Nét kỳ diệu trong việc lắng nghe, nhất là Nghe Pháp

Có lẽ ai trong chúng ta đều biết một trong điều tuyệt diệu nhất để có được kỹ năng sống giúp mình có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, tích cực hơn, ý nghĩa hơn chính là nghệ thuật “Lắng nghe “. -“Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là nghệ thuật” – Frank Tyger.

Phải chăng cuộc sống ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu mà chúng ta cần phải học hỏi và rèn luyện để hoàn thiện bản thân và mỗi người chúng ta phải xác định được vị trí, năng lực thực sự của mình, để sống một cách khiêm tốn, nghiêm túc học hỏi. Vì chỉ khi nào chúng ta không chịu lắng nghe, học hỏi và tiếp thu nên rất dễ bị lạc. Chính vì thế , chúng ta sống phải khiêm tốn học hỏi, sống hòa đồng với mọi người, không tự cao tự đại, biết lắng nghe và chia sẻ. Và khi lắng nghe ý kiến của người khác, chúng ta mới thấy được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu của mình để khắc phục, có như vậy chúng ta mới thành công.

– “Lòng can đảm là thứ cần để đứng dậy và lên tiếng. Lòng can đảm cũng là thứ cần để ngồi xuống và lắng nghe”. Winston Churchill.

– “Cách nhìn của chúng ta về thế giới thực sự được định hình bởi điều chúng ta quyết định lắng nghe”. William James

– “Khi người khác nói, hãy lắng nghe chuyên chú. Hầu hết mọi người chẳng bao giờ chịu lắng nghe”. Ernest Hemingway

– “Kẻ ném đá mãn tính, thậm chí ngay cả người chỉ trích ác liệt nhất, cũng thường sẽ dịu đi và kiềm nén trước người lắng nghe kiên nhẫn và dễ chịu – một người lắng nghe sẽ im lặng trong khi kẻ bới móc lỗi giận dữ bung ra như con rắn hổ mang và phun độc”. Dale Carnegie

– “Nếu bạn muốn hiểu tư duy của ai đó, hãy lắng nghe lời nói của anh ta”.
Johann Wolfgang von Goethe

Hơn thế nữa để thấu hiểu được sự kỳ diệu của sự lắng nghe nhiều danh nhân đã trải nghiệm và ghi lại cho đời …

– “Để thực sự thấu hiểu, chúng ta cần lắng nghe, không phải cần trả lời. Chúng ta cần lắng nghe kiên trì và chăm chú. Để giúp đỡ bất cứ ai mở cửa trái tim, chúng ta phải cho người đó thời gian, chỉ hỏi vài câu hỏi, cẩn thận hết sức có thể để giúp anh ta thổ lộ tốt hơn về trải nghiệm của mình”. Paul Tournier

– “Vấn đề với lắng nghe, dĩ nhiên, là chúng ta không nghe. Có quá nhiều âm thanh trong đầu chúng ta đến nỗi ta chẳng nghe thấy gì cả. Cuộc hội thoại bên trong chỉ đơn giản là chẳng bao giờ ngừng. Nó có thể là giọng nói của ta hay bất cứ giọng nói nào ta muốn, nhưng nó là sự huyên náo không ngừng. Cũng như thế, chúng ta không thấy, và cũng như thế, chúng ta không cảm nhận, không chạm vào, không nếm”.– Philip Glass

Như vậy tầm quan trọng của sự lắng nghe chính là học cách lắng nghe và không để tâm làm hai việc. Người căn cơ thấp, chúng ta lắng nghe mọi dòng suy tư và dành thời gian quán chiếu chúng, nhưng học cách lắng nghe chính là học cách kiểm soát việc cảm xúc của chúng ta bị chi phối bởi ngôn từ của những người xung quanh, kể cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực.

– “Điều bạn nghe thấy phụ thuộc vào bạn tập trung tai của mình như thế nào. Ta không nói về việc tạo ra một ngôn ngữ mới, mà đúng hơn là tạo ra những cách nhìn mới về một ngôn ngữ đã tồn tại sẵn”. Philip Glass

Riêng trong việc học Phật pháp, còn nhớ những ngày mới đến với Phật Pháp khi mới nghe pháp thoại, bản thân người viết đã phải vật lộn với những gì mình nghe mình học cũng giống như một người mới học lái xe nhìn thấy mình với chiếc xe là hai chứ không phải là một, và sau nhiều năm kiên trì chịu khó chú tâm lắng nghe từng lời từng câu của một Giảng Sư cho đến khi đã quen rồi mới có thể nghe được từng nhịp thở, có thể cảm được từng sự thay đổi và mới lấy viết ghi lại những điều quan trọng đã được đúc kết.

Sư Phụ tôi thường dạy “Nghe pháp có hai loại: – Loại thứ nhất nghe để tích luỹ kiến thức thì không nên nghe, chỉ thêm sở tri chướng thôi. – Loại thứ hai nghe từ chỉ thẳng để mình thấy ra sự thật thì nên nghe nhiều, và nhất là với sự chú tâm lắng nghe”.

