Ý Nghĩa Tu Gia Hạnh Phổ Hiền II

B. CỐT LÕI CỦA PHẨM PHÁP SƯ THỨ 10

Cốt lõi của phẩm thứ 10 nằm ở ba việc chính cần nhớ để chúng ta tu. Việc thứ nhất là Phật gợi cho chúng ta ý thức rằng Bồ tát thành xong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi sanh lại nhân gian là hành giả Pháp Hoa. Chúng ta chưa thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà tự xưng là hành giả Pháp Hoa là đại vọng ngữ.

Chỉ có Phật Thích Ca là Bồ tát thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thương nhân gian sanh lại cuộc đời này để mở màn bí mật cho chúng ta hiểu là trong con người Ngài có ông Phật, nên thôi thúc tác động từ Phật bên trong đó, Ngài mới vượt thành đi tu thành Phật. Nếu không có sự thôi thúc này thì làm sao từ bỏ được quyền lợi thế gian, từ bỏ ngai vàng dễ dàng như thế.

Ông Phật bên trong thôi thúc thái tử Sĩ Đạt Ta bên ngoài rất quan trọng, khiến Ngài nghe được chư Thiên từ trong hư không nhắc nhở rằng:

Ngày nay tuổi đã lớn rồi
Sao không nhớ lại những lời nguyện xưa
Xin tu chứng đạo chơn thừa
Trần gian cảnh tục say sưa làm gì

Ngày còn lần lựa thế thì …
Chúng sanh ngu dại ai vì bảo ban
Mau mau mở lối Niết bàn
Khêu đèn trí tuệ vén màn vô minh.

Nhờ có căn lành bên trong mới nghe được chư Thiên nói. Còn nghe ma quỷ nói thì dễ hơn nghe Phật, vì ma quỷ gần ta. Ta chết thành ma, ma sanh làm người.

Chúng ta nay mới phát tâm Bồ đề nghe được kinh Phật, điều này được Ngài Nhật Liên dạy rằng chúng ta giống như con chim trong lồng nghe con chim bên ngoài hót mà muốn sổ lòng thoát ly ra khỏi sanh tử, tức con đường chúng ta đã chọn. Thấy Phật thành Phật và Ngài thương nhân gian sanh lại, nên chúng ta quyết chí tu theo Phật. Và có căn lành nhận ra điều này, mới rơi nước mắt nói rằng chúng ta ví như con rùa mù gặp bộng cây nổi ở giữa đại dương mà bám vào được để lên bờ giải thoát.

Như vậy ý thứ nhất của phẩm Pháp Sư thứ 10 là Phật đã thành Phật và Ngài sanh lại nhân gian này. Chúng ta may mắn gặp Phật và nương được pháp phần nào thì được an lạc và giải thoát phần đó. Nghĩa là chúng ta tu hành có thăng tiến trên đường đạo và giáo lý Phật có công năng làm cho chúng ta sanh ra công đức lành và tiêu trừ phiền não. Đó là ý thứ nhất chúng ta bám vào.

Ý thứ hai trong phẩm Pháp Sư thứ 10 là ở trên cao nguyên đào giếng. Chúng ta thấy rõ tất cả mọi người tu không giống nhau, vì vị trí phát xuất khác nhau. Có người ở trên cao nguyên đào giếng, có người ở bình nguyên đào giếng. Người sống gần sông thì lấy nước rất dễ dàng, tiêu biểu cho Bồ tát sống gần Phật, nên đạt được quả vị tu chứng một cách nhẹ nhàng. Hàng Thanh văn sống ở bình nguyên phát tâm tu là thấy Phật, như Ngài Thiên Thai, hay Nhật Liên Thánh nhân tuy sống cách Phật xa, nhưng phát tâm tu, 10 năm hạ thủ công phu là Ngài Nhật Liên đắc đạo.

