Thử Tìm Hiểu Tư Duy Phản Biện & Tư Duy Cảm Tính

Trong Lối Sống Mới / Thời Đại Công Nghệ, từ khi học hỏi nhiều danh ngôn của các triết gia, những ân nhân của nhân loại một trong những nhà bác học lỗi lạc Stephen Hawking đã truyền lại cho đời như sau:

Tôi chỉ là một đứa trẻ không bao giờ lớn. Tôi không ngừng đặt những câu hỏi như “tại sao” và “như thế nào”. Đôi lúc, tôi tìm được câu trả lời.

–Một trong những quy luật cơ bản nhất của vũ trụ chính là không có điều gì hoàn hảo. Sự hoàn hảo đơn giản là không tồn tại. Nếu không có sai sót nào thì cả tôi và bạn đều không có mặt trên đời này.

-Trí tuệ chính là khả năng thích ứng với thay đổi.

-Kẻ thù lớn nhất của kiến thức không phải là sự ngu dốt, mà chính là ảo tưởng và đề cao quá mức về sự hiểu biết của mình.

Hơn thế nữa gần đây khi chú tâm nghe các chương trình phát sóng trên YouTube theo lối học về bản thân và cách học làm người với kỹ năng mới phù hợp với thời đại công nghệ, người viết chợt suy tư về cách nghe pháp thoại của mình trong việc tu học khi nhớ đến một lời nhắc nhở của một danh tăng khi bàn về lối mòn của tư duy cảm tính khi học giả thường  lựa chọn một vị Giảng Sư mà mình ưa thích và hâm mộ mà không biết rằng tất cả bài giảng nào đều mang một dấu ấn cá nhân của giảng sư đó.

Và dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện. Hiện nay tại các trường trung học nổi tiếng tại Úc từ lớp 7 trở lên hằng tuần vẫn có những cuộc tranh biện giữa các trường với nhau qua hình thức “debate “ Hầu như những cá nhân có kỹ năng tư duy phản biện cao thường có quan điểm cá nhân nổi trội và được đánh giá biểu tượng giữa tập thể.

Điều này cho thấy ngày nay, tư duy phản biện là một kỹ năng sống đề cao trong nhà trường, doanh nghiệp cũng như trong đời sống. Đây là một ứng dụng tối cần trong việc phát triển kỹ năng tư duy, đàm phán, phân tích vấn đề.

Cũng chưa muộn lắm để có thể kỳ vọng
Còn thời gian dài để sống lại như thuở thanh xuân
Điều đầu tiên nghiên cứu danh ngôn những vĩ nhân
Từ đó học từng trải nghiệm đã được chia sẻ

Tìm hiểu sâu, thâm nhập và định hướng mạnh mẽ
Phối hợp nhuần nhuyễn hai lối tư duy
Kiên trì thực hiện không chút hoài nghi
Giữa Tư duy phản biện và Tư duy cảm xúc( thơ Huệ Hương )

Vậy tư duy phản biện là gì mà ngày nay lại quan trọng đến thế?

Theo Theo Wikipedia tư duy phản biện hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đủ bằng chứng, tỉ mỉ, khách quan và công tâm.

Một định nghĩa khác thì cho rằng Tư duy phản biện hay còn gọi là Critical Thinking, đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin mà bạn tin hay những gì mà bạn đang làm.

Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking). Tuy nhiên Tư duy phản biện không chỉ là tích lũy thông tin mà Tư duy phản biện giúp chúng ta thu nạp kiến thức, tăng mức độ thấu hiểu lý thuyết đã biết, củng cố cách lập luận, nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.

Thật ra từ 2500 năm về trước, việc học pháp của nhà Phật tự ngàn xưa đã dựa trên tinh thần phản biện vì Đức Phật đã dạy cho dân Kalama rằng

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền. Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

Chớ vội tin điều gì khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”.

