Ý Nghĩa Tu Gia Hạnh Phổ Hiền II

1. TU GIA HẠNH TUẦN THỨ NHẤT: LẠY SÁM HỐI HỒNG DANH PHÁP HOA VÀ TỤNG PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN KỆ.

Lạy sám hối và tụng Phổ Hiền hạnh nguyện kệ, nhưng phải thực tập pháp quán hạnh nguyện Phổ Hiền là việc chính, không phải chỉ tụng kinh suông. Tụng kinh để quán tưởng bằng tâm, nghe bằng tâm. Bước đầu tu hành phải tụng kinh và lạy Phật, nhưng phải vận dụng tâm thì mới nương được lực Phổ Hiền. Thấy thế giới Phật cũng vậy, lúc đầu, nghe văn kinh diễn tả Phật và hành trạng của Bồ tát. Sau đó, nương theo văn kinh để chúng ta hình dung ra Phật thật là bước thứ hai. Người khéo vận dụng tâm mới đạt được điều này. Vì vậy, khởi tu gia hạnh phải đặt tâm ở thế giới thanh tịnh bằng cách mượn lực Phổ Hiền để dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh; vì không có Bồ tát Phổ Hiền dẫn dắt, không vào được thế giới này.

Làm sao mượn được lực Phổ Hiền? Chúng ta phải tập tu đồng hạnh đồng nguyện với Phổ Hiền Bồ tát, nghĩa là đi chung một đường với Phổ Hiền thì mới gặp được Ngài. Phổ Hiền cho biết Ngài đi theo lộ trình gọi là mười đại hạnh. Vì vậy, chúng ta khởi tu mười hạnh này để đi lần vào Thiền định, gặp được Phổ Hiền Bồ tát. Tìm hiểu mười đại hạnh Phổ Hiền để tu là tu gia hạnh Phổ Hiền. Mười hạnh Phổ Hiền là mười đại nguyện mà Bồ tát Phổ Hiền đã thành tựu viên mãn, chúng ta thường đọc tụng trong thời kinh mỗi ngày: Nhứt giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường, tứ giả sám hối nghiệp chướng, ngũ giả tùy hỷ công đức, lục giả thỉnh chuyển pháp luân, thất giả thỉnh Phật trụ thế, bát giả thường tùy Phật học, cửu giả hằng thuận chúng sanh, thập giả phổ giai hồi hướng. Trong bài này, Thầy chỉ triển khai một ít ý nghĩa đại hạnh đầu tiên của Phổ Hiền là “Nhứt giả lễ kính chư Phật”.

Để lễ kính Phật, phải tìm tượng Phật mình thích nhất để tạo độ cảm với Phật. Chúng ta thờ Phật, lạy Phật là tu gia hạnh đầu tiên. Cảm được Phật, nên tin rằng có Phật thật trước mặt để lạy. Tuy bàn thờ Phật là cảnh giả, nhưng nương theo cái giả này để dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh; còn chấp vào cảnh giả này thì sẽ ở trong sanh tử muôn đời.

Bước đầu, đối trước tượng Phật, chúng ta chỉ có một Phật, nhưng quan trọng là tụng kinh nào thì hành trạng của Phật và Bồ tát trong kinh đó hiện hữu đầy đủ. Và tất cả Phật và Bồ tát chúng ta thấy được trong kinh đều đưa vào tâm mình. Trên bước đường tu, Thầy nhớ kinh nhiều là do tu pháp này. Còn tu không đạt được kết quả tốt đẹp, vì chỉ lưu giữ việc vui buồn vinh nhục của thế gian. Những vui buồn này hiện lên trong biển Thức trước, do chúng ta huân tập vào và việc thực tế sẽ theo đó hiện lên sau. Cũng vậy, chúng ta đọc kinh, thì Phật và Bồ tát lưu lại trong lòng mình, nên biển Thức của mình hiện ra Bồ tát và Phật trước. Vì vậy, tuy có một Phật, nhưng nhờ đọc kinh nhiều, nên Phật hiện ra nhiều. Yếu nghĩa này được Ngài Phổ Hiền diễn tả rằng “Trong một trần có trần số cõi. Trong mỗi cõi có nan tư Phật. Mỗi Phật đều ở giữa chúng hội. Tôi thấy hằng giảng hạnh Bồ đề”.

Nhờ tụng kinh nhiều, công hạnh và cảnh giới của Phật, của Bồ tát được đem vào lòng mình; do đó, hạnh đức và cảnh giới của Phật, của Bồ tát dễ dàng hiện lên trong tâm khi chúng ta khởi nghĩ đến các Ngài. Tâm không có hình tướng và chúng ta không thấy, nhưng nó chứa đựng được dữ kiện nhiều vô lượng vô biên. Chúng ta có một tâm thôi, chúng ta cũng không biết được tâm, nhưng tâm có khả năng biết tất cả. Vì vậy, Bồ tát Phổ Hiền đã khẳng định rằng trong một niệm tâm có đủ ba đời mười phương chư Phật.