Chúng ta tu lâu mà kết quả rất chậm là vì ở trên cao nguyên đào giếng. Chúng ta đến được đất ướt là mừng lắm rồi, vì đã có tiến bộ, không phải chết khát trong sa mạc. Thật vậy, nương vào kinh điển tu hành, ít nhất cũng có được công đức và tâm chúng ta cũng được an lạc trong mọi tình huống, dù giàu nghèo khổ vui. Như vậy là đã tới đất ướt, nên cảm thấy mát lòng một chút. Hoàn cảnh nào chúng ta cũng chịu đựng được. Vì vậy, đến đây chúng ta mới thực hành được hạnh nhẫn nhục, ai nói gì cũng được, chúng ta cũng an là tới đất ướt. Còn lúc trước, chúng ta không chịu thua ai, không nhịn ai đâu, họ nói một, mình nói lại ba, đánh mình một, mình đánh lại ba. Sang Nhật học, Thầy cũng không chịu thua ai, nên học võ; nhưng học rồi thì không muốn đánh ai nữa, nghĩa là tâm đã chịu đựng được, đã tới đất ướt, đất bùn thì cái gì khổ nhục trần gian đổ lên, tâm mình cũng an lạc. Nhờ vậy, Phật lực mới gia bị, che chở, mới làm được việc bất tư nghì. Điều này khiến ta nhớ đến thí dụ ông trưởng giả và cùng tử. Sự thật mình không có khả năng, nhưng được Phật trao cho gia tài thì làm gì cũng được. Và nếu thật sự là cùng tử thì không dám tiêu xài phung phí, vì không phải của mình mà của Phật cho, mình chỉ làm tôi cho Phật. Nhưng được Phật giao cho làm là sung sướng rồi, Phật bổ xứ để chúng ta làm thì sẽ làm được những việc mà không bao giờ ngờ tới.

Khi chúng ta đến đất ướt, đất bùn là sắp đến nước, nên tinh tấn làm không thôi. Thầy đã 74 tuổi, vẫn cố gắng làm thêm để mót công đức để kiếp sau có điều kiện tu và làm được Phật sự. Bây giờ có điều kiện làm mà không làm, mai mốt muốn làm cũng không được. Nhẫn nhục tu hành và siêng năng làm việc được kinh diễn tả là ra công đào giếng không ngừng nghỉ, nhất định sẽ tới nước.

Ý thứ ba của phẩm Pháp Sư thứ 10 dạy rằng muốn tu Pháp Hoa phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai.

Tòa Như Lai là tâm thanh thản, không còn phiền não bao vây, dù gặp việc khó hay dễ, chúng ta vẫn thanh thản, không biện minh. Thanh thản tu, thanh thản làm việc Phật không biết mệt mỏi. Khi nào lòng thanh thản thì được coi là hành giả Pháp Hoa.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với người, hay đến đâu cũng vì lòng từ bi, không phải vì quyền lợi. Cái gì thôi thúc chúng ta đi? Nếu quyền lợi thôi thúc để chúng ta thọ nạn thì nhất định không đi; nhưng vì lòng từ bi dấn thân, chúng ta sẵn lòng. Nếu được như vậy, Phật sẽ lấy y trùm cho mình. Thầy cảm nhận điều này rõ ràng, vào nhà Như Lai là có tâm từ thương xót chúng sinh mà làm, nên có lúc nguy hiểm Thầy vẫn làm, nhưng nhờ Phật trùm y nên vẫn được an lành và được người thương quý. Chỗ có quyền lợi mà vào thì mọi người đều không chấp nhận, nên chắc chắn có đấu tranh xảy ra.

Vì lòng từ bi, vì chúng sinh, sống chết cũng được, vì sau lưng ta đã có Phật. Nhưng nên nhớ rằng khi làm đạo, ta luôn đụng chạm với ác ma, tức đụng đến quyền lợi của người xấu; vì người xấu thì làm vì quyền lợi, cho nên chúng ta làm tốt là cắt mất quyền lợi của họ, tất nhiên họ phải thù oán ta. Như vậy, chúng ta luôn có hàng oán tặc bao vây, Ngài Nhật Liên gọi là có ba hạng người ác là tiếm Thánh tăng thượng mạn, đạo môn tăng thượng mạn và tục chúng tăng thượng mạn. Vì vậy, nếu không có Phật lấy y trùm để cứu, chúng ta không thể đương đầu nổi với ác ma. Ngài Nhật Liên đã từng trải qua kinh nghiệm này, Ngài tuyên dương chánh pháp đương nhiên đụng chạm đến tà pháp luôn nói sai. Đức Phật cũng vậy, trên bước đường truyền bá chánh pháp, Ngài cũng bị ngoại đạo thuê người vu họa và sát hại; nhưng hại không được, vì đã có chư Phật mười phương che chở Ngài và kẻ ác tự chuốc họa vào thân. Biết như vậy, chúng ta không cần quan tâm đến việc vu oan giá họa. Việc của chúng ta đúng mà đụng chạm đến quyền lợi người khác, chúng ta phải chấp nhận quả báo và phải mặc áo giáp nhu hòa nhẫn nhục. Gặp việc đáng giận, đáng buồn, nhưng ta không giận, không buồn, đó là cốt lõi của phẩm Pháp Sư thứ 10, cũng là cốt lõi của việc tu hành trong thời mạt pháp.

