Hoa Anh đào Chùa Quang Minh


Mùa Vu Lan báo hiếu lại đến với đồng hương trên nước Úc, với tập tục dễ thương Bông Hồng Cài Áo. Tập tục nầy xuất xứ từ đâu, với các bậc cao niên lễ Vu Lan mang ý nghĩa gì đặc biệt, Thượng Tọa Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh ở Melbourne giải đáp trong buổi nói chuyện trong tiết mục Cao Niên Vui Sống, đặc biệt vào dịp lễ Vu Lan.

Đươc biết tập tục Bông Hồng Cài Áo là do Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh thời đó và sau nầy là Thiền Sư du nhập vào Việt Nam, nhân dịp được một người bạn tặng cho một đóa hoa hồng nhân muà Vu Lan trên đất Nhật.

Với tình cảm của người con xa xứ nhân mùa Vu Lan nhớ về mẹ hiền ở quê nhà, thầy Nhất Hạnh đã sáng tác nên bài thơ ‘Bông Hồng Cài Áo’.

Được biết năm đầu tiên các chùa tại Việt Nam chưa áp dục tập tục dễ thương nầy với số lượng lớn, có lẽ sau nầy nhờ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc bài thơ xúc động nói trên, nên kể từ năm sau đó tập tục Bông Hồng Cài Áo đã phổ biến tại các tự viện trên toàn Việt Nam.

Một tập tục đáng yêu khác là việc tặng quà, theo Thượng Tọa Thích Phước Tấn là hành động rất phổ biến tại Nhật, dù là món quà không có giá trị lớn về mặt vật chất, nhưng về tinh thần chan chứa biết bao tình cảm của người tặng quà.

Có lẽ xúc động nhất là tập tục mà bài hát ‘Bông Hồng Cài Áo’ nêu lên hình ảnh là ‘Một chiều nào đó con về, nhìn thật lâu và nói với Mẹ rằng con thương Mẹ không’.

Tập tục nầy theo thầy Phước Tấn có lẽ du nhập từ Tây Phương, vì truyền thống của người Việt là giữ kín tình cảm trong lòng, thế nhưng rất nên làm vì các bà Mẹ rất xúc động nghẹn ngào, khi hiếu tử phủ phục bên chân Mẹ để nói những lời yêu thương và cảm ơn Mẹ.

Đặc biệt năm nay lễ Vu Lan tại chùa Quang Minh đắm chìm trong không khí bàng bạc của Nhật Bản khi hoa anh đào nở rộ khắp nơi trong sân chùa và ở khắp nơi, khiến nhiều người liên tưởng đến một ngôi chùa trên đất Phù Tang.

‘Mẹ già trăm tuổi vẫn thương con tám mươi’ một câu trong kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu cũng được thầy Phước Tấn giải thích về chữ Hiếu không có tuổi và tình yêu thương mẹ ở các bậc cao niên vốn là thính giả của tiết mục Cao Niên Vui Sống, được xem là một nhắc nhở bổn phận của một người con đối với bậc sinh thành mà cả trách nhiệm truyền thừa cho con cháu.

Thích Phước Tấn ̣(Theo SBS Tiấng Việt)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.