2. TU GIA HẠNH TUẦN THỨ HAI: LỄ HỒNG DANH PHÁP HOA VÀ TỤNG 7 PHẨM BỔN MÔN PHÁP HOA.

Trước nhất, Bổn môn Pháp Hoa nghĩa là cốt lõi, hay yếu chỉ của kinh Pháp Hoa. Cốt lõi của kinh này, Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy Phật không Niết bàn, Ngài vẫn hiện hữu. Phật và chúng ta vẫn ở chung trong một thế giới, nhưng chúng ta cách Phật, vì phiền não, nghiệp chướng và trần lao. Theo Ngài Nhật Liên Thánh nhân, cốt lõi của kinh Pháp Hoa 28 phẩm hàm chứa đầy đủ trong năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh; cho nên Ngài dạy rằng chỉ đọc năm chữ nầy là thế giới Phật tự nhiên hiện ra. Đối với Tổ Huệ Đăng, cốt lõi của kinh Pháp Hoa ở quyển thứ bảy của kinh. Ngài dạy chúng ta chỉ đọc quyển thứ bảy của kinh Pháp Hoa là đủ, không cần đọc cả 28 phẩm.

Riêng đối vớiThầy, 7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa là cốt lõi của kinh Pháp Hoa. 7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa gồm có phẩm Tựa thứ nhất, phẩm Pháp Sư thứ 10, phẩm Tùng địa dũng xuất thứ 15, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, phẩm Phân biệt công đức thứ 17, phẩm Phổ môn thứ 25 và phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát thứ 28. 7 phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hành giả tu Bổn môn Pháp Hoa, vì đó là cốt lõi của bộ kinh Pháp Hoa 28 phẩm.

Vì Bổn môn Pháp Hoa là cốt lõi của kinh Pháp Hoa, cho nên tu Bổn môn phải thực hiện cho được ý nghĩa của Bổn môn, tức tìm cho được cái gốc và hình thức bên ngoài phải chứa được nghĩa lý sâu sắc bên trong, cũng như nhìn tượng Phật phải hình dung được Phật thật. Kinh Pháp Hoa còn được gọi là kinh Hoa Sen. Ngài Trí Giả ví Phật như hoa sen. Hoa sen có hoa bên ngoài và gương sen bên trong. Hoa bên ngoài tiêu biểu cho Phật hình thức bên ngoài, còn gương sen tiêu biểu cho Phật thật bên trong. Những gì bên ngoài thấy được gọi là Tích môn và những gì không thấy được gọi là Bổn môn. Chúng ta tu là tìm cái không thấy, vì Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, Ngài không nói được những gì Ngài chứng đắc, nên những gì Phật nói chỉ là phương tiện bên ngoài mà thôi. Vì vậy, nếu tu hành mà chấp hình thức bên ngoài, sẽ không phát huy được cốt lõi bên trong.

Tu Bổn môn, chúng ta tìm Đức Phật bên trong của thái tử Sĩ Đạt ta, tìm Đức Phật bên trong của Sa môn Cồ Đàm, tìm Đức Phật bên trong của Phật Thích Ca đi truyền bá chánh pháp trong suốt 49 năm. Phật bên trong là gì?

Lúc Phật sanh ra làm thái tử, đã có Phật bên trong Ngài rồi; nhưng vì thân còn nhỏ nên chưa thuyết pháp được. Tiên A Tư Đà thấy thái tử liền bật khóc, vì ông không còn sống trên cuộc đời khi Đức Phật bên trong thái tử hiện ra. Vì vậy, ông nói với người cháu là Ca Chiên Diên lớn lên sẽ thấy được Phật và nghe được pháp Phật. Khi Phật xuất gia làm Sa môn cũng có ông Phật bên trong, nên người ta thấy Ngài đi khất thực phải sanh tâm kính nể. Thật vậy, lúc Phật còn là Sa môn, mà vua Tần Bà Sa La đã nghe lời Ngài dạy không giết bò dê để cúng tế thần linh và thưarằng khi nào Ngài đắc đạo nhớ trở lại độ ông; đó là vì nhà vua đã cảm nhận được Đức Phật bên trong Ngài.

Chúng ta tìm đạo là tìm cốt lõi bên trong. Phật thành Phật cũng con người đó, hình thức không thay đổi, nhưng cốt lõi bên trong là Phật đã hiện ra, nên có sức tác động rất lớn. Điển hình là năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng Sa môn Cồ Đàm không tu khổ hạnh nổi, nên đã lánh xa Ngài, xuống Lộc Uyển tu. Khi Phật đắc đạo, thành Phật rồi, Ngài đến độ họ. Từ xa trông thấy Phật, họ bàn với nhau sẽ không tiếp Phật, nhưng vì đạo lực của Phật quá mạnh đã tác động thẳng vào tâm các ông; nói cách khác, bấy giờ bổn Phật là bổn tâm của Phật thuyết pháp, đi thẳng vào lòng của năm vị này, khiến họ phải sanh tâm kính trọng và đảnh lễ Phật. Năm anh em Kiều Trần Như thấy được Phật là Phật thật, vì các ông là người có căn lành lớn đã gieo trồng ở Phật từ kiếp quá khứ, nên ở hiện đời, mới nhận thấy được Phật bất sanh bất diệt và từ Phật gốc này mới truyền lực sang tâm các ông. Người không có căn lành chỉ tu hình thức bề ngoài, không thể nhận chân được Phật thật.