Chúng ta đến đâu cũng vì lòng từ bi, tới để giúp chứ không nhờ vả. Và có quyết tâm như vậy, họ xử sự thế nào, chúng ta cũng nhắm mục tiêu đó mà làm. Ngoài ra, tâm chúng ta luôn thanh thản; đối với tất cả mọi việc tốt xấu của trần gian, chúng ta bỏ ngoài tâm.

Có ba điều : nhà Như Lai, áo Như Lai và tòa Như Lai, Phật lực gia bị cho chúng ta được, thì dù ở chỗ vắng vẻ, Phật cũng khiến chư Thiên đến cúng dường, không cảm thấy cô đơn. Thực tế cho thấy người ẩn tu trên núi gần được chư Thiên, vì tâm thanh tịnh, chư Thiên mới đến cúng dường. Khi Phật tại thế, Ngài thuyết pháp có chư Thiên đến nghe, trong rừng đêm vắng, A Nan thấy những tia sáng trong rừng bay lên. Phật nói rằng vì tâm A Nan không thanh tịnh, nên chư Thiên sợ, bay về thế giới của họ.

Chúng ta tụng kinh Pháp Hoa, tâm lắng yên, chư Thiên, chư Thần tới; nếu có người ác đến hại thì chư Thiên sẽ giữ gìn chúng ta. Riêng Thầy cảm nhận được có Hộ pháp bảo vệ mình, nên không sợ và không chết. Hộ pháp long Thiên tuy vô hình, nhưng lại có kết quả thực tế. Thật vậy, khi người ác định giết mình, nhưng tự nhiên họ trở thành hiền, vì chư Thiên tác động tâm họ thay đổi.

Nếu tâm chúng ta không an ổn, Hộ pháp không giữ được, chúng ta sẽ thọ nạn. Giờ trước gặp nguy hiểm, nhưng không chết; giờ sau gặp nạn nhỏ lại không thoát được. Ý này người thế gian nói rằng đi sông đi biển không chết, nhưng chết lỗ chân trâu là gặp hoàn cảnh không đáng chết, nhưng chết, vì ta mất chánh niệm, không còn thanh tịnh, nên thọ nạn ở trường hợp không đáng bị nạn. Biết như vậy, khi ở trong hoàn cảnh không yên ổn, chúng ta cố gắng giữ chánh niệm; nhưng được yên ổn rồi, cần phải nỗ lực tu nhiều hơn, bấy giờ Phật huệ mới gia bị cho chúng ta, nên huệ sanh. Kinh nghiệm của Thầy lúc ở tù năm 1963, trước cái chết, Thầy nhiếp tâm niệm Phật, trì kinh, được thoát nạn và ra tù, được tự do tu, Thầy phải gấp rút tụng kinh để thuộc lòng, tức phải tu nhiều hơn. Cố đem kinh của Phật để vô lòng, nhờ vậy, tâm sáng lần, tăng trưởng Phật huệ, thấy Phật, thì ai gần người như vậy, tâm được an và thấy hằng sa Phật.

Đi tìm đạo gặp Thầy hay chùa mà chúng ta cảm thấy an, thì nên theo. Nếu gặp bất an, nên bỏ đi. Phải tìm chỗ tâm chúng ta được an, tìm bạn mà tâm chúng ta được an để nương tựa. Còn người bất an tìm người bất an để tâm sự, cải vã, là biến chùa thành chợ, thì tu cái gì.

C. CỐT LÕI CỦA PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT THỨ 15

Từ chỗ tâm chúng ta an, tâm chúng ta trụ định là bước qua thế giới của tâm, thế giới vô hình. Thế giới tâm mở ra, ta thấy không giống người thường thấy. Người đời thấy bằng mắt, khác với thấy bằng tâm. Thấy bằng mắt thì thấy thế giới của người tu không đẹp và khổ, nhưng thấy bằng tâm, hoàn toàn thấy vui và đẹp.

Bây giờ, bắt đầu đi vào thế giới tâm linh sẽ thấy khác. Kinh Nguyên thủy thấy Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa, gặp Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, rồi vào ở trong miếu thờ rắn và đến sáng có 500 đệ tử xin quy y với Phật. Nhưng thấy theo Tùng địa dũng xuất thì 500 người này là do Phật hành Bồ tát đạo, giáo hóa họ từ nhiều kiếp trước, không phải mới có. Cũng trên tinh thần này, hôm nay chúng ta gặp khó khăn, chống đối là vì nhân quá khứ chúng ta đã tạo.

Trụ chánh định, sanh trí tuệ, nên ta nhìn đời khác, thấy chỗ nên tới, người nên gặp. Chỗ không nên tới mà tới là thọ nạn, không nên gặp mà gặp là bị nguy hiểm, không nên nói mà nói thì chết chóc, tù đày khó tránh.

