề giáo lý mà mình tưởng đã thông suốt đó thực ra chiều sâu của nó tới mức nào mình cũng chưa rõ.

Chỉ riêng chữ giới thôi, chữ thí, ‘ thế nào là tâm từ “ mình cứ tưởng mình đã hiểu rồi, nhưng muốn hiểu những chữ đó tới nơi tới chốn nào đó, lẽ dĩ nhiên phải có một trình độ căn cơ chuẩn và nếu hiểu rõ ràng thì có lẽ đến nay chắc hẳn mình đã khác lắm rồi.

Vì sao vậy ? Vì không ai là không biết trong chúng ta một khi còn là phàm phu thường không hiểu lắm điều gì mình tin được nên sẽ không tin lắm điều gì mình gọi là hiểu có đúng chưa ?

Thế cho nên học về Chánh Pháp đòi hỏi hành giả đó phải có một niềm thiết tha với những gì chưa biết thì mới có thể thiết tha tư duy nghiền ngẫm khi đọc kinh sách hoặc nghe pháp thoại rất nhiều lần , nghe đi nghe lại mãi.

Thật là một Phước duyên nhân học kinh Tăng Chi, phẩm A Nan Đa có kể rằng:

Ngài A Nan gập ngài Xá Lợi Phất, và hỏi ngài Xá Lợi Phất một câu thế này:

“Xưa nay kể cả từ khi Đức Thế Tôn ra đời người tự nhận thích nghe Pháp, giỏi giáo pháp, giỏi giáo lý cũng không hiếm. Người tự nhận mình thích nghe Pháp, giỏi giáo pháp thì không phải là ít. Nhưng mà người thành tựu được hai cái này rất là hiếm. Vậy làm thế nào mới được xem là người đam mê trong chánh Pháp một cách đúng mức đúng nghĩa?

Và Ngài Xá Lợi Phất đã đáp lời như sau “Tôi nghĩ hiền giả A Nan là người nghe nhiều. Ở lúc này không phải là lúc mà hiền giả nghe tôi. Mà tại đây và bây giờ, tôi mới là người muốn nghe hiền giả nói. Hiền giả là người đa văn, tôi muốn nghe hiền giả nói”.(1)

____________

(1) trích đoạn của kinh A Nan

“Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bản sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng.

Vị ấy thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt

Vị ấy khiến cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt.

Vị ấy tụng đọc pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật, Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, vị ấy an cư vào mùa mưa,

Thỉnh thoảng đến các Tôn giả ấy; sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?

Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày và đối với những đoạn sai khác còn có chỗ nghi ngờ, các tôn giả ấy giải thích sự nghi ngờ

Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp trước kia chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết? Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các Tôn giả ấy giải thích các sự nghi ngờ.

Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết.

Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều, Tôn giả hãy nói lên”.

Nào mời quý đạo hữu cùng nhau suy tư và tự giải đáp để qua đấy có thể tìm được điều gì làm bài học cho chính mình bạn nhé và thế nào để chúng ta xứng đáng với danh xưng là một người đam mê chánh pháp.

Trộm nghĩ chúng ta tuy còn là một Phật Tử sơ cơ nhưng cũng nên lưu tâm đến Chánh pháp ở hai khía cạnh:

– Một là thiết tha với những gì chưa biết.

– Và hai là trong những cái mình đã biết thì luôn luôn có thể sống hết mình một cách trọn vẹn trong đó.

Thế nhưng trong đường tu tập qua sự tiếp xúc và thân cận, chúng ta thường gặp một hạng người có vẻ tâm đắc, tự mãn với cái họ đã biết. Từ đó dẫn đến một hệ lụy, hệ quả thứ hai – đó là họ không còn khả năng lắng nghe cái điều mới nữa, rất khó mở lòng ra đón nhận làn gió mới.

Theo Albert Einstein “ Nếu anh không thể giải thích thật đơn giản thì anh chưa hiểu đủ rõ ( If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough).

Như vậy: “ Mới là đối với mình, có những điều mà mình chưa biết rõ trong bất cứ lãnh vực nào “.

Mà Chánh Pháp thì lãnh vực nào đối với Phật Tử chúng ta thì lúc nào cũng chỉ mới chớ chưa có Chánh Pháp nào gọi cũ cả!