Khi Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa để độ ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp. Ông này là quốc sư được 500 đồ chúng kính trọng như Thánh, nhưng tâm ông còn nhiều ganh tỵ, lợi danh, nên nghĩ Phật muốn tranh giành ảnh hưởng với ông. Ông sanh tâm ác muốn giết Phật, mới xếp đặt cho Phật vào tu trong hang để rắn hổ mang cắn chết. Phật vẫn thanh thản vì Ngài đã là Phật rồi. Ngài vào đó nhập định, trải rộng tình thương đến muôn loài và tâm đại từ bi của Phật đã khiến đàn rắn tự động nằm phủ phục chung quanh Ngài, mà không hề hại Ngài. Sáng hôm sau, ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và đồ chúng thấy cảnh tượng kỳ lạ như vậy, phải kinh sợ và kính nể Phật, quỳ lạy xin làm đệ tử Phật, vì ông đã nhận ra được Đức Phật bên trong của Phật Thích Ca, hay thấy được Bổn Phật.

Thời Phật tại thế, nhờ thấy Phật bên ngoài là Phật Thích Ca, người ta cảm nhận được Phật bên trong dễ hơn chúng ta ngày nay không có Phật, nhưng phải nhận được Phật bên trong. Ngài Nhật Liên Thánh nhân cảm được Phật thành Phật từ lâu xa trong kinh Pháp Hoa và Ngài nhập định thấy được Phật đó. Như vậy, đòi hỏi phải nhập định để tâm tập trung cao độ, hoàn toàn thanh tịnh sẽ có được sức mạnh và độ nhanh để đi ngược thời gian, thì cái nhìn của Ngài Nhật Liên mới xuyên suốt ngược về quá khứ 1500 năm trước, mới thấy được pháp hội Phật Thích Ca đang thuyết pháp và Thánh chúng vẫn còn hiện hữu và đi xa hơn nữa, Ngài Nhật Liên tìm được Bổn Phật.

Riêng chúng ta ngày nay sống cách Phật xa hơn 25 thế kỷ, nhưng chúng ta nương vào Phật Thích Ca xuất hiện ở thế gian này để chúng ta tìm về Phật thật, tức nương hình thức bên ngoài để tìm Phật bên trong, nương giáo lý để thực hành cốt tủy Phật dạy. Tìm được Phật thật và thực hành đúng yếu lý thì mới có kết quả tốt đẹp. Ngài Trí Giả dạy rằng có cốt lõi bên trong là Phật, mới hiện ra tướng Phật thật bên ngoài; nếu cốt lõi bên trong không có thì không thể hiện được thân tướng Phật bên ngoài. Ví như người giàu thật, vốn bên trong của họ rất lớn, tức là nguồn cội phúc bên trong lớn, còn tài sản bên ngoài do phúc bên trong mới có được.

Theo Bổn môn Pháp Hoa, Phật không nhập diệt. Phật vẫn ở chung với chúng ta trong một thế giới, nhưng chúng ta cách Phật, vì phiền não, nghiệp chướng và trần lao. Nghiệp chướng nặng, chắc chắn không thể thấy Phật. Trần lao, tức khổ sở quá thì không thể nghĩ đến Phật và bị buồn phiền trói buộc khiến tâm chúng ta u tối, lúc đó dù có ở chung với Phật cũng không thấy Phật.

Người có căn lành sẽ thấy Phật bằng niềm tin, không thấy bằng mắt. Thật sự thấy Phật bằng mắt thì không ai thấy, nhưng thấy bằng niềm tin thì có người thấy, có người không thấy. Có niềm tin, chúng ta thấy Phật qua hình tượng Phật trên chùa mà nghĩ là Phật, nên kính trọng, lễ bái, cầu nguyện. Người Hồi giáo cực đoan như Taliban chẳng những không thấy Phật mà còn thấy tượng Phật đáng ghét, nên họ đã phá hủy tượng Phật rất lớn và cổ xưa.

Tuy nhiên, để cái thấy bằng niềm tin không bị rơi vào mê tín, hay cuồng tín, Đức Phật bảo chúng ta phải có chánh tín, tức là niềm tin của chúng ta căn cứ vào lời Phật dạy và lý giải được thì mới tin.

Như đã nói, Phật và chúng ta cách xa, vì phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Thầy có cảm giác ví như một dòng điện truyền đến các thiết bị dễ dàng, nhưng nếu bị miếng cao su ngăn cách, điện sẽ không thể truyền tới được. Cũng vậy, Phật lực truyền cho ta được với điều kiện ta phải cắt bỏ ba thứ làm ngăn cách là phiền não, nghiệp chướng và trần lao, gọi là nhận được Phật hộ niệm.

Trên bước đường tu, cần lưu ý rằng chúng ta không thấy Phật và Phật cũng không truyền được gia trì lực đến ta. Vì vậy, chúng ta phải qua vô tướng giới đàn, tức là nhờ nghi lễ tụng niệm, lễ bái, nhờ tượng Phật, nhờ kinh điển và nương vào Thánh Tăng tiêu biểu cho Thầy tu có tâm thanh tịnh, để thấy được Phật.

Thực tế cho thấy khi gặp được vị cao Tăng mà chúng ta kính trọng, sự thanh tịnh của vị này sẽ truyền cho ta liền. Tâm an lạc của vị chân tu có được là do Phật truyền, vì vị này tu hành đã cắt bỏ được phiền não, trần lao, nghiệp chướng, cho nên tâm thanh tịnh của Ngài đã nhận được từ Phật rồi và truyền sang cho ta, gọi là nhứt thời thanh tịnh.