Đức Phật độ năm anh em Kiều Trần Như và 55 thanh niên Da Xá, độ ba anh em Ca Diếp, vì những người này đã thọ ơn của Phật từ quá khứ. Năm anh em Kiều Trần Như tuy bề ngoài không ưa Phật, nhưng bên trong kính trọng Phật. Phật nói năm ông này trong kiếp trước làm người đánh cá đã giết Phật, nên họ hối hận, đi tu, đời nào cũng theo Phật. Ba anh em Ca Diếp cũng vậy, không phải tự nhiên họ bỏ ngoại đạo, điều đó không dễ chút nào, vì họ đang làm quốc sư mà bỏ theo Phật, không tiền, không danh lợi, không nhà cửa. Vua Tần Bà Sa La dâng thượng uyển cúng dường Phật cũng không dễ, toàn là những việc bất tư nghì.

Đại thừa nhìn thấy được sự thật là quá khứ những người này đã thọ ơn Phật, nên hiện đời thấy Phật là sanh tâm kính trọng. Vì vậy, nghĩa này là nghĩa Tùng địa dũng xuất, một đêm mà Phật giáo hóa được 1000 người. Những người này ở đâu ra? Thiết nghĩ độ được một người đã khó, huống chi 1000 người ngoại đạo chuyên chống đối Phật, nhưng lại phát tâm làm đệ tử trung thành của Phật.

Nhìn bề ngoài thì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp nghĩ Phật đến để tranh giành quyền lợi, nên muốn sát hại Ngài. Tuy nhiên, mới gặp Phật, ngoài mặt ông đã thấy hình như quen, nhưng vẫn còn nghi ngờ. “Cái hình như” là cái quá khứ đã lưu trong ký ức của ông, nhưng tâm thanh tịnh của Phật đã tác động Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp làm cho ý xấu ác của ông rơi rụng. Ông mới khởi ý niệm Phật là Thánh, ông không phải là Thánh. Tâm của Phật đi thẳng vào tâm Bồ đề của ông khiến cho Phật tánh của ông bộc phát, nên nhận ra được Phật là Thầy của ông, ông có được hiểu biết và uy đức như vầy là nhờ Phật dạy từ kiếp quá khứ, khiến ông sụp xuống lạy Phật. Việc này cũng không dễ và thể hiện sự giáo hóa theo Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 15, Phật nói rằng những Bồ tát này do Ngài giáo hóa là giáo hóa từ kiếp trước, không phải mới giáo hóa mà được dễ dàng như thế. Thực tế chúng ta thấy những đứa con do cha mẹ sanh ra mà cha mẹ còn không dạy được và việc dạy học trò cũng khó. Vậy mà chúng ta thấy Đức Phật giáo hóa thật đơn giản vì Ngài giáo hóa họ từ nhiều đời đã thuần thục, nên nay gặp lại Phật, họ sanh tâm quý trọng liền. Điều này gợi nhắc chúng ta tìm được Thầy hiền bạn tốt là ta kính trọng ngay. Từ quá khứ tốt mới dẫn đến hiện tại tốt, còn kết duyên với việc xấu sẽ dẫn đến quả báo xấu. Cho nên chúng ta phải cố tránh, vì con đường đến quả vị Phật còn xa, việc phải làm còn nhiều, không nên hơn thua với họ mà làm mất cơ hội, trễ chuyến đò. Người thế gian cũng thường nói rằng tránh voi chẳng xấu mặt nào. Gặp voi say rượu mà đụng vô, làm sao sống nổi. Những người hung dữ là ác ma, chúng ta phải tránh. Tìm người đồng hạnh đồng nguyện để làm bạn cùng tu.

Phật nói trong kiếp quá khứ tu hành, Ngài có bốn việc đặc biệt và người nào làm bốn việc đó là bạn của Ngài. Ngài và họ gặp nhau ở bốn việc như sau. Một là ưa làm việc khó làm, người khác không dám làm, nhưng ta dấn thân. Ta luôn chuẩn bị tư thế làm việc khó, vì như vậy dễ sanh được công đức và được người quý trọng. Bồ tát có hạnh này gọi là Thượng Hạnh Bồ tát. Hai là gặp việc lớn hay nhỏ đều làm, việc gì cũng làm là Bồ tát Vô Biên Hạnh. Điển hình như Đức Phật trên đường du hóa độ sanh, Ngài đã xỏ kim cho bà già bên vệ đường, lúc đó không làm việc này mà đòi hỏi việc khác sao có được. Chuẩn bị tư thế ở đâu mình cũng làm được. Ba là tâm luôn thanh tịnh, đừng để ý xấu nổi dậy, là tinh thần của Bồ tát Tịnh Hạnh. Và bốn là hoàn cảnh nào cũng chấp nhận là Bồ tát An Lập Hạnh. Cần làm Phật, Bồ tát làm Phật, cần Thanh văn, làm Thanh văn, cần đóng vai người gánh phân, làm thuê cũng làm; nghĩa là Bồ tát không lệ thuộc việc nào, vì Bồ tát hiện hữu trên cuộc đời để cứu giúp chúng sinh, tạo công đức. Phật khuyên chúng ta nên gần gũi bốn hạng người này.