Lấy điển hình người viết …. khi đi hành hương Ấn Độ vào năm 2010 lúc đó tôi vừa học xong giáo lý Tứ Diệu Đế ( chỉ là chỉ mới hiểu qua thế nào một cách sơ lược ) thế mà khi đó được nghe giảng sư nào giảng lại tôi đều thắc mắc “ Ôi , sao không dạy điều gì mới mà cứ nhắc đi nhắc lại đề tài này”, để rồi 8 năm sau đó khi hiểu ra đây là tinh hoa căn bản cốt yếu tôi đã phải cầu nguyện bằng thần chú của người Tây Tạng mỗi ngày vài chục lần để cầu xin cho mình hiểu được trọn vẹn 4 chữ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO trong Tứ Thánh Đế và mãi cho đến ngày hôm nay mỗi lần nghe lại tôi vẫn thấy như mới.

Thì ra hành trình học Đạo và hành Đạo rất dễ sa sa vào cái vũng lầy của những thành tựu, những sở chứng, nghĩa là vớ được ba mớ cứ tưởng mình hay. Có biết đâu ngày nào chưa bước vào cửa Dự Lưu,  Tư đà hoàn chúng ta vẫn còn đoạn đường hun hút nghìn trùng trước mặt, và than ôi đi chưa được bao nhiêu thì đã gặp chướng ngại trên con đường vạn lý rồi thì đoạn đường còn lại chúng ta sẽ làm gì?

Có nhiều lúc, người viết xấu hổ quá vì miệng lúc nào cũng nói như két về “vô ngã, vô thường” nhưng một khi có ai chạm đến một chút gì về danh dự mình, tình cảm mình là tôi đã bám chặt vào Cái NGÃ và SỰ VÔ MINH để tự xem CÁI TÔI là hiện hữu chân thật! Tôi cứ khư khư bám giữ lấy nó nuông chìu nó và coi rằng cá nhân tôi quý báu vô cùng.

Mỗi khi gặp phải thái độ người khác có vẻ bạc đải mình, tôi đã phải mượn đến lời khấn của Lạt Ma Choma để uống vào,  như ngụm nước thần hạ cơn phiền não ! Mời bạn nghe thần chú này nhé Xin khẩn cầu ban phước cho con thấy được rằng BỊNH VỊ KỶ MÃN TÍNH là cửa ngỏ dẫn tới mọi đau khổ và con sẽ dở bỏ tất cả suy nghĩ vị kỷ ngu xuẩn, độc đoán để con có thể diệt được con quỷ này ..,”

Hơn thế nữa dù rằng trong nhiều Cẩm nang của mình tôi đã ghi ngay trang đầu những lời dạy từ những vị minh sư rằng: “Trên đường đời, hãy cảm ơn những người đã làm tổn thương bạn, chính họ sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.Tất cả những tổn thương trong cuộc sống, cuối cùng sẽ phát triển thành điểm mạnh nhất của bạn.

– Những người lừa dối bạn sẽ khiến bạn khôn ngoan hơn, tăng khả năng phân biệt phải trái;

– Những kẻ coi thường bạn sẽ khiến bạn hiểu ý nghĩa của sự phát triển; và hoàn chỉnh sự trưởng thành.

– Những người bỏ rơi bạn khiến bạn vững vàng, độc lập làm chỗ dựa của chính mình.

– Con có thể yêu cầu bản thân mình đối xử tốt với người khác, nhưng không thể mong đợi họ cũng sẽ đối xử tốt với con. Cách con đối đãi với người khác không đồng nghĩa với cách họ sẽ đối đãi con.

Nếu con không nhìn thấu điều này, chỉ sẽ tạo thêm phiền toái không cần thiết cho con.

– Mọi thứ bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Kiếp này là thân nhân của nhau, chính là để đem thân tình để đền bù; là bằng hữu của nhau, thì đem hữu nghị để hoàn lại.

Và cuối cùng Sư Phụ tôi trao tặng cho tôi món quà tinh thần qua câu nói “Kiến thức mà con học được là vũ khí mà con sở hữu. Một người có thể từ tay không mà chống cự địch đó con và tất cả nằm trong Tứ Thánh Đế”.

Từ đó trải qua nhiều năm nay, chỉ một bài thánh kinh Tứ Đế tôi đã học đến vài chục lần vẫn thấy như mới và đã hiểu Hạnh Phúc và khổ đau là 2 mặt một đồng tiền.

Thì ra mỗi người chúng ta luôn có quan niệm rằng chỉ cần quan tâm đến một khía cạnh nào đó trong cuộc sống thôi, là đã quá đủ để hạnh phúc rồi!