Thiền có đặc sắc là truyền tâm ấn, hay truyền pháp, khởi đầu từ Tổ sư Đạt Ma truyền cho Ngài Huệ Khả. Tổ Đạt Ma 9 năm ngồi quay mặt vô vách, Thiền gọi là phản quang tự kỷ, tâm Ngài lắng yên và được Phật lực gia bị đã khiến cho Ngài Huệ Khả trông thấy Tổ cũng được thanh tịnh theo.Tu Tịnh độ cũng đòi hỏi hành giả tâm trí lắng yên như vào Thiền định, mới được Phật Di Đà và Thánh chúng phóng quang tiếp độ vãng sanh. Như vậy, mặc dù tu phương tiện khác nhau, nhưng tất cả pháp môn tu đều phải đạt được chân thật. Người xưa diễn tả ý này là cọ cây để lấy lửa. Cọ suốt đời mà không có lửa, cũng như tu suốt đời mà không đạt được kết quả tốt đẹp, vì không nắm được yếu chỉ. Vì vậy, tất cả pháp môn tu đều đòi hỏi chúng ta phải nắm được yếu chỉ để thực tập.

Tổ Đạt Ma tiếp nhận được Phật lực, nên Ngài ngồi yên trong tuyết mà hưởng nguồn vui của Niết bàn, nghĩa là Ngài sống với tự thọ dụng thân. Còn chúng ta phải luôn sử dụng tha thọ dụng thân, nghĩa là thân tứ đại ngũ uẩn của mình tồn tại được là nhờ vào sự tác động bên ngoài, như phải nhờ không khí, phải ăn uống, phải đưa dinh dưỡng vào nuôi tứ đại, thì thân này mới tồn tại.

Ngoài ra, trần lao hết, vì hành giả đã ẩn cư, không còn làm việc thì không cần đối phó với người. Thật vậy, thực tế cuộc sống cho thấy mỗi ngày mối quan hệ giữa ta và gia đình, giữa ta và xã hội, giữa ta và thiên nhiên gây ra nhiều phiền phức. Nhưng vào núi rừng tu, ta vứt được mối quan hệ này, nên trần lao cũng theo đó mà cắt được.

Tuy nhiên, nghiệp thức của chúng ta vẫn còn tồn tại. Ngồi yên tu thì quá khứ gần và quá khứ xa liền sống dậy. Quá khứ gần là những gì đã xảy ra trong kiếp này, khi ngồi yên, chúng ta hay nghĩ đến vui buồn của cuộc sống. Người tu không có kết quả vì ngồi yên, những quá khứ này luôn hiện ra, thì lại đi tìm người để tâm sự, cho nên trần lao và phiền não cắt bỏ không được.

Thầy gặp Hòa thượng Viên Giác kể cho Thầy nghe rằng thuở nhỏ, tu ở Kim Huê, Hòa thượng thấy một Thầy khác với đại chúng. Thầy này không nói chuyện với ai và thấy người nói chuyện là Thầy tránh. Có người cúng dường, Thầy hạn chế nhận và nếu có, Thầy đem bố thí cho người khác. Nghĩa là vị Thầy này tu hành loại bỏ những sự quan hệ vật chất để tâm không bị kẹt với vật chất và để phiền não không phát sinh, cho nên sống chung với đại chúng, nhưng Thầy cắt đứt lần mối quan hệ bên ngoài. Một hôm, Thầy này tự nói rằng hôm nay tôi xin từ giã các Thầy để đi về. Các Thầy chưa đắc đạo không hiểu vị này muốn nói gì, mới nghĩ rằng Thầy nầy muốn về nhà, bỏ tu thật là uổng. Sau đó, vị Thầy này tắm rửa sạch sẽ rồi, ngồi ở chánh điện, niệm Phật, đúng giờ ngọ là Thầy đi. Hòa thượng Viên Giác thấy người tu có kết quả như vậy mà Hòa thượng lập chí tu hành. Còn thấy người hư hỏng, chúng ta dễ chán tu, hay hư theo. Tu hành, bớt ăn uống và cắt trần lao, phiền não, không quan tâm đến việc xung quanh và nhập định, rồi chết thì sẽ đi vào Niết bàn, hay Cực Lạc tùy theo sở nguyện.

Tâm thanh tịnh của Phật truyền cho ta, tâm ta được thanh tịnh. Tuệ giác của Phật truyền cho ta, trí ta sáng suốt. Tâm thanh tịnh và trí sáng suốt là cốt lõi của đạo Phật, hay định và huệ; dù tu pháp môn nào cũng phải có hai điều này. Nhưng muốn có được định và huệ, chúng ta tự lực, hay ta tự thanh tịnh mình rất khó. Chỉ có Phật sanh lại mới làm được như vậy. Còn từ hàng Bồ tát trở xuống phải nhờ Phật lực gia bị, gọi là tha lực.

Tu Pháp Hoa, tha lực là Bồ tát đồng hạnh đồng nguyện thì gia bị được. Vì vậy, phải phát tâm độ chúng sinh, thì Bồ tát thương chúng sinh muốn độ chúng sinh, các Ngài phải mượn mình. Vì các Ngài ở thế giới Thật Báo, chúng sinh không thấy Ngài và Ngài không có sanh thân, nên không tiếp cận được chúng sinh. Trong khi ta có sanh thân, nên các Ngài mượn sanh thân của ta; nói cách khác, các Ngài vẫn muốn hợp tác với ta để làm một số Phật sự. Những người làm được việc lớn trên cuộc đời này đều nhờ có tâm thanh tịnh và nguyện độ sanh, mới tiếp nhận được lực gia bị của Phật, của Bồ tát khiến cho tâm trí họ sáng lần và sức khỏe tốt lần, mới thành tựu việc khó.