Bồ tát Tùng địa dũng xuất là Bồ tát từ tâm hiện ra, tức tâm chúng ta có bốn đức tánh này thì sẽ gặp những người tương ưng như vậy. Hạt Bồ đề thứ ba là chúng ta có bốn Bồ tát đồng hạnh nguyện trợ lực tu hành, nhờ đó chúng ta mới thấy được Như Lai thọ lượng.

D. CỐT LÕI CỦA PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG THỨ 16

Yếu chỉ của phẩm 16 là Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời và nhập diệt là Phật Thích Ca, tức ứng hóa thân của Phật. Từ đâu Phật xuất hiện? Phật cũng là người, nhưng cốt lõi tâm linh bên trong chắc chắn khác mọi người. Chúng ta thường tụng là thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca là năng nhơn, tức con người vạn năng làm gì cũng được. Mâu Ni là tịch mặc, tức tâm lắng yên. Hiểu yếu nghĩa này, chúng ta tìm Phật trong nhân gian là tìm người có tâm lắng yên, tức họ trụ định, gặp việc đáng giận đáng buồn, họ không giận không buồn, gặp việc đáng ham muốn, họ không ham muốn.

Tìm Phật vô hình không được, nhưng tìm ngay trong nhân gian, tìm được người nào có tư chất như vậy thì đó là hóa Phật. Thích Ca nghĩa là năng nhơn, tức người làm được tất cả mọi việc, chúng ta theo họ, sẽ không bị rơi vô không tưởng. Và những người làm được việc khó, nhưng tâm thanh thản, thì họ là ứng hóa thân của Phật. Người Tây Tạng coi Lạt Ma là Phật sống, vì tâm họ lắng yên và không từ chối bất cứ việc gì lợi ích cho chúng sinh.

Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên cuộc đời này là ứng thân Phật. Còn hóa thân Phật thì không lâu dài; vì khi tâm lắng yên, chúng ta làm như Phật, nhưng tâm vọng động nổi lên, Phật biến mất. Thực tế có người rất minh triết, nhưng đến lúc khác, họ không còn được như vậy là Phật nhập diệt. Tâm ta lắng yên, Phật hiện vào; nhưng tâm vọng động, ta trở về trạng thái phàm phu, hay lúc đó ta khởi tâm quỷ thần thì ta là quỷ thần.

Ngài Nhật Liên dạy rằng Phật Thích Ca là một ứng thân của Phật trên nhân gian, ta nhìn hay nghe Phật Thích Ca mà thấy được tâm của Ngài là đã gặp được Bổn Phật nằm bên trong Phật Thích Ca. Còn ta chỉ theo thân tứ đại của Phật Thích Ca thì Phật đó đã nhập diệt rồi.

Có thể hiểu rằng Phật ở lâu trên cuộc đời này là Ngài hiện hữu trong một đời. Phật xuất hiện trong thời gian ngắn nhất là một niệm tâm. Vì vậy, người tu tìm bạn tri thức thấy họ xấu, nhưng họ có một niệm tâm tốt thì chúng ta phải nuôi dưỡng niệm tốt này cho tốt thêm. Còn những niệm xấu của họ, chúng ta loại ra khỏi tâm mình.

Nhận chân được yếu nghĩa của hóa Phật như vậy, chúng ta coi tất cả người tu theo Phật đều là hóa Phật, nhưng chỉ là Phật trong một niệm tâm mà thôi. Ví dụ giờ trước khởi tâm thích cúng dường, nhưng giờ sau không cúng nữa là Phật đã nhập diệt. Vì vậy, Phật hiện hữu hay nhập diệt là tùy ở tâm của hành giả.

Chúng ta tu Pháp Hoa, cần quan hệ với Như Lai thọ lượng là Phật bất sanh bất diệt, nhưng phải căn cứ trên Phật hiện tượng để truy nguyên về Phật gốc này. Tuy nhiên, cũng phải có bản tâm thanh tịnh mới gặp được Phật gốc. Tâm chưa thanh tịnh thì thấy Phật sanh diệt, nhưng tâm thanh tịnh là tâm trí lắng yên, vào Thiền định, chúng ta tiếp cận được Phật Di Đà có thọ mạng dài lâu đến mười kiếp.