Vấn đề là tại sao chúng ta lại quan tâm đến khía cạnh ấy chứ không phải là những khía cạnh khác? Đó chính là chiếc chìa khóa để mỗi người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình, mà chiếc chìa khoá này lại gói gọn tinh tuý chính “Vạn pháp do duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất”.

Thế mà trong sự thiếu hiểu biết này chúng ta cứ mãi bươn chải, quơ quào tận lực bật dậy để tìm lối thoát (một phản ứng tất nhiên) trước những niềm đau nỗi khổ và cũng không bết rằng trước sau gì đó cũng chỉ là những lối thoát tạm bợ: “Hoặc gây tạo ác nghiệp để đi vào ác đạo, hoặc tu nhân tích đức để sống hưởng thụ hạnh phúc nhân thiên”.

Như vậy mỗi người đều có những cách cảm nhận hạnh phúc riêng biệt, khác nhau. Vì thế không ai có thể định nghĩa hay liệt kê cụ thể về khái niệm hạnh phúc. Nhưng chúng ta có thể khái quát hạnh phúc như một vấn đề tinh tế của cảm xúc tinh thần liên quan mật thiết đến tích cách, mục đích sống và ước mơ của mỗi người…

Trở lại vấn đề để thấy được Chánh Pháp luôn mới và để làm thế nào để trở thành một người luôn luôn thiết tha với cái mới và có thể sống thấm đẫm sống trọn vẹn trong điều mình đã biết mà không hề thấy có Pháp nào là cũ. Người viết có phước duyên nghe rất nhiều pháp thoại của nhiều bậc danh sư từ Nguyên Thủy đến Đại Thừa và Kim cương thừa, kính mạn phép xin được đúc kết sáu điều mà một người Phật Tử cần phải trau dồi.

Ước mong rằng quý đạo hữu cùng nghiên cứu và chỉ dẫn người viết học hỏi thêm.

Kính trân trọng,

1- Điều đầu tiên phải bỏ công, dành thì giờ học hỏi giáo lý. Thiết tha với giáo lý Vì Giáo lý chính là dấu vết còn sót lại của Thế Tôn. Giáo lý là một phần, mảnh nhỏ của cái gọi là tinh hoa tuệ giác của một vị Chánh Đẳng Giác mà hàng triệu ức tỷ kiếp mới có một vị Phật ra đời. Nay ta có duyên may mang được thân người và may mắn nhằm lúc Giáo Pháp vẫn còn đó và lại rất thịnh hành qua sách nói, online các bài giảng.

Trộm nghĩ trong thời đại hiện nay có người vội vã tâm đắc điều mình có, điều mình biết.- còn một số người lại nghiêng nặng về niềm tin bái sám, cầu nguyện, khấn vái, lại có người sống với tâm thức mặc cảm cho rằng kinh điển bao la, sức mình thì có hạn, trăm năm thì ngắn ngủi học sao cho hết, nên không thiết tha gì đến tư duy nghiền ngẫm mà chỉ nghe hết đạo tràng này đến đạo tràng khác học được bao nhiêu thì học và cứ học được bao nhiêu hành trì bấy nhiêu.

Phải chăng dù ta có tâm đắc với pháp môn nào đi nữa, mình có hành trì với pháp môn nào đi nữa, nhưng với Giáo lý hãy cứ  trau dồi thêm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Và dường như cứ biết thêm một vấn đề của Giáo lý là mình gỡ rối được một số vấn đề của mình. Bớt được một cái vô minh. Bớt được một cái u mê.

2- Điều thứ hai phải luôn luôn sẵn lòng chia sẻ cái mình biết cho người khác.

3-Điều thứ ba luôn luôn tạo điều kiện cho người khác nói, phải có khả năng khích lệ, kích thích, tạo hứng khởi cho người khác nói. Nhờ vậy ta mới có thể nghe nhiều hơn.

4- Điều thứ tư là có khả năng ôn luyện, ôn tập trùng thuật Giáo Pháp với riêng mình, không cần ai hỗ trợ.

5- Điều thứ năm thường xuyên suy tư suy ngẫm những cái mình đã học.

Pháp cú học được
“Vị tỳ kheo mến Pháp trú Pháp
Tâm tư hằng niệm Pháp
Sẽ không rời Chánh Pháp”

6-Điều thứ 6 có sẵn từ tâm bi tâm để mà giải đáp cho người khác.