Hiểu như vậy, làm sao tạo được mối tương quan mật thiết với Phật và Bồ tát, gia trì lực của các Ngài mới đến với ta được. Tu Tịnh độ, ở Ta bà, nhưng nghĩ đến Phật Di Đà đến mức tâm bất loạn và tâm trí lắng yên thì Phật lực gia bị, tạo cho chúng ta có tâm lý rất bình ổn và sức khỏe tốt, mối tương quan với xã hội cũng tốt, là vì chúng ta tiếp nhận được năng lượng của Phật Di Đà, cho nên có được cuộc sống Cực Lạc ở Ta bà. Vì vậy, khi việc xong, nguyện mãn là trở về bổn độ như vị Thầy mà Hòa thượng Viên Giác thuật lại.

Tu Pháp Hoa, quan sát kỹ Ta bà, chúng ta phát hiện được các Bồ tát mười phương, các Bồ tát Tùng địa dũng xuất và nhận thấy các Ngài hiện hữu trong tâm tưởng của chúng sinh. Vì vậy, ta quan hệ với chúng sinh, nhưng nhận ra Bồ tát là Bồ tát tâm, vì tâm họ tương ưng với Bồ tát nào thì được Bồ tát đó gia bị và họ làm việc của Bồ tát, nên họ là hiện thân của Bồ tát. Nhưng sau đó, vì họ còn phiền não, nghiệp chướng, trần lao, nên phiền não nổi dậy thì ma phiền não đã đến với họ. Như vậy, khi mất chánh niệm, quỷ thần sẽ đến. Theo kinh nghiệm của tôi, khi có cảnh giác, biết quỷ thần đến thì đóng cửa phòng, đóng cửa tâm lại, không cho họ vô, vì họ vô được sẽ gây ra nhiều nguy hiểm. Nói cách khác, khi thấy tâm bất an, nên cắt đứt mối liên hệ với bên ngoài, để đừng làm ta nổi giận và làm đối phương nổi giận. Chúng ta hiểu yếu chỉ để tu có kết quả mới là việc quan trọng.

Đức Phật Thích Ca thành đạo ở Bồ đề là sự quan hệ của Phật và mười phương Phật, cùng chư Thiên, tạo thành Hoa Tạng thế giới là thế giới mà tất cả mọi người đều thanh tịnh. Thâm nhập được Tỳ Lô Giá Na tánh là tánh sáng suốt và sống được với Pháp thân Phật, với thế giới hoàn toàn thanh tịnh, nên mười phương Phật hiện ra và Phạm Thiên cũng xuất hiện để thỉnh Phật Thích Ca thuyết pháp và nói rằng các Ngài đều thương chúng sinh, muốn cứu chúng sinh, nhưng không làm được, vì không còn thân tứ đại ngũ uẩn. Trong khi Phật Thích Ca tâm thanh tịnh, hòa đồng được với chư Phật, nhưng Ngài còn thân tứ đại là Sa môn mới tiếp cận được chúng sinh và giáo hóa được. Vì vậy, chư Phật mười phương đều phóng quang gia bị Phật Thích Ca để Ngài giáo hóa chúng sinh. Chúng ta tu Pháp Hoa nhận ra yếu chỉ này, nên biết ta làm được là nhờ có thân tứ đại và có Thức này để lóng nghe và truyền đạt cho chúng sinh, hóa giải phiền não cho họ, truyền sự thanh tịnh cho họ.

Đức Phật Thích Ca rời Bồ đề đạo tràng tức rời thế giới ánh sáng để đến Lộc Uyển và trải qua suốt 12 năm, Ngài nói những pháp cho người thế gian tu hành, nghĩa là nói kinh A Hàm. Nhưng người chấp vô kinh này cho rằng đạo Phật là triết học, là xã hội học, không có gì cao siêu. Người nghĩ chấp như vậy, theo Phật đó là người mù rờ voi.

Kinh A Hàm nhằm giáo hóa con người trở thành đạo đức, căn bản nhất là phải quy y Tam bảo và giữ năm giới. Quy y Phật là lấy trí tuệ làm Thầy. Quy y pháp là lấy sự thật hay chân lý làm lý tưởng sống. Quy y Tăng là kết bạn với người hiền lành, sáng suốt, hòa hợp, không tranh cãi. Nương theo Tam bảo để sống, chắc chắn cuộc đời sẽ tốt đẹp. Ngoài ra, Phật dạy năm giới cấm: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống rượu. Đó là năm điều căn bản của người đạo đức. Thật vậy, người nói dối, phản bạn, lừa Thầy làm sao được ai tin dùng. Hay người gian tham trộm cắp dù chỉ một lần cũng không thể tin cậy. Và người đạo đức cũng không tà dâm, không sát hại sinh mạng của chúng sinh. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm và nói dối là bốn giới căn bản gọi là tánh giới. Giới thứ năm là không được uống rượu. Uống rượu không phải là cái tội, nhưng nó làm cho tâm trí con người bị rối loạn mà sanh ra tội lỗi.

Trong thế giới Phật không có năm giới cấm nói trên, nhưng vào Ta bà, Đức Phật phải sử dụng phương tiện để độ người, Ngài mới dạy những điều đạo đức luân lý của con người.