Từ Phật Thích Ca xuất hiện 80 năm trên cuộc đời này rồi Ngài nhập diệt và nương vào giáo pháp của Ngài, chúng ta đi xa hơn, tiếp cận được chư Phật mười phương là bước thứ hai. Chư Phật mười phương do Phật Thích Ca nói trong kinh và do Phật chỉ cách chúng ta tiếp cận. Tiếp cận bằng cách nào?

Trong phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 có thí dụ lương y và cùng tử. Chúng ta là cuồng tử, Phật Thích Ca là lương y. Ngài tìm thuốc chữa bệnh cuồng của chúng ta là phiền não, nghiệp chướng và trần lao. Tâm chúng ta không lắng yên được, vì phiền não. Người phiền não là người bực tức, tham lam thì nên dùng thuốc diệt tham lam, bực tức. Không có thì giờ đi chùa tu học là trần lao, vì sanh trong gia đình nghèo, phải làm việc cực khổ hoài, không có thì giờ tu. Người như thế sanh ra là để trả nợ thì tu cách nào. Phật dạy Tứ Thánh đế để phá bỏ lòng tham. Lòng tham chúng ta quá nhiều, chứ không phải nhu cầu vật chất cần nhiều như chúng ta tưởng. Người ở nhân gian chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền, nên không bao giờ rảnh rỗi, thì có thuốc trị là xuất gia, ôm bình đi khất thực. Phật thể hiện hạnh khất thực, Ngài vẫn sống ung dung tự tại. Trong khi chúng ta còn tiền để sống, nhưng lo xa, nên nghĩ rằng không có thì giờ để tụng kinh, lạy Phật, đó là trần lao. Người giàu có thường làm nô lệ cho vật chất và chết thành quỷ giữ của. Thuốc Tứ Thánh đế phá bỏ được trần lao. Trừ nghiệp chướng là chúng ta dứt trừ được ba nghiệp của thân khẩu ý, nên tâm lắng yên. Tâm không lắng yên thì không thấy chư Phật mười phương, làm sao thấy được Bổn Phật. Ngài Nhật Liên từng thể nghiệm pháp này. Ngài nhập định 100 ngày thì thấy mười phương Phật và thấy Bổn tôn, Bổn Phật là Đức Tỳ Lô Giá Na. Và từ Tỳ Lô Giá Na xuất hiện thành Phật mười phương giáo hóa chúng sinh, mới có ứng thân Phật.

Tăng Ni và Phật tử nào có niệm tâm thanh tịnh hướng về Phật, được coi là hóa Phật. Từ đó chúng ta tu hành miên mật, hướng về chư Phật mười phương và tìm được Bổn Phật. Bổn Phật không nhập diệt và bất sanh bất diệt; cho nên ta tới được với Đức Phật đó, ta cũng trở thành bất sanh bất diệt, thì lúc đó, ta không sợ sống hay chết của cuộc đời. Vì ta đã là hóa Phật, thay Phật làm lợi ích chúng sinh; cho nên sống làm đạo, chết về Phật. Đó là ý nghĩa phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 thể hiện thành hạt Bồ đề thứ tư trên pháp y của đạo tràng chúng ta.

E. CỐT LÕI CỦA PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC THỨ 17 tiêu biểu bằng hạt Bồ đề thứ 5.

Phẩm 17 ghi rằng khi Phật nói thọ mạng dài lâu của Ngài thì có vô số Bồ tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, hoặc văn trì đà la ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển được pháp luân bất thối và phát đại tâm cầu Vô thượng đạo.

Nghĩa là Phật nói Phật thọ mạng dài lâu mà ai nghe và chấp nhận, tin hiểu được, sẽ đạt được điều đơn giản nhất là văn trì đà la ni, tức nghe, nhớ và hiểu rõ, không quên. Hơn thế nữa, được nhạo thuyết biện tài thì giảng nói một chữ cả đời không hết, người nói không mệt, người nghe không chán. Bồ tát tu Pháp Hoa đúng pháp chắc chắn có được những điều mà người bình thường không có.

Và sau đó, trời mưa hoa, thiên y, bảo cái cúng dường Phật. Thật vậy, chúng ta tu hành không có gì, nhưng thành tựu pháp thì không thiếu bất cứ thứ gì. Vì vậy, đến được sở đắc của phân biệt công đức, sẽ tạo được tất cả những gì ở cuộc đời này, nhằm chỉ cho những gì quý báu Phật đều có đầy đủ.