Nhưng thật ra cho đến nay Phật tử chúng ta vẫn chư có thể áp dụng rốt ráo những điều Phật đã dạy ở trên, dù rằng đôi khi trên lý thuyết vẫn hiểu như thế nhưng khi muốn hỏi ngược lại, thì luôn phập phồng lo sợ cho là mình đã tranh cãi với bậc trưởng thượng vì từ lâu vẫn có nhầm lẫn giữa tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác.

Như vậy Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Chúng ta có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin.

Mặc dù các kỹ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và sai lầm trong lập luận, nhưng kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những lập luận đúng đắn và mang tính xây dựng.

Thật ra người có tư duy phản biện tốt sẽ có khả năng suy luận ra những hệ quả từ những gì họ biết và sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó.

Nhưng cũng cần biết thêm là người có trí nhớ tốt và biết nhiều kiến thức chưa chắc là người có tư duy phản biện tốt.

Mà trái lại, người có tư duy phản biện thường phải có khả năng sau đây

– Hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm.

– Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận.

– Tìm ra những sự không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận.

– Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.

– Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.

– Xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.

Còn thế nào là Tư duy cảm tính (tạm dịch là Sensibility Thinking – Emotional Thinking) ?

Cảm tính là khả năng cảm nhận, nhận thức hoặc trải nghiệm và phản ánh về cảm xúc, tình cảm, và tâm trạng một cách chủ quan.Đây là một khía cạnh quan trọng của tâm hồn và tư duy con người,

Do đó có thể nói tư duy cảm tính là một khía cạnh phức tạp và đa dạng trong con người.

Sau khi tham vấn nhiều tài liệu, người viết có thể tóm tắt những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tư duy cảm tính bao gồm:

– Tri thức: Kiến thức và hiểu biết về cảm xúc, tâm trạng, và ngữ nghĩa của chúng giúp con người hiểu rõ hơn về cảm tính của mình và người khác.

– Trải nghiệm cá nhân: Các trải nghiệm cá nhân, như tình bạn, tình yêu, mất mát, và thành công, đóng góp vào việc hình thành tư duy cảm tính.

– Văn hóa và xã hội: Văn hóa và xã hội định hình cách mà con người thể hiện và hiểu cảm xúc. Giá trị, quan niệm, và chuẩn mực xã hội cũng ảnh hưởng đến cách mà mọi người cảm nhận và biểu đạt cảm xúc.

– Môi trường và di truyền: Môi trường sinh sống và yếu tố di truyền đều có tác động đến sự phát triển của tư duy cảm tính. Một số người có xu hướng cảm xúc dễ thay đổi hơn do di truyền hoặc môi trường từ nhỏ.

– Khả năng giao tiếp: Khả năng giao tiếp hiệu quả giữa con người giúp họ chia sẻ và hiểu được cảm xúc của nhau, từ đó làm tăng khả năng phát triển tư duy cảm tính.

– Ý thức và kiểm soát: Khả năng nhận biết cảm xúc, kiểm soát cảm xúc và đưa ra phản ứng thích hợp cũng là một phần quan trọng của tư duy cảm tính.

Từ hai định nghĩa trên có thể nói lợi ích của tư duy phản biện so với tư duy cảm tính sẽ là :

1)- Logic và Suy luận: Tư duy phản biện thường liên quan đến việc sử dụng logic, suy luận và phân tích để đánh giá thông tin và tạo ra quan điểm. Điều này giúp bạn có khả năng suy nghĩ rõ ràng, thấu đáo và có khả năng đưa ra quyết định thông minh dựa trên sự phân tích.

2)- Đánh giá thông tin: Tư duy phản biện giúp bạn đánh giá một cách khách quan thông tin và ý kiến từ các nguồn khác nhau. Bạn có khả năng phân biệt thông tin đúng sai và hiểu rõ hơn về tính khả thi và độ tin cậy của thông tin.

3)- Giải quyết vấn đề: Tư duy phản biện giúp bạn tiếp cận và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách có hệ thống và hiệu quả hơn. Bạn có khả năng tìm ra các giải pháp khả dĩ dựa trên thông tin có sẵn và có thể đưa ra quyết định thông minh.