Khi Đức Phật thành Phật, cốt lõi mà Ngài muốn nói là kinh Hoa Nghiêm, nhưng vì chúng sinh không thể nào nắm bắt được, Ngài mới mở phương tiện là thuyết pháp trong suốt 49 năm. Giáo pháp của Phật nói đã được kiết tập thành kinh tạng Nikaya là tam tạng Thánh điển và đây là cái gốc của đạo Phật, nhưng thật sự cũng do loài người biên soạn để truyền bá cho nhau tu học. Vì vậy, kinh điển giúp chúng ta hiểu nghĩa lý, chứ không nên chấp. Đến thời kỳ Phật giáo phát triển, các vị Thánh Tăng biên tập lại dưới dạng Đại thừa, từ đó có kinh điển Đại thừa ra đời. Nhưng kinh Đại thừa cũng phát xuất từ kinh Nguyên thủy, tức từ căn bản kinh điển đó áp dụng vào đời sống tu hành rồi đắc đạo thì thấy khác.

Thật vậy, cùng đọc một quyển sách, nhưng người trình độ thấp hiểu khác, người trình độ cao hiểu nghĩa lý sâu xa. Kinh Đại thừa đến thời Phương Đẳng, Bát Nhã thì hiểu Phật cao hơn, không hiểu Phật là một con người bình thường. Theo tinh thần Đại thừa, Phật là con người, nhưng tiếp cận được thế giới thần linh, hay xa hơn, Ngài tiếp cận với chư Phật mười phương, nên Ngài tổng hợp được tất cả lực siêu nhiên thành một lực dụng vô cùng mạnh mẽ mà chúng ta không thể nào biết được, gọi là bất khả tư nghì. Điển hình như một người thuyết phục được người khác đã khó, vậy mà Phật chỉ trong một đêm giáo hóa được 3 anh em Ca Diếp là giáo chủ ngoại đạo và độ được 1000 người ngoại đạo thành A la hán. Việc này con người bình thường không thể làm được. Cho nên, Đại thừa bắt đầu thấy Phật khác, là thấy Phật từ con người nhưng siêu tuyệt hơn mọi người.

Vì vậy, nếu chấp vào kinh, sẽ không được giải thoát. Cho nên đến thời Bát Nhã, kinh Bát Nhã phủ nhận tất cả hình thức và văn tự ngữ ngôn để lấy vấn đề đắc đạo là chính. Phật đắc đạo, chúng ta cũng phải đắc đạo, không chấp văn tự nữa. Trên tinh thần này, kinh Bát Nhã không phải là một bộ kinh riêng, nhưng do tu từ kinh Nguyên thủy đến thời Phật giáo phát triển và ngộ được yếu chỉ, huệ chúng ta sáng ra, nên thấy khác. Người tu hình thức cứ tụng kinh ngày này sang ngày khác, nhưng trí tuệ không phát triển; trong khi người tu theo yếu chỉ kinh, mỗi ngày tụng kinh, nhận được ý khác hơn. Suốt mấy chục năm giảng Pháp Hoa, Thầy cũng không thể giảng hết ý nghĩa là vậy.

Nhờ đọc tụng kinh, chúng ta hiểu nghĩa lý sâu xa thì huệ sanh. Thật vậy, người có tâm Đại thừa đọc kinh Nguyên thủy thấy được yếu nghĩa của Đại thừa ẩn chứa trong đó và họ lạy Phật bằng xi măng, nhưng thấy được Phật thật. Kết quả này do chúng ta có căn tánh Đại thừa, hay nói cách khác, do kiếp trước chúng ta đã trồng căn lành ở Phật, kiếp này tuy không thấy Phật, nhưng trong tâm ta đã thấy Phật, nên thấy tượng Phật mà nghĩ ngay đến Phật thật. Thuở nhỏ, Thầy thấy Phật trên bao nhang mà nghĩ ra Phật và tâm Thầy muốn tìm Phật là đi tu, nhưng đi hoài cũng không thấy Phật. Phật này ở trong tâm chúng ta, ở trong vô hình.

Các vị cao Tăng đi tìm đạo, vì tâm đã có Phật, nhưng tìm ở thế giới vật chất không có Phật, mà đi vào thế giới tâm linh cũng không thấy được, vì nó mờ mờ ảo ảo. Tuy nhiên, cũng nhờ cái mờ ảo đó mà thấy được Phật. Nghe giảng pháp, chúng ta chỉ thấy mường tượng mang máng, vì chúng ta từng nghe ở kiếp quá khứ rồi, nên thấy vị này giảng không phải như vậy và tìm vị khác cũng thấy mang máng. Theo kinh nghiệm của Thầy, tìm Pháp sư giảng giống trong tâm tưởng mình là nghe tiếng mang máng. Nói cách khác, kinh Phật dạy và cuộc sống của vị cao Tăng cũng giống như kinh nói. Ví dụ Thầy tụng phẩm Dược Vương Bồ tát thấy Ngài đốt thân cúng dường Phật, liền chứng tam muội và đà la ni. Và trong thực tế cuộc sống, Thầy gặp Hòa thượng Trí Hữu đốt hương cúng dường Phật. Ngài đốt trên khắp đầu và trên cánh tay của Ngài, cho đến đốt rụng mất một ngón tay. Như vậy, ít nhất Hòa thượng Trí Hữu cũng có được thành quả tương tợ như Bồ tát Dược Vương trong kinh Pháp Hoa. Hoặc Thầy học với Hòa thượng Trí Tịnh, thấy Ngài tụng kinh Pháp Hoa cũng đốt mất ngón tay út khi Ngài ngộ được yếu chỉ kinh Pháp Hoa. Chúng ta thấy hai vị cao Tăng này tu hành, ngộ được yếu chỉ kinh và đạt được những thành quả tương tự trong kinh, khiến cho niềm tin của ta đối với pháp Phật càng vững mạnh hơn nữa.