Riêng chúng ta không đạt được như Phật, mà chỉ được một điều nhỏ là chúng ta sanh được một niệm tín giải đã được nhiều công đức, đó là ý chính thứ nhất của phẩm 17.

Một niệm tín giải là khi đọc tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta tin kinh và tin lời Phật dạy là chúng ta đã có căn lành, vì đây là việc khó tin, khó hiểu. Và từ niềm tin dẫn chúng ta đi xa hơn để hiểu được nghĩa lý sâu xa hơn, là tín giải. Tin nhưng không giải được, dễ bị mê tín. Giải mà không tin là theo thế tục. Vì vậy, người học giỏi, giảng hay, nhưng họ không phải là người tu, không được giải thoát.

Hiểu và giải được những điều mình tin tưởng, sẽ được công đức vô lượng vô biên nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong 80 muôn na do tha kiếp. Như vậy, có được một niệm tín giải, chúng ta được công đức bất khả tư nghì.

Nếu hiểu ý nghĩa thọ lượng của Như Lai là hiểu từ một Phật trong một niệm tâm cho đến chư Phật mười phương và sâu xa hơn cả là nhận chân được Phật bất sanh bất diệt, chúng ta mới có thể sanh Phật huệ Nhứt thiết chủng trí, lại có thể thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thuyết pháp giáo hóa chúng đại Bồ tát và thấy thế giới Thật báo của Lô Xá Na. Nghĩa là từ một niệm tâm thanh tịnh dẫn chúng ta đến hội Pháp Hoa, thấy Phật Lô Xá Na là Phật Báo thân. Nếu thấy như thế thì không cần xây chùa tháp cúng dường.

Ý này nhằm chỉ rằng người thấy Thật báo Lô Xá Na chính là Thích Ca Như Lai. Còn chúng ta mới phát tâm tu hành, cần phải xây tháp, cúng dường, lễ bái, v.v…, cho nên nghĩ chúng ta là Phật là tăng thượng mạn, sẽ bị đọa sâu. Ở đời sau, thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thì chỉ có Ngài Trí Giả thấy, chúng ta chưa tới chỗ này

Chúng ta tu phát xuất từ niềm tin chân chánh và giải theo niềm tin là một niệm tâm này dẫn chúng ta vào đạo. Và được như vậy, chúng ta tiến xa hơn một bước nữa, đi vào được thế giới Phật, mới thấy Đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp giáo hóa chúng đại Bồ tát ở Kỳ Xà Quật; đó là ý thứ hai quan trọng trong phẩm 17.

Thấy Phật Thích Ca là thấy ý nghĩa năng nhơn, tức Ngài làm được việc mà người khác không làm được. Cho nên người ta gọi Phật là đấng toàn năng, làm được việc khó làm nhất, đó là phá vở truyền thống phân chia giai cấp có từ bao đời ở Ấn Độ. Phật đã khiến vua chúa phải đảnh lễ người thuộc giai cấp nô lệ là việc cực kỳ khó làm thời bấy giờ mà Phật đã làm được. Phật bảo vua Ba Tư Nặc phải đảnh lễ người hốt phân Sunita. Như vậy, chúng ta thấy Thích Ca Như Lai là thấy được lực vạn năng của Phật. Cho nên, khi chúng ta tìm Thích Ca Như Lai trên cuộc đời này mà chưa thấy, chúng ta tìm người có năng lực gần như Thích Ca.

Thích Ca Như Lai là người giáo hóa được đại Bồ tát, không phải người thường. Đại Bồ tát chỉ cho Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Chúng ta tìm Thích Ca Như Lai và tìm đại Bồ tát là quyến thuộc của Ngài để coi Thích Ca Như Lai giáo hóa đại Bồ tát như thế nào, ta theo. Giáo hóa đại Bồ tát Tùng địa dũng xuất là giáo hóa những hàng Bồ tát có năng lực phi thường là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Nghĩa là Phật có khả năng làm cho mọi người thanh tịnh, làm cho người thích làm việc khó, trái với người đời chỉ thích hưởng thụ. Theo Đức Thích Ca thì ở hoàn cảnh nào cũng được, việc nào cũng làm và tâm luôn thanh tịnh. Vì vậy, Đức Phật tạo thành thế giới Thật Báo Lô Xá Na kết tinh bằng phước đức và trí tuệ và Bồ tát được giáo hóa cũng là người có phước đức và trí tuệ, không phải là phàm phu. Từ thế giới phàm phu, chúng ta đi lần vào thế giới của đại Bồ tát, mới thấy được thế giới Thật Báo của Lô Xá Na.