Ngài đã căn dặn thêm : “ nếu con đã chọn nghe đi nghe lại nhiều lần thì đương nhiên nó sẽ thấm dần vào tâm thức và cuộc sống của con. Có những lúc ở trong một tình huống thực nào đó, những gì được nghe chợt vang lại trong tâm, vén mở rõ ràng thực tế mình đang trải nghiệm.
Nhưng con cần nhớ sự tuyệt vời của việc biết cách lắng nghe không chỉ nằm ở mục đích truy cầu tri thức. Có một điều khiến khả năng lắng nghe trở nên quan trọng: chúng là khả năng thụ động vì con phải chuyển hoá dần, để những gì mình nghe không còn là kiến thức vay mượn nữa, mà đã trở thành chính hiểu biết của con. Con sẽ thấy sau một thời gian nghe lại bài pháp ấy, mình đã hiểu khác với lần trước nghe, như là mới được nghe lần đầu”.

Lời kết:

Học được rằng:

– “Sự sáng suốt không đến từ việc nói. Nó đến từ việc lắng nghe”. Katrina Mayer

– “Bạn càng yên lặng, bạn càng nghe được nhiều” Ram Dass. Phải chăng “Lắng nghe” khi giao tiếp, hoặc thân cận bạn bè, hiền nhân là điều rất cần thiết trong xã hội, trong Đạo, trong Đời .

– “Hãy học cách lắng nghe. Cơ hội có thể gõ cửa rất khẽ khàng”. Frank Tyger

Vậy nên, học cách lắng nghe chính là học cách bảo vệ bản thân khỏi sự chi phối của người khác, về cả mặt tư tưởng lẫn cảm xúc; cũng chính là học cách cải thiện những điểm yếu trong những tiến trình tiếp nhận thông tin thụ động.
Có lẽ đến một một tuổi nào đó chúng ta sẽ biết rằng điều này quan trọng như thế nào trong một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa rất nhiều thứ ta không thể kiểm soát, và chỉ cần có được khả năng tiêu hóa được cái gì chúng ta đã lắng nghe và tư duy chiêm nghiệm.

Và dĩ nhiên việc lắng nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác.

Kính trân trọng,

Nhờ học đạo, biết “Sự diệu kỳ của thính giác!“
Nghe, lắng nghe nhu cầu lớn nhất con người
Hiểu được tiếng nói nhau, học pháp không lười
Không nhĩ căn..
Nhãn thức thiếu yếu tố biểu lộ!
Khó thông cảm, yêu thương, gắn bó, cứu độ!
Hãy lắng lòng nghĩ đến Bồ Tát Quán Thế Âm
Phải biết tự nghe mới dung thông tâm (1)
Nếu nghe với tâm thức còn tam độc…
Nhĩ căn phàm tình khiến khổ đau dồn dập
Nhưng lắng nghe được pháp âm chân thật…
… Ấy nhờ có quả lành
Thì ra tánh biết, tánh nghe vẫn thường trụ tinh anh
Thông qua tất cả, thường an lạc sáng suốt (2)
Trong thực tế học lắng nghe …
chính là để kiểm soát cảm xúc !
Kính mời nghe và chiêm nghiệm bản thân :
Một trong kỹ năng sống để thành công
“Hãy sống mà không giả tạo, yêu mà không phụ thuộc, lắng nghe mà không phòng thủ, nói mà không xúc phạm” – Drake

Huệ Hương

————————-0000000——————.
(1) Trong kinh “Thủ Lăng Nghiêm”, đức Bồ tát Quán Thế Âm có đoạn đã nói “… Phải biết tự nghe (trong bản linh thường trụ vô ngại vượt qua mình) thì mới nghe nổi tiếng kêu của chúng sinh (bất hạnh), để dung thông thấu hiểu được tâm thành của họ (mà từ bi cứu độ)…”.
(2) trong bài giảng kinh Lăng Nghiêm tại chùa Xá Lợi đã ghi chép : Các hiền nhân trong Phật đạo xưa nay thường ví nhĩ căn phàm tình như con dao hai lưỡi, bên nào cũng sắc bén cả. Nếu dùng nó bên phía công cụ nghe của tham sân si, thì tâm thức sẽ bị nó chém cho bầm dập, tàn tật. Nhưng nếu dùng nó bên phía hướng về những pháp âm chân thật, lành mạnh, hướng nội, cao thượng thì tâm thức lại được thường xuyên an lạc, sáng suốt, vuông tròn.
Vì, hướng nội, cao thượng ấy không có kiến chấp, nên tánh nghe, tánh biết vẫn tinh anh thường trụ. Thường trụ có nghĩa là thông qua tất cả, vô ngăn ngại, “không vì có âm thanh mới có tánh nghe, tánh biết” hoặc “chẳng vì không có âm thanh mà tánh nghe, tánh biết biến mất”. Bậc đại từ đại bi, chánh đẳng chánh giác hằng nghe biết tất cả, nhưng không câu chấp, nên các Ngài chẳng bị pháp ác làm tổn thương. Nhờ vậy, các Ngài mới ung dung trong các cõi ta bà khổ đau, cứu độ muôn loài mà tâm thức hoàn toàn không chứa đựng phiền não.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.