Cũng như từ lâu chúng ta đã nghe “ tất cả các Pháp đều là Phật Pháp ”.

Để hiểu được ý nghĩa sâu sắc nhất của Phật giáo chỉ có những ai đã học và có nền tảng vững chắc về Phật Pháp thì mới có khả năng nhận thức được về toàn bộ ý nghĩa sâu xa của câu nói này.

Vì một người nếu đã có sự thâm nhập một cách sâu sắc vào Phật Pháp thì bất kỳ ở chỗ nào, nơi nào, bất cứ thời gian nào thì họ vẫn đem tâm Phật Pháp vào nhìn nhận và đánh giá vấn đề.

Thí dụ Phật Pháp luôn hiện hữu ở trong thân của chúng ta. Chẳng hạn như hiện tại mọi người đều đang thở, nếu đang thở thì sẽ ngừng sự sống. Tuy nhiên thở là đang vay mượn không khí nhằm duy trì mạng sống của mình. Có thể thấy nhờ vào hơi thở thì mới có được mạng sống. Như vậy ngay trong chính hơi thở của mỗi người đều có Phật Pháp. Đây cũng là lý do khiến cho tất cả mọi việc đều trở thành Phật Pháp.

Hơn thế nữa họ phải rõ tường Tam pháp ấn mà Đức Phật đã thuyết giảng xuyên suốt 45 năm. Đó là:

– Pháp ấn thứ nhất chính là “ Muôn vật luôn biến đổi” điều này ý muốn nói về sự thật đầu tiên luôn phổ biến và bao trùm ở khắp mọi nơi. Khi hiểu được pháp ấn thứ nhất này thì dù có nhìn thấy bất kỳ thứ gì chúng ta cũng sẽ nhận ra được sự biến đổi vô thường của vạn vật.

– Pháp ấn thứ hai là “Vạn pháp nương nhau thành”. Nếu vận dụng được pháp ấn này sẽ quan sát được cái này mượn vào cái khác để sống và nhờ vào cái này thì mới xuất hiện cái kia, cả hai cái đều gắn liền với nhau, không có cái nào tách riêng nhau mà có thể hình thành và tồn tại được.

– Pháp ấn thứ ba là “Tĩnh lặng vui bậc nhất” Điều này có nghĩa là mỗi người luôn sống một cuộc sống an vui vô cùng, hạnh phúc tuyệt đối. Tĩnh có nghĩa là tỉnh sáng, lặng có nghĩa là sự lặng lẽ. Một cái tâm tĩnh sáng lặng lẽ sẽ là một nơi an trú của những người tu theo đạo Phật. Khác với niềm vui nhẹ nhàng và thanh thoát của những người tu, niềm vui của thế gian được định nghĩa là niềm vui trong si mê loạn động. Dường như ban đầu sẽ cảm thấy rất vui nhưng nó sẽ đau khổ về sau với đầy bệnh hoạn, tang thương.

Khi đã nhìn thấy được bản chất thật sự của mọi vật, mọi việc nên mọi người dường như không còn muốn chạy theo ngũ dục lục trần. Tất cả đều muốn dừng tâm ở lại một chỗ nên mọi thứ dần được tĩnh lặng và trong sáng. Nếu có tâm sáng trong sẽ soi được vạn vật giống như khi nhìn vào một tấm gương. Nếu như không còn những mê lầm, tạo nghiệp và phiền não, đau khổ thì lúc này đã đạt được tới sự giác ngộ an vui. Niềm vui thường hằng của nội tâm, không phải là niềm vui của động loạn sinh diệt ở bên ngoài như trước kia.

Đây cũng mới là niềm vui chân thật nhất của những người hành trì của Phật Pháp và điểm xuất phát của hành trì Phật Pháp đó chính là sự tĩnh tâm và luôn giữ được chánh niệm.

Lời kết: 

Muốn được Chánh pháp, người đến với Đạo phải có lý tưởng đàng hoàng. Đó là lý tưởng chấm dứt sanh tử, biết trăn trở, phải có khả năng nhận thức đúng đắn. Có nhận thức đúng thì mới có hành trì đúng.

Trộm nghĩ cũng cần nhắc lại Chánh pháp mà Đức Phật dạy cho bà Gotami trong kinh Tăng chi phẩm 8 pháp, Đức Phật dạy :

– Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng được an lạc, đó là chánh pháp.

– Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng thích sống một mình, càng chán sợ đám đông.

– Pháp môn nào làm cho mình càng trở nên dễ nuôi có nghĩa là sống cực khổ sao cũng được.

– Pháp môn nào càng theo mình càng trở nên tinh tấn, càng theo mình càng trở nên viễn ly, nhàn tịnh, thích thiền định, thì đó là pháp môn đúng.

Người viết cũng học được rằng “Bí quyết thành công chính là bạn hãy làm những gì mà mình đam mê” và nếu được đam mê trong Chánh Pháp là một điều đại phước vậy.

Nhưng lý tưởng cao nhất của Đạo Phật là buông chứ không phải là nắm.

Nắm ở đây là luôn mong mỏi được chứng cái này, đắc cái kia – thì gọi là không nên. Và buông là buông cái phiền não, buông cái câu chấp. Chứ không phải buông là không màng tới giáo lý.

Tuy nhiên đối  với Phật Pháp thì mình cần có chỗ mình chứa nước, chứa Pháp nhưng cái thái độ khoa học, cái thái độ thông minh nhất để có được một nhận thức chánh pháp nói riêng và nhận thức sống đời nói chung đó là sự cẩn trọng: Đạo Phật là cái đạo trí tuệ chứ không phải chỉ có niềm tin suông.

Trong Kinh cũng nói như một bờ cát không có chỗ đọng nước thì nước đánh lên rồi nước rút đi, bờ cát phẳng lì như cũ. Khi trên bờ cát có những chỗ đọng nước thì nước đánh lên có chỗ nó đọng. Có nhiều người giống như bờ cát phẳng, nước đánh lên mà không có chỗ cho nó đọng, vì thế để thấu hiểu và nghe và học Phật Pháp , người phật tử cần thực hiện được theo 4 pháp này:

  • Thân cận thiện tri thức: Có nghĩa là thân mật, gần gũi với những người tốt lành. Nghe tiếng đức hạnh được gọi là tri, thấy hình dung cung kính được gọi là thức. Với những người sa cơ và muốn thu thành tựu đạo quả cần phải gần thiện tri thức. Cần nương vào các bậc thiện tri thức để được dạy bảo.
  • Tín tâm nghe pháp: Luôn có một niềm tin bất họa đối với diệu lý từ pháp. Tâm không khởi lên sự nghi ngờ hoặc do dự đối với đạo lý giải thoát của Đức Phật.
  • Chánh niệm tư duy: Trong khi nghe Phật Pháp cần phải chuyên tâm và chú ý để khéo léo và tư duy theo lời dạy đó.
  • Như thật tu tập: Khi đã lắng nghe Phật Pháp, chánh niệm tư duy như pháp để tu hành. Đây sẽ là tiến trình kết hợp từ tam huệ gồm văn – tư – tu huệ để có các thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của sự tu tập thánh đạo giải thoát.

Hy vọng những gì người viết đã thu thập có thể chia sẻ cùng nhau trong tinh thần tích cực tu tập, tư duy hầu giúp thêm năng lượng để có cái nhìn thích thú về Chánh pháp với mọi đề tài khiến chúng ta học mãi, học hoài….không thấy cũ.

Kính tặng bạn vài vần thơ cảm tác khi chiêm nghiệm về Mới và Cũ nhé

Thực tế,
không có cái mới nào mà chẳng liên hệ cái cũ.
Mọi sự vật trên đời đều nương gá vào nhau
Cũng cần quản lý những cái mới thật bền lâu
Để tin tưởng … ”Ít ra cái mới thực sự tốt đấy”

Riêng Chánh Pháp…
luôn mới khi ta tư duy, chiêm nghiệm lấy
Càng nghe pháp thoại, đọc tụng nhiều lần
Thấm đẫm làu thông như pháp tu hành
” Để tìm thấy chính mình, suy nghĩ độc lập.”(1)

Giới, Định, Huệ tiến trình ý thức tu tập
Tinh tuý đạo Phật gói trọn Bát Chánh con đường
Tiến về phía trước, làm mới tư lương
Trau dồi giáo lý, Chánh pháp không lúc nào cũ
Thì ra chẳng có tương lai nào…
Không liên hệ đến hiện tại, quá khứ !!!

Kính trân trọng,

Huệ Hương – Sydney 1/8/2023

_________________________

1) Socrates ” Để tìm thấy chính mình, hãy biết cách suy nghĩ độc lập.”

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.