Phật có ba thế giới. Một là Ngài xuất hiện ở Ta bà đầy khổ lụy, vì thương nhân gian mà Ngài sanh lại thế giới này để giáo hóa người hữu duyên là Phật Thích Ca. Và từ Phật sanh diệt này, chúng ta nương theo để bước vào thế giới Thật Báo, còn Ta bà là thế giới phương tiện, không phải thế giới thật, chỉ là quán trọ của chúng ta trong đêm dài sanh tử mà thôi. Vào nhà ngũ uẩn có thân phải có khổ, nên thân mạng chấm dứt thì khổ cũng chấm dứt. Phật có khổ thân, nhưng không có khổ tâm. Còn người phàm phu, thân chưa khổ, nhưng tâm đã thọ khổ, gọi là ngồi trên đống vàng mà như ngồi trên đống lửa. Thân chưa khổ, nhưng tâm khổ là tâm đã vào địa ngục, thì chết là vào đó liền. Còn Phật Thích Ca và Bồ tát thân khổ, nhưng tâm không khổ, nên các Ngài bỏ thân là vào Niết bàn. Ví dụ Bồ tát Quan Âm bị hất hủi, thân khổ, nhưng tâm là Bồ tát làm việc khó làm là không cần nói ra điều oan ức. Các Bồ tát lớn làm việc khó, nên có việc khó, các Ngài xuất hiện và hết việc khó, các Ngài ra đi, không kẹt phú quý lợi danh. Hiểu yếu lý này, chúng ta tìmngười như vậy để theo học. Trong hoàn cảnh khó, chúng ta mới thấy có người tài đức xuất hiện.

Thế giới Thật Báo Lô Xá Na có Phật và các Bồ tát lớn theo trợ hóa Ngài. Nếu không như vậy, làm sao Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp bái được Sa môn Cồ Đàm không có tài sản gì cả.

Thấy được thế giới Thật Báo thì không cần xây chùa tháp cúng dường, vì xây chùa tháp chỉ là mới phát tâm tu phước. Đến thế giới Thật Báo, thấy rõ tâm chúng ta thế nào thì thế giới đó hiện ra như vậy. Cho nên Phật và Bồ tát chỉ lo xây dựng phước đức và trí tuệ. Các Ngài làm bằng phước đức như Phật Di Đà xây dựng thế giới Cực Lạc bằng phước đức vô lượng. Có phước đức thì phước đức tự tạo cảnh giới mà Phật dạy rằng chánh báo đến đâu, y báo đến đó. Nếu mạng là ăn mày thì không có tiền, nhưng có tiền phải bị cướp mất, không giữ được. Tài sản hợp pháp được luật pháp bảo vệ, còn không có phước, hay luật pháp không công nhận, không bảo vệ mà muốn giữ sẽ mất mạng như không. Người có trí biết giữ không được phải buông, thì còn sống được.

Bồ tát xuất hiện hay biến mất trên cuộc đời này đều có ý nghĩa. Điển hình như Bồ tát Quảng Đức chọn cách ra đi rất đẹp đến độ người ta phải ca ngợi rằng chỗ Ngài ngồi là một thiên thu tuyệt tác. Ngày nay, chúng ta thấy chỗ đó là công viên đẹp. Ngài chọn cái chết rất ý nghĩa, nên Ngài sống mãi trong lòng Tăng Ni và Phật tử.

Thấy được thế giới Thật Báo và tu trong thế giới này, nên không xây dựng chùa, nhưng xây dựng công đức và phước báo thì tất cả vật chất tự tạo thành. Thật vậy, Thầy vừa dự lễ khánh thành chùa Thanh Lương ở miền Bắc. Vì chiến tranh, chùa đó chỉ còn cái nền, nhưng con cháu nhờ hưởng phước của tổ tiên ông bà, nên có một người cháu đời thứ 13 của họ Phạm ra nước ngoài sinh sống, giàu có. Anh này trở về làng xây dựng trường dạy nghề để tạo công ăn việc làm cho dân địa phương và anh cũng phục hồi ngôi chùa của Tổ, đã chi ra số tiền từ 100 đến 200 tỷ. Người có phước báo làm chùa lớn lao như vậy một cách dễ dàng. Người không phước xây một cái am cũng khó, không phước nữa thì mua miếng đất nhỏ cũng bị quy hoạch. Người có phước báo xây chùa bằng phước báo, nên không mệt mỏi. Không phước báo, dùng thủ đoạn cũng không được gì.

Hành giả tu Bổn môn Pháp Hoa cố gắng vào thế giới Thật Báo để biết được nên làm gì, không nên làm gì. Không biết thì dễ chuốc họa vào thân. Biết thì tìm đường giải thoát.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.