4)- Khả năng thảo luận: Tư duy phản biện cung cấp cho bạn khả năng tham gia vào các cuộc thảo luận và tranh luận một cách có logic và thuyết phục. Bạn có khả năng trình bày và bào chữa quan điểm của mình một cách rõ ràng và chặt chẽ.

5)- Phát triển kiến thức: Tư duy phản biện thúc đẩy việc nghiên cứu và học hỏi, giúp bạn phát triển kiến thức và hiểu biết sâu rộng về các chủ đề khác nhau.

6)- Kiểm tra độ tin cậy: Tư duy phản biện giúp bạn kiểm tra và kiểm chứng độ tin cậy của các tuyên bố và ý kiến, tránh rơi vào việc tin vào thông tin không chính xác hoặc thiên vị.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên bác bỏ hoàn toàn lối mòn của tư duy cảm tính để tập trung chuyên sâu vào tư duy phản biện, vì cả hai khía cạnh này đều có giá trị và ảnh hưởng tích cực đến khả năng tư duy của mình . Thay vào đó, một cách tiếp cận tốt hơn là cân nhắc kết hợp cả hai loại tư duy để có một tư duy toàn diện và linh hoạt hơn.

Lý do là:

— Sự cân bằng: Tư duy cảm tính giúp bạn hiểu và cảm nhận cảm xúc của mình và của người khác. Điều này có thể giúp bạn xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt và tương tác xã hội hiệu quả. Tư duy phản biện giúp bạn đánh giá thông tin một cách có logic, tránh bị lừa dối và đưa ra quyết định thông minh.

— Giải quyết vấn đề: Cả tư duy cảm tính và tư duy phản biện đều hữu ích trong việc giải quyết vấn đề. Tư duy cảm tính có thể giúp bạn nhận ra các cảm xúc và tâm trạng ẩn sau vấn đề, trong khi tư duy phản biện giúp bạn phân tích vấn đề một cách logic và tìm kiếm giải pháp.

— Thăng tiến cá nhân: Cả tư duy cảm tính và tư duy phản biện đều đóng góp vào sự phát triển cá nhân. Tư duy cảm tính giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và người khác, trong khi tư duy phản biện giúp bạn trở thành người có khả năng suy nghĩ sáng tạo, phân tích và giải quyết vấn đề.

Lời kết:

Tóm lại, là người Phật tử không nên tách rời hoặc bác bỏ một khía cạnh của tư duy nào để tập trung vào khía cạnh khác. Thay vào đó, hãy xem xét cách kết hợp cả hai để có một tư duy toàn diện và phong phú.

Tất cả đều liên quan đến khả năng hiểu, nhận thức và quản lý cảm xúc của bản thân và của người khác.

Trộm nghĩ,

Trong việc tu học, Phật Tử thời hiện đại cần phải có một tầm nhìn khách quan, về một vấn đề nào đó, không nghĩ hay giải quyết vấn đề theo cảm tính hay đặt cái tôi quá nhiều để nhìn nhận một vấn đề. Vậy nên cần bỏ cái nhìn chủ quan và thay thế bằng suy nghĩ khách quan, có như vậy thì bạn mới có thể lập luận vấn đề một cách chính xác.

Và cần nhất là tập thói quen đặt câu hỏi trước khi giải quyết một vấn đề thì cần có thêm những câu hỏi tự đặt ra để nó trở nên hoàn thiện hơn, giúp nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ để phòng tránh mọi trường hợp không hay có thể xảy ra ngoài suy nghĩ của mình. Đây cũng là cách để giải quyết mọi vấn đề một cách chỉnh chu, tránh sai sót.

Kính chia sẻ vài vấn đề nóng bỏng trong việc tu tập trong thời đại mới dù ở tuổi nào với bạn hữu thân thương, kính mong được tiếp nhận nhiều ý kiến thật chân tình để cùng nhau tiến về Đạo pháp siêu việt của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni mà trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài đã thiết tha nhắn nhủ : “Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay ( Đức Phật không còn giữ lại một ít giáo lý bí mật mà chưa giảng dạy).”

Kính trân trọng

Huệ Hương – Sydney 9/8/2023

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.