Có lẽ chỉ những năm tháng còn lại của một cuộc hành trình, (mà nơi đó chính trường học vĩ đại nhất đã giúp ta trải nghiệm những bài học đích thực của chính mình) vẫn còn có những lúc ta phải nhìn sâu vào bên trong ta và tự hỏi “ Ta là ai và ta đã làm gì trong cuộc đời mình để xứng đáng với món quà tuyệt vời nhất mà vũ trụ đã ban cho ta “ và chỉ khi nào thấy được những gì mình cần làm cho cuộc đời thì đã làm hết mình, và hoàn thành với tất cả tâm huyết để cống hiến, để phụng sự theo đúng tầm nhìn và hoài bão, lý tưởng mà mình theo đuổi thì đó chính là sự an nhiên, là niềm vui hiện hữu giúp cho gương mặt ta luôn nở một nụ cười hiền từ giản dị dù rằng ta chưa đạt đến trình độ nào của sự tu tập theo một tôn giáo nào đi chăng nữa.
Có đọc được lời này của Đạt Lai Lạt Ma “Chúng ta có thể sống mà không có tôn giáo hay thiền định, nhưng chúng ta không thể sống mà không có tình người.” Chúng ta mới hiểu tại sao mọi tôn giáo đều cùng có chung một mục đích là “lan tỏa tình yêu, lòng trắc ẩn, tính kiên nhẫn, lòng bao dung, sự khiêm tốn và sự vị tha”.
Hơn thế nữa gần đây, trên YouTube có những băng nói chuyên phát triển đề tài “sống một cuộc đời đáng sống và nỗ lực rèn luyện bản thân càng ngày càng đi đến Chân, Thiện, Mỹ “ để giúp giới trẻ rèn luyện bản thân.
Và những ai có đọc tác phẩm ĐẠO BỤT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI của HT Thích Nhất Hạnh trong một đoạn văn chương 1, trang 8 ta sẽ thấy lời HT dạy rất phù hợp theo lớp đường lối mới “đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời”.
Phải chăng dù sao ta cũng phải giữ vững niềm tin rằng chỉ cần làm đúng bổn phận mình và phát triển kỹ năng theo đúng con đường mình đã định hướng để tu tập và rèn luyện thì sẽ có ngày ta sẽ đạt đạo và tìm thấy được những giai điệu nhịp nhàng của cuộc sống mang lại.
Thật tế thì sống trong guồng quay xã hội và công việc của thời đại ngày nay, không ít người dần quên đi những giá trị vốn có của bản thân mình. Khi những bộn bề, lo toan xuất hiện dày đặc hơn, tình trạng kiệt sức và cảm xúc tiêu cực cũng thường trực hơn.Nhưng lúc nào trong hành trình cuộc sống này, ta phải tự nhủ “chính ta phải là người tự bước đi, tự trau dồi bản thân mỗi ngày, tạo nên sức mạnh cho chính mình để có thể hiên ngang trụ vững trước cuộc sống nhiều giông bão”.
Vì thế người viết rất tâm đắc khi HT đã xác nhận rằng “sự hiện diện của một con người đắc đạo, dù là không ai biết tới, cũng như là sự xuất hiện của một giếng nước thơm trong giữa vùng sỏi đá khô khan cằn cỗi. Và hơn thế nữa “Sự chứng ngộ của một nhà hành đạo được xem như là một năng suất đạo đức lớn lao và quý báu nhất trong phạm vi đạo đức, tôn giáo, và văn hóa nữa. Người đạt đạo có thể không giảng dạy, không viết lách, không khuyên can, không tổ chức, không cày bừa, nhưng vẫn đóng góp cho nhân loại những gì quý giá nhất, hiếm có nhất mà một xã hội ta không thể thiếu được”.
Thế cho nên như đã nói trên chúng ta cần phải “Giữ trọn niềm tin trong cuộc sống “ vì nó sẽ dẫn đường cho ta đi về phía trước, niềm tin sẽ cho ta biết mình muốn làm gì, khiến cuộc sống tràn đầy hy vọng và năng lượng sáng tạo. Một khi niềm tin đã vững chắc, nó có khả năng tạo ra một lực rất mạnh, ảnh hưởng lớn đến lời nói, việc làm và đánh giá giá trị của chúng ta.
Lời kết:
Nhờ những danh ngôn và những bài học trải nghiệm kinh qua 3/4 cuộc đời, người viết chỉ muốn chia sẻ một điều rằng: để có niềm vui trong cuộc sống và làm thế nào có thể sống trọn vẹn giây phút hiện tại, phải chăng hãy mở lòng để đón nhận, cảm nghiệm, và lan tỏa niềm vui do chính niềm tin ban tặng.
Đó chính là niềm vui không do chúng ta nắm bắt hoặc tạo ra; một niềm vui không ai và không gì có thể lấy đi, vì đó là niềm vui của người gặp được ông Phật của chính mình ngang qua những thăng trầm của cuộc đời.
Có nghĩa là muốn có được “An Nhiên” với giá trị và những giai điệu của cuộc sống? Chỉ cần có niềm tin, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, mới xác định được mục tiêu của cuộc đời, mới tìm ra những phương pháp, nguyên tắc để đạt được mục tiêu, mới biết lựa chọn, biết điều đúng điều sai và nhận ra mục tiêu một cách tự tin.
Sự tự tin sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành và cuộc sống của con người bằng rất nhiều yếu tố hổ tương thêm như sự kiên trì, tư duy và năng lực và nhất là dù cho bất cứ ai đang tìm đạo, rất có thể đi theo những con đường khác nhau, nhưng khi đã vượt ra khỏi sự giới hạn của lý trí, đã đạt đến một mức nào đó trên lộ trình tiến hóa tâm linh thì họ sẽ ý thức được chân lý.
Kính chúc bạn “Như một bông hoa hướng dương luôn hướng về phía Mặt Trời, là một con người, hãy luôn ngẩng cao đầu và hướng về ánh sáng của Chân Thiện Mỹ. Rồi sự tự tin sẽ luôn ở bên bạn”.
Bạn ơi,
“ Nếu đã có niềm tin, xin hãy giữ lấy! “
Là khởi điểm thành công, cột trụ dựng xây đời
Như ngọn hải đăng chiếu sáng vòm trời
Có khả năng tạo nội lực mạnh mẽ !
Là phép thử tích cực vượt mọi ngã rẽ!
Sẽ cho ta biết mình muốn làm gì
Suy ngẫm từng giá trị qua cách tư duy
“”Nơi đang đứng không quan trọng bằng hướng đến”
Tầm nhìn càng sáng suốt, kế hoạch luôn nhạy bén!
Biến bản thân thành chỗ dựa nuôi dưỡng tinh thần
Đôi khi gặp phải sự cố trong liên hệ cá nhân
Vẫn thích ứng linh hoạt uyển chuyển lèo lái
Nhớ lời Khổng Tử đừng để thất bại (1)
Cần dũng cảm, quả quyết, biết tiến, biết lùi
Giúp thăng hoa sự hiện hữu, tìm được niềm vui
Biết Phật bên trong mình, là viên ngọc vô giá !
Kính trân trọng,
Huỳnh Phương -Huệ Hương
(1) Khổng Tử đã dạy rằng: “Không quan trọng đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại”. Sự dừng lại nghĩa là bạn đã chấp nhận thất bại.
(2) “Khi Bạn càng học , biết nhiều, bạn sẽ biết nhiều hơn rằng bạn còn rất nhiều điều không biết.” – Aristotle