Đức Phật đã nói giáo pháp và Ngài đã làm những gì Ngài nói. Các vị Thánh Tăng cũng thực tập pháp Phật, đắc đạo, thấy Phật và hiểu kinh rồi mới chép ra kinh. Thầy biên soạn kinh Bổn môn Pháp Hoa cũng vậy, Thầy đã thực tập và gặt hái được kết quả căn cứ trên yếu chỉ của kinh, tuy đó không phải là Phật nói 100%, nhưng tương tợ với Phật. Vì vậy, tìm kinh đọc và hiểu được nghĩa lý sâu xa thì tìm cái thực tế tương ưng để chúng ta áp dụng theo, còn những cái khác chúng ta loại ra.

Vì vậy, đến kinh Bát Nhã loại bỏ tất cả hình thức. Thầy tụng Bát Nhã cũng loại hết kinh Đại thừa ra khỏi tâm, thì tâm trống không, không có gì để bám víu, nên có cảm giác như rơi vào biển không. Bấy giờ, qua thời Pháp Hoa và Niết bàn. Ngài Trí Giả do tu chứng từ kinh Nguyên thủy đến Bát Nhã và Pháp Hoa mới đưa ra phán giáo rằng Phật nói kinh Hoa Nghiêm 21 ngày trong Thiền định cho các đại Bồ tát. Sau đó Ngài mới nói kinh Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa và Niết Bàn.

Pháp Hoa và Niết Bàn là thường trụ pháp, nên chúng ta có thể dựa vào đó tu hành, cảm thấy an ổn hơn và quan trọng là nhận được lực hộ niệm của Phật, nên thấy ấm áp hơn, thanh thản hơn. Theo Thầy, khi xả hết ở Bát Nhã, tâm trống không, thì phải dựa vào Phật, vào niềm tin nơi Phật lực để chúng ta bình ổn đi tới. Đối với Thầy, tất cả các kinh của Phật đều nhằm mục tiêu đoạn trừ phiền não, trần lao và nghiệp chướng, vì đó là những vật ngăn cách giữa ta và Phật. Sở dĩ chúng ta cầu nguyện không có kết quả, vì vẫn giữ nguyên ba thứ ngăn cách này.

Phật dạy chúng ta kinh Nguyên thủy nhằm đoạn trừ phiền não, trần lao, nghiệp chướng, đó là 37 trợ đạo phẩm. Nếu chê bỏ 37 trợ đạo phẩm là sai lầm lớn. Thầy luôn luôn thực tập, cân nhắc pháp này; vì không có 37 trợ đạo phẩm, chúng ta không vượt được phiền não. Công năng của 37 trợ đạo phẩm đưa chúng ta vào Niết bàn Không, vô tác, vô nguyện.

Thật vậy, khởi đầu chúng ta phải nhìn đời qua lăng kính Tứ niệm xứ quán, tức luôn lấy tâm mình đặt vô bốn việc là quán thân bất tịnh để chúng ta không tham đắm; quán thọ là khổ để chúng ta xa lìa vật chất; quán tâm vô thường để không chấp vô đó và quán pháp vô ngã để không phiền muộn, được giải thoát.

Từ khởi đầu của 37 trợ đạo phẩm là quán Tứ niệm xứ, chúng ta xa rời tất cả sự chấp trước, vướng mắc, khổ đau và đến cuối cùng là giữ Bát chánh đạo để sống.

Hoa sen trên pháp y của chúng ta có 8 cánh và 7 hột, nghĩa là lấy cốt lõi của kinh Nguyên thủy là Thất Bồ đề phần, vì không có Thất Bồ đề phần là không có trí giác thì làm sao vào đạo được.

Về sau, pháp y không có 8 cánh sen, chỉ còn 7 hột Bồ đề, nghĩa là sen rụng chỉ còn tâm Bồ đề để vào thế giới Đại thừa. Nhưng muốn như vậy, phải có Bát chánh đạo, vì nếu không thấy đúng sẽ đau khổ, nếu thấy theo tham vọng là cái thấy sai lầm. Tu hành, nhận ra cái thực của cuộc sống, chúng ta xả bỏ dễ dàng, con quạ thì phải đen, con cò thì phải trắng là tất yếu. Mình muốn con quạ trắng làm sao nó trắng được. Phật dạy chúng ta phải biết chúng sinh nghĩ gì, muốn gì, làm được gì. Thầy thường nói rằng người không phải là mình, nên chắp gối cho họ vào đời, không muốn họ làm theo ta, vì họ có nghiệp riêng của họ và họ phải theo nghiệp đó thôi.

Chánh kiến, chánh tư duy là suy nghĩ theo Phật, tức ta nhìn đời qua lăng kính kinh điển, sẽ thấy tốt hơn. Và có được chánh kiến, chánh tư duy rồi, thì không nói sai là chánh ngữ.

Tu hành không thể bỏ kinh Nguyên thủy, hay Bát chánh đạo và Thất Bồ đề phần. Tu Pháp Hoa, xả Bát chánh đạo, để giữ Thất Bồ đề phần, vì hoa lạc liên thành, nghĩa là cánh sen rụng để còn lại gương sen có 7 hột và nuôi lớn 7 hột này. Nói cách khác, bỏ cánh sen hay bỏ hình thức rườm rà làm chúng ta không đi xa vào thế giới tâm linh được. Mặc dù không giữ hình thức, nhưng không phạm sai lầm. Không phải không chấp tướng rồi phạm lỗi lầm là đọa.

Qua giai đoạn phải giữ gìn từng chút một, chúng ta hoàn toàn thanh thản thì đó là cái được tự nhiên của Bát chánh đạo, không phải mất Bát chánh đạo. Ví dụ Tề Thiên bị đeo vòng kim cô, vì không có vòng này, ông nổi loạn. Nhưng khi thỉnh được kinh và bái Phật rồi, Tề Thiên bảo Quan Âm gỡ bỏ dùm vòng kim cô; Quan Âm nói vòng này mất rồi, còn đâu mà gỡ.

Bước chân vào Đại thừa, giới luật tự biến mất để thành Phật, không phải thành ác ma. Phật chế giới nhằm cấm ngăn người sẽ phạm giới, cho nên khi Phật độ năm anh em Kiều Trần Như, không có giới. Nhưng khi Phật bắt đầu nói giới để độ trưởng giả Da Xá và 50 thanh niên, vì họ về nhà sống thì sẽ nảy sinh vấn đề, mới cần giữ giới.

Chúng ta tu Pháp Hoa, dồn sức nuôi 7 hạt Bồ đề để hạt lớn lên và hạt chín, mới có mầm sen, cho đến hạt thối đi để nuôi mầm sen mọc lên cây sen khác.

7 phần Bồ đề nằm trọn trong tâm chúng ta, nên chúng ta tu mà không ai biết mới là tu cao, gọi là vô tác diệu lực. Còn làm mà người ta biết được là bình thường. Cũng vậy, người tu hình thức có giới hạn, còn người tu 7 phần Bồ đề trong tâm thì vô lượng.

Tóm lại, kinh Nguyên thủy gom lại còn pháp tu Bát chánh đạo và xả Bát chánh đạo, lấy Thất Bồ đề phần. Như vậy, kinh Nguyên thủy nhằm dạy chúng ta trở thành người đạo đức trong xã hội và cao hơn là Bát chánh đạo, tức đạo đức của người xuất gia, hay hàng Thanh văn.

Kế đến là hàng Duyên giác quán nhân duyên để sanh trí tuệ và dùng trí tuệ quan sát cốt lõi của kinh để hiểu nghĩa lý sâu xa mà thực tập. Quán sát 12 nhân duyên là nhìn cuộc sống của con người vận hành theo vòng xoay, khởi đầu từ một niệm vô minh, tức ý nghĩ sai lầm, dẫn đến sai lầm về hành động, về lời nói, mới có quả báo và hiện thân khổ đau. Sau cùng, cái vòng sống khổ đau đó kết thúc bằng lão và tử. Tuy nhiên, trong 12 nhân duyên, mắc xích là ở vô minh mới sanh ra tội lỗi. Chỉ cần minh sanh ra là ngăn chận được vô minh liền. Vua Trần Nhân Tông ngộ đạo cũng từ một niệm minh, mới thốt lên rằng:

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm
Danh lợi lòng băng với bão đêm

Hoặc Hòa thượng Trí Tịnh không nghe ai, vì Ngài biết rồi, nên sanh tử luân hồi cũng kết thúc từ đây, vô minh, phiền não, trần lao đã chấm dứt rồi.

Có thể nói pháp tu của Duyên giác thừa tuy nhiều, nhưng thực chất chỉ còn “Biết và không biết”.

Như vậy, hàng Thanh văn dùng đạo đức và hàng Duyên giác dùng trí tuệ để vào thế giới Pháp Hoa. Cao nhất là vào bằng Bồ tát đạo. Bồ tát khởi tu bố thí, giúp được gì cho người đều sẵn lòng, những gì chúng ta biết nên dạy người và những gì không cần, chúng ta cho. Pháp thứ hai của Bồ tát là trì giới, chủ yếu là thập thiện giới để thân khẩu ý được thanh tịnh. Bồ tát tu lấy tâm làm chính, không tham không giận, nên được sáng suốt và thấy việc đáng làm; đó là Bồ tát trì giới. Bồ tát còn có hạnh tinh tấn, vì nghĩ rằng thọ mạng của con người không nhiều, làm được việc gì là làm, không đợi ngày mai và làm đến hơi thở cuối cùng. Quan trọng đối với Bồ tát là tinh tấn làm cho tâm thanh tịnh, không vọng động; vì thiện là định tĩnh và ác là vọng động. Làm nhiều nhưng không thanh tịnh là ác rồi. Vì vậy, Bồ tát không quan trọng làm nhiều hay làm ít, nhưng quan trọng phải giữ tâm thanh tịnh để thấy việc đáng làm, người đáng giúp.

Tu tinh tấn giữ tâm thanh tịnh đi sâu vào Thiền định, vì các pháp Phật không ngoài Thiền định và trí tuệ. Tâm lúc nào cũng phải đứng yên và nhìn đời sáng suốt. Tâm đứng yên là vào Vô lượng nghĩa xứ định là định của Pháp Hoa và huệ theo đó phát sinh, mới thấy hoa Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, thấy chúng sinh từ địa ngục A Tỳ cho đến trời Hữu đảnh, thấy bức tranh toàn bộ Pháp giới hiện ra.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.